Những bạn trẻ với niềm đam mê nghệ thuật truyền thống

Thứ Ba, 07/11/2017, 22:10
Có một lớp học về nghệ thuật truyền thống hiện đang được tổ chức ở giảng đường Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH và NV) đã thu hút được khá nhiều người quan tâm.


Đó là lớp học thuộc dự án “Đưa nghệ thuật truyền thống từ sân đình vào sân trường” do các thành viên của Dự án Chèo 48 giờ - Tôi chèo về quê hương phối hợp với khoa Văn học, Câu lạc bộ tuyên truyền văn hóa lịch sử (Trường Đại học KHXH và NV) và giáo phường Đình làng Việt tổ chức. Lớp học đã thu hút được khá đông các học viên và sự quan tâm của dư luận.

6 giờ tối một ngày tháng 10, trời nhiều sương xuống, càng lạnh hơn. Phố sá đã lên đèn, những chiếc xe đạp, xe máy chen chân trên những đoạn đường đông như cố tìm đường để về một cách nhanh nhất. Nhưng cũng giờ ấy, tại Trường Đại học KHXH và NV, các bạn trẻ vẫn say sưa tập những động tác hoạt động thể thao; còn trên các giảng đường vẫn sáng ánh đèn. 

Cũng như nhiều hoạt động khác của nhà trường và Đoàn trường, nhóm bạn trẻ đang tham gia dự án Chèo 48 giờ vẫn say sưa theo dõi những buổi tập của các học viên tham gia lớp chèo ấy. Sân khấu giảng đường nhà G vẫn đông kín các học viên của lớp chèo, còn hai nghệ sĩ của Nhà hát chèo  - NSƯT Đoàn Thanh Bình và nghệ sĩ Nguyễn Tuấn Kha vẫn say sưa tập luyện, hướng dẫn cho các học viên.

Hai nghệ sĩ Đoàn Thanh Bình và Nguyễn Tuấn Kha đang hướng dẫn các học viên những động tác chèo.

Hôm nay, cả lớp học trích đoạn chèo trong vở chèo Quan Âm Thị Kính, đó là đoạn anh Nô tuân lời Phú Ông lên chùa gọi cô Màu. Vở chèo Quan Âm Thị Kính đã rất quen thuộc với khán giả, và nhân vật Thị Màu được khai thác rất nhiều, nhưng ở mỗi lứa tuổi khán giả có lẽ cũng có những cảm nhận khác nhau về nhân vật này, và cho dù Thị Màu là nhân vật không được xếp vào tuyến nhân vật phản diện, nhưng lại là nhân vật điển hình, đỏng đảnh, đong đưa và ở xã hội Thị Màu sống là giai đoạn xã hội không coi trọng mẫu người như Thị Màu; những việc làm của Thị Màu bị xã hội lên án và bêu riếu; tuy vậy, tính cách nhân vật này rất điển hình, nổi trội nên nhận được nhiều sự quan tâm và người đóng Thị Màu đều muốn khai thác rất sâu nội tâm nhân vật. Đoạn trích Thị Màu lên chùa vì thế mà được chọn để các bạn thể hiện.

Từng cặp được lựa chọn để lên sân khấu tập luyện. Lớp học có đầy đủ các thành phần; già, trẻ cũng có, nam và nữ; người trung niên có, thậm chí còn có một em bé đang độ tuổi tiểu học cũng tham gia học lớp chèo. Bé con đi học từ trường tiểu học về, vẫn mặc nguyên bộ quần áo đồng phục, ngồi hàng ghế đầu say mê quan sát và học hỏi. 

Còn hai nghệ sĩ Đoàn Thanh Bình và Nguyễn Tuấn Kha đi lại và quan sát học viên tập, chỉ bảo cho học trò từng li từng tí; từng động tác và ánh mắt, cử chỉ và dáng điệu, ngôn ngữ cơ thể. Không khí lớp học cứ tưng bừng với tiếng trống và tiếng hát, tiếng cười sảng khoái của cả học viên và giáo viên.

Nghệ sĩ Đoàn Thanh Bình và nghệ sĩ Nguyến Tuấn Kha với bao nhiêu năm đứng trên sân khấu chèo, có lẽ với vở chèo “Quan Âm Thị Kính”, 2 nghệ sĩ đã thuộc nằm lòng, đã từng đi theo nghệ sĩ vào bữa ăn và giấc ngủ. Chính vì vậy, họ diễn mà cứ như không, cứ như cử chỉ, hành động tự nhiên của họ vậy. 

Không khí lớp học rất tưng bừng.

Nhân vật anh Nô và Thị Màu trên sân khấu chèo mang đến cho khán giả sự vui tươi, hấp dẫn, trẻ trung. Anh Nô là người ăn, kẻ ở cho nhà phú ông lắm tiền. Anh này khỏe mạnh, lại chất phác, thật thà; còn Thị Màu thì đỏng đảnh, đong đưa. Trong xã hội ngày xưa, người ăn kẻ ở bị đối xử, phân biệt và khinh rẻ. Nhưng Thị Màu là nhân vật đỏng đảnh, thấy anh Nô khỏe mạnh nên mồi chài. Hai nhân vật gặp nhau, là cơ hội để Thị Màu bày tỏ thái độ. 

Nội dung đoạn trích là vậy, nhưng để thể hiện được tốt, người diễn viên còn cần thể hiện bằng cử chỉ, ánh mắt; dáng điệu và ngôn ngữ cơ thể. Có theo dõi buổi tập mới thấy sự tập luyện vất vả như thế nào, và làm thế nào để “hút” khán giả tập trung lên sân khấu. 

Và mỗi câu nói là một hành động. “Người ta nói hát chèo, nhưng người ta cũng nói “diễn chèo”. Ví dụ như: “Vì chưng bác mẹ tôi nghèo/ Cho nên tôi phải băm bèo thái khoai”. Nói đến “bác mẹ tôi nghèo” đồng thời với hành động phải hướng bàn tay về phía mình – ý nói tôi; còn băm bèo, thái khoai thì cũng phải làm động tác tay như băm bèo thái khoai thật sự; hay khi Nô gọi Màu ra, mắt Thị Màu tình tứ, đong đưa, đùa giỡn, mời gọi anh Nô, cùng với đó là những hành động như mời gọi của Thị Màu: “Gió xuân như dải yếm đào/ Anh trông thấy oản sao anh chẳng vào thắp hương”. 

Câu hát thì như vậy nhưng hành động của Thị Màu thì như dâng hiến. Hiểu được ý tứ ấy của cô Màu, Nô ta khoái lắm, nhưng cứ vờ vịt, còn ánh mắt thì dõi thẳng vào ngực của cô Màu. Mọi câu hát đều đi kèm với hành động. Nhân vật Nô thì cố phải tỏ ra ngớ ngẩn, tuy vậy vẫn ỡm ờ; còn người đóng vai Thị Màu thì hết sức đỏng đảnh, ánh mắt đưa tình.

Hai học viên vai Thị Màu và anh Nô trong trong trích đoạn chèo Quan Âm Thị Kính.

Loại hình nghệ thuật chèo là nghệ thuật quần chúng, ai cũng có thể hát; và khi nghệ sĩ hát trên sân khấu thì ở dưới khán giả cũng có thể hát phụ họa. Chính vì thế, các sân khấu chèo thường rộn ràng tiếng hát, tiếng đế. 

Ở chiếu chèo 48 giờ cũng vậy. Các học viên đang trong sự say mê học hỏi, và ít nhiều cũng có chút giọng hát, nay có dịp được thể hiện tài năng và cũng là thỏa niềm đam mê. Không khí ở dưới rất vui vẻ. Bạn ở trên tập diễn cứ diễn, những người ở dưới cũng hát theo và tập hát, tập thực hiện động tác để chờ đến lượt mình. 

Những ánh mắt dõi theo ở đây không phải là để xem biểu diễn nữa mà là để học hỏi. Họ đều là những người đang học diễn nên còn có những hành động chưa được chuẩn xác, nhiều động tác ngây ngô, gây cười cho người xem; chính vì vậy mà phòng học không thiếu những tiếng cười sảng khoái. 

Tuy nhiên cũng nhận thấy một điều là học viên học tập cực kỳ nghiêm túc, chăm chú theo dõi sự chỉ bảo của giáo viên và cố gắng tập luyện sao cho đúng. Còn hai nghệ sĩ, họ chỉ cho các học viên từ cách đi đứng, cử chỉ dáng điệu. Xem cách thức hai nghệ sĩ truyền dạy cho học viên, có thể cảm nhận được như hai nghệ sĩ đã truyền dạy hết tất cả kinh nghiệm của mình, và họ coi học viên như những học viên chuyên nghiệp. 

Nghệ sĩ Đoàn Thanh Bình và nghệ sĩ Nguyễn Tuấn Kha cũng đã có tuổi, nhưng có lẽ tình yêu của chèo đã ăn sâu vào máu thịt nên rất tâm huyết với Dự án Chèo 48 giờ, và dành rất nhiều thời gian để chỉ bảo cho các học viên – những người ngoại đạo nhưng yêu thích bộ môn chèo. Những học viên của lớp học phần lớn vẫn là giới trẻ, và đặc biệt các nam thanh niên trẻ rất nhiều. 

Trái ngược với họ, thì nhiều bạn trẻ  khác, có khi không biết đến bộ môn nghệ thuật chèo, chứ chưa nói đến xem trọn vẹn một vở chèo. Cho dù các bạn trẻ trong lớp học yêu thích chèo vì  có thể họ có năng khiếu, biết diễn chèo, nhưng giữa thời buổi công nghệ như ngày nay, không thiếu sự lựa chọn thì tình yêu với bộ môn nghệ thuật chèo của các bạn là một sự đáng trân trọng.

Dự án Chèo 48 giờ  - Tôi chèo về quê hương là một dự án cộng đồng phi lợi nhuận với sứ mệnh truyền cảm hứng về văn hóa nghệ thuật cổ truyền đến với công chúng hiện đại, đặc biệt là giới trẻ thông qua cách tiếp cận gần gũi, sáng tạo; qua đó khơi dậy niềm yêu thích, tự hào về giá trị bản sắc dân tộc, thúc đẩy những hành động gìn giữ, bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật chèo.

Bạn Ngô Quang Minh, một thành viên tích cực của dự án luôn luôn có mặt trong những buổi học. Tuy không biết hát chèo nhưng Minh luôn cổ vũ cho các bạn học viên. 

Có mặt trong những buổi học, đồng nghĩa với Minh ngày nào cũng phải ra về cuối cùng sau khi lớp học tan, tức là vào khoảng 8 giờ tối (lớp học bắt đầu từ 6 giờ). Đây là những hoạt động ngoại khóa mà Minh thích tham gia và thích trải nghiệm, tuy nó khá tốn thời gian của Minh, trong khi Minh vẫn hiện đang là sinh viên trong trường, vẫn phải dành thời gian đi học và hoàn thiện kiến thức ở trường. 

Còn bạn Hảo, một học viên của lớp học, tuy không phải là sinh viên Trường Đại học KHXH và NV (Hảo là sinh viên Học viện Y học cổ truyền) thì cũng không ngày nào vắng mặt trên lớp. Tuổi của Hảo có khi cũng ít được tiếp xúc với nghệ thuật truyền thống, vì có lẽ những chiếu chèo sân đình ở một vùng quê giờ ít được tổ chức, nhưng Hảo cho biết Hảo một lần nghe hát chèo trên tivi, vậy là em thích và tìm hiểu, rồi biết được thông tin lớp học liền tham gia. 

Lớp học chỉ có 15 buổi, nhưng đủ để Hảo được thỏa niềm đam mê. Tuy vậy, nếu ai có năng khiếu hát chèo, mỗi khi có hội diễn, các học viên sẽ được chị phụ trách lớp mời tham gia, và niềm mong mỏi được thể hiện những điệu chèo sẽ vẫn được tiếp tục. 

Hy vọng rằng, lớp trẻ sẽ có nhiều bạn như bạn Minh, bạn Hảo, với niềm đam mê của mình sẽ tiếp cận nền nghệ thuật truyền thống của dân tộc, và những nghệ sĩ Nguyễn Tuấn Kha, Đoàn Thanh Bình sẽ là người truyền dạy và truyền cảm hứng cho các bạn trẻ trong niềm đam mê với nghệ thuật truyền thống này. 

Ngô Chuyên
.
.
.