SEA Games: Đại hội thể thao hay là "cục nợ"?

Thứ Sáu, 06/12/2019, 23:48
Khi SEA Games 30 mới đi được một nửa chặng đường, những gì diễn ra tại Philippines khiến không ít người phải buông tiếng thở dài cùng một lời nhận xét "xưa như trái đất": "Đúng là đại hội thể thao ao làng". Công tác tổ chức của nước chủ nhà đem đến nỗi lo lắng không nhỏ cho các quốc gia đăng cai các kỳ SEA Games sắp tới, bởi họ sẽ phải gánh một "quả tạ" chẳng mấy dễ chịu.


Đi vay để có tiền tổ chức SEA Games

Thượng nghị sĩ Franklin Drilon, lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Philippines, là một trong những nhân vật nổi bật nhất chỉ trích công tác tổ chức SEA Games 30 gây tốn kém không cần thiết. "Tổng số tiền cần thiết cho SEA Games khoảng 315 triệu USD và chúng tôi phải vay 217 triệu từ một công ty Malaysia, khoản vay sẽ được thanh toán trong vòng năm năm, với mỗi năm khoảng 44 triệu USD", ông Drilon cho biết. Công ty mà Philippines vay là MTD Capital Berhad, một quỹ đầu tư đa ngành của Malaysia.

Philippines phải vay tiền để tổ chức SEA Games.

Trước đây, ông từng lên án về việc chi gần 1 triệu USD xây dựng đài lửa, nơi ngọn đuốc được thắp sáng. "Mỗi phòng học ước tính 1 triệu peso thì chúng ta có thể xây dựng được 50 phòng học với số tiền này. Nói cách khác, chúng ta đã phải dùng 50 phòng học để đổi lấy một cái chậu", ông nói. Tại SEA Games, nơi được đầu tư nhiều nhất là các cơ sở thể thao của thành phố New Clark với chi phí lên đến 206 triệu USD.

Rất nhiều người dân Philippines cũng lên tiếng chỉ trích ban tổ chức vì đã quá phung phí. Một vài tờ báo ở quốc gia này thậm chí dùng lại thuật ngữ "Imeldific" - chỉ sự lãng phí khủng khiếp từng diễn ra dưới triều đại độc tài Ferdinand Marcos, Tổng thống Philippines từ năm 1965-1986. Ferdinand Marcos cùng gia đình bị cáo buộc đã biển thủ ngân khố quốc gia khoảng từ 5-10 tỷ USD. Thuật ngữ "Imeldific" xuất phát từ tên phu nhân Imelda của Ferdinand Marcos, người khét tiếng vì những thú chơi xa xỉ.

Sử dụng thế nào cho hiệu quả các công trình phục vụ SEA Games là bài toán khó cho các quốc gia đăng cai. Việc bỏ ra khoản tiền đầu tư rất lớn cho một đại hội thể thao diễn ra trong thời gian ngắn nhưng không có một chiến lược cụ thể, tầm nhìn dài hạn để sử dụng hiệu quả những công trình, hạ tầng được xây dựng chính là lý do mà nhiều quốc gia phải cân nhắc tính toán khi nhận quyền đăng cai SEA Games.

Theo truyền thống của Đại hội Thể thao Đông Nam Á, nhiệm vụ chủ nhà được luân chuyển giữa các quốc gia thành viên của Liên đoàn Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEAGF). Mỗi quốc gia được chỉ định một năm để làm chủ nhà nhưng có thể chọn làm hoặc không.

Phòng họp báo với những bức tường gạch chưa được trát và bàn ghế ngổn ngang.

Quyền chủ nhà SEA Games 30 ban đầu được trao cho Brunei, nhưng Brunei rút lui ngày 24-6-2015 vì "lý do tài chính và hậu cần". Bộ Văn hóa - Thể thao và Thanh niên quốc gia này được cho là không đồng ý với đề xuất kinh phí nâng cấp các cơ sở hạ tầng thể thao và xây dựng một sân vận động quốc gia mới

Philippines sau đó trở thành chủ nhà thay thế. Tuy nhiên, việc tổ chức của Philippines cũng không chắc chắn sau khi chính phủ có kế hoạch sử dụng số tiền dành cho đại hội để khôi phục lại thành phố Marawi sau khi nơi này bị những người ủng hộ IS chiếm đóng và có những cuộc giao tranh quyết liệt với quân đội chính phủ. Thái Lan tỏ ý sẵn sàng thay thế nếu không có nước nào khác bày tỏ sự quan tâm. Cuối cùng, Philippines vẫn quyết định tiếp tục làm chủ nhà.

Vẫn tư tưởng "ao làng"

Như một quy luật bất thành văn, cứ quốc gia nào đăng cai SEA Games thì chắc chắn đến 99% sẽ đứng nhất toàn đoàn về tổng số huy chương bởi nước chủ nhà sẽ làm đủ mọi chiêu trò, từ việc lựa chọn những môn thi đấu sở trường, những môn thể thao nặng tính địa phương không phổ biến, trọng tài xử ép... vì bệnh thành tích.

Philippines tổ chức SEA Games 30 có quy mô lớn nhất trong lịch sử về chuyên môn với 56 môn thể thao tranh 529 bộ huy chương, nhưng việc nước chủ nhà "phi mã" trên bảng thành tích chung tại SEA Games 30 vì thế đã được dự đoán từ trước và… không gây ra nhiều bất ngờ.

Truyền thông thế giới ví von "Philippines tự đá phản lưới nhà trước giờ khai mạc SEA Games".

Luật thi đấu cũng đem đến nhiều bức xúc cho các HLV, VĐV tham dự. Điển hình như môn bóng đá nam, HLV Park Hang-seo, người từng dự World Cup, cũng phải ngán ngẩm mà thốt lên "Trong sự nghiệp của mình, tôi chưa từng làm việc ở giải đấu nào với mật độ 2 ngày/trận như tại SEA Games. Chỉ được đăng ký có 20 cầu thủ, tôi phải liên tục xoay tua đội hình để thích nghi với lịch thi đấu, đồng thời tránh cho cầu thủ chấn thương và đảm bảo thể lực cho các học trò".

Không chỉ về mặt chuyên môn, công tác hậu cần của Philippines tại SEA Games lần này cũng bị chỉ trích nặng nề. Việc đón đoàn, sắp xếp nơi ăn chỗ ở, thời gian di chuyển, lịch tập luyện đến điều kiện thi đấu trong những ngày đầu tiên phải dùng từ "thảm họa".

Sự bức xúc của các đoàn thể thao khiến đích thân Tổng thống Duterte phải lên tiếng xin lỗi vì khả năng tổ chức của nước chủ nhà. Những gì diễn ra trong khoảng thời gian vừa qua cho thấy Philippines dường như chưa sẵn sàng và cũng không quá tâm huyết trong việc tổ chức kỳ SEA Games lần này.

Xét ở tầm rộng hơn, SEA Games được xem là sân chơi giúp cho thể thao khu vực Đông Nam Á hướng tới những đại hội lớn hơn của châu Á, thế giới, tuy nhiên việc diễn ra với chu kỳ quá ngắn chỉ 2 năm/1 lần, khiến cho sự cạnh tranh về chuyên môn không còn quá quyết liệt. Khoảng cách giữa các đoàn thể thao mạnh như: Thái Lan, Việt Nam, Malaysia... ngày càng lớn hơn so với các quốc gia còn lại. Thành tích tại SEA Games vì thế cũng không phản ánh chính xác hoàn toàn trình độ và sự phát triển của các nền thể thao trong khu vực.

Để SEA Games thoát khỏi khái niệm "ao làng", rõ ràng cần có một sự thay đổi mạnh mẽ về cách thức tổ chức đại hội với sự đóng góp tích cực của các quốc gia trong khu vực và hy vọng rằng sự thay đổi ấy sẽ đến sớm.

Việt Nam rút ra bài học gì từ Philippines?

Sau kỳ SEA Games 30 ở Philippines, kỳ SEA Games 31 sẽ được tổ chức tại Việt Nam năm 2021. Ban đầu theo thứ tự luân phiên, Campuchia sẽ là nước đăng cai SEA Games 31 nhưng quốc gia này đã rút lui vì lý do kinh tế, không dự trù được các khoản tiền xây dựng cơ sở vật chất. Campuchia được cho có thể đi vay Trung Quốc tiền tổ chức SEA Games như cách Philippines đã làm nhưng họ không muốn rơi vào bẫy nợ ngoại giao.

Theo thống kê, các khoản đầu tư cho công tác tổ chức SEA Games có xu hướng ngày một tăng: Năm 2005, Philippines chi 178 triệu USD, năm 2011 Indonesia chi 232 triệu USD, năm 2015 Singapore tiêu 244 triệu USD và khủng nhất là SEA Games năm 2013 ở Myanmar lên tới 400 triệu USD, trong đó chủ yếu rót vào các khu liên hợp thể thao ở thủ đô Nay Py Taw.

Theo đề án tổng thể chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31 vào năm 2021 tại Hà Nội của Bộ VH-TT&DL trình lên Chính phủ, kinh phí dự kiến để tổ chức SEA Games 31 là 2.100 tỉ đồng, được xem là đại hội tiết kiệm nhất trong lịch sử. Trong số kinh phí dự kiến 2.100 tỉ đồng, kinh phí sửa chữa, nâng cấp các công trình thể thao là 1.000 tỉ đồng, kinh phí tổ chức là 1.100 tỉ đồng. Nguồn thu dự kiến từ tổ chức SEA Games 31 là 190 tỉ đồng, bao gồm: thu ăn ở của các đoàn 100 tỉ đồng, bản quyền truyền hình 50 tỉ đồng, thu từ tài trợ 25 tỉ đồng...

Ban đầu cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều muốn là nơi đăng cai chính. TP.HCM rất mong việc tổ chức SEA Games cải thiện hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng thể thao đang xuống cấp. Tuy nhiên, sau khi cân đối ngân sách, Chính phủ đã thống nhất để Hà Nội đăng cai với mục đích là tận dụng hạ tầng cơ sở vật chất sẵn có của Hà Nội và các địa phương lân cận (đã từng có các công trình SEA Games năm 2003) và chỉ cần nâng cấp là có thể dùng được. Với phương án này thì khoản chi sẽ giảm rất nhiều.

Đơn Ca
.
.
.