“Chạy nước rút” để ôn thi vào lớp 10

Thứ Ba, 28/05/2019, 15:18
Chỉ còn ít ngày nữa là hơn 101 nghìn học sinh lớp 9 tại Hà Nội sẽ chính thức bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập sẽ diễn ra vào ngày 2 đến 3-6. 


Những ngày này, dù thời tiết nắng nóng nhưng học sinh lớp 9 tại Hà Nội vẫn mệt nhoài bởi lịch học rất “căng”. Không chỉ học tại trường, nhiều học sinh còn bận rộn với lịch ôn tại các “lò” luyện thi, tăng ca buổi tối cùng giáo viên kèm tại nhà với mong ước giành được suất vào lớp 10 trường THPT công lập.

Em Hoàng Lan Anh, THCS Trương Định, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: “Năm nay em dự định thi vào trường THPT Kim Liên, Hà Nội, một trong những trường top đầu của thành phố. Do năm nào trường Kim Liên cũng lấy điểm cao nên việc cạnh tranh vào trường thật sự khốc liệt. Mặc dù điểm tổng kết các môn thi trên lớp đều cao nhưng bản thân em không giám chủ quan. Ngoài học ôn tại trường, em còn đăng ký khóa học online để luyện thêm các môn vào buổi tối tại nhà. Với ngân hàng câu hỏi tương đối phong phú, việc học online không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại mà còn có cơ hội được cọ xát với nhiều dạng bài tập, đặc biệt là môn Lịch sử”.

Em Bùi Nam Tiến, THCS Tô Hoàng, Hai Bà Trưng cũng đang chạy nước rút ôn thi để mong có được tấm vé vào trường THPT Việt Đức. 

Tiến chia sẻ: “Ngay từ khi thi xong học kỳ I, em đã bắt đầu ôn tập. Em tăng tốc với môn Ngoại ngữ và Toán. Từ Tết đến nay, em hầu như không có ngày nghỉ, thay vì đi chơi cuối tuần nay các dịp nghỉ lễ, em dành thời gian để học thêm ở trường, ở trung tâm và tự ôn lại kiến thức. Dù đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, nhưng em vẫn cảm thấy rất lo lắng vì năm nay thi 4 môn, nhất là bài thi môn Lịch sử vì thời gian ôn tập không có nhiều như 2 môn Văn, Toán. 2 tuần sát ngày thi, mẹ em đã phải thuê gia sư phụ đạo thêm cho em ở nhà vào buổi tối để hệ thống lại toàn bộ các phần kiến thức, các dạng bài tập cơ bản”.

Học sinh Hà Nội sẽ phải thi 4 môn để giành suất vào lớp 10 công lập.

Chị Đoàn Thị Hạnh ở Thanh Xuân-Hà Nội, phụ huynh có con đang chuẩn bị thi vào lớp 10 trường THPT Nhân Chính cũng cho biết: “Cả tháng nay, ngày nào con gái tôi cũng học đến 12h đêm. Điểm thi thử ở trường của con cũng khá cao, các môn đều trên 8 điểm, nhưng con vẫn không khỏi lo lắng. Là phụ huynh, bản thân tôi cũng rất căng thẳng, nhưng vẫn phải động viên con không nên quá áp lực, tạo tâm lý thoải mái để bước vào kỳ thi. Tôi cũng phải bố trí hợp lý công việc cơ quan để giành nhiều thời gian hơn vào việc ôn tập cùng con, chăm sóc con, tẩm bổ để con được đảm bảo sức khỏe khi cường độ học nhiều, thời tiết thay đổi thất thường, dễ ốm”.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy môn Lịch sử tại Trung tâm giáo dục Hoc mai, cô Nguyễn Thị Quỳnh Mai đưa ra một số lưu ý đối với học sinh trong việc ôn tập môn Lịch sử, môn thi cuối cùng vừa được công bố vào cuối tháng 3-2019. 

Theo cô Nguyễn Quỳnh Mai, đề thi minh họa môn Lịch sử do Sở GD&ĐT vừa công bố để học sinh tham khảo, làm quen cho thấy, kiến thức trong đề thi tương đối cơ bản, không có câu hỏi đánh đố học sinh. Tuy nhiên, do thời gian để ôn luyện môn Lịch sử tương đối gấp gáp, chỉ trong vòng 2 tháng nên các em cần bố trí hợp lý để việc ôn thi hiệu quả. 

Trong đó, ở giai đoạn nước rút này, cần đẩy mạnh việc luyện đề, bấm giờ như thi thật, rèn kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm. Câu hỏi trong đề thi không khó nhưng cần rèn luyện nhiều để hình thành phản xạ và tránh sai sót để mất điểm đáng tiếc. Những vấn đề nào cảm thấy còn khó khăn, vướng mắc có thể trao đổi nhóm bạn cùng học để thảo luận hoặc hỏi trực tiếp giáo viên đang giảng dạy. Đặc biệt, không nên đi học thêm tràn lan dễ dẫn đến tình trạng quá tải, mệt mỏi làm ảnh hưởng đến kết quả học tập chung.

Lưu ý thêm đối với học sinh thi vào lớp 10 năm nay, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT cho biết: Cùng với việc ôn tập kỹ kiến thức để chuẩn bị cho kỳ thi, học sinh cũng cần chú ý thêm các vấn đề liên quan đến quy chế thi, nhất là những điểm mới trong mùa tuyển sinh năm nay. 

Theo ông Phạm Quốc Toản, năm học 2019-2020 là năm đầu tiên Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ thực hiện việc xác định nhập học bằng cả hình thức trực tuyến và trực tiếp. Sau khi công bố kết quả thi, muốn học nguyện vọng nào thì học sinh phải xác nhận nhập học từ 20 đến 22-6 (bằng trực tuyến hoặc trực tiếp). 

Đặc biệt, sau khi có kết quả thi Sở GD&ĐT sẽ cung cấp cho các trường phổ điểm thi, dự kiến điểm chuẩn và tiến hành xét duyệt điểm chuẩn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh trong việc xác định nguyện vọng phù hợp để nhập học.

“Học sinh muốn nhập học tại trường đăng ký nguyện vọng 2 phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn của trường ít nhất 1,5 điểm. Học sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ không được xét tuyển nguyện vọng 2. Khi hạ điểm chuẩn, nhà trường chỉ nhận học sinh đăng ký nguyện vọng 1, không nhận học sinh đăng ký nguyện vọng 2” - ông Toản nhấn mạnh.

Trường ngoài công lập được tuyển sinh bằng xét học bạ THCS

Để tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập tuyển sinh, năm 2019-2020, Sở GD&ĐT Hà Nội cho phép các trường tuyển sinh bằng cả phương thức xét kết quả thi và xét học bạ. 

Cụ thể, trong số 105 THPT công lập tự chủ tài chính và trường THPT ngoài công lập trên địa bàn thành phố, có 87 trường tuyển sinh lớp 10 bằng phương thức xét học bạ, chiếm 83%. Nếu chỉ có nguyện vọng học lớp 10 tại các trường THPT công lập tự chủ tài chính hoặc trường THPT ngoài công lập có tên trong danh sách trên, học sinh không cần phải tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 diễn ra vào ngày 2 và 3-6-2019. Các trường này tuyển sinh bằng cách xét học bạ của học sinh ở cấp THCS.

PV

Huyền Thanh
.
.
.