Nhân cuộc thi chuông vàng vọng cổ 2014:

Nghĩ về phát huy nghệ thuật truyền thống trong đời sống hiện đại

Thứ Năm, 14/08/2014, 09:20
Sau 8 mùa thi, Chuông vàng vọng cổ đang bước dần về đích trong mùa thi thứ 9. Với hơn 400 thí sinh trên cả nước dự thi Chuông vàng vọng cổ 2014, Ban tổ chức và cả người mộ điệu có thể tự an ủi rằng người gắn bó và yêu mến nghệ thuật truyền thống gốc Nam bộ này vẫn còn duy trì bởi nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, sau những cuộc kiếm tìm gương mặt tài năng, việc phát huy tài năng, góp phần duy trì, phát huy vốn quý nghệ thuật truyền thống của cha ông trong hiện tại thì còn nhiều vấn đề mà một hay nhiều cuộc thi mới chỉ là đoạn... khởi đầu.

Không thể phủ nhận, so với nhiều loại hình nghệ thuật khác có gốc gác từ dân gian, đi lên từ đời sống dân dã, nhờ tính sáng tạo và năng động vốn có tiếng của những người con mảnh đất phương Nam, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, vọng cổ và đi liền vọng cổ là cải lương đã có một đời sống sôi động hơn ngoài sự hiện diện tại nơi phát tích - các vùng quê sông nước. Năm 2014, theo lời kêu gọi của chính Ban tổ chức cuộc thi Chuông vàng vọng cổ thì đây là thời điểm thuận lợi cần được tận dụng để quảng bá bởi đờn ca tài tử vừa được UNESCO chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Thực tế, con số trên 400 thí sinh dự thi năm 2014 có thể lọt thỏm so với nhiều cuộc thi ca hát, nhảy múa mang tính thời thượng khác nhưng là con số cao nhất trong các cuộc thi Chuông vàng vọng cổ từ trước đến nay.

Chất lượng thí sinh, như chia sẻ của Ban tổ chức qua nhiều mùa thi thì chưa năm nào có dấu hiệu của năm sau thấp hơn năm trước. Tất nhiên, danh hiệu chuông vàng, chuông bạc cũng lấp lánh trên sân khấu trao giải mỗi mùa thi. Rất nhiều trong số chuông vàng, chuông bạc, chuông đồng được vinh danh ấy từng vô danh thậm chí hoàn toàn vô danh, khuất lấp sau những miệt vườn. Việc phát hiện ra họ là cả những kỳ công và như chia sẻ của chính Ban tổ chức là kèm theo may mắn. Nếu thời điểm đầu, cuộc thi chỉ loanh quanh ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam thì hiện nay, việc tuyển sinh được tổ chức trải rộng khắp các vùng, miền. Ngay việc chấm điểm, theo nhạc sĩ Kiều Tấn - người nhiều năm liền gắn bó với Chuông vàng vọng cổ thì Ban tổ chức cũng có những quy định rất riêng để làm sao phù hợp nhất cho đối tượng tham gia dự thi cũng như mục tiêu của Ban tổ chức.

Chương trình Ngân mãi chuông vàng nhằm giúp thí sinh đoạt giải Chuông vàng vọng cổ đến với khán giả.

Góp phần quyết định "sát sườn" nhất là tiêu chí chấm điểm. Ý thức các giọng ca dự thi phần lớn đều là nghiệp dư, ca tự do thoải mái thì ổn nhưng lên diễn trên sân khấu dễ mất điểm vì không quen nên những đêm đầu, Ban giám khảo chủ yếu chấm giọng ca, cách ca (chiếm khoảng 6/10). Càng về gần đích cuối, điểm số cho diễn xuất mới chiếm tỉ trọng cao hơn. Có lẽ vì thế mới có những chuông vàng như Minh Lâm còn là cậu học trò khi đăng ký dự thi, có thí sinh còn "đặc sệt" nông dân, mang theo lên sân khấu cả dấu ấn của đồng chiều cuống rạ nhưng vẫn đạt giải như chàng nông dân Lê Văn Gàn năm nào...

Nhưng, cũng có một thực tế, dù có chuông vàng, chuông bạc sau mỗi mùa thi song chuông ngân xa hay không lại là cả bài toán khó. Cũng theo nhạc sĩ Kiều Tấn, mặc dù sau này, hậu Chuông vàng vọng cổ còn có thêm chương trình Chuông vàng ngân mãi. Mục đích của chương trình là giúp các thí sinh đoạt giải có cơ hội tỏa sáng trên sân khấu, góp phần lan tỏa, phát huy loại hình nghệ thuật này trong đời sống. Tuy nhiên, thời lượng có hạn, mỗi chương trình có khi gắn với nội dung cụ thể theo yêu cầu của nhà đài tùy vào từng thời điểm. Có thí sinh đoạt giải nhưng sở trường không phù hợp với vai diễn có nội dung thích hợp với thời điểm cần tuyên truyền,  có những chuông vàng, chuông bạc ca hay nhưng diễn xuất chưa tốt, hoặc giả, họ có khả năng nhưng hầu hết đều là người ở các vùng quê xa, lên thành phố tập dượt, đầu tư biểu diễn nhưng thù lao không đủ để họ trang trải chi phí nên nhiều khi từ chối lời mời. Chuông vàng nhưng khó ngân vang xa cũng một phần vì thế.

Một thực tế khác trong các cuộc thi dành riêng cho nghệ thuật truyền thống, không phải chỉ với Chuông vàng là giải thưởng. Nếu nhiều cuộc thi, cũng truyền hình trực tiếp có giải thưởng ít nhất là vài trăm triệu, có khi vài tỷ đồng, những trò chơi truyền hình nhiều yếu tố may rủi, có khi người chơi "khơi khơi" cũng mang về vài triệu đến vài chục triệu thì sau 9 năm, như Chuông vàng vọng cổ 2014, giải thưởng cao nhất cũng mới là 50 triệu đồng. Đành rằng, tiền bạc không quyết định tất cả, nhưng trong các cuộc thi, các sân chơi truyền hình càng không thể phủ nhận, giải thưởng càng cao càng dễ hấp dẫn.

Với bộ môn nghệ thuật truyền thống được sản sinh và tiếp tục được duy trì, phát triển ở một khu vực có đời sống văn hóa sôi động nhất cả nước như vọng cổ ở phía Nam và rộng hơn nữa là đờn ca tài tử và cải lương vẫn còn gặp khó như thế thì với những di sản văn hóa phi vật thể khác, kể cả những nghệ thuật truyền thống dân tộc đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể khác ở những vùng đất có đời sống văn hóa ít được sôi động quanh năm, việc duy trì và phát huy còn khó gấp bội phần. Chưa kể tình trạng không hẳn là không phổ biến rằng, rất nhiều quán ăn, nhà hàng, kể cả điểm du lịch coi những di sản ấy như một yếu tố để hấp dẫn khách. Chỉ có điều, việc diễn, ca những nơi ấy còn khó quản lý, thậm chí ít được quản lý, tình trạng người học, tìm hiểu chưa đến nơi đến chốn cũng thi nhau lên biểu diễn. Người xem rành bộ môn nghệ thuật đó có thể lắc đầu ngao ngán là một lẽ nhưng với người không hiểu, nhất là du khách phương xa dễ ngộ nhận: di sản văn hóa phi vật thể lại chỉ có như thế?

N.H.
.
.
.