Sân khấu thử nghiệm có phải là một cuộc “dạo chơi”?

Thứ Năm, 17/10/2019, 10:30
Trước những đòi hỏi khắt khe, liệu sân khấu thử nghiệm có phải là cuộc “dạo chơi” nếu như bất cứ đạo diễn nào đến với liên hoan cũng đều mong muốn mang đến một cách làm mới, dù là thử nhưng cũng được thỏa sức trong sự sáng tạo của môn nghệ thuật này.


Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm là một sự kiện rất được mong đợi của giới làm nghề cũng như khán giả yêu sân khấu. Lần thứ 4 Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện này, bất cứ diễn viên hay đạo diễn sân khấu nào cũng ý thức được rằng đây là một sân chơi cho tất cả những người có óc sáng tạo, mong muốn được thử nghiệm để cùng giới thiệu và tranh luận với nhau những điểm mới trong cách dàn dựng tác phẩm. 

Thử nghiệm chính là phá vỡ những cái cũ thuộc về quy phạm để đi tìm ngôn ngữ mới. Trước những đòi hỏi khắt khe như vậy, liệu sân khấu thử nghiệm có phải là cuộc “dạo chơi” nếu như bất cứ đạo diễn nào đến với liên hoan cũng đều mong muốn mang đến một cách làm mới, dù là thử nhưng cũng được thỏa sức trong sự sáng tạo của môn nghệ thuật này.

Thử nhưng phải làm thật

Nói về thử nghiệm sân khấu thì không phải bây giờ mới có. Đầu thế kỉ XX những đạo diễn nổi tiếng thế giới đã có những cách tân, đổi mới trong việc sáng tạo nên những tác phẩm sân khấu. Tại Việt Nam, theo NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam thì diễn kịch một mình đã có từ lâu. Sân khấu nhỏ đã có những cuộc liên hoan từ những năm 60, 70, 80. Thế nhưng nhìn chung những hoạt động sân khấu trong nước chủ yếu vẫn lấy số đông hoành tráng để tạo nên ấn tượng.

Trong khi đó, yếu tố thử nghiệm luôn đòi hỏi xuất hiện ở trong tất cả các khâu: Biên kịch, đạo diễn, âm thanh, ánh sáng. NSƯT Lê Nguyên Đạt, Giám đốc Nhà hát Thế giới trẻ, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: "Ðâu đó trong một tác phẩm bình thường cũng có yếu tố thử nghiệm chứ không phải chờ đến một vở diễn mang tên thử nghiệm thì chúng ta mới gọi là thử nghiệm". 

Tác phẩm "Nhật thực" do anh làm đạo diễn, là sự kết hợp công nghệ hiện đại với truyền thống, cộng với thiết kế không gian rõ ràng. Với quan điểm thử nghiệm thành công nhất là thử nghiệm con người, đạo diễn đã để lại những biên độ cho người sáng tạo để họ tiếp tục thử mình trong không gian đó. Theo đó, diễn viên được quyền phá vỡ mọi nguyên tắc trước đây của sân khấu. Người nghệ sĩ- nhân vật trung tâm của sân khấu là người giao tiếp với khán giả và truyền được cảm xúc tới họ bằng sự nhập vai của mình.

Cùng quan điểm với NSƯT Lê Nguyên Đạt, đạo diễn trẻ Mi Lê - người dàn dựng vở "Dưới cát là nước" cũng nhận định: "Dù là sân khấu thể nghiệm hay bất kì sân khấu nào thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là yếu tố khán giả". Do vậy, điều mà chị mang đến liên hoan lần này là những yếu tố chân thật nhất. Diễn viên có thể đóng nhiều vai khác nhau: Khi là những con người, khi là những bông hoa, khi là những con thỏ, khi là những cơn gió, khi là cát... 

Ánh sáng thay đổi theo từng cảnh, lúc lên, lúc xuống nhưng tuyệt đối không bao giờ tắt. Trong cách xử lý không gian sân khấu với những hoa lông chông và dải cát trắng, cách biểu hiện cảm xúc của diễn viên đều có dụng ý của đạo diễn: Dù chúng ta có thể nghiệm hay sáng tạo, sử dụng một trình thức nghệ thuật mới hay kết hợp nhiều yếu tố nghệ thuật thì cảm xúc vẫn là điều quan trọng nhất.

Vở diễn "Nhật thực" của Nhà hát Thế giới trẻ được xem là vở diễn đậm tính thử nghiệm.

"Cậu Vanya" của Nhà hát Tuổi trẻ cũng là vở diễn được đánh giá là mang tính thể nghiệm rõ rệt. Nếu đạo diễn không xử lý kịch bản một cách có tính chất thử nghiệm thì vở diễn không có tính thử nghiệm. Tất cả chi tiết trong vở diễn đều được xử lý rất tinh tế, từ những yếu tố nhỏ như bụi, cát. 

Thay vì thế mạnh là ngôn ngữ thì các nhân vật trong "Cậu Vanya" lại dùng ngôn ngữ chủ đạo là hành động và cách xử lý sân khấu phát huy tối đa những kĩ thuật hiện đại. Điều này khác với thông thường, khi dựng lại các kịch bản kinh điển của thế giới, các đạo diễn thường cố gắng khắc họa lại bối cảnh, không gian của vở qua cách trang trí, trang phục, âm nhạc cho đến cách thể hiện nhân vật. "Cậu Vanya" đã vượt qua rào cản của không gian, thời gian và chỉ tập trung vào những suy tư của con người về cuộc sống, về ý nghĩa của sự tồn tại và trách nhiệm của bản thân.

Tuy vậy, theo NSƯT Lê Nguyên Đạt thì thử nghiệm cũng cần có những tiêu chí chứ không phải là cách làm quái lạ, khác biệt, mất đi tính chất của thể loại. Vì thế, không thể coi đây là một cuộc chơi mà là phải làm thật. "Tất cả các loại hình nghệ thuật của dân tộc Việt Nam đều được thế giới công nhận. Chúng ta không thể đánh mất di sản đó. Chúng ta phải hiểu như thế nào là thử nghiệm và thử nghiệm đến đâu, ở góc độ nào. 

Thử nghiệm ở tác giả, ở đạo diễn, diễn viên, âm nhạc, muốn làm gì thì chỉ làm một cái cho đậm. Hoặc là chúng ta hòa trộn thành một tổng phổ lớn để có một cách làm mới nhưng trong khuôn khổ nó là sân khấu, làm cho giá trị của loại hình nghệ thuật ấy độc đáo hơn, thăng hoa hơn"- NSƯT Lê Nguyên Đạt nói. Như vậy, thử nghiệm phải là cách làm khoa học, để lại những bài học cho những người kế tiếp.

Vở "Cánh đồng đẫm máu" của Hy Lạp.

Sân khấu các nước bạn lấy ít nói nhiều

Mặc dù sân khấu thử nghiệm trong nước đã có những tìm tòi và mạnh dạn, bắt đầu đã có những con người dám làm, dám đầu tư nhưng chắc chắn vẫn còn nhiều điều chúng ta phải học hỏi các nước bạn. "Tôi nghĩ rằng chúng ta cũng phải học hỏi từ bạn bè quốc tế nhiều hơn. Còn ở Việt Nam tôi thấy hình thức thử nghiệm vẫn chưa chuẩn. Khi ta đã nói thử nghiệm thì ta phải có một cái đặc biệt so với những hình thức khác. Chỉ cần một cái độc đáo thôi, đi tìm cái tinh nhất, thử nghiệm nhất, kể cả nó chưa tới nhưng chúng ta đang thử nghiệm cơ mà"- NSND Lệ Ngọc (Chủ nhiệm Sân khấu Lệ Ngọc) nhận định.

Trong kì liên hoan này, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã nhìn thấy tính chuyên nghiệp của các nước bạn. Họ sáng tạo rất cẩn thận trong điều kiện vật chất và điều kiện kĩ thuật rất cao. "Họ cũng có nhiều phong cách. Có những đơn vị tạo ra nhiều kĩ thuật rất ấn tượng nhưng cũng có những đơn vị chỉ đơn giản với một không gian biểu diễn nghệ thuật hết sức đơn giản về hình thức tổ chức sân khấu. 

Chúng tôi thấy hai phong cách nghệ thuật của sân khấu hiện nay đang mở ra như vậy. Ví dụ câu chuyện “Hai vạn dặm dưới biển”- một câu chuyện tiểu thuyết rất dài, nhiều nhân vật nhưng chỉ có hai diễn viên. Những vở diễn như Macbeth, chỉ có 3 diễn viên biểu diễn bằng sân khấu ước lệ, dấn dắt cả câu chuyện của sân khấu cổ điển. Họ lấy ít nói nhiều"- NSND Lê Tiến Thọ nói.

Vở "Dưới cát là nước" của đạo diễn trẻ Mi Lê.

Nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Thị Minh Thái bày tỏ sự thán phục trước vở diễn Bpolar của Israel. Bà cho rằng thử nghiệm thành công nhất của vở diễn này chính là đạo diễn. Trong đó, thành công nhất của đạo diễn chính là tìm được một kịch bản ngược với sân khấu. Thông thường người điên sẽ nói rất nhiều nhưng trong vở kịch này người điên không nói gì. Thế giới tiềm thức của người điên đã được thể hiện tất cả bằng những phương tiện ngược với nó. 

Đạo diễn đã dùng tất cả mọi phương tiện để nói về tiềm thức con người. Nếu như thông thường sân khấu diễn ra bằng kịch tính, hành động thì với vở diễn này, thế giới tiềm thức của người điên được thể hiện bằng những phương tiện khác. Bằng hình thức phi ngôn ngữ, sử dụng các kĩ thuật, công nghệ, âm nhạc để chạm vào trái tim khán giả. 

Do vậy, thành công của Bpolar là thành công về ngôn ngữ kể chuyện của đạo diễn với cách kể bằng hình thức chứ không phải là nội dung. Đạo diễn đã xử lý thành công kịch bản, để cho khán giả được tận hưởng một “bữa tiệc no nê” về ánh sáng, về xử lý sân khấu quay và đặc biệt rất kiệm lời...

Dù là một tác phẩm sân khấu bình thường hay thử nghiệm thì rất cần lắng nghe ý kiến công chúng, vì sân khấu là hướng tới khán giả. Có những vở diễn hay nhưng chưa rõ tính thể nghiệm. Có những vở diễn thử nghiệm nhiều lại gây tranh cãi với giới chuyên môn và đâu đó lại tạo nên sự khó hiểu.

Tuy vậy, tất cả đều không nằm ngoài mong muốn tìm ra con đường mới, được đông đảo khán giả đón nhận. Và do vậy, thử nghiệm sân khấu không phải là cuộc chơi mà trên hết phải là sự sáng tạo để tìm đến những chân trời mới của nghệ thuật.

NSƯT, đạo diễn Bùi Như Lai-Nhà hát Tuổi trẻ, Hà Nội: "Trên thực tế có nhiều luồng ý kiến khác nhau nhưng tôi luôn có một suy nghĩ tích cực bởi vì kể cả là ba vở diễn hay năm vở diễn hay là hai mươi vở diễn thì trong một liên hoan ấy thì chúng ta luôn luôn có những thu hoạch. 

Chúng ta có thể nhìn thấy quan điểm dàn dựng trong liên hoan này, với sự tham gia của các đoàn quốc tế đã đặt ra thách thức cho những người làm sân khấu trẻ hiện nay là sẽ phải thay đổi như thế nào để tiếp cận với tinh thần cũng như cách xử lý sân khấu, cách dàn dựng phù hợp hơn với nền kiến thức của khán giả hiện nay".

Đinh Thúy
.
.
.