Thi tốt nghiệp THPT 2020:

Bảo quản riêng bài thi của nhóm F1 để tránh nguy cơ lây nhiễm

Thứ Bảy, 01/08/2020, 16:45
Chỉ còn 8 ngày nữa sẽ diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Tuy nhiên dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh và có những diễn biến phức tạp, nguy cơ lây nhiễm nhanh, điều này khiến các địa phương lo lắng sẽ ảnh hưởng tới tất cả các khâu của kỳ thi từ công tác in sao đề thi, tổ chức thi cho đến quá trình chấm thi.


Ông Lê Hải Hòa-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, phương án ban đầu Cao Bằng bố trí 214 phòng thi tại 24 điểm thi nhưng bây giờ thực hiện giãn cách phòng chống dịch COVID-19 số phòng thi đã tăng lên 428 và điểm thi tăng lên 40. 

Hiện công tác in sao đề thi đang được triển khai nhưng ông Hòa lo ngại việc tăng đột ngột số điểm thi, phòng thi sẽ ảnh hưởng đến công tác in sao đề thi, bảo quản đề thi, thanh kiểm tra việc tổ chức thi. 

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh chia sẻ: Ban chỉ đạo thi cấp thành phố đã yêu cầu các mỗi điểm thi bố trí thêm một phòng thi cách ly. Cùng với đó thành phố cũng sắp xếp một trường THCS làm điểm thi dự phòng riêng, trong trường hợp số thí sinh thuộc diện F1, F2 quá đông sẽ đưa vào sử dụng. 

Hiện, tất cả cán bộ tham gia in sao đề thi tốt nghiệp THPT của TP. Hồ Chí Minh đều được lấy mẫu xét nghiệm để đảm bảo không lây nhiễm bệnh trước khi vào khu cách ly làm công tác in sao đề thi. 

Tuy vậy, điều ông Đức băn khoăn vẫn là khâu chấm thi khi theo dự tính ban đầu, 600 cán bộ chấm thi sẽ tập trung tại một điểm. Nếu đối chiếu với quy định chống dịch hiện nay sẽ vi phạm quy chế tập trung đông người nên cần xin ý kiến của Ban chỉ đạo thi cấp quốc gia để có phương án phù hợp.

Bộ Y tế khuyến cáo thí sinh nên đeo khẩu trang trong suốt quá trình thi tốt nghiệp THPT.

Trước băn khoăn của các địa phương, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho rằng: Việc in sao đề thi là cực kỳ phức tạp, nhất là đề thi trắc nghiệm. Do vậy, các địa phương cần phải có những tính toán kỹ lưỡng trong việc tổ chức phòng thi, điểm thi, giãn cách phù hợp để không bị động trong công tác in sao đề thi. 

Ông Trinh cũng cho biết, hiện quy chế quy định khoảng cách giữa học sinh là 1,2m thì có thể giãn cách là 1,5m. Còn tại những địa phương không có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh thì vẫn có thể thực hiện giãn cách học sinh theo quy chế. Tuy vậy, ông Trinh cũng thừa nhận: Nếu tổ chức điểm thi ngay tại khu cách ly cho đối tượng F1 thì sản phẩm bài làm của học sinh có thể trở trở thành nguồn lây bệnh. Do vậy, các địa phương phải tính toán kỹ bài thi sẽ phải được bảo quản thế nào ở khu cách ly? 

Vừa đảm bảo an toàn vừa đảm bảo khoanh vùng dịch. Và những bài thi này sẽ được tổ chức chấm riêng và chấm sau cùng. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng đồng tình với phương án phân loại thí sinh dự thi thành 4 nhóm. Đồng thời lưu ý, thí sinh F1, F2 khi vào phòng thi cần phải đeo khẩu trang và giảm số học sinh trong một phòng để đảm bảo giãn cách an toàn.

Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết: Trước diễn biến mới của dịch COVID-19, Thanh tra Bộ đã liên hệ với các cơ sở giáo dục ĐH để xây dựng ngay phương án bổ sung, thay thế đội ngũ cán bộ, giảng viên ĐH làm công tác kiểm tra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. 

Đối với các địa phương có dịch COVID-19 trên địa bàn, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã xây dựng phương án điều động cán bộ, giảng viên ĐH tại các địa phương khác thay thế trong công tác kiểm tra thi. Dù có sự thay thế nhưng việc tổ chức tập huấn và thực hiện kiểm tra đạt tiêu chuẩn vẫn sẽ diễn ra bình thường, kịp tiến độ. 

“Hiện tại, cả nước có 235 trường ĐH và mới sử dụng 130 trường nên số dư vẫn còn nhiều. Nguyên tắc của Bộ là ưu tiên điều động những trường ĐH lớn, có quy môn tuyển sinh và kinh nghiệm làm công tác thi nhiều năm”- ông Cường nói. 

Cũng theo ông Cường, Thanh tra của các địa phương sẽ phải tập huấn các khâu từ chuẩn bị, coi thi, chấm thi còn số giảng viên đến từ các trường ĐH chủ yếu tập huấn kiểm tra công tác coi thi và đều có hướng dẫn bằng các video clip.

Huyền Thanh
.
.
.