Xuất khẩu phim Việt: Bao giờ cho đến mùa xuân?
- Hãy xem phim Việt hóa như một tác phẩm độc lập
- Ngưỡng nào cho cảnh nóng trong phim Việt?
- Nhiều phim Việt sẽ đến Mỹ
- Phim Việt: Loay hoay đường băng cất cánh!
Mới đây, bộ phim "Cha và con và…" (với tên tiếng Anh là "Big Father & Other Stories", hay còn gọi là "Mekong Stories") đã được Memento Films - nhà phát hành phim nghệ thuật lớn nhất nước Pháp - mua bản quyền phát hành thương mại tại nước này kể từ tháng 4/2016 tới. Theo nhà sản xuất tại Pháp, bộ phim mới của đạo diễn Phan Đăng Di sẽ ra rạp ngày 20/4 và được chiếu tại khoảng 400 phòng chiếu trên toàn nước Pháp. Trước đó, bộ phim nghệ thuật này đã gây tiếng vang khi là phim Việt Nam đầu tiên tranh giải Gấu vàng tại LHP Berlin hồi tháng 2/2015.
Từ bộ phim truyền hình đầu tiên - "Người đẹp Tây Đô" do hãng phim TFS Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh sản xuất - được Đài Truyền hình Thái Lan mua và phát sóng trên truyền hình nước họ vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước đến "Cha và con và..." được mua và phát hành thương mại trên diện rộng, phim Việt Nam đã đi một chặng đường khá dài.
Khoảng giữa của hành trình này, có khá nhiều bộ phim nữa được nhắc đến như "Bẫy rồng", "Áo lụa Hà Đông", "Chuyện của Pao", "Chơi vơi', "Cánh đồng bất tận", "Bi! Đừng sợ"… và mới đây nhất có thêm "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh"… Những bộ phim này được nhập khẩu đa quốc gia, bao gồm các nước châu Á và cả những nước có nền điện ảnh được xem là "kén chọn" như Pháp, Mỹ… Chính điều đó đã mở ra những cơ hội cũng như những hi vọng mới cho một nền điện ảnh còn nhiều bỡ ngỡ như Việt Nam.
Chúng tôi đã có một trao đổi bàn tròn giữa đạo diễn Phan Đăng Di và nhà phê bình phim Châu Quang Phước xung quanh câu chuyện xuất khẩu bộ môn nghệ thuật thứ 7 này nhân dịp đầu năm mới.
Một cảnh trích đoạn phim "Cha và con và..." của đạo diễn Phan Đăng Di. |
PV: Ngoài một vài khởi sắc, điện ảnh Việt Nam vẫn được xem là vùng trũng của nền điện ảnh thế giới. Chúng ta chưa được nhìn nhận một cách sòng phẳng hay chưa đủ tầm?
ĐD Phan Đăng Di: Chúng ta chỉ có thể được nhìn nhận sòng phẳng khi thường xuyên góp mặt tại các khu vực quan trọng nhất của điện ảnh thế giới. Đặc biệt là vòng dự thi chính thức tại 3 liên hoan phim hàng đầu là Cannes, Berlin và Venice. Nhưng để góp mặt và làm nên chuyện tại những nơi như thế này, chúng ta cần phải có một nền điện ảnh mạnh mẽ, đa dạng, tự do và thông thái với nhiều cá nhân xuất chúng.
Đó là một thách thức rất lớn, đòi hỏi quyết tâm cao, trước hết ở các nhà làm phim, đặc biệt các nhà làm phim trẻ. Nhưng cũng là quyết tâm cao của cả những nhà quản lý, lãnh đạo làm sao để cho dòng chảy sáng tạo của nền điện ảnh dân tộc được thông suốt, mạnh mẽ và cập nhật với dòng chảy chung của điện ảnh nhân loại. Đã có những nỗ lực thời gian gần đây từ nhiều phía, hướng về sự hội nhập và phát triển nhưng chừng đó vẫn là quá chậm và chưa đủ để tiếng nói của điện ảnh Việt Nam có một vị thế xứng đáng hơn, quan trọng hơn trên trường quốc tế như lẽ ra nó cần phải có.
NPB Châu Quang Phước: Thẳng thắn mà nói, gọi điện ảnh Việt Nam là "vùng trũng" của nền điện ảnh thế giới thì cũng chẳng sai. Bởi lẽ, ngay các nước láng giềng của mình, vốn dĩ đã từng có lúc có nền kỹ nghệ phim ảnh kém xa so với xứ Việt, nay đã có nhiều phim đường hoàng đến Liên hoan phim quốc tế Cannes, dự tranh ngang ngửa quốc tế và thắng các giải quan trọng.
Tất nhiên, cũng đã từng có một phim Việt là "Mùi đu đủ xanh" (đạo diễn Trần Anh Hùng) nhận được giải Camera Vàng cho phim đầu tay tại Cannes, vào năm 1993. Tuy nhiên cần lưu ý là phim này được quay hoàn toàn tại Pháp, với hãng sản xuất và phát hành đều thuộc Pháp, chỉ có đạo diễn và diễn viên là người gốc Việt! Vì vậy, nếu cho rằng điện ảnh Việt chưa được nhìn nhận một cách sòng phẳng thì có hơi ảo tưởng, còn chưa đủ tầm thì buộc phải công nhận là vậy, với nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan đủ để làm đề tài hội thảo quanh năm suốt tháng vẫn không hết chuyện!
PV: Nếu lấy số 10 làm chuẩn thì anh đánh giá nền điện ảnh Việt Nam đang ở con số bao nhiêu? Theo hai anh, phim Việt cần những yếu tố gì để hội nhập biển lớn?
ĐD Phan Đăng Di: Chúng ta không nên chấm điểm tiềm năng vì xét ở khía cạnh hội nhập, nền điện ảnh Việt mới chỉ đang ở dạng tiềm năng mà thôi. Chúng ta đã có một vài phim, một vài cá nhân bắt đầu đi ra ngoài và được chú ý, nhưng để tạo thành một làn sóng kiểu như làn sóng phim Hàn Quốc, Trung Quốc (gồm cả Hồng Kông, Đài Loan), Thái Lan, Iran từng được biết đến và nể trọng trong giới làm điện ảnh quốc tế thì cần cả một thế hệ mà trong nước thì đoàn kết và hỗ trợ nhau, ra ngoài thì thông hiểu và có thể đối thoại trực tiếp với dòng chảy đương đại của điện ảnh thế giới. Một thế hệ có tài năng, tham vọng, cái tôi sáng tạo đủ mạnh và được xã hội tôn trọng, đủ tự tin để thi tài với thiên hạ nhưng cũng đủ rộng lượng để hướng tới một thứ điện ảnh nhân văn, hiện đại thay vì tự ti và cản đường người khác. Nếu được vậy thì nền điện ảnh chúng ta có thể đàng hoàng tiến ra "biển lớn".
Một cảnh trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ. |
PV: Trong tương lai, hai anh dự đoán dòng phim nghệ thuật hay dòng phim hành động/kinh dị sẽ chiếm ưu thế trong những thương vụ bản quyền phim quốc tế?
ĐD Phan Đăng Di: Về thương mại, những phim có khả năng sinh lời và thu hút đông đảo khán giả sẽ được ưa chuộng. Tôi hy vọng trong tương lai sẽ có những phim thương mại Việt Nam được mua bản quyền để làm lại tại nước khác, tương tự như cách chúng ta đang Việt hoá các phiên bản thương mại thành công của Hàn Quốc hay Mỹ hiện tại.
Ở thị trường phim nghệ thuật, những phim càng đậm chất sáng tạo, có phong cách và dấu ấn riêng của tác giả sẽ được mua và phát hành tại các thị trường quan trọng. "Cha và con và…" lĩnh ấn tiên phong nhưng chắc chắn sẽ còn nhiều phim Việt Nam nữa đi con đường này trong thời gian tới.
NPB Châu Quang Phước: Mỗi dòng phim đều sẽ nhận được sự quan tâm riêng, tùy từng hãng phát hành nước ngoài, với chiến lược có thể điều chỉnh và thay đổi trong từng thời điểm, theo diễn biến đa dạng tùy biến của thị trường phát hành phim trên thế giới. Ở góc độ cần hiệu quả thiết thực của những người "chào hàng" điện ảnh xứ Việt, tôi thiết nghĩ là vẫn nên phát triển song song cả hai nhánh thương mại cũng như nghệ thuật, bởi lẽ cái này sẽ bổ sung tiềm lực tài chính cho cái kia và cái kia sẽ nâng tầm danh tiếng thương hiệu cho cái này, như thế "song kiếm hợp bích" cần và đủ, khi ấy mới thực sự hữu hiệu nếu muốn "mang chuông đi đánh xứ người"!
PV: Cảm ơn hai anh. Chúc hai anh một năm mới sức khỏe, sáng tạo và thành công!