Nữ đạo diễn Việt đầu tiên làm phim kinh dị

Thứ Bảy, 17/02/2018, 07:00
Ðặng Thái Huyền không còn là cái tên xa lạ trong điện ảnh Việt. Nhưng năm 2017 đánh một dấu mốc quan trọng hơn với chị, là lần đầu tiên chị dấn thân làm một bộ phim kinh dị, chấp nhận một cuộc chơi với thị trường nghiệt ngã bằng tâm nguyện “được ăn cả ngã về không”.


Bộ phim “Lời nguyền gia tộc” đã để lại ấn tượng mạnh trong công chúng, mang doanh thu về cho nhà sản xuất. Lần đầu tiên có một nữ đạo diễn Việt làm làm phim “ma”.

Vượt qua lời nguyền

Phim kinh dị Việt đã từng có một số đạo diễn “đụng vào”. Nhưng phải thừa nhận, nó chưa từng là thể loại phim hấp dẫn khán giả Việt, so với dòng phim chiến tranh hay phim tâm lý. Đây là một dòng phim đặc thù, lấy nỗi sợ hãi của khán giả làm tiêu chí quan trọng để xây dựng nội dung phim. 

Nhưng trong một thế giới tràn ngập thông tin giải trí hiện nay, việc một bộ phim kinh dị kéo được khán giả đến rạp không hề dễ. Nó phụ thuộc rất nhiều vào cách người đạo diễn kể chuyện, cũng như mức độ đầu tư để làm phim. Một phim tâm lý có thể làm sơ sài, nhưng diễn viên diễn giỏi tâm lý thì vẫn có thể gây xúc động khán giả. Phim kinh dị cần nhiều yếu tố bối cảnh để vừa tạo ra mỹ cảm lại vừa tạo ra ám ảnh sợ hãi trong khán giả.

Công chúng nghiền phim kinh dị một khi đã no nê cảm giác với những phim ngoại đến từ những nền điện ảnh khổng lồ, đặc biệt là điện ảnh Mỹ - nơi sản sinh ra những bộ phim ma trứ danh nhiều thời đại, thì đạo diễn trong nước phải giải một bài toán cực kỳ khó khi làm phim kinh dị. Là làm sao thuyết phục được những công chúng khó chịu ấy. Làm sao để họ sợ hãi thực sự. Làm sao để khi bước ra khỏi rạp, có một điều gì đó bấu vào tâm trí họ, ám ảnh họ, và họ cảm thấy “tâm phục khẩu phục” đạo diễn.

Đặng Thái Huyền đã có những phim thành công trong thể loại phim chiến tranh hay phim tâm lý. Chị là một đạo diễn tài năng, được đào tạo bài bản, cách kể chuyện độc đáo, nhiều tìm tòi bất ngờ. Nhưng từ những dòng phim quen thuộc để dũng cảm bước vào một dòng phim mới, ít nhiều còn xa lạ, thách đố với cả nền điện ảnh thì cần một sự tự tin lớn. Nhất là đó lại là một phim thị trường, được đầu tư để thu hút khán giả tới rạp. Câu chuyện khán giả chưa bao giờ thôi ám ảnh người đạo diễn làm phim thị trường. Họ chỉ có một cơ hội duy nhất để tiếp tục, đó là làm sao hút được người xem tới rạp, bằng chính những thước phim của mình.

Nhưng Đặng Thái Huyền đã làm được. “Lời nguyền gia tộc” đã bước qua lời nguyền về phim kinh dị Việt không thể hấp dẫn, để nhận lấy phần thưởng của mình. Phần thưởng đó là sự chào đón, chờ đợi của công chúng. Phần thưởng đó là doanh thu của bộ phim. Phần thưởng đó còn là, từ nay, người ta sẽ thôi mặc cảm về phim kinh dị “made in Việt Nam”. Rằng đạo diễn Việt có thể làm nên những bộ phim kinh dị có sức hút, dù họ còn gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, về phương tiện, máy móc.

Nỗi sợ được tạo ra từ đâu?

Trong một phim kinh dị không thể không nhắc đến yếu tố nỗi sợ. Mang một phim kinh dị ra rạp để bán cho khán giả, cũng đồng nghĩa là anh đang bán nỗi sợ. Nếu không có nỗi sợ để bán, anh đừng gọi đó là phim kinh dị. Nhưng cũng sẽ chẳng làm nên cơm cháo gì nếu anh bán một nỗi sợ mông lung, vô thưởng vô phạt. Nghĩa là, anh phải kể một câu chuyện nào đó cho người xem đủ ám ảnh, đủ thấm thía. 

Đặng Thái Huyền thật thông minh, khi chị có thể nhận diện các ưu điểm, nhược điểm của chính mình, và của cả nền điện ảnh Việt, trước dòng phim kinh dị mới mẻ. Chị tìm một cách tiếp cận phù hợp để kể chuyện “Lời nguyền gia tộc”. Theo đó, sẽ không làm một phim kinh dị lấy các cảnh quay rùng rợn để “hù dọa” khán giả (vì có rùng rợn đến đâu cũng khó mà qua mặt được những phim kinh dị của Mỹ). 

Đặng Thái Huyền hướng đến một nỗi sợ  khác, một nỗi sợ vốn luôn quanh quẩn đâu đó trong đời người, đặc biệt là trong niềm tin tâm linh của người Á Đông, đó là nỗi sợ về luật nhân quả, luật vay trả luân hồi. “Lời nguyền gia tộc” đã nhấn vào nỗi sợ ấy. Con người sống trên đời phải lấy sự tử tế để đối đãi xung quanh, đừng gây ân oán, sẽ có lúc phải trả. Đời này không trả đời sau sẽ phải trả. Thông điệp sáng rõ ấy, dĩ nhiên, nếu thiếu đi sự thuyết phục trong những cảnh quay, trong diễn biến câu chuyện, thì cũng chẳng có một bộ phim hấp dẫn. Đặng Thái Huyền biết, chị phải trả lời trên những cảnh quay. 

Phải nói, đạo diễn lựa chọn bối cảnh quay phim tuyệt vời. Đà Lạt, những căn nhà hoang, thác nước đẹp và hiểm nguy đã đem lại những cảnh quay đậm chất điện ảnh, về mặt thị giác cực kỳ ấn tượng. Những nỗi sợ được kể trong khung cảnh đó càng thêm ám ảnh. 

Việc tiếp theo là chọn lựa diễn viên, chỉ đạo diễn xuất. Không có những ngôi sao lớn đóng nhân vật chính, nhưng Đặng Thái Huyền đã tạo ra ngôi sao từ phim của mình. Chị đã cho thấy khả năng đánh giá diễn viên, cũng như khả năng “cầm tay chỉ việc” diễn viên của mình. Cộng thêm đó là tư duy mạch lạc trong kể chuyện, khéo léo tạo ra những đường dây kết cấu chuyện một cách phù hợp nhất, tạo ra mảnh đất phong phú cho các diễn viên phô hết sở trường của mình. 

Tuấn Trần, nam diễn viên chính của phim “Lời nguyền gia tộc” đã chia sẻ, nữ đạo diễn đã thật liều lĩnh khi mời anh vào vai chính trong phim kinh dị của chị. Vì anh chưa có tên tuổi nhiều, lại khá xa lạ với dòng phim này.

Có thể nói, để làm nên một phim kinh dị đánh dấu mốc cho điện ảnh trong thể loại phim này, Đặng Thái Huyền phải vượt qua rất nhiều nỗi sợ hãi. Đúng là phải liều lĩnh, như kiểu dám bước chân xuống vực thẳm. Trước mình chưa có người thành công là một nỗi sợ. Phim không ăn khách là một nỗi sợ. Diễn viên không tròn vai là một nỗi sợ. Và Huyền đã chứng minh, để tạo ra được nỗi sợ nào đó trong phim kinh dị, chị phải dũng cảm đối mặt với từng nỗi sợ đó, rồi vượt lên trên.

Hy vọng rằng nữ đạo diễn trẻ sinh năm 1980 Đặng Thái Huyền đã để lại một dấu chân đáng ghi nhận trên con đường làm phim kinh dị của điện ảnh Việt. Sau đây chị và các đồng nghiệp của chị có thể tự tin để tiếp tục con đường đó, để không chỉ thảng hoặc chúng ta có một phim hay mà phim kinh dị thực sự trở thành một dòng phim gây ấn tượng khán giả trong nước, và cả ngoài nước tại sao không?

Không có những ngôi sao lớn đóng nhân vật chính, nhưng Ðặng Thái Huyền đã tạo ra ngôi sao từ phim của mình. Chị đã cho thấy khả năng đánh giá diễn viên, cũng như khả năng “cầm tay chỉ việc” diễn viên của mình. Cộng thêm đó là tư duy mạch lạc trong kể chuyện, khéo léo tạo ra những đường dây kết cấu chuyện một cách phù hợp nhất, tạo ra mảnh đất phong phú cho các diễn viên phô hết sở trường của mình.

Không có những ngôi sao lớn đóng nhân vật chính, nhưng Ðặng Thái Huyền đã tạo ra ngôi sao từ phim của mình. Chị đã cho thấy khả năng đánh giá diễn viên, cũng như khả năng “cầm tay chỉ việc” diễn viên của mình. Cộng thêm đó là tư duy mạch lạc trong kể chuyện, khéo léo tạo ra những đường dây kết cấu chuyện một cách phù hợp nhất, tạo ra mảnh đất phong phú cho các diễn viên phô hết sở trường của mình.
Lê Báu
.
.
.