Vợ chồng họa sĩ Nguyễn Đức Huy - Đinh Thị Thu An

Vẽ là đi tìm chính mình

Thứ Tư, 27/12/2017, 19:43
Vợ chồng họa sĩ Nguyễn Đức Huy - Đinh Thị Thu An vừa “trình” công chúng Thủ đô một triển lãm thú vị: “Men đàn bà”. Với họ, sự sáng tạo không bao giờ ngừng lại và “Men đàn bà” là hơi men tạo nên sức sống mới, sự sáng tạo về cái đẹp, một cảm nhận khác trong cái đẹp”.


1. Hà Nội đang trong những ngày lạnh giá, nhưng bước vào phòng tranh của vợ chồng họa sĩ Đức Huy - Thu An trên tầng 4 của Đông A gallery, tôi có cảm giác mới lạ. Vẽ đàn bà, một đề tài quá quen thuộc và khó vượt qua được những “cây đa cây đề” lừng lững trong lịch sử mỹ thuật. 

Thế nhưng, Đức Huy và Thu An vẫn mang đến một bất ngờ khác, một góc nhìn khác biệt về đàn bà. Đó cũng là minh chứng cho sự sáng tạo không giới hạn của người nghệ sĩ. Họa sĩ Đặng Thị Thu An cho biết: “Cuộc triển lãm trưng bày 24 tác phẩm cùng vẽ về những người đàn bà. Chồng tôi làm đẹp hình ảnh "người đàn bà của anh ấy", còn tôi khai thác tính xấu trong những nguời đàn bà đẹp”.

Mỗi người có một góc nhìn khác biệt về đàn bà. Với Nguyễn Đức Huy thì nghệ thuật không ở đâu xa mà ở chính cái đẹp dung dị thường ngày. 

Anh từng tếu táo nói rằng: “Một trong những hình ảnh tạo dấu ấn đậm nhất, rõ nét nhất cho tôi bắt đầu sáng tác bộ tranh về những người đàn bà mập mạp, mũm mĩm là từ người bạn đời của tôi”. Đó chính là bức tranh “Trong vườn hoa”, lấy cảm hứng từ người vợ của mình khi chị mới sinh con. Và từ đó khai mở một cảm hứng sáng tạo mới của anh về đàn bà. 

14 bức tranh, 14 câu chuyện Đức Huy muốn kể với mọi người, ở đó, những người đàn bà của anh từ chối cái đẹp mảnh mai e ấp mà lựa chọn hình mẫu những người đàn bà đẫy đà. 

Không có số đo ba vòng hoàn hảo, không có khuôn mặt V-line chuẩn mực nhưng những người đàn bà ấy vẫn toát lên một vẻ đẹp mang tính bản năng, khỏe khoắn và đầy duyên dáng từ làn da xám xịt hay nâu bánh mật, khuôn mặt tròn trịa và dáng người phốp pháp. 

Trong tranh anh, Nàng mặc váy xòe và khoác lên mình những chiếc áo muôn hoa; trong bộ y phục đỏm dáng ấy, dáng đứng Nàng duyên dáng và điệu ngồi Nàng tình tứ; có khi Nàng lại mặc chiếc áo trong suốt - vô tình hay cố ý - không ngăn nổi những đường cong căng tràn nơi bầu ngực và nỗi khát khao rất đàn bà; mỗi một mùa xuân hạ thu đông đi qua, Nàng đều thay váy mới xúng xính màu mè, tô một màu son mới trên đôi môi cong dày quyến rũ, phải chăng vẻ đẹp nơi Nàng là bất biến với thời gian? Và với Đức Huy, đàn bà ở góc cạnh nào cũng đẹp.

Vợ chồng họa sĩ Đức Huy và Thu An.

Còn Đặng Thị Thu An lại kể một câu chuyện khác về đàn bà, đó cũng chính là câu chuyện của chị. Không còn những nét đẫy đà cùng đôi mắt hiền phúc hậu, những người đàn bà ta bắt gặp trong tranh Đặng Thị Thu An có vóc người thanh mảnh, quyến rũ, khuôn mặt nhỏ nhắn, đôi mắt nhiều biểu cảm. 

Dường như, chị họa nên những góc cạnh muôn hình vạn trạng trong tâm thức của “tạo vật khó hiểu nhất thế gian” bằng đôi mắt. Đôi mắt ấy khi thì bình thản hiền hòa, khi lại xếch lên đầy kiêu hãnh, có lúc lại liếc ngang đố kị, và lắm phen cũng rũ xuống u buồn. 

Qua đó, mỗi một nhân vật Nàng dường như đều đang kể câu chuyện của chính mình với sự phức tạp ẩn giấu bên trong tà áo dài nền nã đậm khuôn khổ truyền thống. Tưởng như phá cách đấy, hiện đại đấy nhưng vẫn là truyền thống, vẫn đàn bà với áo dài, với hoa hồng kiêu sa. 

Hành trình của Thu An là một hành trình ngược với cách nhìn về đàn bà của chồng chị. Đàn bà trong tranh của Thu An kiêu hãnh và quyến rũ, dù có khi chị vẽ 4 hay 5 người đàn bà thì ở đó vẫn có điểm nhấn của một người luôn là tâm điểm của đám đông. 

“Tôi nghĩ rằng, vẽ đàn bà có quá nhiều đỉnh núi không thể vượt qua, vì thế, tôi chọn cách kể câu chuyện của chính mình, về những cảm xúc của mình và may mắn khi công chúng xem có thể tìm thấy một chút mình trong đó.

Tác phẩm của Thu An.

2.  Đức Huy và Thu An sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình. Huy là thầy của Thu An. đi qua những khúc quanh của cuộc đời, họ đã đến với nhau. Cả hai vợ chồng đều là công chức, giảng viên trường Đại học ở Huế. Nhưng, họ, trong chuỗi ngày bộn bề của cuộc sống vẫn chắt chiu, dành dụm cho mình một khoảng thời gian dành cho niềm đam mê: vẽ. 

Tôi hỏi Thu An, làm sao để dung hòa hai cá tính nghệ thuật trong một ngôi nhà, Thu An cười. Trong căn nhà rộng tại một thành phố yên tĩnh, hai vợ chồng có một phòng vẽ riêng được ngăn đôi bằng một bàn trà cà phê. Họ là một gia đình, nhưng khi vẽ, họ là hai cá tính độc lập, không ảnh hưởng bởi nhau. 

Tình yêu và sự trân quý nghề giúp họ thăng hoa trong sáng tạo. Huy trầm tĩnh, hiền lành, ít nói. Thu An xinh đẹp, hoạt ngôn. Họ như một cặp trời sinh, để nương tựa, để sẻ chia và để thăng hoa trong sáng tạo.

Không nghe - tác phẩm của Đức Huy.

“Men đàn bà” được vẽ trong suốt một năm trời. Họa sĩ Trần Đại Thắng đã gặp vợ chồng Đức Huy và Thu An tại Huế. Thắng đến xưởng vẽ của hai người, cảm được tinh thần làm việc và sự chân thành với nghệ thuật của họ. 

Và đó cũng là duyên cớ cho cuộc triển lãm này. Bởi họa sĩ ở Huế không dễ dàng tổ chức một cuộc triển lãm ngay tại Hà Nội. Và con đường tiếp cận công chúng còn nhiều khó khăn. Nhưng “hữu xạ tự nhiên hương”. 

Với nghệ thuật cần tình yêu và sự chân thành. Mình cứ đi con đường của mình bằng tình yêu và đam mê thì đến lúc nào đó sẽ gặp được tri âm. Và nếu không có những “bà đỡ” cho các họa sĩ đương đại, nhất là những người không ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, thì con đường đến với công chúng của Huy và Thu An sẽ dài hơn. 

Thu An từng du học ở Thái Lan, có khá nhiều triển lãm ở Thái Lan. Nhưng ở Việt Nam, chị không có nhiều cơ hội. Sự giới hạn của vùng miền là một trở ngại. Nhưng Thu An và Đức Huy không an phận làm một “công chức” nghệ sĩ. Cái tôi và khát vọng của họ luôn cựa đạp, muốn thoát ra khỏi ranh giới của vùng miền. 

Thu An kể: “Tôi lang thang qua nhiều vùng đất ở Thái Lan, tìm hiểu đời sống và công việc của nhiều họa sĩ ở đó, tôi thấy các họa sĩ Thái Lan làm việc rất chuyên nghiệp, họ dấn thân và quyết liệt đi con đường của mình. Có người cả đời chỉ vẽ một bông hoa thôi, nhưng bông hoa đó mang đậm dấu ấn riêng của người họa sĩ. Còn ở ta, nhiều họa sĩ loay hoay, hôm nay vẽ hoa, mai vẽ phong cảnh, không đi hết con đường của mình. Có lẽ đó cũng là lý do các họa sĩ đương đại chưa được công chúng đón nhận”.

Trong vườn hoa - Tác phẩm của Đức Huy.

Trong ngôi nhà ấm cúng ở Huế, phòng vẽ của Thu An và Đức Huy có khá nhiều tranh hoa hồng và tranh phong cảnh. Và đó chính là những bức tranh nuôi sống gia đình nhỏ của chị, khi mọi người mua về trang trí nhà cửa. Nhưng vợ chồng chị vẫn dành một góc riêng cho sáng tạo, cho sự tìm tòi trên con đường của mình với những thử nghiệm mới.  

“Men đàn bà” cũng là một chặng đường mới trong quá trình sáng tác không ngừng nghỉ của hai người, đem lại một cái nhìn đa chiều cho giới yêu nghệ thuật và tạo một dấu ấn mới - trẻ và lạ - cho nền hội họa. 

Thu An nói, con đường đó mới chỉ là sự khởi đầu cho một hành trình dài mà vợ chồng chị sẽ đi cùng nhau. Bởi với chị, “vẽ là một cuộc dạo chơi và tìm kiếm, làm mới, làm rõ cảm xúc trong mớ hỗn độn ký ức và nội tâm của người họa sĩ”.

Người ta hay nói về sự mong manh của tình nghệ sĩ, về cái tôi là một là riêng là thứ nhất. Còn khi nói chuyện với Thu An và Đức Huy, ngắm nhìn những tác phẩm đàn bà thú vị của họ, tôi lại nghĩ về tình yêu, về sự thăng hoa của tình yêu trong sáng tạo. 

Họ đang đi trên một con đường tìm kiếm cái đẹp và mang cái đẹp đến cho mọi người. Và nghệ thuật, đôi khi chỉ đơn giản là mang lại cho con người niềm vui, một sự thích thú nào đó trước cái đẹp. 

*Họa sĩ Nguyễn Đức Huy sinh năm 1976 tại Đồng Hới, Quảng Bình. Anh tốt nghiệp Khoa Hội họa tại Trường Đại học Mỹ thuật Huế vào năm 2003. Khi bắt đầu sự nghiệp, anh đã dấn thân vào con đường sáng tác thể nghiệm, không ngừng tìm tòi, thể hiện với các dòng tranh trừu tượng, ấn tượng. Đến thời điểm năm 2016, anh rẽ hướng tìm kiếm hình tượng biểu đạt theo lối trang trí và cách điệu hình thể kết hợp lối vẽ tả thực để qua đó “tìm kiếm cái nhìn mới, tìm kiếm sự hồn nhiên và giải phóng năng lượng sáng tạo”. Đó cũng là tiền đề cho những sáng tác của anh trong đợt triển lãm này.

* Họa sĩ Đặng Thị Thu An sinh năm 1983 tại Đồng Hới, Quảng Bình. Chị tốt nghiệp Khoa Sư phạm Mỹ thuật trường Đại học Nghệ thuật Huế và cao học chuyên ngành Nghệ thuật thị giác tại Đại học Mahasarakham, Thái Lan (2012). Với bút pháp mơ màng, ma mị trong một không gian hư thực, chị đã thành công lớn với triển lãm cá nhân “Giao cảm” (2013). Và hiện chị vẫn đang không ngừng đổi mới bản thân bằng các sáng tác gai góc hơn, “đanh đá” hơn thể hiện rõ quan điểm “vẽ là cuộc dạo chơi và tìm kiếm, làm mới, làm rõ cảm xúc trong mớ hỗn độn ký ức và nội tâm của người họa sĩ” trong triển lãm “Men đàn bà” lần này.


Hạnh Nguyên
.
.
.