Từ những bất cập của Đội tuyển Việt Nam:

Nếu là thầy ngoại, sẽ có... "bom"

Thứ Năm, 15/06/2017, 15:35
Chưa bao giờ Đội tuyển Việt Nam hội quân trong điều kiện nhân sự, sân bãi và thời tiết... có lắm vấn đề như hiện nay. Nhiều người phải đặt câu hỏi, nếu huấn luyện viên trưởng Đội tuyển lúc này không phải là thầy nội Nguyễn Hữu Thắng, mà là các ông thầy ngoại đến từ châu Âu như trước đây thì không biết những phản ứng sẽ xuất hiện một cách quyết liệt, rốt ráo như thế nào?


Đầu tiên là vấn đề nhân sự khi Đội tuyển tập trung suốt một tuần đầu tiên trong cảnh vắng tới 9 cầu thủ. Đấy là những cầu thủ phải cùng các CLB của mình (Hà Nội, Thanh Hoá, Quảng Ninh) đấu bù vòng 11 V.League. HLV Nguyễn Hữu Thắng cho biết ông đã kiến nghị VFF đổi lịch thi đấu để 9 cầu thủ này có thể tập trung đúng thời hạn, giúp ông có thể sớm tập chiến thuật thay vì chỉ có thể... tập chay, nhưng không thay đổi được gì. 

Ông chia sẻ với giới truyền thông: "Lịch thi đấu đã lên từ trước, nên không thay đổi được. CLB thì muốn giữ quân của mình, nên cũng chẳng thay đổi được. Chỉ có thể chấp nhận hoàn cảnh và mong các cầu thủ khi tập trung phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm của mình thôi". 

Chưa bao giờ Đội tuyển Việt Nam hội quân, tập luyện nhếch nhác như lần này.

Chẳng riêng gì Đội tuyển Quốc gia, cách đây ít lâu, khi Đội tuyển U.20 Việt Nam hội quân, chuẩn bị cho chiến dịch VCK World Cup U.20 thế giới, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn cũng gặp vấn đề tương tự. 

Và cuối cùng, cũng giống người đồng nghiệp Hữu Thắng, ông Tuấn đã phải nhượng bộ cho các CLB, chấp nhận để một số cầu thủ tập trung muộn. Trở lại với Đội tuyển Quốc gia, phải đến ngày 10-6, nghĩa là 3 ngày trước trận đấu quan trọng với Jordan tại vòng loại Asian Cup 2019, HLV Nguyễn Hữu Thăng mới có đủ 100% quân số. 

Có trong tay trọn vẹn những cầu thủ mình mong muốn, ông Thắng nóng lòng thực hiện các bài tập chiến thuật, lắp ráp đội hình để có thể chốt một bộ khung "cứng" nhất cho trận đấu với Jordan. 

Nhưng oái ăm thay, chiều ngày 10-6, trời TP Hồ Chí Minh lại mưa tầm tã, khiến mặt cỏ sân Thống Nhất ướt nhoèn nhoẹt. Ông Thắng dẫn cả đội ra sân, tự mình đi kiểm tra mặt cỏ và cuối cùng đưa ra quyết định không mong muốn chút nào: Vẫn không thể vào sân tập chiến thuật. 


Rốt cuộc, cả đội chỉ dám khởi động, làm nóng rồi đá ma trước khi nhanh chóng rút về khách sạn. Vấn đề nằm ở chỗ, năm ngoái, Đội tuyển cũng hội quân, chuẩn bị cho chiến dịch AFF Suzuki Cup tại TP Hồ Chí Minh, và cũng phải hơn một lần khổ sở vì... trời mưa. 

Khi đó một nhà báo đặt câu hỏi với Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh: Biết là TP Hồ Chí 
Minh đang mùa mưa, vậy tại sao VFF vẫn để Đội tuyển tập luyện ở đây? Câu trả lời của ông Tổng Thư ký rất láu lỉnh: À, khi chúng ta đá vòng bảng AFF Suzuki Cup ở Myanmar nhiều khả năng cũng phải đối diện với tình trạng mưa gió, sân trơn, bóng ướt, nên tập luyện ở đây cho dễ thích nghi. 

Đấy là một câu trả lời mang nặng tính chống chế vì ai cũng thấy là các trận đấu của đội tuyển ở Myanmar sau đó diễn ra trong cảnh nắng nóng, chẳng có bất cứ giọt nước mưa nào. Có lẽ sau hai năm liên tiếp chịu trận với những cơn mưa TP Hồ Chí Minh, VFF cần rút kinh nghiệm nghiêm túc và có những tính toán hợp lý để Đội tuyển Quốc gia không phải đối diện với vấn nạn "trời hành" trong những lần tập trung.

HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng có nhiều cái khó không nói nên lời.
Một vấn đề bất cập khác là sân Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) thời gian qua là nơi mà ngoại trừ hai CLB địa phương là Sài Gòn FC và CLB TP Hồ Chí Minh, cả Đội tuyển TP Hồ Chí Minh, CLB Gangwon (Hàn Quốc) lẫn Đội tuyển Việt Nam đều có nhu cầu tập luyện. Tại sao lại chọn một cái sân ở một thời điểm mà có cùng lúc quá nhiều đội bóng muốn sử dụng đến như thế? 

Để tránh tình trạng chồng chéo này, đã có lúc thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng phải kéo nhau tập luyện ở một cái sân bóng rất kém chất lượng khác - sân bóng của trung tâm thể thao Công an thành phố. Nhân sự thì phải đến sau một tuần mới đủ 100%, thời tiết thì mưa gió thất thường, sân bãi thì không đảm bảo, đã có người ví Đội tuyển Việt Nam đợt này "bị" cư xử không khác gì một... đội bóng đá phong trào. Tất nhiên, cách ví von có phần hơi quá, nhưng rõ ràng chất lượng tập luyện đợt này kém hơn hẳn so với trước đây. 

Năm 2009, khi còn là HLV trưởng Đội tuyển U.23 Quốc gia, cựu thầy Henrique Calisto từng nổi trận lôi đình chỉ vì việc buổi tập của đội tuyển phải đột xuất rời từ sân Quốc gia Mỹ Đình về sân Hàng Đẫy - hai cái sân vốn chỉ cách nhau chừng 30 phút chạy xe. 

HLV Calisto phân tích: "Các bạn phải hiểu câu chuyện ở đây không phải là sân nào tốt hơn sân nào, mà là một đội tuyển tầm quốc gia đã không được tôn trọng như lẽ ra phải thế?". 

Một năm sau, khi cùng Đội tuyển Quốc gia chuẩn bị cho kỳ AFF Suzuki Cup 2010 trên sân nhà, ông Calisto cũng liên tục chỉ trích VFF đã bố trí đội tuyển tập luyện trên mặt sân Mỹ Đình xấu xí, không đảm bảo chất lượng chuyên môn. Trước đó các thầy ngoại của Đội tuyển Việt Nam như Weigang, Colin Murphy, Riedl... cũng từng có những kêu ca, phàn nàn tương tự.

Rõ ràng khi điều kiện nhân sự, sân bãi tập luyện của đội tuyển có vấn đề, các ông thầy ngoại đã không ngại chỉ trích VFF, thậm chí còn "đấu" tới cùng. Nhưng với thầy nội thì chuyện này rất khó xảy ra. Chắc chắn không hài lòng tí tẹo nào với cái cách mà đội tuyển phải đối diện trong lần tập trung này, nhưng HLV Nguyễn Hữu Thắng vẫn phải... ngậm bồ hòn làm ngọt.

Khổ thân Đội tuyển...

"Trong lịch sử các lần tập trung trước đây, chưa khi nào đội tuyển VN gặp trở ngại vì thiếu hụt quân số như lần này. Chuyên gia Đoàn Minh Xương không giấu được sự bất bình khi cho rằng: "V-League phải tạm dừng đến hơn hai tháng trong khi lịch thi đấu quốc tế và trong nước được công bố từ đầu năm. Điều này có nghĩa Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) có dư thời gian để đôn lên hay lùi lại thời gian đá hai trận đấu bù vòng 11 V-League để dồn sức cho tuyển VN trước giờ gặp Jordan?

Thêm một điểm bất cập khác, đây là thời điểm đầu mùa mưa ở phía Nam vậy tại sao không chọn một địa phương khác thời tiết thuận lợi hơn để đội tuyển tập luyện? Theo tôi, đây là sự tắc trách quá lớn thuộc về bộ phận hậu cần của VFF khi quá thờ ơ với đội tuyển quốc gia.

Tôi cho rằng sự bất cập xuất phát từ việc VFF, VPF (Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam), phòng các đội tuyển quốc gia và ban huấn luyện đội tuyển chưa từng ngồi lại với nhau để tính toán một cách chi li. Bởi nếu có cuộc họp như thế thì HLV Hữu Thắng sẽ không phải "dở khóc dở mếu" vì quân số thiếu hụt hay sân bãi không phù hợp như ở lần tập trung này". (Sĩ Huyên - Tuổi Trẻ TP HCM)

Bị đối xử như đội "phủi"

Không kể những cơn mưa thất thường ở TP Hồ Chí Minh khiến đội tuyển bị động, thầy trò Hữu Thắng cũng không có sân tập tử tế đúng chuẩn. Sau vài ngày gắng gượng tập chạy trên mặt sân cỏ nhân tạo, đội tuyển Việt Nam chiều ngày 8-6  đã phải vượt quãng đường xa xuống Trung tâm TDTT Thành Long.

Do nơi trú quân của đội tuyển ở quận Tân Bình  (TP Hồ Chí Minh) nên họ không có cách nào khác là tìm chỗ di chuyển thuận tiện nhất và buộc phải chấp nhận tập trên các mặt sân kém chất lượng hoặc cỏ tự nhiên như mặt ruộng. Đã thế những buổi tập của đội luôn bị quấy nhiễu bởi người xem tụ tập bát nháo lẫn sự hâm mộ nhiều khi quá đáng của họ. Có khi ban huấn luyện phải cho dừng buổi tập vì khán giả tràn vào sân xin… chụp ảnh. Đội tuyển phải chuyển sang chơi bóng ném để giữ sức...

Nhìn vào sự cập rập của tuyển Việt Nam chủ yếu do yếu tố chủ quan về trách nhiệm lẫn sự tính toán hời hợt của VFF thì thật khó đòi hỏi cầu thủ phải chơi ra trò. HLV Hữu Thắng chỉ có đúng hai ngày để hoàn chỉnh mọi thứ trong khi đối thủ Jordan có hơn hai tuần với các chuyến tập huấn và giao hữu chất lượng với Iran, Hong Kong cho trận quyết đấu.

Anh Nhật (Báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh)

Giá trị của đội tuyển là thế đấy

Đáng nói hơn khi ĐT Jordan đến TP Hồ Chí Minh, vì số lượng sân tập đã "cháy" nên BTC đã bố trí các vị khách đi xa hơn 1h đồng hồ để tập tại Bình Dương. Tuy nhiên, ban huấn luyện của Jordan đã không chấp nhận điều này. Chính điều đó đã khiến đại diện VFF phải liên hệ với Trường Đại học RMIT để Jordan có thể đến tập luyện. Tất nhiên, các vị khách thì không thể hài lòng với cách đón tiếp của nước chủ nhà.

Còn với những người có trách nhiệm trong việc tổ chức và sắp xếp cho trận đấu giữa ĐT Việt Nam và Jordan nên rút kinh nghiệm để không còn những chuyện "dở khóc, dở cười" như vậy. Thương cho ĐT Việt Nam, và không biết những cầu thủ trẻ lần đầu tiên được gọi lên tuyển với tất cả niềm tự hào sẽ nghĩ gì về lần tập trung đầy bất cập này.

Một lần nữa, câu chuyện về giá trị của đội tuyển quốc gia cũng như trách nhiệm của những nhà quản lý bóng đá cần phải được nhận thức một cách nghiêm túc. (Đăng Huỳnh - Báo Lao Động ) 

Diệp Xưa
.
.
.