Bolero: Sự sáng tạo của âm nhạc Việt?

Thứ Sáu, 06/05/2016, 16:23
Qúa nhiều tranh luận về Bolero kể từ khi VTV3 phát sóng ''Thần tượng Bolero'', chủ yếu ý kiến cho rằng chương trình sử dụng ca khúc chưa thực sự đúng nghĩa là nhạc Bolero. Bài viết này xin bàn luận về Bolero từ nhiều góc độ mong sao giúp bạn đọc có thể hình dung ra được một cách khách quan nhất về nhạc Bolero tại Việt Nam hiện nay.


Khởi nguồn từ điệu nhảy

Bolero! Rõ ràng, chỉ nghe tên gọi thôi đã thấy, đó là một loại nhạc không phải thuần Việt mà có xuất xứ từ nước ngoài. Tên gọi này đã được Việt hóa trở nên quen thuộc ở Việt Nam ngay từ những thập niên trước 1975. Tuy nhiên, hẳn nhiều người sẽ cảm thấy lạ khi biết được rằng Bolero vốn là một điệu nhảy. Sự kiện ghi dấu ấn đầu tiên cho cái tên Bolero đi vào đời sống âm nhạc đó là ngày 22/11/1928, Bolero với tư cách là một tác phẩm âm nhạc cho múa được công diễn lần đầu tại nhà hát Opera Paris Pháp.

Trên nền âm nhạc đó, nữ nghệ sĩ ballet gốc Nga Ida Rubinstein vào vai một vũ nữ nhảy múa trên một chiếc bàn dài trong một quán rượu, một hình ảnh đặc trưng của văn hóa truyền thống Tây Ban Nha. Chính Ida Rubinstein là người chủ động đề nghị nhà soạn nhạc Maurice Ravel (1875-1937) sáng tác. Lấy cảm hứng từ điệu múa truyền thống Tây Ban Nha, Ravel đã phát triển thành một tác phẩm Bolero viết cho dàn nhạc giao hưởng với độ dài lên tới 15 phút.

Tác phẩm khá đơn giản khi có chủ đề âm nhạc rất dễ nhớ, hai nét giai điệu cứ luân phiên xuất hiện trên một nền tiết tấu cố định; sự thay đổi ở đây chỉ là việc khai thác màu sắc nhạc cụ và sự thay đổi của hòa âm cũng như cường độ âm thanh. Bắt đầu là cường độ nhỏ với âm nhạc gợi lên một cảm giác bình yên, sự phát triển của âm thanh ngày một lớn hơn với sự xuất hiện tăng cường của các nhạc cụ kèn gỗ, rồi kèn đồng… để kết thúc với âm hưởng chói lọi. Dù chỉ là một tác phẩm nhỏ, nhưng nó lại là một trong những tác phẩm đưa tên tuổi của Ravel trở thành một trong những nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới và ghi tên mình một cách vững chắc trong lịch sử âm nhạc thế giới.

Vinh Sử - một nhạc sĩ thành danh với dòng nhạc Bolero.

Điệu nhảy Bolero Tây Ban Nha với nhịp 2/4 tốc độ vừa phải, mang tính chất trữ tình gần với Rumba chứ không bốc lửa như Flamenco hay Tango, có thể nhảy đơn hoặc nhảy đôi. Điệu nhảy ra đời từ cuối thế kỷ 18 từ sự sáng tạo của vũ công Sebastiano Carezo vào năm 1780. Dàn nhạc gồm các cây đàn castanet, guitar và ca sĩ. Sau đó một thế kỷ, vào cuối thế kỷ 19 xuất hiện Bolero Cuba tại vùng Santiago.

Nhạc sĩ Pepe Sanchez được coi là người sáng tạo ra Bolero Cuba với phong cách trova đặc trưng. Khác Bolero Tây Ban Nha, Bolero Cuba với nhịp điệu 3/4 thiên về sự uyển chuyển. Với biên chế dàn nhạc gọn nhẹ gồm đàn guitar và ca sĩ cùng tính trữ tình đặc trưng, vũ điệu Bolero Cuba đã nhanh chóng trở thành một dòng nhạc mang tính dân gian với những nghệ sĩ lưu động lấy nó là phương tiện kiếm sống.

"Việt hóa" Bolero!

Như vậy thì so với nguồn gốc từ thế giới, Bolero Việt dường như chẳng còn mấy mối liên quan. Nhạc sĩ Vinh Sử, tác giả của "Nhẫn cỏ cho em", "Không giờ rồi", "Phu kéo mo cau", "Gõ cửa trái tim", "Chuyến xe lam chiều"… người được mệnh danh là vua nhạc sến, một tên gọi khác của dòng nhạc Bolero cho rằng: "Bolero nó chỉ có một điệu 4/4 nhịp chẵn dễ ca.

Thí dụ nếu lấy 6 câu vọng cổ ra đó mà đờn Bolero người ta vẫn ca được vọng cổ. Thử đờn cứ 4/4 đánh Bolero không đi ca vọng cổ nó vẫn vô nhịp, ngày xưa khi mà tiếng Tây ở thập niên 50 đó chưa có phổ đông, thành ra chữ Bolero khó nhớ nên xưa tôi kêu là "bổ lại rẻ". Khi tôi đưa ra câu hỏi nhạc Bolero mọi người luôn có cái nhìn chưa thật sự là trân trọng nhưng nó lại có một sự lan tỏa vô cùng mạnh mẽ, chú là người chuyên sáng tác dòng nhạc này nhạc sĩ Vinh Sử thấy thế nào? Câu trả lời, lại một lần nữa khẳng định là: "Dễ nhớ, chữ bổ lại rẻ. Có cái gì bổ mà lại rẻ đâu, bổ thì phải mắc chớ".

Bolero được du nhập vào Việt Nam từ khoảng đầu thập niên 50 bắt đầu từ miền Nam. Hiện có nhiều ý kiến về khởi nguồn của Bolero ở Việt Nam, chẳng hạn như nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 thì cho rằng, người đầu tiên nghĩ ra Bolero Việt Nam là nhạc sĩ Lam Phương, sau đó là Trúc Phương. Tuy nhiên, lại có những ý kiến khác, chẳng hạn nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cho rằng, bài đầu tiên có thể là "Duyên quê" của Hoàng Thi Thơ…

Những bài Bolero đầu tiên phải kể tới là "Nắng chiều" của Lê Trọng Nguyễn, "Chiều trong rừng thẳm" của Anh Việt… Bolero Việt Nam tương đối khác so với nguồn gốc bởi thay vì tính nhịp điệu gần với Rumba, khi được Việt hóa, Bolero mang tính chất chậm rãi, như lời tự sự và mang tính kể lể. Những nội dung ca từ được truyền tải cũng không mang tính triết lý hay những ý nghĩa sâu xa mà thường là dễ hiểu, dễ nhớ.

Có lẽ do đặc điểm này mà những bài hát được sáng tác trên điệu Bolero nhanh chóng được phổ biến rộng rãi. Bên cạnh những cái tên đã nhắc tới, rất nhiều nhạc sĩ miền Nam khai thác điệu nhạc này để sáng tác nên những ca khúc nổi tiếng như: Anh Bằng, Huỳnh Anh, Anh Việt Thu, Thanh Sơn, Trần Thiện Thanh, Tú Nhi, Châu Kỳ, Duy Khánh, Giao Tiên, Hoàng Thi Thơ, Lê Minh Bằng… với nhiều tình khúc bất hủ chẳng hạn: "Duyên kiếp" (Lam Phương), "Mưa rừng" (Huỳnh Anh), "Nỗi buồn hoa phương" (Thanh Sơn), "Chuyến tàu hoàng hôn" (Minh Kỳ - Hoài Linh), "Mưa chiều kỷ niệm" (Duy Yên - Quốc Kỳ), "Đừng nói xa nhau" (Châu Kỳ), "Em về kẻo trời mưa" (Ngân Giang)…

Đặc biệt, có rất nhiều bài Bolero nhưng đậm đà âm hưởng dân gian đã được các nhạc sĩ triển khai rất nhuyễn trong các sáng tác của mình. Chẳng hạn như: "Tình thắm duyên quê", "Chiều làng em" (Trúc Phương), "Chiếc áo bà ba" (Trần Thiện Thanh); đặc biệt, nhạc sĩ Thanh Sơn đã sáng tác rất nhiều bài dựa trên chất liệu âm hưởng dân gian như: "Gợi nhớ quê hương", "Hình bóng quê nhà", "Hương tóc mạ non", "Hành trình trên đất phù sa", "Em về cây lúa trổ bông", "Áo mới Cà Mau", "Chiều mưa xứ dừa", "Áo trắng Gò Công"…

Nhận diện Bolero

Nhạc Bolero ở Việt Nam hiện nay khá phong phú kể cả số lượng bài cũng như chất liệu âm nhạc. Dựa vào nội dung và tính chất âm nhạc, có thể chia ra làm nhiều loại khác nhau. Chẳng hạn, theo nhà báo âm nhạc Nguyễn Minh, có thể phân loại Bolero gồm: một là nhạc học đường với các bài hát như "Lưu bút ngày xanh" "Nỗi buồn hoa phượng"… hai là nhạc hoài niệm chẳng hạn "Con đường xưa em đi", "Đường xưa lối cũ"… ba là nhạc thân phận cô đơn và chia ly chẳng hạn "Nỗi buồn gác trọ", "Ai cho tôi tình yêu", "Xóm đêm"… bốn là nhạc kể chuyện tình như "Hoa trinh nữ", "Những đồi hoa sim", "Lan và Điệp", "Căn nhà ngoại ô"… năm là nhạc tụng ca hay hoan ca như "Nắng đẹp miền Nam", "Cánh thiệp đầu xuân", "Biển tình"… Ngoài ra còn có nhạc lính, nhạc thân phận con người trong chiến tranh, nhạc mang âm hưởng dân gian.

Từ trái qua: Ca sĩ Phi Nhung, ca sĩ Quang Lê, ca sĩ Lệ Quyên.

Rõ ràng nhìn sự phân định trên đây sẽ thấy, Bolero không còn đơn thuần là một điệu nhạc như ý nghĩa lúc ban đầu, bởi trong số nhiều bài được coi là bolero nhưng lại được sáng tác trên điệu Slow, Rhumba…

Giải thích điều này, nhà báo âm nhạc Nguyễn Minh cho rằng: "Bolero ở đây không chỉ hiểu là những bài viết theo cái điệu đó mà là một cái thẩm mỹ âm nhạc, nó phân biệt rất là rõ. Ví dụ dòng nhạc sang, dòng nhạc sến. Bolero được mặc định vào dòng nhạc sến.

Hiểu điều đó, khi biên tập một chương trình Bolero sẽ chọn một chương trình có cùng một thẩm mỹ âm nhạc (từ ca từ, giai điệu, cách hát) vào với nhau không cần biết nó viết theo điệu gì. Nó có những điệu cơ bản rất phổ biến ở Việt Nam là Bolero, Slow rock, Boston, Rhumba". Nhưng như vậy, tại sao lại bùng nổ những tranh luận về thế nào là nhạc Bolero và những bài nào được coi là Bolero sau khi chương trình ''Thần tượng Bolero'' được trình chiếu trên VTV3 đã giới thiệu nhiều nhạc phẩm được coi là nhạc xưa, thậm chí có cả ca khúc của Trịnh Công Sơn? Ngay cả sự xuất hiện của ca sĩ Quang Dũng vốn thuộc dòng trữ tình, nhạc xưa hay Đan Trường nhạc trẻ trên ghế huấn luyện viên của Bolero cũng gây ra nhiều tranh cãi.

Thực ra, những ý kiến phản ứng không phải không có lý. Đúng như nhà báo Nguyễn Minh nhận định, Bolero được mặc định vào dòng nhạc sến, nhạc bình dân, đồng thời sự phân biệt nằm ở trong tinh thần của tác phẩm. Có nghĩa là thẩm mỹ âm nhạc đóng vai trò quan trọng để nhận diện ra Bolero hay sến.

Trước hết, cần nhận diện Bolero là nhạc bình dân được phổ biến ở các đô thị, chủ yếu các bài có tính chất trữ tình, buồn bã, u sầu không mang triết lý sâu sắc mà thường nói về các cuộc tình tan vỡ, có những bài mang màu sắc dân gian. Những bài được cho là Bolero có thể khác nhau về điệu thức, về điệu nhạc nhưng giống nhau về mặt thẩm mỹ âm nhạc với những tiêu chí trên. Vì thế, cũng có khi có những bài được viết theo những điệu nhạc tương đồng với một bài Bolero nhưng không được coi là Bolero bởi nó mang thẩm mỹ âm nhạc khác, có thể viết theo màu sắc tiền chiến, hoặc trữ tình nhạc xưa…

Như vậy, Bolero vốn xuất phát điểm là một điệu nhảy, nhưng ngay từ khi du nhập vào nước ta nó đã là một điệu nhạc được Việt hóa. Thời gian sau, Bolero không còn là thuật ngữ chỉ một điệu nhạc mà đã mang bóng dáng của một thể loại âm nhạc khi có những điệu nhạc khác như Bolero, Slow, Rhumba… nhưng cùng mang một giá trị thẩm mỹ âm nhạc chung.

Nguyễn Quang Long
.
.
.