Vở kịch hát "Ngàn năm mây trắng" tôn vinh vẻ đẹp của nghệ thuật truyền thống

Thứ Tư, 21/08/2019, 13:57
Với mong muốn đổi mới nghệ thuật sân khấu truyền thống để tiếp cận với khán giả, đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên và NSND Thanh Ngoan vừa trình làng một vở kịch hát độc đáo "Ngàn năm mây trắng" (tác giả kịch bản: PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ).


“Ngàn năm mây trắng” là vở kịch hát đầu tiên có sự xuất hiện của nhiều loại hình âm nhạc và nghệ thuật truyền thống của Việt Nam như chèo, xẩm, cải lương. Trong đêm ra mắt đầu tiên tại Nhà hát Chèo Kim Mã, vở diễn đã chạm tới cảm xúc người xem bởi những vẻ đẹp lộng lẫy của nghệ thuật truyền thống đựơc kết hợp nhuần nhuyễn trong hành trình đi tìm chồng xúc động của nàng Tô Thị.

Không gian chèo được tái hiện trong “Ngàn năm mây trắng”.

Từng không gian âm nhạc khác nhau được tái hiện lại, bắt đầu bằng cải lương, đến chèo, xẩm và ca Huế. Và ở mỗi một không gian ấy, khán giả lại bắt gặp một câu chuyện khác nhau, lý giải cho sự không trở về của chàng Trần Khôi (Tuấn Thanh) - chồng nàng Tô Thị. 

Tô Thị ôm con thơ đi tìm chồng với niềm tin rằng, chồng nàng không thể chết, đến mỗi vùng quê lại được nghe kể một câu chuyện về chồng bằng chính chất liệu nghệ thuật của vùng quê đó. Đó là Trần Khôi của lớp chèo trung với nước, một lòng yêu vợ, thà chết chứ không chịu lấy con gái hoàng đế phương Bắc. 

Phiên bản xẩm lại kể về Trần Khôi không thể thắng nổi những cám dỗ của thương nhân phương Bắc đã bỏ xứ mà đi. Kịch tính được đẩy lên đỉnh cao khi Tô Thị (NSƯT Thu Trang) và Trương Lỗ (Quang Khải) - người em kết nghĩa của Trần Khôi - đi qua một ngôi đền linh thiêng, tiếng ca Huế của một cô đồng vang lên, kể câu chuyện về một Trần Khôi bị người anh em kết nghĩa của mình hãm hại nơi chiến trận… 

Ở đó, chân dung của người em Trương Lỗ đã bị bóc trần khi hắn có dã tâm giết Trần Khôi để trở về chiếm đoạt Tô Thị vì quá yêu nàng. Theo tác giả Nguyễn Thế Kỷ, câu chuyện dân gian về nàng Tô Thị mà nhiều người được nghe là một câu chuyện quá xót xa: hai anh em vì lưu lạc, không nhận ra nhau lại lấy nhau ở một nơi xa xứ. Vì vậy ông muốn mang đến một câu chuyện bớt đau đớn hơn về nàng Tô Thị.

Ca Huế được trình diễn trong Ngàn năm mây trắng.

“Ngàn năm mây trắng” cho thấy sự tung tẩy của tác giả kịch bản, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ trong việc lý giải một hình tượng. Ông không đóng khung trong một cách nhìn về lịch sử mà hướng đến sự đa nghĩa của một hình tượng. “Ngàn năm mây trắng, ngoài chuyện ca ngợi người đàn ông đi chiến chinh, người phụ nữ ở quê nhà, còn có chuyện người lính thua không phải vì hòn tên mũi đạn mà có thể là vì thương trường, bị lôi kéo. 

Hay chuyện có bao nhiêu anh tài Việt Nam sang đất Bắc, giỏi giang thế nhưng không trở về. Điều này tôi cũng nói được”, tác giả kịch bản Nguyễn Thế Kỷ cho biết. Sau khi tham gia Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 4 tại Hà Nội vào tháng 10 tới, vở diễn sẽ phục vụ công chúng tại Nhà hát VOV, Nhà hát Lớn Hà Nội… 

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ:

Năm 1997, tôi có làm bài thơ “Trước nàng Tô Thị”, tôi đã đưa ra những lý giải khác nhau về hình tượng độc đáo này rằng “Chiều nao khỏi lửa mịt mù/ Ôm con nàng ngóng chinh phu cuối trời/ Hay từ đất khách xa xôi/ Vần thơ đi sứ rối bời niềm đau/ Hay nơi ngõ vắng sông sâu/ Thương trường lỡ bước vó câu bẽ bàng…”

 Tôi viết kịch hát “Ngàn năm mây trắng”, ê kíp dự định sẽ làm một vở sân khấu có sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật, tôi có chút lo lắng, làm thế nào để không biến vở kịch này thành một nồi lẩu thập cẩm. Tôi vẫn nói với đạo diễn Triệu Trung Kiên rằng, về sân khấu, Kiên là đạo diễn nên có toàn quyền quyết định. Tôi gọi Kiên là một phù thủy sân khấu bởi sự biến hóa, sáng tạo của Kiên không giới hạn, giúp cho những kịch bản của tôi được chắp cánh bay lên. Điều thú vị là phần lời bằng thơ tôi viết gần như được giữ nguyên, dù xẩm, chèo, cải lương hay hát văn Huế đều được sử dụng nguyên vẹn.

Thực ra câu chuyện về nàng Tô Thị rất xót xa. Đất nước ta hòn vọng phu có khắp mọi nơi, Thanh Hóa, Bình Định… Nhưng hình tượng nàng Tô Thị làm tôi nghĩ đến “chinh phụ - chinh phu”, người vợ chờ chồng đi chinh chiến. Tô Thị đi tìm chồng nhưng không tìm được ngay. Và tôi muốn nói rằng, ngoài việc ca ngợi tấm lòng thủy chung của người chiến binh, ở đây còn có chuyện, trong chiến tranh người lính có thể sa ngã không vì hòn tên mũi đạn mà bị thương trường lôi kéo hay nhiều anh tài của nước Nam sang đất Bắc không trở về…

Từ một hình tượng lịch sử, chúng ta có thể có nhiều cách lý giải khác nhau. Tôi không chép lại lịch sử nhưng cũng không làm cho lịch sử méo mó đi, mà tôi muốn khai thác sâu hơn về các vấn đề lịch sử. Ở đây, đạo diễn đã xử lý rất nhuần nhuyễn trong việc lồng ghép các loại hình nghệ thuật. Hành trình đi tìm chồng của nàng Tô Thị đi qua các vùng đất gặp các vùng văn hóa, các loại hình nghệ thuật. Tô Thị luôn nghĩ chồng chưa chết, hình tượng người chồng quá đẹp và vẫn sống trong lòng Tô Thị. Niềm tin sắt đá đến mức nàng đã bế con và hóa đá. Một câu chuyện rất xúc động, bởi có lẽ, trong người phụ nữ không bao giờ hết tình yêu thương, niềm tin và sự thủy chung với tình yêu của người ra trận.

Đây là một vở diễn thử nghiệm nhưng vẫn đậm đà truyền thống Việt Nam. Tôi nghĩ, chúng ta có thể mời khách quốc tế xem vở này để giới thiệu những đặc sắc của văn hóa truyền thống Việt Nam.

NSND Thanh Ngoan:

Đây là một vở diễn có đất cho tôi được thỏa sức đan lồng các nghệ thuật truyền thống của Việt Nam như chèo và xẩm, hát văn Huế vào. Tuy nhiên, đó là một thử thách vì lần đầu tiên tôi làm một vở mang tính kết hợp như vậy. Làm thế nào để chèo, xẩm và hát văn Huế vào mà không bị ôm đồm, thành một nồi lẩu, thành một vở kịch hát tổng hợp. 

Làm sao để bảo đảm được sự nhuần nhuyễn và tinh tế khi các loại hình nghệ thuật kết hợp với nhau. Điểm mấu chốt là phải tìm được sự kết nối. NSƯT Trung Kiên và tôi đã tìm được điểm kết nối trong hành trình của nàng Tô Thị đi tìm chồng. Và cuối cùng, bài toán đau đầu, là chọn cái gì thật tinh túy của xẩm và chèo để làm đối trọng với cải lương, vì trong vở này, cải lương chiếm vị trí chủ đạo. 

Làm sao để xẩm, chèo, ca Huế đưa vào không bị đầy và cũng không bị mỏng. Tất cả bài toán đau  đầu đó đã được ê kíp giải bằng đêm ra mắt ấn tượng tại Nhà hát Chèo Kim Mã. Chúng ta đã tôn vinh được vẻ đẹp của âm nhạc truyền thống qua một câu chuyện xúc động lòng người. 

Một câu chuyện, có lẽ rất quen thuộc trong tâm thức người Việt nhưng được khoác một chiếc áo mới từ hình thức cho đến nội dung. Tôi hy vọng, thử nghiệm với “Ngàn năm mây trắng” sẽ mở ra nhiều cách tiếp cận nghệ thuật sân khấu truyền thống, làm mới nó mà vẫn giữ được cái gốc để tiếp cận gần hơn với khán giả.


NSƯT Triệu Trung Kiên:

Thử nghiệm nghĩa là làm những thứ mà người khác chưa từng làm. Đương nhiên cái mới có thể sẽ tạo sự băn khoăn và cả hồ nghi. Nhưng tôi và NSND Thanh Ngoan đều chắc chắn vở diễn sẽ phải giữ được đặc trưng nghệ thuật của từng loại hình. 

Thử nghiệm không chỉ là cuộc chơi của những người làm nghệ thuật mà tác phẩm phải giúp cho khán giả thêm hiểu, thêm yêu sân khấu truyền thống. Yếu tố chính trong vở này là nghệ thuật sân khấu cải lương. 

Trong cải lương có 50% là hiện thực và từ hiện thực đó theo chân nàng Tô Thị đi tìm chồng đã bắt gặp những không gian không hiện thực, những không gian được tái hiện bằng nghệ thuật chèo, xẩm, ca Huế. 

Chính vì vậy mà mỗi loạn hình sân khấu trong vở diễn vẫn giữ được nguyên tác mà không bị nhào trộn, bị nhòe vào nhau hoặc ảnh hưởng đến nhau. Chúng tôi cố gắng để cho mỗi không gian của các loại hình đó được hòa nhập mà không hòa tan, tạo nên một không gian đặc sắc của văn hóa truyền thống Việt Nam. Tôi đã dựng nhiều vở của PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ như “Huyền thoại gò Rồng Ấp, “Mai Hắc Đế”, “Chuyện tình Khâu Vai”… toàn những tác phẩm về đề tài lịch sử. Lịch sử là một đề tài cũ, nhưng cách tiếp cận mới sẽ mang đến cho nó những giá trị mới. 

Sự đổi mới mang tính thể nghiệm này là mong muốn của những người làm nghề như chúng tôi để tiếp cận gần hơn với khán giả vì rõ ràng, nghệ thuật truyền thống như chèo, cải lương, xẩm đang vắng khán giả. Nỗ lực của nghệ sĩ là từng ngày không ngừng đổi mới, sáng tạo để tiếp cận với công chúng, giúp công chúng hiểu vả cảm nhận được những vẻ đẹp độc đáo của kho tàng nghệ thuật truyền thống của Việt Nam.

Lan Tường
.
.
.