Nhạc sĩ Hoàng Vân Áng mây vàng đã về miền cực lạc
Ông vĩnh biệt công chúng để vào cõi vĩnh hằng lúc rạng sáng cùng ngày, hưởng thọ 88 tuổi, để lại nỗi tiếc thương vô hạn trong lòng người hâm mộ.
Nhạc sĩ Hoàng Vân phải chống chọi với căn bệnh viêm phổi vào những năm cuối đời. Ông đã vượt qua những thời điểm nguy kịch về sức khỏe để hồi phục và nhận được sự chăm sóc tận tình của gia đình, người thân.
Ra đi ở tuổi 88, nhạc sĩ đã hoàn thành công việc, tâm nguyện của một người nhạc sĩ, suốt đời cống hiến cho công chúng, cho nhân dân những tác phẩm tinh hoa nhất của mình.
Nhạc trưởng Lê Phi Phi, con trai của nhạc sĩ đang sống và làm việc tại nước ngoài chia sẻ trên mạng xã hội, anh rất đau buồn về sự ra đi của người cha. Lê Phi Phi là một nhạc trưởng trẻ tuổi, một người kế thừa được các thành tựu âm nhạc mà cha mình để lại.
Sinh thời nhạc sĩ Hoàng Vân từng chia sẻ, ông rất tự hào về các con, đặc biệt là người con trai đã trở thành một nhạc trưởng danh tiếng, điều hành những dàn nhạc danh tiếng ở châu Âu và thế giới. Nhạc trưởng Lê Phi Phi hiện sống ở Macedonia.
Nhạc sĩ Hoàng Vân cùng vợ trong một chương trình tôn vinh tác phẩm của ông. |
Giống như nhiều nhạc sĩ cùng thời, con đường âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân gắn liền với các sự kiện lịch sử lớn của dân tộc. Cuộc đời sáng tác của ông trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.
Ông gia nhập Đội Thiếu niên cứu quốc Mai Hắc Đế từ năm 16 tuổi, sau đó là liên lạc viên tự vệ khu Đông Kinh Nghĩa Thục Hà Nội, rồi trở thành phụ trách Thiếu sinh quân Trung đoàn 165, Sư đoàn 312. Sau đó ông tham gia Đội tuyên truyền vũ trang, làm báo chí và công tác địch vận của trung đoàn, phụ trách văn nghệ ở sư đoàn 312.
Môi trường công tác gắn liền với văn nghệ ấy đã tạo điều kiện cho tài năng âm nhạc của Hoàng Vân được phát triển, nở rộ. Tình cảm cách mạng, tinh thần yêu nước đã là cảm hứng để ông sáng tác nhiều ca khúc hay, những bài hát không thể thiếu của một thời, động viên bộ đội, chiến sĩ, những người công nhân vùng mỏ, những người nông dân vất vả một nắng hai sương lao động chăm chỉ để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Nhạc sĩ Hoàng Vân và con trai Lê Phi Phi. |
Nhạc sĩ Trần Tiến viết về nhạc sĩ Hoàng Vân, người mà ông gọi là thầy, với lòng kính trọng tuyệt đối: “Có nhiều nhạc sỹ tôi ngưỡng mộ, gặp mặt tôi thường gọi là thầy, dẫu chưa dạy tôi một chữ, một nốt nhạc. Nhưng mãi mãi với tôi họ là là bậc thầy như Đàm Linh, Đỗ Nhuận, Hoàng Vân, Phạm Duy… và nhiều bậc thầy nữa. Vẫn biết, rồi sẽ đến ngày thầy Hoàng Vân phải về thế giới người hiền, biết vậy mà vẫn khóc.
Lúc nào tôi cũng nhớ mắt thầy điềm đạm, kiệm lời. Hôm đến đưa thầy xem bài hát mới sáng tác, thầy đưa bàn tay về hư không. Tôi không hiểu. Có người bạn đi cùng nhắc: Cây viết? Tôi luống cuống tìm. Làm sao có cây viết đặt vào bàn tay người đang ở hư không đây. May quá, thầy bảo: “Thôi không cần, cũng chẳng cần sửa gì nữa. Cậu có chất nhạc thanh niên, viết tiếp đi. Hết”.
Một ngày nữa, đang phóng xe đến Nhạc viện, gặp thầy giữa đường. Tôi chào “Thầy ạ”. “Tiến đấy à, sao không viết ca khúc nữa em”. “Dạ, em đang bận viết giao hưởng”. “Chưa làm lính thì sao vội làm quan” – thầy nhẹ nhàng mắng. Lại một ngày nữa, bao năm sau. “Thầy ạ”. “Tiến đấy à, viết Dodecaphonic đi (nhạc 12 âm), sao cứ viết ca khúc hoài”. Lại muốn khóc. Đó là những bậc thầy vĩ đại. Chỉ một hòn sỏi thầy búng vào, đánh thức sự mê muội của đám trẻ chúng tôi. Thế thôi, đủ làm thầy”.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường lặng đi khi nghe tin Hoàng Vân qua đời. Ông không nói nhiều, vì theo ông, âm nhạc Hoàng Vân đã đủ để nói về những cống hiến lớn lao mà một người nhạc sĩ đã dành cho cuộc đời, cho công chúng.
Ông nhớ kỷ niệm ông và nhạc sĩ Trần Tiến thường đi tản bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm và gặp nhạc sĩ Hoàng Vân cũng thường hay đi dạo quanh hồ. Những ngày như thế, có biết bao nhiêu điều về âm nhạc mà ông được nghe người thầy Hoàng Vân chia sẻ.
Nhạc sĩ Hoàng Vân và vợ ngồi xem chương trình hòa nhạc có con trai ông, nhạc trưởng Lê Phi Phi biểu diễn. |
Ca sĩ Tùng Dương chia sẻ với báo chí, nhạc sĩ Hoàng Vân là một người mà anh vô cùng ngưỡng mộ. Những bài hát của ông luôn thấm đẫm tình người, tình yêu quê hương đất nước.
“Ca từ trong bài hát của ông rất dung dị nhưng chở nhiều ý nghĩa với thế hệ ca sĩ trẻ như chúng tôi”. Tùng Dương cũng ấn tượng những lần đến thăm vị nhạc sĩ già, chứng kiến ông bình thản vượt qua bệnh tật, những nỗi đau về thể xác.
“Hình ảnh bác gái cần mẫn mỗi ngày nâng giấc, chăm chút cho người chồng của mình đã tạo cảm hứng cho Tùng Dương rất nhiều. Trong âm nhạc, bác Hoàng Vân là một cây đại thụ, nhưng trong đời thường, tình yêu của bác dành cho người vợ cũng rất tuyệt vời mà thế hệ trẻ chúng tôi phải soi vào, học tập”.
Nhiều nghệ sĩ như Thanh Hoa, Trọng Tấn, Việt Hoàn, Anh Thơ, Tân Nhàn, Phương Thảo đều tỏ lòng thương tiếc vô hạn người nhạc sĩ lớn của âm nhạc Việt.
Nhạc sĩ Hoàng Vân sinh năm 1930 tại Hà Nội. Gia đình ông là gia đình nho học. Ông được đi tu nghiệp ngành âm nhạc tại Nhạc viện Bắc Kinh năm 1954, sau đó về nước làm chỉ huy dàn nhạc Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, kiêm chỉ đạo nghệ thuật. Bên cạnh biểu diễn, ông tham gia công tác giảng dạy môn sáng tác và phối khí tại Nhạc viện Hà Nội. Học trò của ông rất nhiều người đã thành danh và trở thành những nhạc sĩ tên tuổi như An Thuyên, Trương Ngọc Ninh, Văn Thành Nho, Phú Quang… Năm 1975, nhạc sĩ Hoàng Vân được đến Bulgaria để thực tập âm nhạc tại nhạc viện danh tiếng Sofia. Những ca khúc nổi tiếng nhất của ông phải kể đến là “Hò kéo pháo”, “Tôi là người thợ lò”, “Hà Nội- Huế- Sài Gòn”, “Quảng Bình quê ta ơi”, “Bài ca giao thông vận tải”, “Chào anh giải phóng quân- Chào mùa xuân đại thắng”, “Bài ca xây dựng”, “Hát về cây lúa hôm nay”, “Tình ca Tây Nguyên”. Ngoài ra là những ca khúc thiếu nhi nổi tiếng được nhiều thế hệ tuổi hoa yêu thích như “Mùa hoa phượng nở”, “Em yêu trường em”, “Con chim vành khuyên”. Nhạc sĩ còn viết nhiều hợp xướng, khí nhạc và phụ trách âm nhạc cho nhiều bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam như “Con chim vành khuyên”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”… Thậm chí, Hoàng Vân còn viết nhạc cho một số vở kịch nói, chèo, cải lương. Ông là một nhạc sĩ đa-di-năng, một tên tuổi lớn trong âm nhạc. Ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000. |