Cổ phục Việt trong điện ảnh phải đẹp, chân thật hơn

Thứ Hai, 19/08/2019, 00:27
Sau hàng loạt phim lịch sử gây tranh cãi, thậm chí bị phản ứng khá gay gắt vì quá… lạ mắt so với thực tế, câu chuyện cổ phục Việt tiếp tục gây chú ý trở lại khi mới đây, dự án phim cung đấu đầu tiên của Việt Nam có tựa đề “Phượng Khấu” công bố đưa vào sản xuất. 

Khai thác chuyện tranh đấu chốn hậu cung thời Nguyễn nên ngay từ khi dự án rục rịch khởi động, câu chuyện phục trang trong phim đặc biệt được chú ý trở lại trong số đông công chúng. Nhưng, cũng từ đây, khá nhiều vấn đề quanh câu chuyện cổ phục Việt trong điện ảnh được hé mở cùng với không ít hy vọng sẽ tìm được lời giải cho một trong những “nút thắt” của phim lịch sử lâu nay.

Trao đổi quanh vấn đề cổ phục Việt trong điện ảnh, Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho rằng, lâu nay đã có khá nhiều phim lịch sử ra mắt nhưng dư luận chưa hài lòng. Điển hình về tính sơ sài về trang phục phải kể đến phim “Hoàng Lê nhất thống chí”. Phim vấp phải sự phản ứng rất dữ dội của dư luận, bị chê bai về sự tùy tiện. Nhưng, trang phục cho diễn viên khiến người trong cuộc phải cảm thấy tội nghiệp cho phim. Vì đạo diễn, diễn viên chỉ nhận được một sự tài trợ rất khiêm tốn về phục trang, họ phải chạy vạy mượn trang phục này một số đoàn tuồng, sân khấu, miễn là  có vẻ cổ cổ một tý để sử dụng. 

Các phim lịch sử sau này được đầu tư tốt hơn, trong đó đầu tư cho trang phục đã nhiều hơn nhưng vẫn liên tục bị chê trách. Trình độ nhận thức của các tác giả làm phim, nhất là những chi tiết cụ thể về trang phục còn hạn chế.

Cổ phục trong điện ảnh là vấn đề gây nhiều tranh cãi lâu nay.

Cũng theo Giáo sư Lê Văn Lan, thực tế, cổ phục rất mênh mông. Trang phục đời Trần, Lê, Nguyễn… đều là cổ phục. Đến nay, tư liệu về cổ phục thời Nguyễn còn nhiều và rõ ràng hơn cả. Hiện nay còn nhiều ghi chép về cổ phục trong cổ thư mà đời sau phóng ngược lại. Tuy nhiên, riêng cổ phục ở thời Nguyễn cũng rất rộng. 

Các nhà làm phim phải chốt lại bối cảnh chuyện phim ở giai đoạn nào thì mới có thể làm được các bộ cổ phục vừa phục vụ hoạt động sản xuất phim, vừa phù hợp với các tư liệu lịch sử. Nhà Nguyễn là triều đại phong kiến gần nhất nên cũng dễ hiểu, vì sao nhiều công trình nghiên cứu, dự án phim, sân khấu khai thác về thời kỳ này. 

Với dự án phim “Phượng Khấu”, những người làm phim đã rất khéo chọn quãng thời gian mà họ thể hiện. Thời Nguyễn kéo dài từ đầu thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, đầy rẫy những biến động, phức tạp, khó khăn thậm chí cả những chuyện chết người.  

Nhưng, ê kíp làm phim đã chọn khoảng thời gian 7 năm, từ 1840 đến 1847, thời vua Thiệu Trị. Đó là thời gian thích hợp nhất cho các tác giả, tác phẩm làm về triều Nguyễn theo phương châm nhìn một giọt nước, thấy được đại dương mà vẫn tránh được những tranh cãi do quan điểm, nhận thức khác nhau về lịch sử. 

Đây cũng là thời kỳ tinh kết nhất của triều đại nhà Nguyễn, dễ nhận được sự đồng thuận trong nhận thức lịch sử. Tất nhiên, cổ phục trong phim thì không thể chỉ gói gọn trong 7 năm mà phải là khoảng giữa của thế kỷ 19…

Về vấn đề cổ phục trong phim, ông Huỳnh Anh Tuấn, đạo diễn phim “Phượng Khấu” cũng cho rằng, mặc dù chọn đúng thời điểm thuận lợi và nhận được nhiều sự hỗ trợ khác nữa nhưng để thực hiện được các bộ cổ phục cho phim, ê kíp thực sự vất vả. 

Điều may mắn là khi làm phim này, ê kíp may mắn có cơ hội làm việc với Công ty Ỷ Vân Hiên. Đây là đơn vị đã có quá trình nghiên cứu khá sâu về cổ phục Việt Nam đặc biệt là thời nhà Nguyễn. 

Tuy nhiên, đạo diễn sẽ phải bàn với bên Ỷ Vân Hiên để làm trang phục trong phim phải khác với ngoài đời thường. Màu sắc, thiết kế… phải đáp ứng với phim trường, như lớp vải may phải chắc chắn nhưng không được dày như cổ phục thật. 

Cứ liệu cho cổ phục, ê kíp đã phải ngồi lại với nhau rất nhiều lần trong một khoảng thời gian dài để tìm hiểu, tham khảo tư liệu của nước ngoài, đặc biệt là của Pháp, các tư liệu còn lại tại Việt Nam đến ngày nay, kể cả các video quay về thời kỳ này. 

Dù khó khăn nhưng cũng rất thú vị vì người làm phim có may mắn được tiếp cận một số cổ vật như chiếc áo Nhật Bình của Bà Chúa Nhất - Mỹ Lương Công Chúa vừa được đưa về Việt Nam. Những bộ trang phục của Hoàng hậu Nam Phương và nhiều cổ phục khác đã, đang xuất hiện ngày càng nhiều ở các bảo tàng tư nhân, bảo tàng của Cố đô Huế… 

Chưa kể, tại Huế còn một người chắt của vua Minh Mạng là Mệ Công Tôn Nữ Trí Huệ, các hoa văn trên các lăng tẩm, đền đài. Vì vậy, đoàn có thể tạm yên tâm về mặt cơ sở cứ liệu cho phim.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Lê Văn Lan thì chúng ta đã có các quyển sách nghiên cứu, đã sưu tầm được những mẫu vật gốc và phục chế được những mẫu vật cụ thể của từng thời một, đặc biệt là triều Nguyễn nên yên tâm hơn. Nhưng, đây chỉ là sự yên tâm trong quá trình phát triển mà chúng ta ngày càng tiếp cận và tiệm cận được với chân lý, sự thực và quan điểm thẩm mỹ để dần dần sẽ có những phim lịch sử có cổ phục đẹp đẽ, đúng đắn  hơn. 

Tất nhiên, nếu chỉ có những nỗ lực của các đoàn làm phim thôi thì câu chuyện cổ phục trong điện ảnh sẽ còn gặp rất nhiều trở ngại. Đã đến lúc chúng ta phải đưa  các kết quả nghiên cứu, thể hiện thành những mẫu vật cụ thể và việc đưa các mẫu vật vào làm phim phải tốt hơn. Cách nhìn nhận, đánh giá về phim lịch sử cũng cần bao dung hơn. Vì trong lịch sử, chúng ta có cả những cứ liệu rất cụ thể như ông vua nào thì ngáp kiểu gì, che tay ra làm sao. 

"Nhưng làm phim cứ chằn chẵn như lịch sử thì không còn là nghệ thuật nữa. Làm phim về lịch sử nhưng phải làm sao để nghệ thuật cộng với lịch sử để lịch sử được thăng hoa, đẹp đẽ, vừa đúng, vừa đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của từng giai đoạn phát triển của xã hội", Giáo sư Lê Văn Lan nhấn mạnh.

N.Nguyễn
.
.
.