Phim remake - Tại sao không?

Thứ Năm, 15/03/2018, 15:20
Những phim được Việt hóa từ phim nước ngoài được gọi chung là remake. Đang có một làn sóng làm phim remake không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới.


Sau "Em là bà nội của anh", một loạt tác phẩm điện ảnh remake từ các bộ phim Hàn Quốc được các nhà làm phim Việt tung ra. Tuy nhiên, sự thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay, khán giả dần mất niềm tin vào những bộ phim remake khô cứng, thiếu sáng tạo. Liệu “Tháng năm rực rỡ” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng vừa ra rạp có làm nên cú lội ngược dòng, lấy lại thiện cảm cho khán giả về phim remake?

Câu chuyện xúc động về tuổi thanh xuân

“Tháng năm rực rỡ” là phim làm lại từ tác phẩm “Sunny” (2011) nổi tiếng của điện ảnh Hàn Quốc, đạt doanh thu 51 triệu USD chỉ với ngân sách 5,5 triệu USD. Liệu đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và tác phẩm của anh có vượt qua cái bóng của bản gốc để trở thành kỷ lục phòng vé như nhiều người kỳ vọng hay không?

“Tháng năm rực rỡ” là câu chuyện đi tìm lại tuổi thanh xuân đẹp đẽ, mộng mơ và nổi loạn của một nhóm bạn gái có tên “Ngựa hoang”. Vào bệnh viện chăm mẹ về, đi ngang một căn phòng khác, Hiểu Phương (Hồng Ánh) nghe tiếng rên la của một bệnh nhân nữ trong phòng. 

Hiểu Phương chạnh lòng dừng lại và nhìn cái tên bệnh nhân trước phòng (Mỹ Dung). Cô về lục lại lưu bút, lục lại hình ảnh, lục lại kí ức... Phương trở lại phòng bệnh và nhận ra đó chính là Mỹ Dung (Thanh Hằng), thủ lĩnh của nhóm “Ngựa hoang”. 

Cánh cửa mở ra đưa Phương về 25 năm trước, tại xử sở sương mù này họ có một tình bạn đẹp. 6 cô gái, mỗi người một cá tính, một hoàn cảnh gia đình khác biệt nhưng đầy thi vị. 

Những ai sinh đầu thập niên 80 trở về trước, ai từng đi học những năm tháng ấy sẽ thấy bóng dáng mình trong đó, với đủ trò nghịch ngợm chia phe đánh nhau, những cảm xúc rung động đầu đời đáng yêu, những mâu thuẫn được giải quyết “rất học trò”.

Nhóm bạn tuổi học trò.

Hiểu Phương và những người bạn có cơ hội sống lại ký ức tươi đẹp khi nhóm cô gái còn ở tuổi học trò. Có yêu thương, hờn giận, có mộng mơ, có cả những trò nghịch ma quỷ của tuổi học trò. Nhưng trên cả là tình bạn đẹp và khát vọng của một tuổi trẻ trong trẻo. “Tháng năm rực rỡ” khá trung thành với nguyên tác. 

Từ câu chuyện chính đến các sự kiện, diễn biến chính, phụ, thậm chí cả lối thiết kế sản xuất, phong cách dựng phim, chuyển cảnh độc đáo giữa bối cảnh quá khứ - hiện tại của nguyên tác đều được các nhà làm phim Việt tái hiện.

Phim lấy bối cảnh Đà Lạt những năm 1974 - 1975, một Đà Lạt đẹp mộng mơ và đầy hoài niệm. Bối cảnh quá khứ có phần được ưu tiên khai thác sâu hơn trong phiên bản Việt là điểm nhấn tạo nên không gian văn hóa Việt của phim. 

Một Đà Lạt thơ mộng từ những căn nhà, hàng quán cho đến những bộ trang phục trẻ trung, phá cách và đậm chất retro. Ở đó, thời thanh xuân tươi đẹp của nhóm “Ngựa hoang” hiện lên vô cùng trẻ trung, ấn tượng.

Có thể nói, Nguyễn Quang Dũng đã khá thành công khi Việt hóa một tác phẩm nổi tiếng của Hàn Quốc để nói được câu chuyện, tâm hồn của tuổi trẻ Việt ở một thời điểm nhạy cảm của lịch sử. 

Diễn viên Hồng Ánh vào vai Hiểu Phương.

Phim remake - tại sao không?

Chúng ta vốn định kiến và khắt khe với phim remake. Còn nhớ trong Liên hoan Phim Việt Nam năm 2016, khi “Em là bà nội của anh” đang tạo kỷ lục phòng vé thì trong một cuộc hội thảo bên lề, các đạo diễn gạo cội vẫn không thừa nhận phim remake. 

Đạo diễn Phan Nhật Gia Linh chia sẻ: “Mỗi khi có một phim remake ra rạp, đặc biệt là khi có một phim remake THÀNH CÔNG ra rạp là xuất hiện dày đặc những ý kiến kêu gào "đừng làm remake nữa”. 

Nhiều người hỏi, Việt Nam không thể có người viết kịch bản hay hay sao mà cứ phải remake thì câu trả lời là, đúng như thế, ở Việt Nam quá ít người viết kịch bản tốt. Remake một phim nước ngoài có thuận lợi chính ở chỗ kịch bản đã được "thử lửa" ở các thị trường khác, đã được chỉnh sửa để có một cấu trúc tốt, việc còn lại là phải làm cho nó có đời sống của người Việt”.

Chúng ta đều biết, điện ảnh Việt Nam rất thiếu kịch bản hay. Vậy đạo diễn sẽ chọn gì giữa một bên là kịch bản Việt đứt gãy, thô vụng và một kịch bản remake đã từng làm nên đình đám?

Người viết bài này không cổ súy cho dòng phim remake, bởi nếu các đạo diễn đua nhau đi làm phim remake thì điện ảnh Việt sẽ còn lại gì. Nhưng remake cũng là một dòng phim cần được ghi nhận trong sự phát triển chung của điện ảnh. 

Bởi một bộ phim remake chiếm được cảm tình của khán giả, tạo kỷ lục doanh thu phòng vé cũng không phải là một bài toán dễ giải. Câu chuyện vẫn là tài năng, dấu ấn của đạo diễn trong quá trình Việt hóa kịch bản để phù hợp với tâm hồn, cuộc sống của người Việt.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và các diễn viên.

Thực tế, chúng ta thấy rõ, thành công của “Em là bà nội của anh” đã tạo nên một trào lưu làm phim remake. Nhưng cũng rất nhiều cú ngã ngựa, thậm chí thua lỗ. 

Lý do là những phim remake gần đây quá giống phim gốc. Khán giả đã xem phim gốc và tâm đắc, khi xem phiên bản Việt Nam thua về diễn xuất, cảnh quay... nên dễ nhàm chán. 

Hơn nữa, những quan điểm, tư tưởng và cách hành xử của các nhân vật trong phim gốc dù sao cũng cách nay nhiều năm, khó phù hợp thị hiếu khán giả hiện tại. 

“Sắc đẹp ngàn cân” là một ví dụ. Bản Việt hóa thiếu cảm xúc, không nhiều sự khác biệt so với phim gốc khiến khán giả chán. Phim remake thất bại đa số do người làm phim không hiểu về cấu trúc kịch bản và chỉ copy hoặc chế thêm để khác biệt chứ không phải sáng tạo.

Vậy lựa chọn nào cho phim remake. Đó là khả năng Việt hóa tài ba của đạo diễn, là những sáng tạo mang đậm dấu ấn của đạo diễn chứ không phải là câu chuyện của copy- paste.

Với “Tháng năm rực rỡ”, Nguyễn Quang Dũng đã Việt hóa khá thành công khi người xem có thể cảm nhận được không khí và câu chuyện đang xảy ra trên đất nước mình chứ không phải là sự vay mượn. 

Những chi tiết Việt hóa sáng giá như Nguyễn Quang Dũng đã tạo nên bối cảnh Đà Lạt đầy hoài niệm năm 1974-1975. Chi tiết lịch sử đặc trưng như phong trào đấu tranh Dân chủ của sinh viên tại Hàn Quốc nay biến thành phong trào đấu tranh Tự do - Dân chủ của sinh viên dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa là điểm cộng ấn tượng, thể hiện sự đầu tư nghiên cứu, đổi mới nghiêm túc của biên kịch và đạo diễn.

Đặc biệt là phần âm nhạc của “Tháng năm rực rỡ” rất ấn tượng, đó là điểm nhấn của câu chuyện làm nên sự thơ mộng và mạch cảm xúc của phim. Âm nhạc đã dẫn nhập cảm xúc của khán giả rất ngọt ngào. 

Thay vì sử dụng một số bản hit quốc tế như “Touch by Touch”, “Girls Just Want to Have Fun” hay bản cover “Sunny”, “Tháng năm rực rỡ” đem đến nhiều ca khúc gắn liền với thời kỳ âm nhạc Việt Nam của thập niên 1970. Đó là “Kim ơi” (Y Vũ), “Vết thù trên lưng ngựa hoang” (Phạm Duy, Ngọc Chánh), “Ru ta ngậm ngùi” (Trịnh Công Sơn)… hay bản nhạc “Nụ hôn đánh rơi” do nhạc sĩ Đức Trí viết riêng cho bộ phim. 

Trong đó, “Vết thù trên lưng ngựa hoang” dưới sự thể hiện mang đậm phong cách rock của Phạm Anh Khoa không chỉ giúp khắc họa tinh thần cuồng nhiệt, sống hết mình của nhóm bạn trẻ mà còn là nguồn gốc cho cái tên “Ngựa hoang”. 

Bên cạnh đó, bài hát “Yêu” (Văn Phụng) với sự thể hiện của Hoàng Yến Chibi trong trường đoạn tái hiện cảnh hát dưới mưa kinh điển của tác phẩm ca vũ nhạc “Singin” in the Rain” (1952) là một điểm nhấn đẹp của phim.

Một cảnh trong phim.

Tuy nhiên, không phải “Tháng năm rực rỡ” không có những điểm trừ khi đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và ê kíp của anh quá mải mê với kịch bản gốc. Nhiều chi tiết không phù hợp với bối cảnh, văn hóa Việt Nam. 

Chẳng hạn như chi tiết các cô gái ở tuổi trưởng thành hẹn nhau đánh hội đồng một học sinh cá biệt đã từng làm tổn thương con gái của Hiểu Phương. Hay chi tiết hai cô bé học trò (Hiểu Phương và Tuyết Anh) ngồi uống rượu trong một quán nhỏ trên đồi Đà Lạt…

Dẫu gì thì “Tháng năm rực rỡ” cũng là một phim remake thành công của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng sau bộ phim thất bại gần đây của anh (Dạ cổ hoài lang). Và dù gì thì một bộ phim remake sạch sẽ, được Việt hóa một cách thông minh và sáng tạo vẫn đáng xem hơn một phim Việt nhảm nhí, kịch bản xộc xệch, rời xa đời sống. 

Tôi không có ý cổ súy cho phim remake, nhưng dù remake hay không thì nó thực sự phải là những tác phẩm điện ảnh chạm tới cảm xúc của người xem. Với “Tháng năm rực  rỡ”, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã làm được điều đó một cách khá thuyết phục. 

Trong vòng một tháng tới, sẽ có 3 phim remake ra rạp. Một điều trùng hợp là cả 3 đều remake từ phim Hàn, trong đó có 2 phim (Sunny và Scandal Makers) của cùng một đạo diễn. 

Với một nền điện ảnh còn nhiều bỡ ngỡ như Việt Nam thì remake là một lựa chọn không tồi, tạo nên những gia vị phong phú cho khán giả thưởng thức. Tuy nhiên, xem người mà ngẫm đến ta. 

Bao giờ, điện ảnh Việt mới có những tác phẩm như “Sunny” của Hàn Quốc, khi chất liệu cuộc sống của chúng ta rất phong phú. Bao giờ chúng ta có một bộ phim để các nước có thể remake lại? 

Việt Hà
.
.
.