Văn hóa "khổ nhục kế" ở Nou Camp

Ở Barca, cầu thủ là những "osin cao cấp"

Thứ Tư, 23/11/2016, 17:11
Trong loạt trận cuối tuần qua, Barca là đội bóng lớn gây thất vọng nhiều nhất. Họ chơi hơn Malaga 2 người trong nửa cuối thời gian hiệp hai, nhưng vẫn để đối phương cầm hòa 0-0. Lý do chủ yếu được đưa ra, là sự vắng mặt của Suarez và Messi.


Nhưng Neymar không hề đơn độc, ngay cả khi mất đi đối tác ăn ý trong "tam giác quỷ" M-S-N. Thực ra, chính Neymar, hay đúng hơn là cách vận hành đội bóng ở Catalan, là lý do trực tiếp khiến cỗ máy chiến thắng bị chặn đứng.

Tổng cộng có 97 đường chuyền trúng đích hướng tới vị trí của Neymar, biến anh là người nhận bóng nhiều nhất trên sân. Và trong 97 lần nhận bóng ấy, chỉ 13 lần Neymar luân chuyển hướng đi của trái bóng tới vị trí của Alcacer và Turan - những người đóng thế.

Toàn đội chủ động chuyền cho Neymar, còn Neymar từ chối hợp tác với mọi người. Một trong những đặc điểm cố hữu của Barca 10 năm trở lại, là văn hóa "khổ nhục kế" qua cách mô tả của tạp chí Howler. Qua từng đời HLV, chi tiết ấy càng được bôi đậm và làm rõ trên bức tranh tổng quát.

Trong một tập thể 11 người, sẽ chỉ có 1 ngôi sao và 10 cá thể còn lại có duy nhất một nhiệm vụ, là phục vụ ngôi sao ấy.

Barca thường gặp khó khăn mỗi khi thiếu một mắt xích trong tam tấu MSN.

Ibra - nạn nhân đầu tiên

Tiền đạo người Thụy Điển là trung tâm của mọi đội bóng anh kinh qua, ngoại trừ Barca. Xích mích giữa Ibra và Pep Guardiola là đề tài được đề cập như nguyên nhân chính dẫn tới sự đổ vỡ của màn kết hợp từng được kỳ vọng sẽ đưa bản thân Ibra và Barca lên một tầm cao mới.

Thế đâu là vấn đề của Ibra? Anh đã làm sai (chưa đúng) chỗ nào để Pep hắt hủi anh? Khi nhiều ý kiến cho rằng Ibra vô kỷ luật thì thực tế lại cho thấy vấn đề trái ngược dù rằng, Ibra tương đối tự mãn và ngổ ngáo.

Lấy một ví dụ nhỏ. Ibra trước giờ chỉ sử dụng xe hơi của Porsche và Ferrari - hai dòng xe đua có công suất lớn và không phù hợp sử dụng trong thành phố như muốn làm rõ cá tính mạnh của mình. Tuy nhiên, khi Pep yêu cầu lái chiếc Audi Q7 mà nhà sản xuất ôtô của Đức tặng (Audi là đơn vị tài trợ cho Barca), Ibra tuân lệnh tức khắc.

Hoặc về việc di chuyển mỗi dịp làm khách tại Champions League, Ibra cũng vui vẻ đồng ý tham gia chuyến bay cùng toàn đội chứ không dùng phi cơ riêng - một đặc ân anh được hưởng tại Italia và Hà Lan trước đó.

Khi cái tôi của Ibra được bỏ sang một bên, chẳng lý gì anh lại chơi dưới sức mình. Nhưng đúng là Ibra chưa từng đạt phong độ cao nhất thời ở Nou Camp, vì anh cũng chưa hề được trao cơ hội ở… vị trí sở trường. Đấy là một câu chuyện tưởng cũ, nhưng không hề mất đi tính thời sự trong mọi hoàn cảnh.

Trong cuốn tự truyện của mình, Ibra đã làm rõ mối quan hệ với Pep và đồng đội. Anh chỉ đích danh Iniesta và Xavi thuộc mẫu "con ngoan trò giỏi" và không hề có chính kiến. Họ ra sân chỉ để phục vụ Messi, vì đó là yêu cầu của Pep.

Trước khi rời đi, Ibra nói chuyện với Busquets. Ibra thắc mắc vì sao, Busquets có thể hài lòng khi bị báo chí đánh giá thấp. Thậm chí lúc ấy, vai trò của Busquets là rất mờ nhạt chứ chưa nói gì tới danh xưng mỹ miều kiểu "anh hùng thầm lặng".

Busquets tỉnh bơ, "hồn nhiên" đáp: "Vui mà, đội thắng là được. Anh không thấy lưới rung cả buổi hay sao?".

"Hình như, anh ta bị tẩy não thì phải", Ibra cất giọng châm biếm. Phải hy sinh nhiệm vụ ghi bàn cho một cầu thủ đá cánh - ấy chính là cái tát trực diện vào lòng tự trọng của một trung phong cắm kiểu mẫu, lại thuộc diện sao số như Ibra.

Ibra - một nạn nhân của văn hóa “khổ nhục kế” ở Catalan.

Hai mặt của vấn đề

Ibra cũng đã tìm gặp Pep tại văn phòng của ông thầy. Pep bảo nếu không có Messi, ông có lẽ đang trôi dạt ở giải hạng ba. Villa, Henry chấp nhận dạt cánh, Sanchez sẵn sàng loại bỏ tính sáng tạo để trở thành anh công nhân hỗ trợ Messi.

Còn Ibra thì không thể. Mà cũng không trách Ibra được, vì anh tới Barca trong bối cảnh "không đúng người, sai thời điểm". Không thể bắt thợ điện đi sửa ống nước trong chiều mưa tầm tã và chúng ta phải thông cảm cho Ibra.

Một câu chuyện cũ, nhưng đủ để tóm tắt tiến trình phát triển của Barca trong 10 năm trở lại. Ý thức hệ hay quan điểm triết học của đại bộ phận cầu thủ chọn Barca làm bến đỗ là "luôn hy sinh cho một điều gì đó".

Mascherano đã chấp nhận từ bỏ vị trí tiền vệ phòng ngự để trở thành trung vệ vì tự nhủ Busquets là "chúa" ở vòng tròn giữa sân. Suarez tự bác bỏ tuyên bố của mình ngày còn ở Liverpool và tỏ ra ngoan như một "chú cún" rằng anh không nằm trong tốp những cầu thủ hay nhất thế giới vì nếu anh hay thì không biết phải dùng tính từ gì để miêu tả Messi.

Rakitic ngày ra mắt thề thốt sẵn sàng chạy 50.000 mét, tương đương… 50 cây số để bắt kịp trình độ của tam tấu Messi - Suarez - Neymar bất chấp khối công việc của tiền vệ Croatia chẳng hề đụng chạm tới đất diễn bộ ba tiền đạo kia.

Neymar bất lực trong trận hòa 0.0 với Malaga.

Nỗi ám ảnh về đức hy sinh lớn đến nỗi Thomas Vermaelen, dù liên tục mài đũng quần trên ghế dự bị, bị HLV trưởng đương thời Marc Wilmots của ĐT Bỉ doại loại khỏi danh sách dự EURO 2016 vẫn "gồng mình" và nắn gân phóng viên tờ Telegraph: "Yên tâm đi. Tôi đã từng nghĩ tới việc gia nhập CLB khác, nhưng tại sao vẫn có hàng tỷ người muốn lao đầu vào đây?".

Khách quan mà nói, chính sách cai trị của các đời HLV và BLĐ Barca mang tới rất nhiều điều tích cực. Không gì hạnh phúc bằng việc mọi thành viên trong đội đều hướng về mục đích cao nhất, là vinh quang. Đoàn kết là sức mạnh tối ưu. Xây dựng hình ảnh Messi hay M-S-N là một cách để những nhà quản lý ở Nou Camp duy trì sự hưng phấn trong phòng thay đồ suốt thời gian dài.

Vì đại bộ phận cầu thủ luôn nghĩ rằng ngay cả khi ở trên đỉnh cao, họ vẫn còn kém, mà cái kém dễ thấy nhất là… kém một ai đó trong đội (có lẽ Messi là trường hợp ngoại lệ). Động lực, một vấn đề nan giải của số đông những CLB mạnh khi đã leo tới đỉnh cao, hóa ra lại là vấn đề cỏn con của Barca.

Nhưng cuộc sống luôn hàm chứa mặt tốt - xấu. Barca phải chấp nhận đánh đổi khi đưa văn hóa khổ nhục kế thành vào căn phòng dẫn tới thành công. Mà hệ lụy lớn nhất, không phải đâu xa, chính là triệt tiêu sức sáng tạo của số đông.

Trong một ngày mà Messi vắng mặt, Suarez và Neymar phải tự giải quyết phần công việc của 3 người làm. Nhưng trong một ngày đen đủi hơn, khi Suarez cũng không thể ra sân, Neymar trở nên đơn độc. Các cầu thủ còn lại vốn quá quen với việc luân chuyển bóng cho bộ ba phía trên, và chính Neymar cũng đã quen phối hợp với hai đối tác tin cẩn.

Họ dường như không có khả năng tác chiến độc lập, nhất là lúc trạng thái hưng phấn đã biến mất. Cuộc viễn chinh kéo dài hàng chục ngàn cây số từ châu Âu về Nam Mỹ cho vòng loại World Cup rồi lại trở về khối lượng hàng tuần cấp CLB đã bào mòn sức lực của họ.

"Ở Barca, cầu thủ là những ô sin cao cấp" - trích lời Yaya Toure trên tạp chí 4-4-2. Những người giúp việc thạo nghề sẽ chỉ làm tốt công việc khi chủ của họ là những đại gia lắm tiền. Rời xa vòng tay ấy, ắt là bão tố. Bởi họ không thể đứng trên đôi chân của chính mình.

Một công ty đa cấp

Dưới đây là đoạn trả lời phỏng vấn của bộ ba tiền vệ Rafinha, Turan, Rakitic trong buổi giao lưu với cộng đồng NHM Barca tại Catalan hồi tháng 8. Rafinha bảo "Turan là tiền vệ giỏi, tấm gương về khả năng lãnh đạo". Turan bảo "Rakitic là ngôi sao". Rakitic lại nói "Rafinha là tiền vệ toàn năng nhất".

Lời khen bỗng trở nên khách sáo lạ thường. Sau một vòng tròn khép kín, người nghe cũng không rõ thế nào là "ngôi sao". Tìm một định nghĩa về ngôi sao bóng đá giờ phải đặt dưới lăng kính, hoàn cảnh khác nhau ư? 

Tờ La Vanguardia đã gọi đấy là hội chứng "đa cấp". Một món hàng qua tay quá nhiều trung gian, bị tam sao thất bản và giá trị nó mang lại bị lệch lạc so với nguồn gốc. Tóm lại, ngôi sao là đội trưởng? Là tiền đạo giỏi? Hay cầu thủ đa năng? Thật khó giải thích.

Thói quen "không ăn mừng"

Xavi kể lại sau chức vô địch Champions League 2008/09, Pep đưa ra hai sự lựa chọn cho các học trò. Hoặc là tới thẳng tòa thị chính Catalan tham gia tiệc rượu với hội đồng khu tự trị, hoặc về nhà ngủ.

Pep lo sợ các cầu thủ không thể giữ đôi chân trên mặt đất. Ý kiến đó đúng, nhưng không nhất thiết phải bày tỏ ở thời khắc vinh quang ấy. Người Catalan không có thói quen ăn mừng, vì họ cho rằng ăn mừng là biểu hiện của tự mãn và suy thoái.

Eto'o so sánh thời ở Inter và Barca. Mourinho rất khó tính, nhưng chơi ra chơi làm ra làm. Trận thắng Bayern ở Madrid 2010, ông cho phép các cầu thủ xả trại 2 ngày. Nhưng ở Barca, Eto'o phải "cun cút" về nhà, mở chiếc laptop và theo dõi NHM ăn mừng qua các đoạn video được chia sẻ qua mạng. 

Đơn Ca
.
.
.