Đạo diễn, NSƯT Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam:

Muốn hấp dẫn thiếu nhi, sản phẩm nghệ thuật cần tinh tế, hiện đại hơn

Thứ Ba, 28/05/2019, 09:06
Giữa thời điểm các tác phẩm văn học, nghệ thuật mới dành cho thiếu nhi bị cho là thiếu cả về số lượng lẫn sức hấp dẫn, Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam cùng lúc “trình làng” 3 vở diễn mới dành cho thiếu nhi dịp hè 2019: Con chim xanh, Sơn Tinh – Thủy Tinh, Giấc mơ của nàng tiên cá. 


Đây cũng là một trong số không nhiều những đơn vị nghệ thuật công lập thu hút đông khán giả với lịch diễn tại trụ sở lẫn các chuyến lưu diễn dày đặc vừa qua. 

Góp phần “giải mã” hiện tượng này, đặc biệt là việc tạo dựng các vở diễn hấp dẫn khán giả thiếu nhi, chúng tôi đã có buổi trao đổi với NSƯT Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam, đạo diễn vở “Con chim xanh” – một trong số các vở diễn được yêu thích hiện nay.

Đạo diễn, NSƯT Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam.

Phóng viên: Theo anh, điều gì làm nên sức hấp dẫn của các chương trình, vở diễn dành cho thiếu nhi của Nhà hát thời gian gần đây?

Đạo diễn, NSƯT Sĩ Tiến: Ngoài những nỗ lực đổi mới của Nhà hát trong cách tiếp cận, phục vụ khán giả, chúng tôi xác định đổi mới cả trong cách chọn, dựng, vở cho phù hợp, đáp ứng được nhu cầu khán giả hiện nay nữa. 

Trước đây một vài năm, chúng ta hay dựng các vở ngắn ngắn, vừa vừa cho thiếu nhi nhưng gần đây Nhà hát ý thức lại chúng ta phải tìm những vở diễn có tầm và phải tìm được cái cốt lõi của vấn đề để chuyển tải chính xác, dễ hiểu, hấp dẫn đến khán giả. 

Ví dụ như "Con chim xanh”  của Maurice Maeterlinck- nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng người Bỉ (1862 – 1949), là một kiệt tác sân khấu thế giới. Làm thế nào để giải mã cho thiếu nhi xem là một thách thức vì trong đấy có nhiều tầng ngữ nghĩa quá. Chúng tôi lựa chọn lấy một lát cắt phù hợp với thiếu nhi nhất, làm ngắn gọn lại còn 60 đến 65 phút. Nếu làm theo kịch bản gốc thì phải 3 tiếng. 

Như thế mình phải biên tập lại, phải cùng các diễn viên phải phân tích lại, cảnh này thì lấy cái ý gì nhưng vẫn đảm bảo cái “xương sống” của câu chuyện. Tính giáo dục ở đây được lồng ghép một cách rất nhẹ nhàng thôi nhưng mà trẻ em hiểu được. 

Kết thúc chuyến hành trình của nhân vật, kết thúc vở diễn, họ hiểu ra những điều tốt đẹp, những giá trị tốt đẹp của cuộc sống và thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. 

Tất nhiên là mình phải có những điều kiện bổ trợ khác để phù hợp với nhu cầu cuộc sống đương đại như sử dụng màn hình led, máy chiếu và tạo ra không gian về chiều sâu lớn hơn chứ không phải chỉ có những đối thoại thông thường trên khấu cũ. Sân khấu tạo cảm giác giống như vừa xem kịch, vừa như ở trong phòng chiếu điện ảnh. Cách dàn dựng này tiệm cận nhiều hơn đến xu hướng giải trí, thưởng thức nghệ thuật bây giờ.

Phóng viên: So với các chương trình khác thì các chương trình vở diễn  cho thiếu nhi, cụ thể là vở “Con chim xanh” mà anh là đạo diễn có sự đầu tư đặc biệt nào không, kể cả kinh phí?

Đạo diễn, NSƯT Sĩ Tiến: “Con chim xanh” may mắn là phục dựng lại trên nền có sẵn nên trang phục không phải đầu tư từ đầu. Trước đây đạo diễn người Bỉ đã dựng, lần này chỉ dựng lại. Văn hóa Bỉ, trong nội hàm câu chuyện có nhiều cái tích, như đến nhà thờ có tích truyện của nhà thờ, đến nghĩa trang có tích truyện về nghĩa trang. Khi dựng, chúng tôi phải tính toán nên giữ cái gì, cái gì bỏ. 

Nhiều tích truyện của Bỉ nhưng không hẳn phù hợp với người Việt thì sẽ không giữ lại hoặc phải tìm cách giải mã chúng để đề làm sao trẻ con của mình phải hiểu được dù vẫn là câu chuyện ấy mà vẫn ngắn gọn, liền mạch, hấp dẫn và giá trị câu chuyện vẫn phải được giữ nguyên.

Phóng viên: Hiện tại, các chương trình, vở diễn cho khán giả nhỏ tuổi, cụ thể là lứa tuổi mẫu giáo, nhà trẻ, học sinh cấp 1 khá nhiều và đây cũng là thị trường khá sôi động. Tuy nhiên, với khán giả tuổi thiếu niên như học sinh cuối cấp 2 thì rất ít. Nhà hát có đầu tư các vở cho riêng đối tượng khán giả này không?

Đạo diễn, NSƯT Sĩ Tiến: Năm vừa rồi chúng tôi có dự án hợp tác 3 năm với phái đoàn Bỉ. Đây là ký kết hợp tác cấp Nhà nước, kéo dài từ năm 2019 đến 2021. Chúng tôi sẽ đầu tư dàn dựng một vở đúng với lứa tuổi học sinh cấp 2 này. Tuy nhiên, vì có một số vấn đề nên hiện nay vẫn đang tìm kiếm đạo diễn từ Bỉ đưa sang phối hợp. 

Hiện tại, chúng tôi đã đầu tư cơ sở hạ tầng, chọn vở. Vở diễn này không chỉ phù hợp với đúng lứa tuổi học sinh cấp 2 mà còn tiệm cận với xu hướng thế giới trong tương lai. Dự kiến, cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020 chúng tôi sẽ triển khai.

Chúng tôi đang phân luồng khán giả cụ thể hơn và nhận thấy mảng tác phẩm để phục vụ lứa tuổi teen đang bị thủng. Thật ra, mình là phụ huynh có con ở lứa tuổi này, nếu lựa chọn vở diễn cho con xem, mình cũng không biết lựa chọn cái gì cho phù hợp. Đây là tuổi dở dở ương ương, rất dễ cáu, dễ buồn, dễ vui đủ thứ. 

Tìm một sản phẩm nghệ thuật để “chạm” đến đối tượng khán giả này là một thách thức với người làm nghệ thuật. Rất may, năm ngoái tôi với anh Chí Trung (NSƯT Chí Trung – Quyền Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam) đã đi xem rất nhiều vở dạng này ở bên Bỉ, đã chọn một vở phù hợp, đã ký kết hợp đồng và sẽ triển khai sớm.

Cảnh trong vở “Con chim xanh”.

Phóng viên: Việc phân luồng khán giả và dựng các vở diễn phù hợp với từng lứa tuổi riêng như mầm non, học sinh tiểu học, khán giả tuổi teen, trước đây Nhà hát Tuổi trẻ đã từng nghĩ đến, tính đến chưa? Vì sao?

Đạo diễn, NSƯT Sĩ Tiến: Trong vài năm trở lại đây, chúng tôi mới bắt đầu nghĩ đến. Trước đây chúng ta nói khán giả thiếu nhi chỉ là thiếu nhi chung chung thôi. Thực tế, khán giả này là từ mẫu giáo đến tận hết cấp 1. Hiện nay, khi làm vở sẽ càng ngày đòi hỏi càng tinh tế hơn và ngay từ lúc mới lên ý tưởng đã phải tính ngay vở này là dành cho khán giả khoảng bao nhiêu tuổi. 

Nếu chúng ta diễn từ 7 tuổi trở xuống thì tiết mục xây dựng như thế nào. Nếu vở diễn dành cho khán giả từ 8 tuổi đến tuổi mới lớn thì phải như thế nào. Khi chúng tôi đi nước ngoài tham quan, tìm hiểu, tôi còn thấy, nước ngoài còn có những vở riêng dành cho khán giả từ 3 tuổi. Tất nhiên, việc dựng các vở dành cho lứa tuổi này ở Việt Nam hiện nay rất khó vì phụ huynh không thể đưa con đến những môi trường như thế. 

Trước đây, nghệ sĩ Lê Hùng đã làm những phòng có mô hình như thế ở tầng 1 của Nhà hát diễn cho trẻ em 2,3 tuổi nhưng không thành công vì rất phức tạp. Các buổi diễn như thế còn phải có bảo mẫu các kiểu… 

Vì vậy, hiện nay, Nhà hát vẫn chủ yếu làm các vở tương đối đại trà một chút để phụ huynh có thể đưa con em đi xem song phần lớn vẫn dựa vào các đầu mối chung là nhà trường, nỗ lực phối hợp với các đơn vị tài trợ để giảm giá vé cho trẻ em từ 50% đến 70% hoặc mỗi buổi có khoảng 50% vé mời.

Phóng viên: Để có những vở diễn phù hợp với từng lứa tuổi khán giả, vừa đáp ứng nhu cầu giải trí hiện đại, chắc chắn các đơn vị, nghệ sĩ sẽ không thể giữ cách làm như cũ được. Nhà hát phải có sự thay đổi như thế nào từ cách đầu tư cho vở diễn đến những yêu cầu khác từ phía diễn viên?

Đạo diễn, NSƯT Sĩ Tiến: Thực ra mà nói chúng ta không thay đổi không được. Ví dụ hiệu ứng về âm thanh ánh sáng, từ ngữ, trang phục và các điều kiện sân khấu cũng như sự tập trung tối đa của nghệ sĩ trên sân khấu. Lâu nay, chúng ta hay xem kịch thiếu nhi nó hơi à uôm một tý, ào ra ào vào. Nhưng sân khấu cho thiếu nhi hiện nay không thể như thế nữa. Vở cho thiếu nhi vẫn phải rất mạch lạc, chi tiết, tinh tế hơn vì trẻ em đã vượt qua cái thời mình là trẻ con rất nhiều rồi, nếu sai là các em nhận ra nhất nhanh, so sánh ngay.

Phóng viên: Xin cảm ơn đạo diễn.

Hoa Nguyễn
.
.
.