Xét tuyển đại học bằng điểm học bạ có đáng tin cậy?
Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã có gần 80 trường đại học (ĐH) công bố điểm trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển học bạ THPT năm 2022. Nhìn chung, mặt bằng điểm trúng tuyển học bạ của các trường năm nay đều cao hơn năm 2021. Trong đó, cá biệt có một số trường điểm chuẩn cao ngất ngưởng. Thực tế này khiến dư luận không khỏi đặt ra nhiều nghi ngại như: có hay không tình trạng các trường THPT tìm cách “làm đẹp” học bạ cho học sinh và việc xét tuyển bằng phương thức này liệu có đáng tin cậy?
Trong số các trường ĐH có phương án xét tuyển bằng bằng kết quả học tập bậc THPT, Học viện Ngoại giao đang có mức điểm chuẩn học bạ cao nhất cả nước với 32,18 điểm đối với ngành Truyền thông quốc tế khối C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý), một số ngành khác lấy mức điểm chuẩn từ 30,08 trở lên. Mức điểm này là tổng điểm trung bình ba môn trong học bạ THPT theo tổ hợp môn xét tuyển (tối đa 30 điểm) và điểm ưu tiên (bao gồm điểm ưu tiên khu vực, điểm thưởng quy đổi từ thành tích học sinh giỏi và chứng chỉ quốc tế theo quy định riêng của nhà trường).
Tương tự, một số ngành của ĐH Ngoại thương tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng lấy điểm chuẩn xét tuyển học bạ là 30-30,5 điểm (điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình 5 học kỳ trừ kỳ II lớp 12 của ba môn trong tổ hợp xét tuyển và điểm ưu tiên học sinh giỏi, chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế theo quy định riêng của nhà trường).
ĐH Văn hoá Hà Nội có ngành Báo chí, Luật, Quản trị dịch vụ lữ hành đều lấy 30,5 điểm ở tổ hợp C00; Ngành Du lịch- hướng dẫn du lịch quốc tế và Ngôn ngữ Anh với tổ hợp xét tuyển D01 (Toán-Văn-Anh) và A00 (Toán-Lý-Hoá) có điểm chuẩn là 34 và 37 điểm.
Các trường ĐH Cần Thơ, Sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, ĐH Huế, ĐH Giao thông vận tải.. cũng có điểm chuẩn xét học bạ đợt 1 tăng cao so với năm trước, trong đó, có một số ngành, thí sinh gần như phải đạt điểm tuyệt đối mới trúng tuyển.
Đơn cử như ĐH Giao thông vận tải, dù chỉ cộng điểm trung bình 3 năm THPT của ba môn trong tổ hợp xét tuyển và điểm ưu tiên theo quy định của Bộ GD&ĐT, có ngành cũng đã lấy tới 28,37% điểm. Hầu hết các ngành của ĐH Cần Thơ có điểm chuẩn học bạ tăng 2-4 điểm so với năm trước, cá biệt có ngành tăng đến 5 điểm. Nếu như năm 2021 điểm chuẩn cao nhất là 29 và chỉ hai ngành ngoài sư phạm đạt mức điểm này thì năm nay có đến 5 ngành điểm chuẩn từ 29 trở lên, trong đó ba ngành 29,25 điểm. Tại ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, nếu như năm 2021 phương thức xét học bạ chỉ có hai ngành đạt 29 điểm thì năm nay 4 ngành điểm chuẩn 29,75 điểm...
Thầy Đinh Đức Hiền, một giáo viên THPT ở Hà Nội chia sẻ: "Chúng ta đang chứng kiến điểm xét tuyển đại học bằng học bạ tăng đều qua các năm, nếu không muốn nói "lạm phát". Theo thầy Hiền, về mặt lý thuyết, xét tuyển bằng học bạ là hình thức tiên tiến nếu nó phản ánh đúng năng lực học sinh nhưng kèm theo đó chất lượng đào tạo, kiểm tra, đánh giá phải đồng đều ở tất cả các địa phương và phải đảm bảo sự công bằng, minh bạch ở các kì thi thì lúc đó xét tuyển bằng học bạ mới đủ độ tin cậy. Điều đáng nói ở nước ta hiện nay, hai điều này đều khó đảm bảo khi xét trên phạm vi rộng".
Nhiều giáo viên THPT cũng thừa nhận, thực tiễn ở Việt Nam hiện nay, sự nghi ngờ về việc điểm số đánh giá chưa đúng với lực học của học sinh là có cơ sở. Bên cạnh đó, kết quả đối sánh giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ của học sinh do Bộ GD&ĐT tiến hành những năm gần đây cho thấy, có độ “vênh” giữa điểm thi và điểm học bạ tại nhiều địa phương.
TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam cho rằng: Chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông hiện nay chưa đồng đều do mỗi địa phương, mỗi trường sử dụng các “thước đo” khác nhau. Do vậy, nếu nhìn trên bình diện chung, việc các trường chỉ sử dụng điểm học bạ 3 năm THPT để tuyển sinh vào đại học là chưa đủ độ tin cậy đối với xã hội.
TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cũng nhìn nhận: Từ hiện tượng học sinh dù đạt 30 điểm xét tuyển học bạ nhưng vẫn trượt đại học trong mùa tuyển sinh năm 2022 cho thấy, việc đánh giá, cho điểm học sinh tại nhiều trường THPT không còn chuẩn mực khiến kết quả thể hiện trên điểm số không còn thực chất. Nói cách khác, có hiện tượng nhà trường và giáo viên tìm cách “làm đẹp” hồ sơ cho học sinh.
Để chấn chỉnh tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, các trường ĐH không nên đơn thuần sử dụng điểm học bạ bậc THPT để xét tuyển, thay vào đó chỉ nên xem đây là điều kiện ban đầu và phải kèm theo những điều kiện kết hợp khác nữa. Thực tế thời gian qua, một số trường ĐH đã dùng kết quả học bạ kết hợp với các điều kiện khác như chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, hay có thêm bài phỏng vấn, bài luận, bài kiểm tra đánh giá tư duy, đánh giá năng lực để xét tuyển. Cách làm này sẽ có độ tin cậy cao hơn và cũng đảm bảo công bằng hơn là việc chỉ xét tuyển đơn thuần bằng điểm học bạ THPT.