Nhạc Việt: Chút lạc quan trong tâm bão
- Bolero: Sự sáng tạo của âm nhạc Việt?
- Tôi thấy lo lắng cho nền thanh nhạc Việt
- Nhạc sĩ Quốc Trung: Chi tiền "khủng" để quốc tế hóa âm nhạc Việt Nam
Chao đảo!
Những nghi án đạo nhạc chưa thôi sức nóng trên "mặt trận" truyền thông, từ các trang báo chính thống đến các kênh truyền hình, từ báo giấy đến báo mạng, nhưng sôi nổi nhất là cuộc chiến giữa những fan và anti-fan của các ca sĩ đang là tâm điểm của những cơn bão dường như không bao giờ có hồi kết.
Kết sao được khi nhạc Việt đại chúng như có một tấm màn vô hình che mắt và "tẩy não" một bộ phận không nhỏ những khán giả Việt. Fan - những người ủng hộ dường như không cần biết đúng sai, phải trái thế nào, cứ hễ cái gì của thần tượng là nghiễm nhiên hay, nghiễm nhiên đón nhận một cách nồng nhiệt và vì thế họ sẽ nghiễm nhiên "xù lông" trước những chỉ trích vô tình hay hữu ý mà thần tượng của mình gặp phải.
Trong khi đó, anti-fan thì luôn muốn lột trần bất cứ thứ gì có thể liên quan đến một nghệ sĩ mà họ cảm thấy không thích. Và "cuộc chiến" của fan với anti-fan sẽ không bao giờ có hồi kết. Nhất là khi, "cuộc chiến" có sự liên quan đến nhiều nghệ sĩ được đông đảo giới trẻ xem là thần tượng. Giống như "cuộc chiến" từ nghi án đạo nhạc của Sơn Tùng M-TP, mới đây lòi thêm ra mấy vụ "tố" đạo nhạc liên quan đến hàng loạt các nghệ sĩ trẻ như Vũ Cát Tường, Châu Đăng Khoa, rồi Đông Nhi.
Bi Rain. |
Tất nhiên, kể cả fan và anti-fan không bao trùm toàn bộ khán giả, còn một bộ phận công chúng đứng ngoài hai nhóm khán giả này chẳng hạn như các nhạc sĩ, nhà lý luận âm nhạc, nhà báo kỳ cựu, nhà văn và rất đông công chúng… Họ cũng có những tiếng nói độc lập, đương nhiên bộ phận này sẽ khách quan hơn. Song, không vì thế mà "cuộc chiến" giảm đi, cũng chẳng vì thế mà nghệ sĩ có thể nhận ra được điều này điều kia, bằng chứng là đã từng có tiền lệ Sơn Tùng M-TP từ lùm xùm nghi án đạo nhạc trước đây 2 năm, sau thời gian được coi "sạch", lần này tiếp tục bị cáo buộc.
Nhưng chả lẽ không có cách gì để dập tắt những lùm xùm rất không văn minh này? Trong khi nhiều người vẫn còn đặt ra những hoài nghi kiểu ấy về sự bất lực hoặc nói nhẹ hơn là vẫn còn đang lúng túng trong việc xử lý các tình huống như vậy thì vẫn có cách dẹp đơn giản đến bất ngờ: Lấy độc trị độc! Lấy chính những chuyện không hay ho sau để đè bẹp chuyện không hay ho trước.
Rất nhiều những lùm xùm đã im ắng trở lại ngay sau khi những lùm xùm khác xuất hiện thu hút sự quan tâm của mọi người. Và sau những nghi án đạo nhạc là vụ tuyên bố phát hành MV gán thêm cụm từ 18+ vào tiêu đề.
Và lần này, tâm điểm hướng đến sau khi có một quyết định liên quan đến chuyện ngăn chặn ca sĩ Hương Giang Idol khi cô cùng ê-kip chuẩn bị phát hành MV "Em không hối tiếc - 18+". Ngay khi ê-kíp này mới chia sẻ dự án phát hành MV với những tuyên bố và hình ảnh kèm theo rất "câu like" kiểu gợi tình thật (!) thì Cục Nghệ thuật biểu diễn rất kịp thời ngăn chặn bằng việc ra một công văn theo đó yêu cầu cấp quản lý trực tiếp là Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM chủ động làm việc với ca sĩ trước khi MV ra mắt.
Nhún!
Ơ hay, tại sao phải mời cô ca sĩ kia lên làm việc trong khi MV chưa phát hành? Tại sao không "chiếu" theo đúng luật xuất bản, cùng các luật có liên quan đến hành vi tuyên truyền văn hóa đồi trụy, hay nghị định về biểu diễn và những quy chuẩn về giá trị đạo đức để xử lý? Tôi đang hoài nghi về văn hóa 18+ ở nghĩa không thể coi là nghệ thuật mà mang yếu tố kích động, gợi dục nhiều hơn như có thể cảm nhận từ những hình ảnh kèm theo, được hay không được nằm trong sản phẩm được coi là văn hóa chính thống tại nước ta?
Hương Giang Idol bị thổi còi với MV dán nhãn 18+. |
Phạm trù về đạo đức liệu có còn là những giá trị để giống như một barie ngăn chặn những hành vi, hành động, hình ảnh tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy? Nếu đúng chưa phù hợp với thuần phong mỹ tục, nếu đúng chưa có quy định nào cho phép phát hành MV ca nhạc gắn mác 18+ thì đương nhiên cô ca sĩ trẻ kia cùng ê-kip đã vi phạm luật cũng như các giá trị đạo đức xã hội.
Thậm chí, chưa cần những hình ảnh 18+ trong MV, chỉ với những thông tin và những hình ảnh quảng cáo được gắn mác 18+ được tuyên bố thông qua báo chí sẽ nằm trong một sản phẩm văn hóa đã là phản văn hóa, không phù hợp với giá trị thẩm mỹ cũng như đạo đức xã hội. Điều này không chỉ thấy ở nước ta mà còn ở trong văn hóa của nhiều nước Á Đông.
Pháp luật luôn công bằng với mọi công dân và dù vô tình hay cố ý một cách hồn nhiên thì người vi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm và bị xử lý đúng với những vi phạm đã được quy định. Tại sao nhà quản lý không áp dụng nó vào để xử lý mà lại phải mời nghệ sĩ lên trụ sở làm việc?
Có thể thấy đây là một hành động "nhún" của ngành quản lý văn hóa để linh hoạt hơn trong quản lý hoạt động liên quan đến biểu diễn nghệ thuật. Song, được nhiều nhất ở đây chính là ca sĩ. Bỗng dưng, một cô ca sĩ chưa thể nói là có đóng góp cho nền âm nhạc đại chúng, cũng không đình đám bởi tài năng đã động tới cấp cao nhất của đất nước trong lĩnh vực quản lý nghệ thuật biểu diễn và đã khiến cho các cấp quản lý của ngành này phải "cầm đèn chạy trước ô tô", huýt còi khi sản phẩm chưa ra!
Tự nghĩ, cách xử lý vụ việc này không cần tới cấp trung ương, chỉ cấp Sở, thậm chí dưới cấp Sở là ngành thanh tra hoàn toàn có thể chủ động xử lý vụ việc này. Chẳng hạn, nếu xác định việc quảng bá sản phẩm liên quan đến cụm từ 18+ chưa phù hợp thì ngành thanh tra có thể tự xử lý bằng văn bản, phạt hành chính. Nếu sự việc đã ở mức độ trầm trọng hơn thì có thể đề xuất các cấp có thẩm quyền xử lý đúng theo các quy định của pháp luật.
Nói là nói vậy, nhưng thực ra vụ 18+ ấy chẳng qua cũng chỉ là chiêu để làm truyền thông. Có điều truyền thông để tới mức này thì cũng rất cần nhấn một nút đỏ báo động.
Thở phào!
Đương lúc mọi chuyện rối như tơ vò, khi mà không chỉ các nghệ sĩ thị trường mà ngay cả ngành quản lý dường như cũng vô tình bị lôi vào cuộc bởi những chiêu truyền thông; khi khán giả ngày càng hoài nghi về năng lực nghệ thuật, đồng thời thực sự lo ngại về giá trị đạo đức của một bộ phận nghệ sĩ thì xuất hiện cứu cánh ngoại quốc.
Ngay trong đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam vừa diễn ra, lập tức Bi Rain ngôi sao ca nhạc tầm cỡ châu Á của Hàn Quốc trở thành điểm thu hút sự chú ý của cư dân mạng và truyền thông mạng cũng nhanh chóng vào cuộc. Nhiều cái tít bài rất "nóng" xuất hiện liên tiếp: "Bi Rain - Nỗi thất vọng lớn nhất của đêm chung kết HHVN 2016", "Bi Rain: Từ kỳ vọng trở thành nỗi thất vọng của HHVN", "Bi Rain bị ném đá vì hát live như đám cưới, hội chợ"…
Bi Rain bị ném đủ “gạch đá” tại Cuộc thi Hoa Hậu Việt Nam. |
Có thể cảm thấy nỗi thất vọng tràn trề của công chúng về chàng trai tượng đài trong nghề nghiệp của không ít ca sĩ Việt và thần tượng của biết bao fan Việt.
Qủa thực, bất ngờ và hoài nghi là một cảm giác có thực khi theo dõi ngôi sao ca nhạc Hàn Quốc này trình diễn trong đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016. Bất ngờ là tại sao Bi Rain lại dũng cảm hát live trong khi màn trình diễn của anh lại có vũ đạo rất động, tốn nhiều sức?
Bất ngờ vì tại sao khi hát live lại không live một phần còn phần lớn vẫn là lip-sync (hát nhép) để vừa tạo hiệu ứng tương tác khán giả, vừa đảm bảo chất lượng mang lại cảm giác đã tai mãn nhãn cho người nghe? Trong khi đó, hoài nghi là cảm giác luôn thường trực đối với dòng nhạc đầy tính thời trang như Hàn Quốc.
Vậy nên, Bi Rain hát live khi xuất hiện trong một sự kiện văn hóa của Việt Nam thu hút nhiều người quan tâm cũng là một sự dũng cảm và cần dành cho anh cái nhìn thiện cảm hơn. Tất nhiên, màn trình diễn của Bi Rain khác hẳn về trình độ và đẳng cấp song qua đây ngẫm về nhạc Việt cũng thấy dễ chịu hơn.
Có thể tương lai gần, việc "ném đá" thảm họa hát live trong các tiết mục có vũ đạo sẽ giảm bớt và khán giả sẽ có cái nhìn bao dung hơn đối với những màn trình diễn tương tự của nghệ sĩ Việt. Nhưng quan trọng hơn, đây là một tín hiệu dễ thở, ít nhất sự bàn tán hoài nghi về chất lượng không chỉ là độc quyền của ca sĩ Việt!