Thời trang Việt: Nhập cuộc theo hướng mở

Thứ Tư, 23/11/2016, 10:49
Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam – Vietnam International Fashion Week (VIFW) Thu Đông 2016 đã kết thúc thành công với những con số biết nói. Lần đầu tiên, công chúng Thủ đô có cơ hội thưởng lãm những tinh hoa thời trang tụ hội. Đây cũng là lần đầu tiên, câu chuyện con đường thời trang Việt được đưa ra nhìn nhận một cách đa chiều.


Với 5 đêm diễn, hàng ngàn khán giả đến xem show và hơn 20 show diễn đến từ các nhà thiết kế, thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước, Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng của mình, trở thành một trong những sự kiện được mong chờ của giới thời trang cả nước trong dịp cuối năm này.

Đặc biệt, từ năm nay, sau khi được tổ chức thành 2 mùa Xuân Hè tại TP. HCM và Thu Đông tại Hà Nội, VIFW đã đánh dấu một bước thay đổi quan trọng của ngành công nghiệp thời trang Việt Nam. Trước đó, đây được kỳ vọng là sự kiện đánh dấu sự hòa nhập của thời trang Việt Nam vào dòng chảy thời trang thế giới.

Những ngày tháng 11 vừa qua, khán giả Hà Nội có cơ hội chiêm ngưỡng những thiết kế đặc biệt của các nhà thiết kế, thương hiệu như Nguyễn Công Trí, Thủy Nguyễn, Francis Libiran, Devon Nguyễn, Chung Chung Lee, Frederick Lee, Canifa by Lê Hà, PNJ, NESCAFÉ Dolce Gusto, Xuân Lê… 

Họ đã cống hiến cho khán giả Thủ đô một “bữa tiệc thời trang” đẳng cấp, mãn nhãn và thời thượng. Hai buổi work shop với chủ đề “Dàn dựng và tạo phong cách cho show diễn thời trang chuyên nghiệp” và “Cách tổ chức một show diễn thời trang chuyên nghiệp”. 

NTK Công Trí mở màn ấn tượng với bộ sưu tập “Cô gái của kẻ lạ và tôi”.

Hai buổi hội thảo nằm trong khuôn khổ VIFW Thu Đông 2016 cũng đặt ra nhiều vấn đề trong việc chuyển mình của thời trang Việt trong thời gian tới đây. 

Ngoài ra, hàng nghìn tín đồ Hà thành lần đầu tiên được phô diễn phong cách thời trang cá nhân trên đường phố Hà Nội với sự kiện “The Best Street Style”. Theo đó,  những xu hướng Thu Đông mới được hình thành với áo jacket, mũ nồi, môi tím...

Xu hướng mới nhất của ngành công nghiệp thời trang “See now buy now” (Thấy ngay, mua liền) được đón nhận mạnh mẽ.

Và với gần 1.000 bộ trang phục cùng với hơn hàng ngàn món phụ kiện tinh tế đi kèm, hơn 200 người mẫu trong nước và quốc tế, số lượng khách mời khán giả tham dự gần 2.000 người mỗi đêm… đã chứng tỏ được tầm vóc và quy mô hàng đầu của VIFW.

Một trong những thiết kế của thương hiệu Luala tại VIFW Thu Đông 2016.

Tuy nhiên, sau đốm sáng ấn tượng mà VIFW tạo ra, ngành thời trang Việt Nam có biết phát huy được hết những “nguyên vật liệu” được đánh giá là tiềm năng để phát triển của mình?

So với các quốc gia láng giềng trong khu vực, Việt Nam sở hữu những yếu tố “thiên thời địa lợi” thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp thời trang, đó là kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực gia công, lực lượng nhà thiết kế trẻ, ngành thủ công truyền thống lâu đời và bề dày văn hóa. 

Tuy nhiên, hơn chục năm qua, câu hỏi “Việt Nam có ngành công nghiệp thời trang đúng nghĩa hay chưa” vẫn chưa có một câu trả lời dứt khoát, rõ ràng và mạnh mẽ. Thay vào đó là nhiều sự kiện xôn xao rồi im ắng, những bộ cánh được khoác lên người mẫu rồi để đó. Thay vào đó là những câu trả lời “nước đôi” lập lờ.

Một trong những thiết kế của NTK nổi tiếng Joe Chia.

Thời trang Việt Nam trong thời gian vừa qua đã đi theo một con đường ngược so với dòng chảy thời trang thế giới, đó là mạnh ai người nấy làm.

Chúng ta chỉ mới ở mức là một nước gia công lớn trên thế giới, nhưng chuỗi giá trị của chúng ta trên trường quốc tế lại rất yếu; thậm chí, các thương hiệu thời trang Việt cũng chưa có tên tuổi và xa lạ ngay trên sân nhà.

Chuyên gia Jean Paul Cauvin - Giám đốc Học viện thời trang Atelier Chardon Savard Paris, người điều hành thương hiệu Haute Courture Julien Fournier: Thời trang là ngôn ngữ toàn cầu

Chúng ta phải học cách làm thế nào để tạo ra những người thiết kế thời trang giỏi hơn nữa. Trở thành nhà thiết kế không chỉ thuần túy tạo ra các show diễn mà còn phải biết những điều khác nữa. Ví dụ như phải biết cách bán sản phẩm, học cách tiếp thị sản phẩm thời trang của mình…

Trong “hệ sinh thái” về thời trang Việt Nam, phải biết yếu tố truyền thông. Cách đây 2 tuần, tôi có đến Bồ Đào Nha để tham dự một sự kiện thời trang lớn, tôi có nói về thời trang ở Việt Nam nói chung và VIFW nói riêng, nhưng không ai biết. Các bạn phải chú ý tới công tác truyền thông tốt hơn nữa, làm cho nhiều người biết đến thời trang Việt Nam nhiều hơn nữa để họ có cơ hội tham dự.

Điều đó có nghĩa là chúng ta phải tin vào bản thân mình đã. Các nhà thiết kế phải tin vào mình trước đã. Chúng ta đến đây không phải là người làm theo xu hướng mà phải là người tạo ra xu hướng. Chúng ta đừng trông chờ những nhà thiết kế quốc tế làm gì, chúng ta sẽ làm theo. Thời trang không phải thế. Phải tự làm sản phẩm của mình, phong cách của mình.

Ở sự kiện VIFW lần này, tôi thấy tin tức được lan tỏa rất nhanh, rất mạnh. Tuy nhiên, mới chỉ ở trong phạm vi đất nước các bạn. Phải mời truyền thông quốc tế đến làm việc với chúng ta. Phải giải thích rõ các bạn là ai và cho họ biết các bạn có gì, các bạn làm được gì trong thời trang.

Mà nói về truyền thông, không chỉ báo chí, truyền hình. Bây giờ là thời của truyền thông toàn cầu, đặc biệt mạng xã hội. Cách đây 1 năm, tôi có tham dự một sự kiện của VIFW, tôi đã được gặp rất nhiều nhà thiết kế giỏi ở TP.HCM. Họ có những mẫu thiết kế khá hoàn hảo nhưng ở nước ngoài, chẳng ai biết đến họ cả. Tôi rất lấy làm tiếc vì điều đó.

Có một điều đặc biệt đó là phụ nữ Việt Nam rất thích mặc đồ trong nước. Đó là thế mạnh. Rất hay. Nhưng với Singapore chúng tôi, thời kỳ phụ nữ thích mặc đồ trong nước đã qua rồi. Đó rõ ràng là một bất lợi của chúng tôi. Ở Việt Nam, các bạn có tất cả mọi điều kiện và cơ hội tốt đẹp để mở rộng, để vươn lên với quy mô lớn hơn.

Thời trang là của toàn cầu. Và các bạn phải kết hợp với các nhà thiết kế thời trang trên thế giới. Việt Nam nên thúc đẩy các tổ chức thời trang, đơn vị hướng tới sự hợp tác toàn cầu. Các bạn nên mời các đối tác thời trang lớn trên thế giới đến để tham dự chương trình này. Các trường đào tạo thời trang mới ở Việt Nam cũng nên kết hợp đào tạo với các viện thời trang lớn trên thế giới như London, New York, Paris… Các bạn phải suy nghĩ toàn cầu đi.

Ở Paris, có 50 quốc gia tham gia tuần lễ thời trang của họ. Đây là nơi các quốc gia đưa các nhà thiết kế thời trang đến. Đây cũng là công thức thành công của Paris suốt 50 năm qua. Họ luôn hoan nghênh các nhà thiết kế đến với Paris. 

Nếu các bạn chỉ khư khư trong nước mà không kết hợp với các nhà thiết kế thời trang thế giới thì rất khó. Đội ngũ thiết kế Việt Nam nên đi ra thế giới, chứng kiến người ta làm gì, mặc gì. 

Về phía những người tổ chức, mỗi lần tổ chức tuần lễ thời trang thì nên mời các nhà thiết kế nổi tiếng của làng mốt thế giới tham gia. Chỉ có thế, khách hàng quốc tế mới đến Việt Nam, mới mua sản phẩm thời trang của các bạn. 

Các nhà thiết kế thời trang Việt Nam sẽ thay đổi khi biết tiêu chuẩn thế giới là gì. Khi đó, họ mới có thể thay đổi, mới tiếp thị sản phẩm của mình được. Khách hàng phải yêu thích sản phẩm thời trang của các bạn thì các bạn mới có thị trường thời trang, một ngành công nghiệp thời trang đúng nghĩa được.

Các bạn nên suy nghĩ toàn cầu, phải mở rộng toàn cầu. Thời trang là ngôn ngữ toàn cầu, không riêng gì một quốc gia nào. Chúng ta giữ một phần bản sắc của chúng ta lại, đồng thời tham gia vào hệ thống toàn cầu. Đó mới là xu hướng phát triển.

Nhà thiết kế Chung Chung Lee, nhà sáng lập thương hiệu LIE: Sáng tạo càng phải học

Những người làm kinh doanh theo kiểu truyền thống, họ nghĩ rất logic về số liệu, kĩ thuật hoặc các con số. Nhưng những người thiết kế phải sử dụng trực giác cũng như sự sáng tạo của mình. Nghĩa là phải cảm nhận. Phải dựa vào trí tưởng tượng, sự nhạy cảm của mình để tạo ra mọi thứ.

Làm sao mà đồng thời vừa là người thiết kế giỏi vừa là người bán hàng giỏi được? Tôi cho rằng đó là một vấn đề lớn. Tôi để ý thấy hiện nay, có rất nhiều người đang dạy về kinh doanh thời trang, kĩ thuật thời trang, hoàn thiện các sản phẩm thời trang nhưng ít ai dạy về sáng tạo. Mà sáng tạo là điều cốt lõi của ngành thiết kế thời trang.

Trong ngành kinh doanh thời trang có nhiều nhánh, nhiều công việc khác nhau. Như bán lẻ, kĩ thuật dệt, đan, kéo sợi… nhưng nếu không có người chuyên về sáng tạo, chuyên về đào tạo trực giác cho các nhà thiết kế thời trang thì chúng ta đánh mất cái cốt lõi của thời trang. Chúng ta làm quần áo thôi, chúng ta không làm thời trang nữa rồi.

Mục tiêu đào tạo sáng tạo hơn nữa, dùng trí tưởng tượng khác biệt vô cùng. Tôi cho rằng, sáng tạo cũng phải học, phải được trau dồi. Thiết kế thời trang chính là thiết kế trên vải vóc. Thời trang cần riêng biệt.

Đan Duy
.
.
.