Nghệ thuật hàn lâm “thay áo” để tiếp cận khán giả
- Để nhạc giao hưởng thính phòng “đến gần” khán giả Việt
- Ca sĩ Hiền Anh: Muốn mở rộng biên độ cho các ca sĩ thính phòng
- Nghệ thuật hàn lâm không còn ‘gần nhà xa ngõ’?
1.Thực tế, sự mất cân bằng trong đời sống âm nhạc giữa nhạc giải trí, nhạc thị trường và các dòng nhạc khác luôn là nỗi trăn trở của các nghệ sĩ. Nhạc giải trí đang lên ngôi. Đời sống âm nhạc bị “ngoại xâm” bởi nhạc Âu Mỹ, Kpop. Nhưng trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là năm 2019, âm nhạc Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực hơn.
Nhạc trưởng Lê Phi Phi từng chia sẻ rất lạc quan rằng: “Đã có rất nhiều dấu hiệu tích cực trong đời sống âm nhạc cổ điển ở Việt Nam. Các dàn nhạc giao hưởng, nhà hát nhạc vũ kịch… có số lượng công chúng nhất định, các chương trình biểu diễn diễn ra thường xuyên, định kỳ hàng tháng với chất lượng và nội dung tốt hơn, phong phú hơn.
Họ đã có thể bán được vé đều đặn chứ không chỉ là giấy mời, đời sống của những người làm âm nhạc cổ điển cũng được cải thiện hơn. Các nghệ sĩ, nhóm nhạc, dàn nhạc, nhà hát cũng đã đi nước ngoài biểu diễn theo lời mời chính thức chứ không chỉ trong phạm vi trao đổi văn hoá…”.
Những ngày cuối năm 2019, đầu năm 2020, chương trình “Rock Symphony” đã diễn ra tưng bừng tại hai Nhà hát Lớn Hà Nội và TP HCM. Rock kết hợp với dàn nhạc giao hưởng, tại sao không? Khán phòng Nhà hát TP HCM kín khán giả và sôi động bởi những tiếng vỗ tay, hát theo các ca khúc “We are the world”, “We will rock you”…
Nhiều tác phẩm âm nhạc bất hủ được biểu diễn trong chương trình như “Bohemian Rhapsody”, “Barcelona”, “Still loving you”…, những trích đoạn của Bonney M, Elvis Presley. Và những tuyệt phẩm của Mozart, Beethoven… cho thấy, sự giao thoa của pop, rock và nhạc cổ điển.
Tại Nhà hát Lớn Hà Nội, “Rock Symphony - We are the Champion” diễn ra trong những ngày đầu năm 2020 với sự có mặt của ban nhạc Black Long, nghệ sĩ guitar Tim Tran, ca sĩ Đào Tố Loan mang lại nhiều cảm xúc thú vị.
Vở “Hồ thiên nga” của Nhà hát Nhạc vũ kịch cháy vé tại Việt Nam. |
Thực tế, sự kết hợp này không hề mới trên thế giới. Từ vài thập kỷ nay, những liveshow nổi tiếng của các ban nhạc như Sting, Queen, Scorpions… đã pha trộn hai dòng nhạc này.
Nhạc trưởng Lê Phi Phi, người khởi xướng chương trình này chia sẻ: “Ở Việt Nam tôi đã dàn dựng 3 chương trình có tính chất như thế ở TP HCM và Hà Nội. Những chương trình trên đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là khán giả trẻ. Còn kết hợp giữa giao hưởng với các thể loại âm nhạc khác như: world music, rock, pop, dân gian… thì thế giới họ làm từ lâu rồi và ở Việt Nam cũng vậy.
Xu hướng này chỉ làm phong phú hơn “sân chơi” âm nhạc cho xã hội, cho mọi tầng lớp, lứa tuổi. Đàn violon là một nhạc cụ thuần tuý cổ điển nhưng đã có những nghệ sĩ biến nó thành một nhạc cụ chơi rock như Vanesa May, chơi Jazz như Grapelli…
Dàn nhạc giao hưởng của thế kỷ 21 không chỉ chơi các tác phẩm kinh điển cổ điển nữa mà đã là một bộ phận trong đời sống giải trí tham gia vào các live show, event, festival vv..vv…”.
Trước đó, vở ballet “Hồ thiên nga” được Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam dàn dựng tháng 10/2019 và công diễn hơn 10 buổi trong tình trạng cháy vé. “Hồ thiên nga” được ví là cơn địa chấn bởi sau 36 năm vắng bóng, nó được trở lại sân khấu với một sức sống mới mẻ, được Việt hóa theo cách riêng để tiếp cận khán giả Việt Nam.
Cùng lúc, Nhà hát Nhạc vũ kịch dựng lại vở nhạc kịch nổi tiếng “Người tạc tượng” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, từng gây tiếng vang với 100 buổi diễn sau ngày giải phóng miền Nam.
Điều đó cho thấy, cùng với quyết tâm của các nghệ sĩ và một người đứng đầu tâm huyết, với những tài năng đang có, nhà hát sẽ thoát khỏi tình trạng “ngủ đông” như nhiều năm qua và tạo được những thành công vang dội. Rõ ràng, đó cũng là một minh chứng cho thấy khán giả Việt không quay lưng với nghệ thuật hàn lâm. Quan trọng là cách làm và cách tiếp cận khán giả như thế nào.
Nghệ sĩ Lưu Đức Anh, một nghệ sĩ thuộc thế hệ 9x đã chọn về Việt Nam để tiếp tục con đường với âm nhạc cổ điển. Anh cùng bạn bè khởi nghiệp thành lập Maestoso, một starup chuyên tổ chức những buổi hòa nhạc chất lượng cao ở nhiều không gian khác nhau.
Lưu Đức Anh tin rằng, cùng với nỗ lực của những nhóm nghệ sĩ như anh sẽ lan tỏa ra cộng đồng tình yêu âm nhạc và cách nhìn nhận đúng hơn về nhạc cổ điển. Bằng chứng là những buổi biểu diễn của nhóm đều đông kín khán giả. Sau hơn 2 năm Maestoso hoạt động, khán giả đón nhận một cách tích cực hơn, đặc biệt là những chương trình hoà nhạc miễn phí trong nhà thờ.
“Chính sự ủng hộ tích cực của khán giả đã giúp chúng tôi có được động lực để tiếp tục cố gắng thực hiện nhiều hơn nữa những chương trình hoà nhạc cổ điển có chất lượng.
Chúng tôi luôn phải chấp nhận một sự thật là loại hình âm nhạc này luôn ít khán giả hơn các âm nhạc khác, cách tiếp cận cũng khó hơn, vừa phải giữ được hình ảnh một nghệ sĩ cổ điển chính quy nhưng vẫn phải gần gũi, không xa rời khán giả.
Ngoài những chương trình bán vé, có tính chuyên môn cao, chúng tôi cũng có những chương trình miễn phí tại nhà thờ mang tính chất gần gũi hơn với khán giả và giúp hình thành thói quen đi nghe hòa nhạc cổ điển”.
Đêm nhạc Rock Symphony thu hút nhiều khán giả. |
2. Để nhạc hàn lâm có lịch biểu diễn và tiếp cận với công chúng, vai trò quan trọng nhất thuộc về các nghệ sĩ. Thay vì ngồi và chờ các chính sách, cơ chế từ Nhà nước, một số nhà hát giao hưởng, thính phòng và các nghệ sĩ đã chủ động đi tìm khán giả, mang âm nhạc hàn lâm ra khỏi không gian sang trọng và quy chuẩn của các phòng hòa nhạc, biểu diễn ngoài đường phố, trong nhà thờ, hay giữa rừng (Concert giữa rừng của nghệ sĩ piano Trang Trịnh).
Thậm chí, mang âm nhạc hàn lâm ra khỏi hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM để tiếp cận với khán giả các tỉnh.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Âm nhạc Việt Nam, chia sẻ: “Nhạc kịch “Cô Sao” về với bà con các dân tộc tỉnh Sơn La, diễn ở Vĩnh Phúc, Bắc Ninh; gần đây nhạc kịch “Lá đỏ” diễn phục vụ nhân dân tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị.
Khán giả rất thích, mặc dù nhiều người trong số họ chưa bao giờ được xem thể loại biểu diễn đó. Như thế có nghĩa, khi nghệ sĩ mang đến khán giả những tác phẩm nghệ thuật đích thực, có chất lượng cao thì luôn chiếm được tình cảm”.
Cũng theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, tuy opera và ballet không xuất hiện thường xuyên trên sân khấu, trên truyền hình như những loại hình nghệ thuật khác, nhưng sự kiên định, duy trì loại hình nghệ thuật đỉnh cao có tính hội nhập quốc tế là chủ trương đúng đắn của Chính phủ.
Một chương trình hòa nhạc miễn phí tại Nhà thờ của nghệ sĩ Lưu Đức Anh. |
Hiện nay các đơn vị nghệ thuật công lập có Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Nhạc vũ kịch TP HCM, Dàn nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam và mới đây, có thêm dàn nhạc tư nhân The Sun Symphony Orchestra (Tập đoàn Sungroup) đã làm phong phú nền âm nhạc hàn lâm Việt Nam.
Hai năm qua, xuất hiện rất nhiều chuỗi chương trình chất lượng cao như Festival âm nhạc Á- Âu, Giai điệu mùa thu, Festival âm nhạc quốc tế Hạ Long, Luala concert… Hòa nhạc “Điều còn mãi”, các cuộc thi piano, violon trong nước và quốc tế liên tục được tổ chức, các liveshow concert của các nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc thính phòng cổ điển như concert của Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Đăng Dương, ca sĩ Lan Anh với những sự pha trộn mới mẻ đã làm cho đời sống âm nhạc hàn lâm sôi động hơn.
Rồi các concert âm nhạc vẫn tổ chức thường niên tại Phòng hòa nhạc lớn của Học viện Âm nhạc Quốc gia như concert của nghệ sĩ piano Lưu Hồng Quang mở đầu cho chuỗi hòa nhạc kỷ niệm 250 năm năm sinh của nhà soạn nhạc thiên tài Beethoven, Hòa nhạc đặt vé hàng tháng của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, Hòa nhạc Toyota…
Đó là những tín hiệu tích cực cho thấy đời sống âm nhạc có những thay đổi và âm nhạc cổ điển không còn là món ăn quá xa lạ với công chúng Việt Nam.
Cứ đi sẽ thành đường, đó là niềm tin của những thủ lĩnh của các nhà hát như NSƯT Trần Ly Ly, NSƯT Bùi Công Duy hay những cá nhân như nghệ sĩ Trang Trịnh, Lưu Đức Anh… Đào Tố Loan và rất nhiều nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc hàn lâm đang âm thầm nỗ lực tiếp cận công chúng trong thời gian tới.