Quả bóng Vàng Đỗ Hùng Dũng: Thành công từ ý chí

Thứ Sáu, 29/05/2020, 12:08
Hùng Dũng có một sự nghiệp chẳng giống ai. Anh bắt đầu thi đấu đỉnh cao khi đã 23 tuổi, lên tuyển quốc gia năm 25 tuổi, rồi giành Quả bóng Vàng lúc 27 tuổi. 4 năm vươn đến đỉnh cao vinh quang của bóng đá Việt Nam được đánh đổi bằng 10 năm vượt qua nhiều thử thách. Hùng Dũng không có kỹ thuật hay thể chất vượt trội, nhưng lại sở hữu ý chí kiên cường để vượt qua nghịch cảnh.


Henderson của bóng đá Việt Nam

Ngày 1-6-2019, tiền vệ Jordan Henderson nâng cúp vô địch Champions League với tấm băng đội trưởng trên tay. Gần 7 tháng sau, Hùng Dũng làm được điều tương tự cùng đội U22 Việt Nam ở đấu trường SEA Games. Họ đều là những cầu thủ đặc biệt bởi bản thân chẳng có gì xuất chúng. Từ kỹ thuật cá nhân đến tốc độ, sức mạnh, họ chỉ được đánh giá ở mức thường thường bậc trung.

Ở các lứa trẻ, Hùng Dũng chưa bao giờ được đánh giá cao về mặt thể chất so với những người đàn em chứ chưa nói đến bạn bè đồng trang lứa. Anh không cao lớn như Duy Mạnh, không lăn xả như Đình Trọng, không nhanh và khéo léo như Quang Hải. Nhược điểm đó khiến Hùng Dũng từng không dưới một lần đối diện với nguy cơ phải từ bỏ bóng đá. Chỉ có ý chí kiên cường và lòng đam mê với trái bóng mới khiến cậu bé Dũng có dáng người mảnh khảnh tiếp tục nuôi ước mơ làm cầu thủ.

Hùng Dũng từng là kẻ thất bại trong bóng đá cho đến khi bước sang tuổi 23.

Dũng "chip" không đá bóng để thoát nghèo. Nhà anh ở Gia Lâm có cơ sở kinh doanh riêng, bản thân Dũng chia sẻ trong nhà lúc nào cũng có người giúp việc. Tuy nhiên, không vì thế mà cha mẹ Hùng Dũng nuông chiều con cái. Đức tính cẩn thận, chăm lo chu đáo đến từng ly từng tí của anh xuất phát từ những ngày được dạy dỗ nghiêm khắc với phương châm "làm người rồi mới làm cầu thủ".

Lúc mới ở đội thiếu niên Hà Nội, điều kiện đầu tiên để Hùng Dũng đi đá bóng là phải học giỏi. Những đứa trẻ khác xả hơi vui chơi sau mỗi buổi tập bóng, còn anh vẫn ngồi vào bàn học. Mỗi khi ở nhà, anh không được ỷ lại công việc cho người khác.

Đi lên từ vị trí thấp nhất

Năm 2011, Hùng Dũng cùng đội Hà Nội T&T giành chức vô địch U19 quốc gia. Bầu Hiển xuất tiền thưởng to cho cả đội, riêng Hùng Dũng được cầm 100 triệu sau giải đấu đó. Lần đầu tiên trong 18 năm cuộc đời anh sở hữu một số tiền lớn đến thế, bởi lương của cầu thủ này khi đó ở đội trẻ Hà Nội mỗi tháng chỉ vỏn vẹn 500 ngàn đồng. Cầm 100 triệu trên tay nhiều người sẽ nghĩ đến việc mua một chiếc xe máy đẹp để đi, nhưng Hùng Dũng chọn mua ôtô.

"Ngày đó các HLV trong đội nói nhiều cầu thủ đội một còn chưa có xe để đi mà tôi đã có rồi", Hùng Dũng chia sẻ. "Thường thì người ta khẳng định tên tuổi rồi mới chăm chút cho bản thân nhưng tôi lại nghĩ khác. Mình có ôtô đi lại đỡ nắng mưa, đảm bảo sức khỏe mới thi đấu tốt được". Suy nghĩ ngược đời đó của Hùng Dũng đến từ ngày anh còn chưa có suất thi đấu ở giải hạng Nhất. Một năm sau Dũng được biệt phái đến CLB Hà Nội (CLB Sài Gòn ngày nay) và bắt đầu trải qua sự khắc nghiệt của bóng đá đỉnh cao.

19 tuổi, Quang Hải đã là trụ cột ở Hà Nội. 19 tuổi, Duy Mạnh đã có tên trong danh sách ĐT Việt Nam thi đấu ở vòng loại World Cup. Còn với Hùng Dũng, tuổi 19 trôi qua với những ngày làm trọng tài biên bất đắc dĩ. HLV cho anh vào đá cùng các cầu thủ hơn kém nhau 1-2 tuổi nhưng anh không đá nổi. Dũng không cầm nổi bóng, không tranh bóng kịp, và không thể chạy quá 60 phút. Vì thế anh phải làm quen với việc đứng bên ngoài sân nhìn các bạn thi đấu.

Hùng Dũng như một người thừa, có hay không cũng chẳng sao. Lúc có cơ hội lên tuyển dưới thời HLV Miura, anh luôn là một trong những người bị loại khi chốt danh sách. Nhưng thay vì bỏ bóng đá để chọn một nghề khác, Hùng Dũng vẫn kiên trì bám trụ và chờ đợi cơ hội. Cuối cùng ngày đó cũng đến. Trước thềm V.League 2016, CLB Hà Nội khủng hoảng hàng tiền vệ. Người đóng thế bất đắc dĩ Hùng Dũng trở thành một trong những phát hiện thú vị nhất mùa giải đó với 7 bàn thắng.

Chăm chỉ và chỉn chu

HLV Đinh Thế Nam từng nhận xét cầu thủ trẻ bây giờ có điều kiện tập luyện tốt hơn, đời sống khấm khá hơn những bậc cha chú trước kia nhưng lại chậm tiến hơn hẳn. Lý do bởi họ thiếu sự chuyên cần để khắc phục những điểm yếu cố hữu.

Hùng Dũng biết mình không có tố chất tốt như những đồng nghiệp khác, Hùng Dũng trụ lại ở bóng đá Việt Nam bằng một giáo án tập khắc khổ hơn ai hết. Ngay cả những ngoại binh của CLB Hà Nội từng thi đấu ở châu Âu cũng phải thừa nhận Hùng Dũng là cầu thủ hiếm hoi thực sự xứng đáng với hai chữ chuyên nghiệp. Để có thể lực chạy suốt 90 phút, Hùng Dũng thường dành thêm 1 giờ đồng hồ tập nặng sau khi các đồng đội rời sân.

Suy nghĩ chín chắn và kỷ luật tốt giúp Hùng Dũng thành công.

Ngoài sân cỏ, Hùng Dũng còn chú ý đến từng bữa ăn, giấc ngủ để đảm bảo thể trạng luôn sung mãn. Anh học lỏm thực đơn giàu dinh dưỡng từ hai đàn anh Văn Quyết và Thành Lương, những người có nhiều năm thi đấu cho ĐTQG. Từ món cháo cá hồi nhạt thếch, mì Ý vốn không hợp khẩu vị người Việt, cho đến nước ép táo ngọt lợ và sữa đặc rất khó uống, Dũng đều cố tập làm quen mỗi ngày. Bên cạnh sự chăm chỉ và thái độ cầu thị, sự chỉn chu, tốt tính cũng là một yếu tố giúp Hùng Dũng ghi điểm trong mắt các đồng nghiệp.

Ở CLB Hà Nội, mọi người thường gọi anh là "Gu-gồ" bởi hỏi gì Dũng cũng biết. Nếu không biết, anh sẽ tra cứu kỹ lưỡng rồi mới trả lời. Các cầu thủ xin nghỉ phép chỉ cần nhắn tin với HLV một tiếng nhưng Dũng không bao giờ làm thế. Anh sẽ lên tập trung như bình thường, tập nhẹ rồi mới báo trực tiếp. Đó là lý do Hùng Dũng được trao băng đội trưởng U22 Việt Nam khi Quang Hải chấn thương. HLV Park Hang seo biết có anh làm thủ lĩnh trên sân, mọi thứ sẽ đâu vào đấy.

Không đá bóng, Hùng Dũng làm gì?

Ngày còn chưa rõ có tiếp tục theo đuổi nghiệp bóng đá hay không, Hùng Dũng từng mơ ước trở thành một giáo viên dạy tiếng Anh. Dũng học tốt đến mức được xếp vào lớp chọn ở bậc THCS khiến anh bận bịu với bài tập hơn nữa. Khoảng thời gian tập cùng đội trẻ Hà Nội, khi chúng bạn tắt đèn đi ngủ thì Dũng chong đèn lên học. Với anh, đảm bảo học vấn là điều kiện cần thiết để theo đuổi những ước mơ khác trong tương lai. Anh tốt nghiệp THPT với kết quả khá tốt dù không thể dành nhiều thời gian học như mong muốn.

Ngày mua chiếc ôtô đầu đời, Hùng Dũng suýt trở thành tài xế tắc xi theo lời khuyên từ cha nhưng anh gạt ý định đó ngay lập tức. Anh muốn toàn tâm toàn ý với sự nghiệp bóng đá khi chọn trái bóng thay vì trở thành một ông thầy dạy tiếng Anh. Đến bây giờ Hùng Dũng vẫn chia sẻ niềm hứng thú với môn học này và anh luôn tận dụng thời gian rảnh để ôn bài. Học tiếng Anh không chỉ giúp Hùng Dũng giao tiếp với người nước ngoài, mà còn để anh nuôi mộng làm HLV bóng đá sau này.

Ở tuổi 27, Quả bóng Vàng Việt Nam 2019 đang dần tính đến hướng phát triển trong tương lai. Anh muốn nếu có thể, mình sẽ xuất ngoại để mở mang hiểu biết về bóng đá thế giới. Đó không nhất thiết phải là một đội bóng mạnh hay đảm bảo mức thu nhập cao, thậm chí là một đội hạng dưới ở nước ngoài cũng được. Hùng Dũng muốn có một trải nghiệm như Công Vinh, Văn Hậu để sau này trở thành một HLV chuyên nghiệp. Vì thế anh đang chuẩn bị bước vào khóa đào tạo làm HLV.

Cẩm Chi
.
.
.