Phim hay về đề tài lịch sử: "Món nợ" của của điện ảnh Việt
Việt Nam với bề dày lịch sử hàng ngàn năm, nhiều giai đoạn lịch sử bi hùng đã trở thành cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật, trong đó có điện ảnh. Dòng phim lịch sử là dòng phim không thể thiếu của mọi nền điện ảnh.
Tuy nhiên, so với nhiều nền điện ảnh phát triển trong khu vực và thế giới, phim lịch sử Việt vẫn thua ở một khoảng cách khá xa. Số lượng phim lịch sử Việt thực sự có khả năng hấp dẫn khán giả vẫn còn rất khiêm tốn. Chúng ta thua thế giới trong cách làm phim lịch sử vì nhiều yếu tố.
Bối cảnh giả, trường quay thiếu, cổ phục yếu
Nhìn sang các nền điện ảnh như Hàn Quốc, Trung Quốc, chúng ta không khỏi chạnh lòng khi nhìn vào “gia tài” phim lịch sử Việt trong suốt những năm qua. Số lượng phim rất ít, phần lớn do phim nhà nước đặt hàng nhân những ngày lễ lớn, những sự kiện lớn. Phim tư nhân làm thì ngắc ngoải, chưa chiếu rạp đã vấp phải trăm ngàn ý kiến ngược xuôi, chủ yếu là chê bai về bối cảnh, hình ảnh, trang phục của nhân vật không phù hợp.
Đầu tiên phải nói đến chuyện phim trường. Một bộ phim lịch sử mà không có phim trường cho các nhà làm phim và nghệ sĩ tung hoành thì chả khác gì người thợ may gặp miếng vải đèm đẹp, hợp chút thì chắp vá vào bộ cánh mình thiết kế.
Để làm được một bộ phim lịch sử, các đạo diễn phải chật vật đôn đáo khắp nơi tìm bối cảnh, sau đó ghép vào phim. Đây là lý do ở nhiều bộ phim lịch sử, nội dung phim và bối cảnh không ăn khớp, gây cảm giác phản cảm trong khán giả.
Ở các nước có nền điện ảnh phát triển hơn, khi bắt tay một dự án phim lịch sử, người ta sẵn sàng xây một phim trường cung đình để phục vụ cho câu chuyện trong phim, sau đó các phim trường này đều trở thành các điểm du lịch hấp dẫn. Nhưng ở ta thì không có chuyện đó, vì trình độ làm phim chưa cao và khả năng tài chính cho việc làm phim còn rất hạn hẹp.
Bởi không có phim trường nên các đạo diễn phim thường dựng các cảnh xưa tại những không gian hiện đại, mà thông thường kín kẽ thế nào trong các thước phim vẫn bị khán giả “bóc phốt”.
Chẳng hạn cảnh quán rượu nơi rừng thiêng nước độc của dàn nữ cướp trong phim “Mỹ nhân kế” (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) được ghi hình tại các resort sang trọng, lộ rõ sự sắp đặt, nặng nề khiên cưỡng khiến khán giả khi xem phim phần nào mất cảm xúc.
Trong không ít phim lịch sử, nội dung kể về các triều đại xưa nhưng khán giả lại phát hiện ra hình ảnh cây cột điện, tàu thuyền hiện đại, chậu cây cảnh thời nay bị lọt vào khuôn hình.
Ví dụ phim lịch sử “Táo Quậy” (đạo diễn Toàn Joshua) bị khán giả soi là đã sử dụng lọ thuốc, bình nước nhựa của thời đại ngày nay vào phim. Trong một cuộc hội thảo mới đây về phim lịch sử, nhiều chuyên gia đồng ý rằng, để có được những bộ phim lịch sử hay cần đến sự chung tay của Nhà nước.
Chừng nào Nhà nước chưa đầu tư, còn trông đợi vào tư nhân thì việc có một trường quay đủ tầm vóc cho việc làm phim lịch sử vẫn còn bỏ ngỏ. Và phim lịch sử hay thì vẫn chỉ là trong sự mong chờ của khán giả mà thôi.
Cảnh trong phim “Lý Công Uẩn Đường tới thành Thăng Long” phải sửa nhiều lần mới được phát sóng vì bối cảnh và trang phục không phù hợp. |
Thực sự mà nói, kinh phí đầu tư cho một bộ phim lịch sử thường lớn hơn các phim về đề tài khác rất nhiều. Đây là loại phim mà sự thành công của nó luôn gắn với vấn đề tài chính.
Một bộ phim lịch sử cần kinh phí nhiều gấp 3 lần phim đề tài khác cùng thời lượng. Ví dụ, phim “Tây Sơn hào kiệt” của đạo diễn Lý Huỳnh, sản xuất năm 2010, dự trù kinh phí khoảng 6 tỷ đồng nhưng khi làm xong, nhà sản xuất phải chi tới 12 tỷ đồng. Phim “Thái Sư Trần Thủ Độ” có kinh phí 57 tỷ đồng, phim “Huyền sử thiên đô” có kinh phí 60 tỷ đồng tại thời điểm làm phim.
Ít tiền là lý do khiến cho nhiều bộ phim lịch sử được đánh giá là làm quá sơ sài. Không mấy phim có cảnh quay kỹ xảo đẹp, những pha võ thuật mãn nhãn. Chẳng hạn một phim lịch sử được đánh giá là hay là “Lửa Phật” của đạo diễn Dustin Nguyễn nhưng vẫn bị chê là không có cảnh binh đao hấp dẫn, bởi đây là phim nói về cuộc chiến chống ngoại xâm của người anh hùng.
Đạo diễn bất đắc dĩ phải lên mặt báo phân bua, chẳng qua là vì không đủ kinh phí để xây dựng những cảnh quay như vậy. Việc làm phim lịch sử như một bài toán khó đối với các đạo diễn, vì tiền họ có luôn ở mức tối thiểu, không dễ múa may đủ các chiêu trò.
Một vấn đề lớn khác là phục trang trong phim lịch sử. Thiếu tiền, thiếu luôn cả chuyên gia, cố vấn lịch sử nên nhiều phim đã phải ngậm ngùi nằm im một chỗ khá lâu không được phát sóng hay công chiếu, bởi bị chê về cổ phục.
Phim thời đại này nhưng nhân vật lại mặc trang phục thời đại khác, hoặc trang phục “giống” người nước khác là chuyện thường thấy, khán giả không còn xa lạ. Không phải nội dung phim, mà chính là vấn đề phục trang trong phim mới khiến nhiều đạo diễn đau đầu.
Đạo diễn Lý Hùng từng chia sẻ: “Nếu có kinh phí đủ nhiều, chúng tôi có thể làm được thêm nhiều việc cho các phim về đề tài lịch sử của mình trở nên hoàn chỉnh hơn, từ khâu bối cảnh đến phục trang, các màn võ thuật hay vấn đề PR cho phim”.
Cảnh trong phim “Diên hy công lược” - phim làm mê mẩn khán giả khắp Châu Á. |
Bỏ quên yếu tố thương mại
Mới đây, đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn cùng ê kíp làm phim đã có buổi gặp gỡ báo chí ra mắt dự án phim “Phượng Khấu”- một bộ phim dài 60 tập sẽ được phát sóng trên truyền hình về cuộc đời Từ Dụ Thái hậu hay còn gọi là Nghi Thiên Chương Hoàng Hậu.
Một bộ phim về đề tài lịch sử nhưng là bộ phim lần đầu tiên khai thác xoay quanh những câu chuyện tranh đấu chốn hậu cung hy vọng sẽ mang đến những cảm xúc bất ngờ cho khán giả. Trên nhiều diễn đàn, khán giả tỏ ra phấn khích, chờ đợi ngày “Phượng Khấu” phát sóng.
Một khán giả viết: “Điện ảnh là một nền công nghiệp, và đối tượng nó hướng tới chính là đông đảo khán giả. Phim lịch sử hay bất cứ phim nào cũng chỉ có thể tồn tại được khi có khán giả. Nên người làm phim lịch sử cần phải quan niệm về phim lịch sử giống như sản phẩm văn hóa hấp dẫn và nó phải bán được trên thị trường.
Tôi cảm thấy ở Việt Nam, phim lịch sử chưa trở thành một sản phẩm để bán được. Các phim thường được làm theo đặt hàng, để đáp ứng yếu tố chính trị, mang tính tuyên truyền, cứng nhắc. Như vậy khán giả làm sao xem say mê cho được. Các phim thường mải miết đuổi theo các sự kiện lịch sử, nệ sử quá nhiều mà ít tính sáng tạo, ít tưởng tượng. Nói gọn là tính giải trí, tính thương mại trong phim lịch sử của ta còn ít”.
Nhà sản xuất phim “Phượng Khấu” có lẽ đã nắm bắt được “điểm yếu” này của phim lịch sử Việt. Họ không đi vào những vấn đề triều đình lớn lao, mà khai thác số phận những người đàn bà trong hậu cung. Đây là một chủ đề cực kỳ ăn khách trong dòng phim lịch sử.
Phim “Diên Hy công lược” của điện ảnh Trung Quốc là một ví dụ. Bộ phim chỉ tập trung xoay quanh những ân oán, tranh giành, đấu đá chốn hậu cung thời nhà Thanh dưới sự trị vì của vua Càn Long, “Diên Hy công lược” đã làm mưa làm gió ở thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam. Chưa kể phim phát sóng truyền hình, chỉ tính riêng phim chiếu online đã đạt 10 tỷ lượt xem, một con số khổng lồ mà người làm phim nào cũng mơ ước.
Theo đánh giá, “Diên Hy công lược” được đông đảo khán giả yêu thích nhờ kịch bản hay, cốt truyện hấp dẫn, dàn diễn viên thực lực, trang phục bám sát lịch sử, hình ảnh, tạo hình nhân vật đẹp mắt.
Những chuyện thâm cũng bí sử chốn hậu cung trong lịch sử nước ta cũng hấp dẫn không kém và đây chính là cơ hội để các nhà làm phim Việt có thể xây dựng những tác phẩm điện ảnh hấp dẫn khán giả không thua kém gì điện ảnh các nước.
Khán giả Việt mong chờ sự ra mắt của phim “Phượng Khấu”. |
Cố GS Phan Huy Lê trong một lần trò chuyện cùng người viết bài này đã nói đại ý, lịch sử Việt không thiếu đề tài hay, vấn đề chỉ là người làm phim chưa biết khai thác. Tình trạng chung của phim lịch sử Việt là nghèo nàn khâu kịch, do vậy không thể có phim hay.
Cần phải có một sự thay đổi trong cách nhìn và quan điểm làm phim lịch sử đó, đặc biệt chú trọng khâu kịch bản. Đạo diễn và biên kịch phải dày công nghiên cứu, vừa khai thác những yếu tố hấp dẫn của lịch sử, để đánh trúng được tâm lý khán giả. Tâm lý chung của người làm phim lịch sử hiện nay là dè chừng nội dung vì sợ phim không qua được khâu kiểm duyệt.
Để có phim hay, người làm phim lịch sử cũng cần phải dám dấn thân, dám kể lại câu chuyện lịch sử theo cách của mình mà không quá sự e ngại về vấn đề kiểm duyệt phim.
Dĩ nhiên việc này cũng cần đến vai trò của ngành văn hóa, nhằm “cởi trói” nhiều hơn cho người làm phim, để họ có thể vẫn truyền tải các thông điệp lịch sử mà vẫn có thể sáng tạo nghệ thuật. Có như vậy công chúng mới hy vọng được thưởng thức các phim lịch sử thực sự hay trong tương lai gần.
Khán giả hiện tại đang thích phim lịch sử Trung Quốc, phim lịch sử Hàn Quốc hơn, nhưng không có nghĩa là họ không yêu lịch sử Việt. Vấn đề chỉ là các đạo diễn vẫn còn nợ họ những thước phim hấp dẫn về lịch sử nước nhà mà thôi.