Nhạc bolero và sự loay hoay chọn lựa của ca sĩ trẻ

Thứ Năm, 31/05/2018, 13:26
Vài năm trở lại đây, bolero quay trở lại thống soái đời sống âm nhạc. Thị trường giải trí trở nên “cuồng” bolero hơn lúc nào hết. Chỗ nào cũng bolero, từ các game show, chương trình truyền hình, đến các sân khấu ca nhạc.


Có cung thì có cầu. Nhiều ca sĩ trẻ chuyển hướng hát bolero, thậm chí có những ca sĩ đã yên vị ở dòng nhạc khác cũng sang lãnh địa bolero để cày cuốc. Nhưng thực sự hát bolero đâu có dễ. Những ca sĩ nếu lựa chọn theo đuổi dòng nhạc không đúng với sở trường của mình sẽ có gì bất cập?

Dễ nghe, khó hát

Với khán giả nói chung, bolero là thể loại âm nhạc dễ nghe. Những ca khúc của dòng nhạc này thường tập trung kể những câu chuyện thường nhật trong đời sống. Nó là tiếng lòng của những người thuộc tầng lớp bình dân trong xã hội, và phần lớn là mang âm hưởng buồn. 

Việc được cấp phép trở lại khiến cho dòng nhạc bolero trở nên phổ biến rộng rãi. Các show diễn bolero được tổ chức từ khắp Bắc chí Nam, có phần tràn lan, nhằm đuổi theo thị hiếu, nhu cầu của người nghe. 

Trên các chương trình truyền hình, các game show gắn với dòng nhạc này cũng như nấm mọc lên sau mưa. Các ngôi sao hát nhạc bolero một thời im ắng nay có cơ hội xuất hiện nhiều hơn, không chỉ trên sân khấu biểu diễn, mà trên ghế nóng các cuộc thi, các game show lấy bolero làm chủ đạo.

Tuy nhiên, hát bolero có dễ như mọi người nghĩ? Và trong số các ca sĩ từ trước tới nay, ai là những người có khả năng hát ra chất bolero nhất? Nhạc sĩ Vinh Sử đã từng thẳng thắn nhận xét về nữ hoàng phòng trà Lệ Quyên, nữ ca sĩ hát bolero ăn khách nhất hiện nay, là cô hát nhạc này mới chỉ dễ nghe thôi, chứ chưa đúng, chưa hay. 

Hay như Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ “chuyên trị” nhạc bolero cũng từng thừa nhận, anh hát bolero và được công chúng mến một là bởi anh có một cái chất của riêng anh, và may là cái chất riêng đó hợp với công chúng mà được mến mộ, chứ hát cho đúng, cho ra bolero thì chưa phải.

Các ca sĩ trẻ trong đêm thi chung kết Thần tượng bolero 2018 vừa diễn ra.

Bolero không quá yêu cầu khắt khe về kỹ thuật thanh nhạc, nhưng người hát phải mang cả tâm hồn mình vào từng ca khúc, và phải có vốn sống, trải nghiệm sâu sắc. 

Ca sĩ Quang Lê, một giọng ca hàng đầu ở hải ngoại, khi nói về nhạc bolero và sự lựa chọn của các ca sĩ trẻ cũng rất có tình có lý: “Đôi khi tôi cũng nghĩ, hay mình cứ thách đấu các em trẻ xem họ có hát được bolero thực thụ hay không. Vì bolero tưởng như dễ hát đó, nhưng kỳ thực rất khó. Anh hát được Bolero nhưng chưa chắc anh đã hát hay. 

Mỗi người có mỗi sở trường, mỗi cách hát, giờ bắt Quang Lê hát Opera, chưa chắc tôi hát hay đâu. Dĩ nhiên, với ca sĩ thì nhạc nào cũng hát được cả, quan trọng là hát có hay không thôi. Hát hợp tai khán giả hay không là một chuyện rất khác”. 

Nữ danh ca Thanh Thúy, người nổi tiếng một thời với những bài hát bolero được khán giả đặc biệt mến mộ nói về việc hát dòng nhạc này khó hay dễ: “Nếu mà nói kén thì cũng không đúng. Nói khó thì cũng không khó, dễ thì cũng không dễ. Là vì sao? Mình hát phải làm sao đặt tâm trạng mình vào bài hát đó, đó là cái khó. Nếu là một ca sĩ chuyên nghiệp thì điệu nào cũng hát được hết. Mình đưa mình vô bài hát, hát đúng với ý của tác giả mong muốn, đó là chuyện không phải dễ”.

Những ca khúc bolero thì ngày càng có tuổi đời cao hơn. Cùng với chiều dài lịch sử mà những ca khúc đó đã đi qua, là rất nhiều dấu chân của ca sĩ thuộc nhiều thế hệ khác nhau. Với những ca khúc đặc biệt nổi tiếng, thế hệ nào cũng có những tên tuổi nghệ sĩ hát hay, hát ấn tượng trong lòng người nghe. 

Các ca sĩ trẻ hôm nay muốn chinh phục những đỉnh cao đó, họ thường phải tìm một lối đi riêng cho mình. Trong muôn vàn cách đi riêng đó, nhiều người đã có ý muốn làm mới bolero bằng cách hát khác đi, pha trộn phong cách âm nhạc khác vào. Nhưng việc pha trộn đó có mang lại hiệu quả không, có được công chúng rộng lòng đón nhận không thì lại là một câu chuyện khác. 

Bằng chứng cho thấy, ca sĩ trẻ hát bolero theo trào lưu thì nhiều, nhưng giờ phút này, qua nhiều cuộc thi, qua nhiều game show tổ chức công phu trên truyền hình, những cái tên ca sĩ trẻ hát bolero được thị trường nhớ đến không đếm nổi trên đầu ngón tay. 

Làm mới nhưng phải đủ tài, đủ nội lực, đủ cá tính mạnh mẽ và nhất là phải có một cái duyên sân khấu mới có cơ may chinh phục khán giả. Nói về điều này, ca sĩ gạo cội Chế Linh đưa ra quan điểm: “Khi hát nhạc bolero điều tôi tối kỵ nhất là pha chế. Có những bài hết sức bình thường, không sôi động thì nhất định không được chuyển tiết tấu để trở nên vui nhộn hơn. 

Nhiều trường hợp các ca khúc có nội dung chia ly, đau khổ nhưng người ca sĩ khi trình diễn lại hay cười. Hoặc có tiết mục hát nhạc buồn nhưng lại dàn dựng có cảnh vũ đoàn nhảy múa tưng bừng. Như vậy là mất chất. Dĩ nhiên có một số biến tấu mới rất hay và đáng khuyến khích để lớp trẻ sau này có thể tiếp nhận. 

Nhưng biến tấu thế nào cũng nhất định không được phá tiết tấu nguyên thủy của bài hát. Do đó tôi nghĩ các bạn trẻ theo đuổi dòng nhạc này phải có ý thức và nghiên cứu kỹ từ phần lời, cách nhấn nhá của từng bài hát cũng như ý tứ của nhạc sĩ để có thể chuyên chở một cách đúng đắn. Thậm chí cần phải đặt mình vào hoàn cảnh sáng tác. Có như vậy khán giả mới chấp nhận”. 

Ca sĩ Quang Lê thì bớt khắt khe hơn, khi anh tỏ ra khá cởi mở với cái mới: “Một số ca sĩ họ làm mới bolero bằng cách đổi tiết tấu, phối lại bài hát, làm sao chiều được tất cả mọi người, thì chuyện khán giả thích hay không thích cũng dễ hiểu. 

Ví dụ như một bộ phận khán giả sẽ cho rằng phá cách Bolero như thế là hơi kỳ, họ không thích thì không nghe. Còn như Quang Lê, tôi thấy làm mới kiểu đó là thú vị, một màu sắc mới cũng nên hoan nghênh. Bún bò Huế ở Huế nấu kiểu khác, bún bò Huế ở Sài Gòn nấu khác hơn, rồi bún bò Huế ở Mỹ lại có cách nấu khác nữa. Âm nhạc và bolero cũng vậy, ai thích thì nấy nghe”.

Nữ hoàng phòng trà Lệ Quyên, nổi tiếng trong dòng nhạc bolero.

Bolero đang bị thương mại hóa?

Nhu cầu của thị trường kéo theo những phân khúc nhất định. Khi khán giả đang có xu hướng quay trở lại mạnh mẽ với nhạc bolero, lẽ dĩ nhiên, các bầu sô sẽ nhanh nhạy chạy theo xu hướng này. 

Cùng với đó là sự đột ngột đổi hướng đi của không ít ca sĩ, đặc biệt là những ca sĩ trẻ mới bắt đầu sự nghiệp, đang khao khát công chúng cũng như khao khát kiếm tiền. Đấy là chưa kể, nhiều ca sĩ đã thành danh cũng muốn chuyển mình sang hát ở dòng nhạc bolero. 

Không ít người có quan niệm hết sức sai lầm rằng, chỉ cần có chất giọng ngọt ngào, mùi mẫn một chút là có thể hát tốt bolero. Thực ra không đơn giản như vậy. Khi bạn quyết định hát một dòng nhạc nào, bạn phải có hiểu biết, kiến thức nhất định về dòng nhạc đó. Những tố chất về thanh nhạc cũng như tư duy âm nhạc của bạn phải phù hợp với dòng nhạc đó thì bạn mới có thể đi đường dài lâu và được công chúng đón nhận. 

Vẫn nhạc sĩ Vinh Sửu cho hay: “Vì dòng nhạc đó phải hay, cuốn hút thì họ mới theo đuổi, làm cho bolero trở thành trào lưu được ưa chuộng. Nhưng trào lưu vẫn chỉ là trào lưu. Họ có là ngôi sao đối với nhiều người nhưng với tôi thì không như thế. 

Ví dụ như Đàm Vĩnh Hưng. Cậu ấy hát nhiều thể loại nhưng chẳng có thể loại nào thực sự hay cả. Mới đây, Tùng Dương chỉ hát chơi chơi mấy câu bolero mà đã bị phản ứng dữ dội. Tôi thì nghĩ, ai hợp với dòng nhạc nào thì chỉ chuyên tâm vào dòng nhạc đó thôi. Đừng quá ôm đồm".

Quang Lê, Lệ Quyên, Ngọc Sơn, Đàm Vĩnh Hưng - các giám khảo quyền lực của Gameshow nhạc bolero.

Sự phân tâm trong lựa chọn dòng nhạc ở nhiều ca sĩ trẻ đang là hiện tượng có thật. Nhiều người không đủ mạnh để nghiêng về lựa chọn nào. Trong khi đó, bolero có một tiếng gọi lớn từ phía công chúng. Nó là dòng nhạc nhiều người nghe, khiến cho ca sĩ trẻ phân vân. 

Nhạc sĩ Nguyễn Cường mới đây trong một cuộc họp báo đã thẳng thắn nói, ông tôn trọng sở thích nghệ thuật của tất cả mọi người, nhưng ông thấy bất thường khi mà Đài Truyền hình dành quá nhiều thời lượng cho bolero. 

Thị trường âm nhạc cần một sự phát triển hài hòa, truyền hình cần có định hướng dư luận một cách lành mạnh, chứ không chỉ chạy theo trào lưu đám đông. 

Danh ca Chế Linh khuyên các bạn trẻ: “Có nhiều ca sĩ, họ vì muốn chiều theo xu hướng mà đi theo nhiều dòng nhạc, nhưng đến giữa dòng họ chới với, không biết phải xuôi theo hướng nào, rất nguy hiểm. Do đó, mỗi người phải tự tìm cho mình con đường riêng biệt”.

Thực tế cho thấy, nhạc bolero ít nhiều đang bị thương mại hóa. Những người đi theo dòng nhạc này đang bị chi phối bởi thị trường, bởi người nghe. Đi tìm những giọng hát còn giữ được nguyên chất bolero bây giờ thực khó. Vẫn phải quay về với những tên tuổi ca sĩ hát từ thời trước và sau 1975. 

Các ca sĩ trẻ sau này đến với bolero có phần thực dụng hơn. Trừ một số người định hình được phong cách của mình, dù hát chưa chuẩn mực nhưng vẫn được công chúng chấp nhận và mến mộ như Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, còn lại vẫn loay hoay tìm một lối đi phù hợp. 

Trong khi đó, các chương trình biểu diễn lại rất nhiều, tràn lan, và việc được đi hát đã cuốn nhiều ca sĩ trẻ nhanh tới mức họ không kịp dừng lại ngó xem lựa chọn của mình đúng hay không, phù hợp hay chưa phù hợp. Mong rằng mỗi ca sĩ hãy giữ một cái đầu tỉnh táo khi quyết định theo đuổi dòng nhạc nào, đừng vì những cái đang thịnh hành theo trào lưu mà đánh mất sở trường của mình. 

Bởi vì, nói như nhạc sĩ Tuấn Khanh: “Hát bolero ai cũng hát được, chỉ có hát hay và dở thôi. Nhưng hát được hay, ngọt ngào, đi vào lòng người thì không phải ai cũng hát được như thế, phải có những người hợp. Ca sĩ cũng thế thôi, phải hát hợp những loại nhạc nào chứ không phải có giọng hay thì hát bài nào cũng hay...”. 

Hội Vũ
.
.
.