Vì sao sân khấu thiếu nhi èo uột?

Thứ Bảy, 01/06/2019, 10:41
Trừ vài chương trình được đầu tư, tổ chức nhân một số ngày lễ dành cho các em như 1-6, Rằm Trung thu,… sân khấu thiếu nhi định kì gần như bị bỏ quên ở cả hai miền Nam - Bắc.

Vắng bóng sân khấu thiếu nhi

Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa lớn nhất của cả nước. Cùng với quá trình nhập cư không ngừng nghỉ, hai thành phố này tập trung số lượng lớn thiếu nhi hơn những nơi khác; đồng nghĩa với việc nhu cầu giải trí của các bé cũng tăng theo. Tuy nhiên, nhìn đi nhìn lại, bức tranh giải trí dành cho đối tượng đặc biệt này vừa thừa sự vô bổ, nhảm nhí; lại vừa thiếu những sân chơi lành mạnh, có tính giáo dục cao.

Trong khi đó, thay vì những phương thức giao tiếp truyền thống thì giờ đây, trẻ em làm quen với mạng internet từ rất sớm. Các bậc phụ huynh phó mặc tuổi thơ của các con cho smartphone với đủ thứ clip bạo lực, kích động… tràn lan, khó kiểm soát trên các kênh youtube, facebook… 

Có không ít vụ việc trong thời gian qua gióng tiếng chuông cảnh báo về tình trạng này, buộc không ít bậc cha mẹ xem phải thay đổi cách quan tâm tới con trẻ. Song, để tìm các sân chơi, điểm sinh hoạt văn hóa cho các em không phải là điều dễ dàng. 

Quay đi quay lại cũng chỉ có công viên, sở thú, phim rạp... Trong khi đó, những loại hình truyền thống như sân khấu không được tổ chức định kì mà chỉ dừng lại ở tính chất mùa vụ, tổ chức vào vài ngày lễ dành cho các cháu.  

Thương hiệu “Ngày xửa ngày xưa” của IDECAF là trường hợp hiếm hoi sống được qua 20 năm.

Chỉ còn vài ngày nữa là tới ngày Quốc tế Thiếu nhi; nhưng đến giờ, sân khấu hè cho các em vẫn im ắng so với nhiều năm trước. Điểm qua các đơn vị ở Hà Nội, thấy rằng, trừ Nhà hát Tuổi trẻ với chức năng của mình thực hiện các vở diễn trong các dịp dành cho thiếu nhi và một số nghệ sĩ tâm huyết với kịch thiếu nhi như Xuân Bắc, Tự Long… thì nhìn chung, sân khấu thiếu nhi bị quên lãng. 

Trong khi đó, sân khấu thiếu nhi ở TP Hồ Chí Minh vốn nhộn nhịp vào các năm trước với nhiều chương trình như “Alibaba với đầy đủ 40 tên cướp với lại cây đèn thần của Aladin nữa đó!”, “Tiên hắc ám”, nhạc kịch “Thủy Tinh - Đứa con thứ 101”, chương trình “Nàng tiên cá và viên ngọc biển xanh”… thì năm nay, ngoài thương hiệu “Ngày xửa ngày xưa” 20 năm của Sân khấu IDECAF, nhìn chung có vẻ cũng… im ắng. Thậm chí, có người còn đưa ra dự báo về cái chết lâm sàng của sân khấu thiếu nhi đang đến gần. 

Trong một cuộc bàn tròn về sân khấu dành cho thiếu nhi được tổ chức mới đây tại TP Hồ Chí Minh, với sự tham gia của các nghệ sĩ sân khấu, đại diện Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh, Thành đoàn… sự vắng bóng của các chương trình sân khấu cho các em khiến nhiều người phải giật mình. 

Bởi lẽ, TP. Hồ Chí Minh vốn là “đất” của sân khấu, lâu nay vẫn được đánh giá là một trung tâm hiện đại, năng động, có bản sắc mà không có nổi một nhà hát dành cho thiếu nhi. Đã thế, cả thành phố có tới 24 nhà văn hóa thiếu nhi trải khắp các quận, huyện nhưng nhìn lại cũng không có một chương trình sân khấu nào cho các em. 

Trong khi đó, chương trình “Sân khấu học đường” với mục đích giúp các em cảm thụ về giá trị sân khấu truyền thống, tác dụng của nghệ thuật sân khấu đối với đời sống xã hội, bồi đắp cho thế hệ trẻ ý thức trân trọng, gìn giữ và phát huy những giá trị của nghệ thuật sân khấu dân tộc lại “mang tính phong trào” (theo lời ông Lê Ngọc Điệp - nguyên Trưởng phòng giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh). Đến thầy cô cũng chẳng mặn mà gì bộ môn nghệ thuật này, nói gì, truyền được cảm hứng đến cho các em.

Ông Nguyễn Thế Vinh, nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam từng nói rằng: “Xu hướng phát triển của sân khấu trên thế giới lấy thiếu nhi làm đối tượng phục vụ. Cùng với thiếu nhi, người làm sân khấu hướng tới thu hút thêm các đối tượng như phụ huynh, ông bà”. 

Tuy nhiên, nhìn lại, có vẻ, nước ta đang đi một con đường… ngược. Nếu có tổ chức các cuộc họp, tọa đàm, hội thảo… về sân khấu thì cũng hướng đến sân khấu người lớn, còn sân khấu thiếu nhi hình như bị “bơ” một cách gọn gàng. 

Điều đó đặt ra không ít băn khoăn về ứng xử của chúng ta đối với các em - thế hệ tương lai của đất nước. Trong khi đó, những người còn đam mê, nhiệt huyết và trách nhiệm với thiếu nhi ngày một già nua, giữ lửa trong nhiều điều kiện khó khăn, thiếu thốn. Nếu một ngày họ “buông tay”, sân khấu thiếu nhi sẽ còn lại gì nếu không phải là sự biến mất hoàn toàn?

Sân khấu thiếu nhi đang bị “ngó lơ”.

Cần phối hợp đồng bộ

Nhiều lí do dẫn đến hiện trạng của sân khấu thiếu nhi như hiện nay. Sự mặn mà của công chúng “nhí” chỉ là một phần nhỏ, mà ngay cả lí do đó cũng bắt nguồn từ việc người lớn chúng ta đã thất bại trong việc truyền tình yêu đến thế hệ sau này. Các đơn vị sân khấu không coi trọng khán giả nhỏ tuổi vì làm sân khấu thiếu nhi vừa khó vừa không có tiền. 

Trong khi đó, năm nào cũng có không ít các trại sáng tác từ các hội, các ngành, các địa phương… Nhưng từ vài chục năm trở lại đây, chưa khi nào có một trại sáng tác sân khấu nói riêng nào dành cho đề tài thiếu nhi cả. Đã không mặn mà, lại còn chẳng có yếu tố kích thích, vận động sáng tác, lực lượng viết kịch bản cho thiếu nhi teo tóp dần là điều tất yếu.

Một lí do nữa, theo đạo diễn, diễn viên Quang Thảo, sự ủng hộ của truyền thông, báo đài đối với sân khấu thiếu nhi cũng có hạn. “Tại sao bây giờ các bé thích Trấn Thành, Hari Won, Thu Trang, Tiến Luật… ? Có phải vì mở YouTube ra là thấy không? Ngày xưa chương trình “Những bông hoa nhỏ” của HTV là một thế giới tuổi thơ đầy màu sắc. 

Rất nhiều nghệ sĩ đã trở thành ngôi sao sáng trong lòng trẻ con lúc bây giờ. Còn hiện nay, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh cũng không còn mặn mà, từ lâu rồi kịch trong nhà ngoài phố, chuyện ngày xưa, những bông hoa nhỏ… đều không còn nữa. 

Rất nhiều phụ huynh nói với tôi rằng, trẻ con không có gì để xem trên truyền hình cả” – Quang Thảo nói thêm. Không chỉ HTV mà cả VTV, giờ đây, các chương trình sân khấu cho bé cũng bị thay thế, nhường sóng cho các gameshow hài, những chương trình truyền hình thực tế ăn khách hơn.

Để vực dậy lại sân khấu thiếu nhi, cần có sự chung tay phối hợp của nhiều ngành.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, những lý do trên cũng một phần do sự thiếu quan tâm sâu sát của các nhà quản lí. Chẳng hạn như, hằng năm, TP Hồ Chí Minh đều trích ra một khoản ngân sách đầu tư cho các em. 

Cụ thể, trong ba tháng sinh hoạt hè, ngân sách phân bổ là 40.000đ/em (đối với quận nội thành) và 47.000đ/em (đối với ngoại thành). Nhưng để thiếu nhi đến với nhà thiếu nhi thuộc trách nhiệm của hội đồng đội, địa phương, thành đoàn… Hiện nay, ta làm chưa tốt. 

Thậm chí, một số nhà thiếu nhi hiện nay hoạt động chưa đúng công năng, không hướng đến đối tượng phục vụ của mình, thiếu sự chủ động trong việc liên kết, hợp tác với nghệ sĩ, các đơn vị nghệ thuật để tổ chức các chương trình cho các em. 

Diễn viên Đình Toàn tiết lộ, nhiều nghệ sĩ muốn làm chương trình cho các bé nhưng đành chịu, vì thuê sân khấu biểu diễn ở Nhà hát thiếu nhi thành phố đã mất từ 60 – 80 triệu đồng/tối. Chi phí quá đắt đỏ, trong khi đó, làm chương trình cho thiếu nhi cũng tốn kém chẳng khác gì cho người lớn, trong khi đó, giá vé bán ra không thể bán giá cao được.

Ngoài ra, những nỗ lực đưa sân khấu tiếp cận các em nhỏ hình như phần lớn đều do các đơn vị tư nhân thực hiện, các đơn vị nghệ thuật công lập đứng ngoài cuộc. Một số chương trình lớn dành cho thiếu nhi, có liên quan đến đơn vị công lập, lại được thực hiện bằng nguồn hỗ trợ từ tổ chức quốc tế là chủ yếu.

Không có nhà hát, các chương trình sân khấu thiếu nhi có làm cũng khó đến được với nhà văn hóa. Trong khi đó, nghệ sĩ có tâm huyết cũng hoạt động trong tình trạng khó khăn đủ bề.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Sân khấu IDECAF chia sẻ: “Chúng tôi có những phiên bản nhỏ các vở để sẵn sàng đi lưu diễn ở các trường học quận, huyện. Nhưng nhiều khi xin bán vé ban giám hiệu nhà trường không cho, đứng phát tờ rơi cũng không được”. Ông Tuấn đặt ra vấn đề, phải có chủ trương phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành liên quan, hỗ trợ thì sân khấu thiếu nhi mới có cơ hội chấn hưng trở lại.

Sân khấu thiếu nhi đang “chết” yểu dần dần. Có lẽ, đã đến lúc, sự quan tâm tới thiếu nhi không chỉ nằm trên giấy, trong những lời phát biểu, khẩu hiệu nhất được vọng lên trong các ngày, dịp đối với các cháu mà nên biến sự quan tâm này thành hành động, biện pháp cụ thể. Vẫn là sự quan tâm thực sự của xã hội. Cụ thể là các tổ chức, các nhà quản lý chuyên ngành, các địa phương có một chiến lược, tầm nhìn lâu dài đối với các cháu.

Cốc Vũ
.
.
.