Bước chuyển mình mạnh mẽ cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục

Thứ Năm, 02/01/2020, 09:39
Năm 2019, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp và đạt được những kết quả tích cực. Không ít sự kiện và kết quả rất quan trọng, lần đầu tiên diễn ra, trở thành bước chạy đà, chuyển mình quan trọng cho công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Dẫu vậy, vẫn còn đó những mặt khó khăn, tồn tại cần sự chung sức và chia sẻ của toàn xã hội để tiếp tục sự nghiệp đổi mới giáo dục của nước nhà.

Luật Giáo dục (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, từng bước tháo gỡ “nút thắt” phát triển giáo dục

Năm 2019, Luật Giáo dục (sửa đổi) được Quốc hội chính thức thông qua với số phiếu đồng thuận cao. Trước đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cũng được thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2019.

Việc hai Luật được Quốc hội thông qua thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) trong việc thể chế hóa các quan điểm và định hướng của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển giáo dục, thúc đẩy hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo.

Bộ GDĐT đã và đang tích cực hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành hệ thống các văn bản hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học để triển khai thực hiện, tạo đà cho tự chủ đại học phát triển, ngày càng đi vào thực chất, đưa chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới.

Công bố 5 bộ sách giáo khoa lớp 1, tích cực chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình GDPT mới

Năm học 2018-2019 đánh dấu một sự kiện quan trọng của giáo dục nước nhà khi chương trình giáo dục phổ thông mới chính thức ban hành vào tháng 12 năm 2018. Sau các bước thẩm định nghiêm ngặt, tháng 11-2019, Bộ GDĐT đã chính thức công bố 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 và được các chuyên gia trong nước, quốc tế đánh giá tích cực về nội dung, tiệm cận với xu hướng quốc tế.

Bộ GDĐT cũng đã công bố Dự thảo Thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 trong các cơ sở giáo dục phổ thông theo tinh thần NQ88 của Quốc hội đảm bảo tính công khai, minh bạch, dân chủ và linh hoạt.

Bộ GDĐT yêu cầu việc công bố giá sách giáo khoa lớp 1 phải được hoàn thành trước ngày 15/2/2020. Bộ GDĐT đã và đang tập trung bồi dưỡng cho 4 nhóm đối tượng là giảng viên sư phạm chủ chốt, giáo viên phổ thông, hiệu trưởng các trường phổ thông và cán bộ quản lý cấp sở/phòng GDĐT.

Bộ cũng đã xây dựng và ban hành các chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông; chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông theo hướng nâng cao tiêu chuẩn, tiêu chí và phù hợp hơn với thực tiễn.

Nhằm tăng cường cơ sở vật chất, chuẩn bị cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, trong năm học 2018-2019 có hơn 14.308 phòng học được bổ sung mới. Các địa phương quan tâm nhiều hơn đến việc đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ để tăng tỉ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày.

100% học sinh tham dự Olympic quốc tế và khu vực đoạt giải, chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên

Năm 2019 tiếp tục là một năm “giàu” thành tích của học sinh Việt Nam tại các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực với 100% học sinh tham dự đoạt giải. Đặc biệt lần đầu tiên Việt Nam giành điểm tuyệt đối trong phần thi thực hành tại Olympic Hóa học quốc tế; lần đầu tiên Việt Nam có thí sinh vừa đoạt Huy chương Vàng, vừa đoạt giải đặc biệt nữ sinh có thành tích cao nhất Olympic Vật lý quốc tế.

Lãnh đạo Bộ GD & ĐT đón đoàn Olympic Toán học quốc tế trong niềm vui chiến thắng của các em học sinh Việt Nam.

Kết quả PISA 2018 được OECD công bố ngày 3-12-2019 cho thấy, học sinh Việt Nam có điểm số vượt trội ở cả 3 lĩnh vực là Đọc hiểu, Toán học và Khoa học. Đặc biệt, học sinh Việt Nam được đánh giá là có tinh thần thái độ tích cực làm bài, tỷ lệ có mặt tham gia cao, tỷ lệ trả lời hết các câu hỏi thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Tuy nhiên, do kết quả của học sinh Việt Nam có sự khác biệt quá lớn, nằm ngoài mô hình đánh giá của PISA nên OECD chỉ công bố dữ liệu điểm và phân tích kết quả mà không đặt Việt Nam vào bảng so sánh với các quốc gia khác.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 lại niềm tin của nhân dân

Tại họp phiên thường kỳ tháng 7/2019 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương ngành giáo dục tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Thủ tướng nhấn mạnh, việc kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 được Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các cấp, các ngành và các địa phương tổ chức thành công là một trong những việc lớn, đáng vui mừng.

Kỳ thi THPT quốc gia 2019 với sự nỗ lực nghiêm túc của cả bộ máy chính trị đã lấy lại được niềm tin cho xã hội.

Kỳ thi năm nay đã được tổ chức tốt hơn, nề nếp và chất lượng hơn so với kỳ thi năm 2018. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đã lấy lại niềm tin của nhân dân, được Chính phủ và Quốc hội đánh giá cao.

Từ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, năm 2020, kỳ thi sẽ được giữ ổn định như năm 2019, nhằm đánh giá chính xác kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học và làm cơ sở cho tuyển sinh giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.

Bộ GDĐT cũng đang hoàn thiện phương án về kỳ thi THPT quốc gia trong giai đoạn 2021-2025 theo hướng đảm bảo không xáo trộn lớn so với năm 2019 nhưng sẽ điều chỉnh phù hợp với thực tế. Kỳ thi vẫn tổ chức thi trên giấy như hiện nay nhưng đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy theo lộ trình đảm bảo tính khả thi.

3 đại học của Việt Nam vào bảng xếp hạng tốt nhất toàn cầu, 8 trường đại học nằm trong top 500 Châu Á

Ngày 12-9-2019, tuần san Times Higher Education (THE) chính thức công bố bảng xếp hạng đại học tốt nhất toàn cầu. Đây là bảng xếp hạng rất có uy tín được THE công bố thường niên, và lần đầu tiên Việt Nam có 3 cơ sở đại học có tên trong bảng xếp hạng, gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Cụ thể, Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được xếp trong nhóm 801-1.000 đại học tốt nhất, còn Đại học Quốc gia TP.HCM trong nhóm 1.000+.

Ngày 27-11-2019, theo kết quả chính thức do QS công bố tại Hội thảo QS APPLE Conference 2019 tại Fukuoka, Nhật Bản, Việt Nam có 8 cơ sở giáo dục đại học nằm trong top 500 của bảng xếp hạng các trường đại học châu Á của QS năm 2020. Toàn châu Á hiện có 13.578 đại học và học viện.

8 trường gồm: Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Cần Thơ, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Duy Tân.

Bộ GDĐT sẽ tiếp tục định hướng, tạo cơ chế cho các cơ sở GDĐH tự chủ và phát triển; tham mưu với Chính phủ những giải pháp nhằm phát triển một số cơ sở GDĐH, ngành đào tạo mang tầm khu vực, quốc tế; thực hiện có hiệu quả một trong ba đột phá chiến lược là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển đất nước.

Lần đầu tiên công bố hệ thống dữ liệu toàn ngành

Năm 2019, Bộ GDĐT hoàn thành xây dựng và công bố cơ sở dữ liệu toàn quốc về giáo dục. Đây là lần đầu tiên một cơ sở dữ liệu đầy đủ thông tin của gần 53.000 trường học, 1,5 triệu giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục và gần 23 triệu hồ sơ học sinh, sinh viên được công bố.

Đây là kho dữ liệu hữu ích phục vụ công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch và thực thi các chính sách quản lý ngành có hiệu quả. Nguồn dữ liệu này cũng sẽ giúp cơ quan quản lý ra các quyết định tuyển dụng, sử dụng hiệu quả, khắc phục tối đa những bất cập trong quản lý, sử dụng đội ngũ giáo viên hiện nay.

Cũng trong năm 2019, toàn ngành đã xây dựng được hệ thống kho học liệu điện tử với 5000 bài giảng e-learning có chất lượng, đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa.

Cũng từ nền tảng CNTT, công tác chỉ đạo điều hành, cải cách hành chính tại Bộ GDĐT được cải thiện đáng kể. Chỉ số về hiện đại hóa hành chính năm 2018 của Bộ đứng thứ 2 trên tổng số 18 bộ, cơ quan ngang bộ.

Bộ GDĐT đang hoàn thiện kiến trúc tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành với 6 cấu phần. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả Đề án về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bức tranh toàn cảnh của giáo dục nước nhà, bên cạnh những kết quả quan trọng, những gam màu sáng chủ đạo nêu trên, vẫn còn đó những gam trầm, những bất cập, khó khăn và tồn tại cần thời gian và sự quyết tâm của ngành, sự đồng lòng, chung sức chung tay của toàn xã hội để giải quyết.
Vẫn còn đó những thầy cô giáo phải vật lộn với mưu sinh với mức lương không đủ sống; tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ vẫn diễn ra; không ít vụ tai nạn liên quan đến việc đưa đón trẻ đến trường, điển hình là vụ việc ở Trường Gateway khiến bé trai 6 tuổi tử vong; tiêu cực tại trường ĐH Đông Đô và dấu hiệu sai trái tại một số cơ sở giáo dục đào tạo khác; hàng loạt các cá nhân liên quan đến tiêu cực thi cử 2018 tại Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La lần lượt bị kỷ luật và đưa ra xét xử, như những hồi chuông cảnh báo, để ngành Giáo dục quyết tâm nói không với tiêu cực và kiên quyết loại bỏ tiêu cực ra khỏi hệ thống giáo dục.
Minh Thu
.
.
.