Sức lan tỏa từ một cuộc thi văn chương

Thứ Hai, 02/11/2020, 07:14
Sau 4 lần tổ chức, cuộc thi  viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" đã thu hút đông đảo các nhà văn tham gia. Đặc biệt, năm nay, cuộc thi được tổ chức vào đúng dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2020); 15 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (2005 - 2020).


1.Đây là lần thứ 4, cuộc vận động viết Tiểu thuyết và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" được tổ chức. Cuộc thi nhằm động viên, khuyến khích, tạo điều kiện để các nhà văn và các cây bút trong cả nước thâm nhập thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng CAND nhằm sáng tạo những tác phẩm văn học phản ánh chân thực, sinh động hình tượng người chiến sĩ Công an, những nhiệm vụ thầm lặng, những chiến công xuất sắc của lực lượng CAND và toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc và giữ gìn trật tự an toàn xã hội; đặc biệt là tập trung phản ánh yêu cầu của công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành và nhà thơ Hữu Thỉnh trao thưởng cho các tác giả đoạt giải A.

Trong ba năm (2017-2020), Ban Tổ chức đã nhận được hơn 120 bản thảo tham dự và hưởng ứng cuộc thi. Sau vòng Sơ loại đã có 88 tác phẩm được chuyển tới Ban Sơ khảo, bao gồm 78 tiểu thuyết, 10 truyện ký và ký. Sau vòng Sơ khảo, có 39 tác phẩm đã được lựa chọn vào Chung khảo để đánh giá, xét giải thưởng. Từ đó, Hội đồng Chung khảo đã tiếp tục chọn lọc rất công tâm, khách quan những tác phẩm chất lượng và xứng đáng để căn cứ theo các hạng mục giải thưởng trao giải.

Tại lễ trao giải được tổ chức vào chiều 28-10 ở Hà Nội, Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đồng Chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo cuộc thi khẳng định: "Đây là lần thứ 4 Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống". Nhìn lại chặng đường hơn 20 năm qua, khi chúng ta phát động cuộc thi lần thứ nhất với hàng trăm tác phẩm dự thi, nhiều tác phẩm đã được giải thưởng, trong đó có tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, có sức lan tỏa rộng rãi trong công chúng yêu văn học. 

Qua đó chúng ta thấy rằng, chủ trương phát động cuộc thi ngay từ ban đầu là hoàn toàn đúng đắn, có tầm nhìn xa, chẳng những đáp ứng nhu cầu trước mắt mà còn có ý nghĩa lâu dài. Với tất cả những gì đã đạt được, chúng tôi có thể khẳng định, đây là một cuộc phát động sáng tác văn học, một cuộc thi tài có giá trị thiết thực, vừa đề cao chủ nghĩa nhân văn, đề cao tấm gương cao đẹp xuất hiện trong cuộc chiến đấu thầm lặng vì những lý tưởng cao cả, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của các chiến sĩ CAND".

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã biểu dương tinh thần, trách nhiệm của Ban Tổ chức cuộc thi và chúc mừng các nhà văn, các tác giả đạt giải của cuộc thi. Đồng chí Thứ trưởng khẳng định: "Trong những năm qua, bằng các tác phẩm và trang viết của mình, các nhà văn đã luôn đồng hành, ủng hộ sát cánh với lực lượng CAND, phản ánh sinh động, kịp thời thực tiễn công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, lên án các hành vi tiêu cực, tham nhũng và cung cấp cho lực lượng CAND nhiều tin, bài có giá trị trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. 

Các nhà văn cũng đồng thời phát hiện, cổ vũ nhân tố tích cực của gương người tốt, việc tốt, gương các điển hình tiên tiến trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đó cũng chính là những phần thưởng tinh thần to lớn, là động lực để lực lượng Công an tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó". 

Một số tác phẩm vào chung khảo cuộc thi.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành cũng bày tỏ: "Trong thời gian tới, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, chúng ta cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do tác động của tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường. Thực tiễn cuộc sống đang đặt ra rất nhiều vấn đề mới, sẽ tác động và làm ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội của lực lượng CAND… 

Vì vậy, chúng ta cần phải tổ chức các cuộc trao đổi thông tin sâu hơn và có những cuộc tiếp cận qua các trại sáng tác, mời những con người cụ thể tham gia các cuộc trao đổi, trên cơ sở đó đưa ra những hướng tiếp cận kịp thời, thiết thực, hiệu quả. Các nhà văn biết được các nội dung cụ thể với những ngóc ngách của nó, từ đó có những tác phẩm ngày càng hay, càng xuất sắc hơn về đề tài vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống. Các tác giả, các nhà văn cũng sẽ có thêm nhiều tác phẩm đoạt giải trong các lần tổ chức cuộc thi tiếp theo".

Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Phó cục trưởng Cục Khoa học Chiến lược và Lịch sử Công an, Phó Chủ tịch chi hội Nhà văn Công an nhận định: "Hầu hết các tác phẩm trong cuộc thi đều mô tả đậm nét nhân vật Công an với những chiến công oanh liệt, sự hy sinh trong chiến đấu với kẻ thù, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân với tính nhân văn cao cả, phù hợp với đề tài của cuộc thi. Cũng có tác phẩm với nhân vật trung tâm chỉ là con người bình thường, nhưng số phận của họ có liên quan trực tiếp với các vấn đề cuộc sống thường ngày. 

Đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" mang tính chuyên biệt tương đối cao, người viết cần trang bị thêm rất nhiều vốn sống, kinh nghiệm và cái nhìn toàn diện về lực lượng Công an, đồng thời với đó, việc sáng tạo ra hình tượng, không bị "bó" vào những sáo mòn, viết theo đường lối với "kiểu văn báo cáo" đòi hỏi quá trình tìm tòi, sáng tạo không ngừng. Cuộc chiến đấu phòng chống tội phạm đôi khi là chất liệu nghệ thuật để hư cấu, để tưởng tượng ra chuyện khác, đời hơn, người hơn, chứ không còn là chuyện ở hồ sơ nữa".

2. Điều đáng nói, sau 4 lần tổ chức, cuộc thi đã có sức lan tỏa rộng rãi, thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo các nhà văn. Năm nay, có sự xuất hiện của những cây bút trẻ, lần đầu tiên tham gia và đã giành giải C tại cuộc thi, nhà văn trẻ Đức Anh với tiểu thuyết trinh thám "Đảo bạo bệnh", cho thấy đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" đã không còn bị "đóng khung" bởi những cây bút lớn tuổi.

 Đức Anh có lối viết hiện đại, mới mẻ theo hướng cách tân. "Đảo bạo bệnh" sẽ giúp người đọc hiểu hơn về công tác điều tra hay nói chính xác điều tra hình sự là một môn khoa học luôn luôn là sự tìm kiếm với vô vàn bí ẩn chồng lấp và phức tạp.

Còn nhà văn Chu Thanh Hương, người lần thứ 2 dành giải A tại cuộc thi này cũng là một tác giả còn trẻ. Chị từng giành giải A với tiểu thuyết "Hoa bay" trong cuộc thi lần thứ 3 và hiện tiểu thuyết đã được chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình. Chị chia sẻ: "Tác phẩm "Phận liễu" viết về cuộc đời, số phận của một phụ nữ, là cô gái hiền lành, thông minh của miền sơn cước. Cô lấy chồng và cuộc đời trải qua rất nhiều biến cố, phận làm dâu bị soi xét, chà đạp, cô phải nỗ lực để tự cứu cuộc đời mình. Nhưng cuộc đời xô đẩy và vì lòng tham, cô trở thành bà trùm buôn lậu khét tiếng. 

Nhân vật của tôi là nguyên mẫu ngoài đời mà tôi gặp trong quá trình làm việc. Tuy nhiên, đây không phải là cuốn sách về bà trùm buôn lậu lừng lẫy miền biên ải mà chỉ là câu chuyện về cuộc đời của một người phụ nữ không đầu hàng số phận. phận. Một người phụ nữ dám yêu, dám làm, dám chịu, dám tin tưởng, hy sinh và yêu thương dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào".

Trung tướng Mai Văn Hà trao giải B cho các tác giả.

Ngoài những cây bút trẻ, thì mảng đề tài Công an vẫn là "sở trường" của nhiều cây bút gạo cội. Nhà văn Đoàn Hữu Nam, người gắn bó lâu năm với mảng đề tài này đã giành giải A tại cuộc thi với tiểu thuyết "Rễ người". Nhà văn Phan Đình Minh, thành viên Ban sơ khảo ấn tượng ngay từ đầu khi đọc tiểu thuyết này. Anh chia sẻ: Tiểu thuyết được viết cuốn hút và logic. Bằng kiến thức miền núi rộng - sâu, tiểu thuyết mang đậm chất nhân văn và có giá trị văn hóa nhất định. Những tập tục, phong tục, lối sống của bà con các dân tộc vùng núi cao đã được tác giả khắc họa khá sâu sắc và sinh động. Phải là người có nhiều năm sinh sống ở vùng núi cao phía Bắc, hiểu và cảm sâu sắc văn hóa dân tộc mới có thể viết nên một câu chuyện thú vị như vậy".

3.Trải qua 4 lần tổ chức, bắt đầu từ lần thứ nhất năm 1999-2002,  cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" đã tạo nên một đội ngũ nhà văn đông đảo trong và ngoài lực lượng CAND. Nhiều tác phẩm đã vượt qua khuôn khổ của một cuộc thi mang tính chuyên ngành để đi vào cuộc sống và có giá trị trên văn đàn, đó là "Đêm yên tĩnh" của nhà văn Hữu Mai, ký "Phạm Xuân Ẩn, tên người như cuộc đời" của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, "Một thế giới không có đàn bà" của nhà văn Bùi Anh Tấn, "Yêu tinh" của nhà văn Hồ Phương… trong đó, có một số tác phẩm được chuyển thế thành kịch bản truyền hình, sân khấu như tiểu thuyết "Cổ cồn trắng" của nhà văn Nguyễn Như Phong, tiểu thuyết "Hoa bay" của nhà văn Chu Thanh Hương, "Bão ngầm" của nhà văn Đào Trung Hiếu… Điều đó đã góp phần lan tỏa rộng hơn vẻ đẹp của hình tượng người chiến sĩ Công an trong đời sống.

Ngày 28-10, tại Hà Nội, Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi tiểu thuyết và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống lần thứ 4. Ban tổ chức đã trao 3 giải A, 5 giải B, 5 giải C và 8 giải khuyến khích. Nhà văn Chu Thanh Hương (tiểu thuyết "Phận liễu") và nhà văn Đoàn Hữu Nam (tiểu thuyết "Rễ người") giành giải A cho thể loại tiểu thuyết, tác giả Phan Thế Cải giành giải A thể loại truyện ký. 5 giải B gồm tiểu thuyết "Diều hâu" của nhà văn Nguyễn Trí, tiểu thuyết "Giáp mặt" của nhà văn Phạm Thanh Khương, tiểu thuyết "Kim tiền" của nhà văn Nguyễn Như Phong, ký "Nắng Cam Ranh" của nhà văn Bạch Lê Vân Nguyên và "Kể chuyện giới tuyến" của nhà văn Lương Sỹ Cầm. Ngoài ra, cuộc thi còn trao 5 giải C cho thể loại tiểu thuyết và truyện ký.
Lan Tường
.
.
.