Nhạc cổ điển ra phố, lên sóng truyền hình: Tại sao không?

Chủ Nhật, 13/08/2017, 15:32
Lâu nay, nhiều người vẫn mặc định “thánh đường” nghệ thuật của âm nhạc cổ điển là các nhà hát. Vậy nên, không ít người “mắt chữ O, miệng chữ A” khi nhạc cổ điển vang lên giữa phố đông người hoặc lên sóng truyền hình...


Được khởi động từ năm 2011 đến nay, LUALA Concert đã qua 6 mùa mang âm nhạc cổ điển - vốn dành cho giới thượng lưu châu Âu ra phố Hà Nội. Với mục tiêu mang nhạc cổ điển đến với đông đảo người xem, LUALA Concert đã nhanh chóng trở thành một sự kiện văn hóa, được báo chí, đông đảo người dân Thủ đô ủng hộ, chờ đợi. Cùng với Monsoon Music Festival – Lễ hội âm nhạc quốc tế gió mùa, LUALA Concert giờ đây cũng được xem là một “thương hiệu nghệ thuật” của Hà Nội trong nhiều năm qua.

Mặc dù nổi tiếng và “được lòng” công chúng như thế, nhưng ít ai biết rằng, lúc mới bắt đầu, bên cạnh những đồng tình, ủng hộ thì kiểu giao hưởng trên hè phố này cũng làm cho nhiều người nghi ngại. Thậm chí, có người còn băn khoăn: Liệu LUALA Concert có phải là một chương trình trộn lẫn giữa “mắm tôm” với “rượu vang” hay không? Người ta không tin thứ âm nhạc bác học đó, thuộc về những mái vòm có vẻ kinh viện của nhà hát đó, lại có thể vang lên một cách nghiêm túc ở vỉa hè – nơi có xe cộ qua lại tấp nập, có tiếng còi xe inh ỏi, có tiếng cười đùa, tiếng khóc của trẻ… Người ta không tin một dàn nhạc có thể “vác” ra trên đường phố và chèo, tuồng cổ, hò Huế lại có thể “mix” (mix: trộn – PV) một cách ngon lành với piano…

Cô trò Jenny Lưu - Vân Anh trên sân khấu Thần đồng âm nhạc – Wonderkids - Ảnh: BTC cung cấp.

Để rồi theo thời gian, LUALA Concert dần trở thành một từ khóa hấp dẫn mỗi dịp Thu Đông sắp sửa về. Từ con số vài chục người, đến nay, mỗi buổi biểu diễn của LUALA Concert thu hút hàng ngàn người với đầy đủ tầng lớp, độ tuổi tham dự. Từ một chương trình thuần 100% nhạc cổ điển châu Âu đến nay, LUALA Concert liên tục thể nghiệm, đưa các thể loại âm nhạc dân gian, cổ truyền Việt Nam gần với dàn nhạc giao hưởng, mang lại nhiều ngẫu hứng, bất ngờ, mới mẻ.

Trước đó, khi được hỏi rằng thứ âm nhạc “khó nghe” này mang ra phố thì sẽ thế nào, nhạc sỹ Trần Mạnh Hùng, cố vấn của LUALA Concert cho rằng: “Việc làm của chúng tôi có thể bị bối cảnh làm thất bại, nhưng thắng lợi của chúng tôi là ít nhất mỗi người dù đi xe máy qua đây, có ít nhất 2-3 giây thứ âm nhạc chúng tôi muốn lọt vào tai họ.

Nếu như một người ở trong rừng, sẽ không bao giờ họ biết được thế giới bên ngoài có những gì. Nếu như ông Mozart sống trong rừng, không bao giờ tiếp xúc với âm nhạc cổ điển thì chắc chúng ta cũng sẽ không có một Mozart lẫy lừng. Nhưng nếu, người đó chỉ có 2-3 giây để xem một cái gì đó đẹp, khác với những gì họ đã từng quen thuộc thì đó cũng là cơ hội để mở ra một cái nhìn mới cho bản thân họ và thậm chí cho cả xã hội sau này”.

Với ông Đỗ Ngọc Minh – người khởi xướng LUALA Concert: “Hòa nhạc cổ điển dĩ nhiên nghe trong nhà hát đủ chuẩn là hay nhất, nhưng không phải ai cũng có điều kiện. Và nếu có một góc phố đủ điều kiện thì nhạc cổ điển chơi tại đó cũng sẽ có một sắc thái rất hay - cái hay của việc nhiều người được tiếp cận nó (âm nhạc cổ điển) và nó thoát ra khỏi tháp ngà, được tự do”. Để rồi có lẽ, từ trước đến giờ, chưa bao giờ, nhạc cổ điển, nghệ sỹ chơi nhạc cổ điển lại gần với công chúng đến vậy và ngược lại.

Cũng với mục đích mang nhạc cổ điển đến với đông đảo mọi người, mới đây, 2 tập đầu tiên của chương trình Thần đồng âm nhạc - Wonderkids phát sóng trên kênh truyền hình HTV3 – DreamsTV gây không ít ngạc nhiên với công chúng lẫn giới chuyên môn.

Khi báo chí hỏi về Thần đồng âm nhạc, nghệ sỹ Thanh Bùi – người khởi xướng chương trình, đều nhấn mạnh và lặp đi lặp lại rằng đây là “một chương trình giáo dục – giải trí, không phải là gameshow”. Và trên tinh thần đó, những người tham dự vào hầu hết là các giảng viên – nghệ sĩ và giám khảo, giám đốc âm nhạc, đều cho biết, họ đang làm “một cú lội ngược dòng”.

Vì sao lại là một cú “lội ngược dòng”? Là bởi, giữa lúc mỗi một giây trôi qua trên sóng truyền hình là “vàng” như hiện nay, đây là chương trình duy nhất cho đến thời điểm hiện tại dành cho âm nhạc cổ điển, tôn vinh âm nhạc cổ điển – một thể loại không mang tính đại chúng, khá kén tai nghe với nhiều người.

Biên đạo múa Tuyết Minh, cũng là giám khảo của chương trình Thần đồng âm nhạc – Wonderkids chia sẻ bên lề, chỉ riêng trong ngành múa mà chị theo đuổi, 7-8 năm nay đã vắng bóng những tài năng ballet cổ điển. Theo chị: “Âm nhạc cổ điển vốn sống trong không gian nhà hát lớn.

Trong khi đó, để tổ chức một buổi hòa nhạc thì chi phí quá đắt đỏ và khán giả không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận. Việc đưa nhạc cổ điển lên sóng truyền hình với tư cách một “nhân vật chính”, không nhiều thì ít cũng sẽ giới thiệu hoặc gợi mở về loại nhạc này đến đông đảo mọi người”.

Gọi đây là “cú lội ngược dòng” còn bởi ê-kip thực hiện chương trình này coi đây là một thử thách trong việc mở ra chân trời mới với thị trường giải trí và thị hiếu âm nhạc Việt Nam. Thị trường âm nhạc ở Việt Nam trong nhiều năm qua gần như là thị trường của Pop, của Rock. Thế giới giải trí thì quay đi quẩn lại các gameshow hết chiêu trò, scandal, rồi “chửi nhau như hát hay” ngay trên sóng truyền hình.

Rõ ràng, ai cũng biết, gameshow đang bão hòa, đang gây ra một sự chán nản toàn diện nhưng… cũng chỉ vì không có gì để xem nên nhiều người vẫn phải xem. Tuy nhiên, chán gameshow, không có nghĩa, công chúng sẽ hào hứng với chương trình nói về âm nhạc cổ điển phát trên tivi.

Liệu tham vọng mở ra một chân trời mới với thị trường giải trí và thị hiếu âm nhạc Việt Nam có không tưởng không? Thanh Bùi cho rằng, không tưởng hay không thì phải thử mới biết được.


Một buổi biểu diễn được ghi lại tại LUALA Concert 2015. Ảnh: LUALA.

Anh nói, đã đến lúc công chúng nên được hưởng những đặc quyền của họ, nghĩa là được tiếp cận với những chương trình giải trí mang tính văn minh. Và hiện nay, công chúng cũng đang cần điều đó. Thanh Bùi còn nói thêm, người ta cứ nghĩ giải trí thì phải chiêu trò. Song, giải trí cũng hoàn toàn làm được một cách nghiêm túc, đàng hoàng  nhất.

Bỏ qua những chương trình biểu diễn của các nhà hát, âm nhạc cổ điển – tinh hoa của văn hóa nhân loại gần như vắng bóng trong đời sống giải trí của công chúng Việt Nam trong nhiều năm qua. Vắng bóng, hay nói chính xác hơn là bị “nuốt chửng” bởi cơn lốc của văn hóa đại chúng, của những sến súa, nhảm, nhạt dần đều.

Chưa biết, giấc mơ của những người khởi xướng LUALA Concert hay Thần đồng âm nhạc – Wonderkids hay những chương trình tương tự có trở thành một giấc mơ có thật hay không thì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố nữa. Trong đó có cả khán giả - đã chuẩn bị tinh thần để chuyển dịch gu thưởng thức của mình hay chưa nữa…

Âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung vốn đầy bất ngờ từ những điều “lội ngược dòng”, mà có khi lội hết dòng người chèo lái, người tham dự mới biết được. Nhạc cổ điển ra phố hòa vào đám đông, nhạc cổ điển lên sóng truyền hình? Tại sao không?!

Nhạc sỹ Trần Tiến: “Không thể vinh danh những ca sĩ không biết đọc nhạc”

Ở đất nước nào mà nhạc cổ điển có thể đến được với mọi nhà thì đó là đất nước hạnh phúc. Một dân tộc yêu quý nhạc cổ điển là một dân tộc có văn hóa. Nhạc cổ điển là bệ phóng để người ta có thể bay lên. Cần hiểu nhạc cổ điển là nền tảng cơ bản cũng như chúng ta học đánh vần a, b, c.

Để biết đọc phải biết đánh vần. Để biết chơi các thể loại nhạc hiện đại, cần có vốn cổ điển tốt mới đi đường dài được. Tất nhiên, không phải cứ học cổ điển thì sẽ thành tài.

Nhiều người không có điều kiện học nhưng vẫn trở thành những vĩ nhân. Có học vẫn tốt hơn. Tôi cảm ơn những người thày đã dạy dỗ tôi nhạc cổ điển thật vững vàng, để từ đó tôi hiểu và làm được các thể loại âm nhạc hiện đại một cách căn bản và sâu sắc hơn.

Điều quan trọng nhất không phải là nhạc cổ điển hay không cổ điển mà là muốn làm nghề gì lâu dài thì phải có cơ bản. Muốn đánh võ giỏi thì phải học cơ bản, học nhiều thế võ của những trường phái khác nhau thì mới đánh nhau giỏi. Nghệ thuật cũng vậy, những ai có thể thắng lợi ngay thì sẽ chóng tàn, người ta gọi là bạo phát bạo tàn.

Có những ca sĩ nổi tiếng và giàu có mà không đọc được nốt nhạc thì có thể còn bị những nhạc công nghèo, đệm đàn cho họ coi thường, vì dưới tầm họ. Ca, nhạc sỹ không có nền tảng âm nhạc cổ điển sẽ rất thiệt thòi. Việc học không quyết định tài năng và sự nổi tiếng của một con người nhưng lại giúp cho họ có nền tảng văn hóa. Văn hóa không chỉ để làm nghề mà còn để làm người sống có văn hóa. Nếu có văn hoá cơ bản thì tài năng sẽ phát triển gấp nhiều lần và bền lâu gấp nhiều lần.

Vừa rồi, tôi nhận lời tham gia chương trình Thần đồng âm nhạc với vai trò giám khảo sau một thời gian dài từ chối nhiều lời mời ngồi ghế “nóng” ở các gameshow cũng xuất phát từ tình cảm của tôi dành cho âm nhạc cổ điển. Tôi cho rằng, nếu có một chương trình giáo dục - giải trí về thể loại âm nhạc này, phát trên sóng truyền hình cũng là một điều cần thiết trong việc xây dựng nền tảng âm nhạc – nghệ thuật cho các bạn trẻ, nghệ sỹ trẻ của chúng ta.

Đậu Dung
.
.
.