VBA và 10 năm vươn đến hai chữ chuyên nghiệp

Thứ Tư, 10/06/2020, 12:04
So với bóng đá, bóng rổ Việt Nam thua xa về sự phổ biến và các nguồn lực đóng góp từ xã hội. Tuy nhiên trong khi V.League đã khoác lên mình cái mác chuyên nghiệp tròn 2 thập niên nhưng vẫn tổ chức hết sức nghiệp dư, Giải Bóng rổ Chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) chỉ mất nửa thời gian đó để hình thành một mô hình quy củ.


Đi lên từ nghiệp dư

Cách đây 6 thập niên, bóng rổ lần đầu tiên có mặt tại một kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc. Môn thể thao này khá phổ biến tại các trường học, doanh trại quân đội; thậm chí còn trở thành một phần trong chương trình dạy môn Giáo dục thể chất. 

Tuy nhiên gần nửa thế kỷ sau đó, bóng rổ vẫn chỉ được xem như một môn chơi nghiệp dư vì không phổ biến như bóng đá, lại không tạo được sức hút truyền thông như bóng chuyền. Mọi chuyện chỉ bắt đầu thay đổi vào năm 2011 với sự ra đời của CLB Saigon Heat.

Để kéo khán giả đến sân, mỗi trận đấu phải là một sự kiện giải trí hấp dẫn chứa đầy những trải nghiệm tích cực. Tư duy kiểu Mỹ đó được Connor Nguyễn xác định làm kim chỉ nam cho hướng phát triển của thể thao Việt Nam trong tương lai. 

Nghĩ là làm, vị doanh nhân này lập tức vung tiền thành lập CLB bóng rổ Saigon Heat. Vì lúc đó chưa có VBA, chưa có giải vô địch quốc gia nên Connor Nguyễn đem các cầu thủ tranh tài ở giải nhà nghề Đông Nam Á. Ông tin rằng việc đưa một đội bóng Việt Nam xuất ngoại sẽ thu hút dòng vốn đầu tư vào bóng rổ trong tương lai.

Giai đoạn mới thành lập, Saigon Heat thua liểng xiểng khi ra chơi ở đấu trường châu lục. Ở mùa giải 2012, họ khởi đầu với thành tích 7 trận toàn thua nhưng điều đó không khiến Connor Nguyễn chán chường, bỏ giải như một số ông bầu bóng đá. 

CLB chiêu mộ Jason Rabedeaux, một HLV có tiếng ở Mỹ về làm thuyền trưởng. Ông cùng người kế nhiệm Tony Garbelotto giúp đội bóng non trẻ lần đầu lọt vào bán kết giải bóng rổ nhà nghề Đông Nam Á vào năm 2014 và tái lập thành tích này trong 2 mùa tiếp theo.

Đúng như Connor Nguyễn dự đoán, thành công của Saigon Heat tại đấu trường khu vực đã khiến các doanh nhân nhận thấy tiềm năng của một giải bóng rổ chuyên nghiệp tại Việt Nam. Đầu năm 2016, 4 đội bóng Cantho Catfish, Danang Dragons, Hanoi Buffaloes và HoChiMinh City Wings đồng loạt ra đời. 

Họ cùng Saigon Heat là những nhà sáng lập VBA. Đó cũng là thời điểm bóng rổ Việt Nam chính thức bước lên sân chơi chuyên nghiệp sau 5 năm được Saigon Heat đặt nền móng và tạo cú hích cho thị trường.

Tự nuôi lấy mình

Một trong những nguyên nhân khiến bóng đá Việt Nam vẫn bị chê nghiệp dư là bởi các CLB chưa bao giờ tự chủ được nguồn tài chính. Phần lớn kinh phí được tài trợ bởi một ông bầu hoặc ngân sách địa phương, và chẳng đội bóng nào có phòng kinh doanh cả. 

Vé được BTC sân bán cả tập cho dân phe, và khán giả có thể vào sân xem với tấm vé của một trận đấu khác. Kiếm tiền không phải nhiệm vụ của các CLB tại V.League, thế nên năm nào cũng có một vài đội bóng ngấp nghé giải thể. Cầu thủ luôn phải chơi bóng trong tâm thế sẵn sàng ra đường khi nhà tài trợ bỏ cuộc.

Tư duy ăn xổi đó không có chỗ đứng ở VBA. Mỗi đội bóng rổ được thành lập phải đảm bảo có đầy đủ các bộ phận kiếm tiền, bán vé,... để ít nhất cũng tự chủ được một phần nguồn tài chính. Vé vào xem một trận bóng rổ tại VBA không hề rẻ, thấp nhất là 50 ngàn đồng, và cao nhất có thể lên tới 1 triệu đồng/trận với những vị trí đẹp. 

Tuy nhiên các CLB tại VBA rất biết cách chiều lòng khán giả. Họ có chế độ ưu đãi giảm giá cho nhóm CĐV chính là học sinh, sinh viên, bán vé cả mùa với mức chiết khấu cao... giống như những đội NBA.

Thống kê cho thấy trung bình mỗi trận đấu ở VBA 2019 có khoảng 1.500 người đến xem, tương đương 150-200 triệu đồng tiền vé được chuyển thẳng vào ngân sách đội bóng. Con số này không hề nhỏ nếu nhân lên số trận đấu mỗi mùa của một đội. 

Đáng chú ý hơn, khoản thu này được CLB nhận về toàn bộ thông qua hoạt động bán vé trực tiếp cho CĐV chứ không thông qua dân phe. Mới đây VBA còn ra mắt ứng dụng hỗ trợ khán giả mua vé trực tuyến. Họ đã nghĩ đến chuyện hạn chế tối đa giao dịch sử dụng tiền mặt trong khi V.League vẫn đang bán vé giấy.

Ngoài tiền bán vé, các CLB tại VBA còn có doanh thu từ các nhà tài trợ. Tuy nhiên họ không "bán mình" cho 1-2 đơn vị nhất định, mà ký nhiều hợp đồng với nhiều nhãn hàng khác nhau để không phải phụ thuộc vào một ông lớn. 

Việc này nhằm đảm bảo CLB vẫn sống khỏe nếu như có một vài đơn vị hứa tài trợ bất ngờ rút lui. Đây cũng chính là mô hình được các CLB hàng đầu thế giới áp dụng, thế nên có thể khẳng định VBA đã có những bước tiến rất dài trong kế hoạch lấy thể thao nuôi thể thao.

Đào tạo trẻ và bản sắc

Những ngày đầu thi đấu ở sân chơi quốc tế, Saigon Heat bị chỉ trích khá nhiều vì lạm dụng ngoại binh. Một đội bóng Việt Nam nhưng phần lớn số cầu thủ chơi trên sân lại là người nước ngoài, tạo cảm giác lạc lõng cho khán giả.

Nắm bắt tâm lý "đội bóng Việt cần có nhiều người Việt" của người đến xem, những người làm bóng rổ Việt Nam dần thay đổi để chiều lòng thượng đế. VBA quy định mỗi đội chỉ được phép đăng ký thi đấu 1 ngoại binh, và đến năm nay còn thắt chặt giới hạn số lượng cầu thủ Việt kiều và nhập tịch xuống còn 1 người/đội.

Không ít cầu thủ Việt kiều tỏ ra bức xúc trước quy định mới này, và một vài người trong số họ đã phải rời Việt Nam để tìm bến đỗ mới. Tuy nhiên VBA vẫn cương quyết áp dụng điều luật đó với mục tiêu tạo điều kiện cho các cầu thủ trong nước thi đấu nhiều hơn, qua đó nâng tầm bóng rổ Việt Nam. 

Ngoài việc hạn chế ngoại binh, VBA còn yêu cầu mỗi đội phải đăng ký ít nhất 8 cầu thủ nội trong đội hình, cộng thêm 3 nội binh ở đội dự bị hoặc thuộc chương trình đào tạo tài năng trẻ.

Cách làm của VBA được ban tổ chức học theo mô hình phát triển của NBA, cộng thêm một vài điều lệ phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Những chàng trai tuổi teen có ước mơ trở thành cầu thủ bóng rổ sẽ được hỗ trợ tư vấn hợp đồng lao động, càng không sợ lâm vào cảnh thất nghiệp khi những người có tên trong danh sách (draft) chắc chắn được một CLB mời thi đấu. Ở đội họ cũng không lo cảnh mài mông trên ghế dự bị vì VBA có luật yêu cầu các đội phải tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ chơi trong một số phút nhất định.

Mô hình xây dựng bản sắc với mấu chốt là đào tạo cầu thủ trẻ của VBA đã giúp bóng rổ Việt Nam lần đầu tiên có huy chương ở kỳ SEA Games vừa qua. Từ một môn thể thao phong trào không được chú tâm đến, VBA đã biến giấc mơ thi đấu chuyên nghiệp của những người đam mê trái bóng cam thành hiện thực. Chỉ mất chưa đến một thập niên, bóng rổ Việt Nam đã tiến xa trên con đường chuyên nghiệp.

Cẩm Chi
.
.
.