Cần trang bị cho trẻ các kỹ năng an toàn trên môi trường mạng

Thứ Hai, 04/05/2020, 09:02
Sau khoảng 3 tháng nghỉ học để phòng, chống dịch COVID -19, đến nay nhiều học sinh trên cả nước đã quen với phương pháp học trực tuyến. Có lẽ phương pháp này không chỉ là một giải pháp ứng phó trong mùa dịch mà sẽ thành phương pháp học tập mới trong thời đại công nghệ 4.0.

Tuy nhiên, để việc học và tương tác trực tuyến an toàn, trẻ cần được trang bị những kỹ năng an toàn trên môi trường mạng.

Tăng nguy cơ trẻ bị xâm hại trên môi trường mạng trong dịch COVID-19

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, trong đại dịch COVID-19, cuộc sống của hàng triệu trẻ em tạm thời bó hẹp trong gia đình và màn hình máy tính, ti vi. Hơn 1,5 triệu trẻ em và thanh thiếu niên bị ảnh hưởng do các trường học ở hầu hết các quốc gia đóng cửa do dịch bệnh. Trong thời gian này, học sinh học tập, giao lưu nhiều hơn trên mạng Internet.

Việc dành nhiều thời gian hơn trên các nền tảng ảo có thể khiến trẻ em dễ bị bóc lột tình dục, dụ dỗ và lừa gạt bởi nhiều kẻ xấu đang tìm cách lợi dụng tình hình dịch COVID-19. Bên cạnh đó, trẻ cũng dễ tiếp xúc với các nội dung độc hại, bạo lực, gia tăng nguy cơ bị bắt nạt trên mạng…

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ phòng, chống bạo lực toàn cầu, tại mỗi thời điểm có khoảng 750.000 người tìm cách tiếp cận trẻ em qua mạng vì mục đích tình dục; 75% trẻ có tiếp xúc với nội dung phản cảm trên mạng xã hội. Như vậy, mạng Internet không chỉ mang đến những lợi ích, cơ hội lớn trong học tập, mà còn hiện hữu cả những nguy cơ mất an toàn đối với trẻ em.

Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội, tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 nhận được rất nhiều cuộc gọi của trẻ em và các bậc phụ huynh. Trong đó, nhiều phụ huynh bày tỏ băn khoăn, lo lắng về việc con em sử dụng các thiết bị công nghệ truy cập mạng trong thời gian dài, điều này thể hiện mối quan tâm rất lớn của gia đình đối với vấn đề này.

Tuy nhiên, ông Đặng Hoa Nam khẳng định, trẻ em cũng có quyền tiếp cận thông tin. Trong thời đại 4.0, Internet là một phương tiện cung cấp thông tin, giải trí tuyệt vời, không thể thiếu trong đời sống, kể cả với trẻ em. Vì thế phụ huynh, người làm giáo dục, những nhà hoạch định chính sách cần có trách nhiệm chung tay bảo vệ hệ sinh thái, đảm bảo an toàn trên môi trường mạng.

Việc kiểm soát tin xấu, tin độc, phòng tránh rủi ro trên mạng, cũng giống như việc thế giới đang tìm vaccine chống dịch COVID-19. Do vậy, làm sao để trẻ có một loại vaccine giúp trẻ tự ý thức, tự biết cái gì cần sử dụng, sử dụng bao nhiêu thì vừa là điều khó khăn. Vaccine phòng dịch có thể chỉ cần tiêm 1-2 mũi là có thể phòng bệnh, nhưng vaccine phòng tránh rủi ro cho trẻ trên mạng thì phải theo trẻ suốt quãng thời gian tuổi thơ. Vaccine này cần được “tiêm” mỗi ngày một ít với sự trợ giúp, hỗ trợ của cha mẹ, thầy cô giáo và truyền thông xã hội thông qua việc cung cấp thông tin, kỹ năng cho trẻ.

Phụ huynh cần hướng dẫn trẻ em khi tham gia trên không gian mạng, tránh hệ quả xấu. Ảnh minh họa.

Đồng hành cùng con

Không thể phủ nhận được những lợi ích mà Internet mang lại cho cuộc sống của mỗi người. Có lẽ, đa số phụ huynh đều hiểu được những lợi ích, mặt tích cực của Internet nhưng cũng không thể không lo lắng về những rủi ro con có thể gặp. Trò chuyện với con về cách thức sử dụng mạng là điều cần thiết bố mẹ nên làm. Thế nhưng thực tế lại cho thấy, không phải ông bố, bà mẹ nào cũng biết cách trò chuyện, chia sẻ với con để trẻ cảm thấy tin tưởng, sẵn sàng đồng hành cùng cha mẹ.

Chị ĐỗThùy Dương, người sáng lập nhóm "Mẹ hiện đại", đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội chia sẻ: Thời gian diễn ra dịch COVID-19 là giai đoạn mà tất cả mọi người, từ người lớn đến trẻ con đều phải học. Thế giới các con đang sống và trưởng thành sẽ khác với thế giới của cha mẹ. Vì vậy, không thể áp đặt thế giới của cha mẹ cho các con. Cuộc sống trong thời gian dịch COVID-19 chắc chắn có nhiều xô lệch, không giống bất cứ giai đoạn nào nên mỗi người cần tìm cách thích ứng.

Cha mẹ và con cái nên đối thoại với nhau để cùng duy trì những hành vi tốt, đồng thời tạo cơ hội để con trải nghiệm, tự nhận diện rủi ro, tham vấn người lớn khi cần. Người lớn hãy làm gương, thực hiện điều tích cực mỗi ngày. Việc kiểm soát con cái quá mức sẽ khiến con cảm thấy không được tin tưởng, phá vỡ mối quan hệ với bố mẹ, có thể sẽ dẫn đến nhiều rủi ro lớn hơn.

Đồng tình với quan điểm này, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho rằng, trong mỗi người có 2 con người song hành: Một con người trưởng thành, hiểu biết, có thể hướng dẫn, giúp đỡ con những khi con cần và một người khác chính là tuổi thơ của mỗi người, có thể làm bạn, gần gũi, đồng hành cùng con. Để làm được, cha mẹ cần kiên trì thực hiện hằng ngày để trẻ tin tưởng rằng điều người lớn đang làm là tốt cho con.

Cha mẹ không nên can thiệp và kiểm soát quá sâu mà hãy đi bên cạnh con, chỉ can thiệp khi con có nguy cơ gặp nguy hiểm; để con tự trải nghiệm và trưởng thành. Nếu sử dụng các giải pháp công nghệ để khống chế thời gian vào mạng và thông tin trẻ tiếp cận thì cần khéo léo, dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, công khai cho con biết và đặt ra thỏa thuận…

Ông Ngô Việt Khôi, chuyên gia đào tạo nhận thức an toàn mạng cho rằng, khoảng cách thế hệ giữa bố mẹ và con cái ngày càng lớn, không dễ để bố mẹ có thể đồng hành cùng con. Hầu hết các bậc phụ huynh thường có xu hướng kiểm soát con, nhưng đa phần lại không biết đến những tính năng quản lý con qua Internet mà chỉ thông qua quan sát, kiểm tra một cách trực tiếp. Do đó, các bậc phụ huynh cần học cách hành xử, trau dồi kỹ năng, kiến thức để giúp con bước vào thế giới số đúng hướng.

Trong thời đại công nghệ số ngày càng phát triển, các gia đình cần xác định sẽ chung sống hòa bình với mạng Internet. Tuy nhiên do trẻ em có khả năng tự chủ và nhận định nguy cơ rủi ro thấp hơn so với người lớn, nên cha mẹ cần bình tĩnh hướng dẫn con, mỗi gia đình cần có quy ước thỏa thuận về thời gian, nội dung, các trang web mà con được xem… Nếu các thành viên trong gia đình có một thỏa thuận dựa trên sự tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau và có các hoạt động chung, cùng chia sẻ thì việc trẻ tiếp cận nhiều với Internet sẽ mang lại nhiều lợi ích, sự lo lắng sẽ được giảm bớt...

Minh Huệ
.
.
.