Liên hoan sân khấu Thủ đô: Thiếu vắng những kịch bản mới

Thứ Tư, 07/10/2020, 17:21
Hai tác phẩm được giải vàng tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2020 là “Bạch đàn liễu” của đạo diễn Trần Lực và “Người tốt nhà số 5” của đạo diễn Tạ Tuấn Minh.

Đây là hai vở diễn tạo được nhiều dấu ấn với công chúng trong thời gian qua. Nhưng điều đó cũng cho thấy một khoảng trống lớn về kịch bản sân khấu bởi đây là kịch bản sân của hai cây đa cây đề trong làng sân khấu, nhà viết kịch Xuân Trình và nhà viết kịch Lưu Quang Vũ.

1. Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm nay có sự góp mặt của 13 tác phẩm của 13 đơn vị nghệ thuật. Hầu hết, các tác phẩm được dàn dựng trong mùa đại dịch và chờ để mở màn cho sự trở lại của sân khấu, chứ không phải dàn dựng chỉ để mang đi thi. Vì thế, chất lượng các tác phẩm năm nay được đánh giá là khá đồng đều, trong đó có nhiều vở kịch được đầu tư kỹ lưỡng, gây hiệu ứng tốt đối với khán giả cũng như trong giới chuyên môn.

Ngay từ đầu hội diễn, NSND Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu, Trưởng Ban Chỉ đạo liên hoan, đã khẳng định sẽ không có mưa giải thưởng tại Liên hoan. Quả vậy, chỉ có hai tác phẩm “Bạch đàn Liễu” và “Người tốt nhà số 5” giành giải Vàng tại Liên hoan lần này. Điều đó cũng không năm ngoài dự đoán. 

NSND Hoàng Dũng đánh giá: "Trong liên hoan, nhiều kịch bản cũ đã được dàn dựng theo cách nhìn mới của ngày hôm nay, cho chúng ta thấy những tư duy mới, những tìm tòi đáng trân trọng. Bên cạnh đó, tại Liên hoan đã xuất hiện nhiều đạo diễn trẻ có tiềm năng, cạnh những đạo diễn thành danh, đã đóng góp nhiều cho sân khấu nước nhà. 

Nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng sẵn sàng thay thế các lớp cô, chú, anh chị đi trước. Họ không chỉ chứng tỏ được mình ở phần kỹ thuật tâm lý mà còn điêu luyện sử dụng ngôn ngữ hình thể trong biểu diễn. Sân khấu càng ngày càng hiện đại với rất nhiều trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến, đa dạng về thể tài, góp phần làm cho Liên hoan sân khấu đẹp hơn, hấp dẫn hơn”.

Trao huy chương vàng cho các nghệ sĩ.

Còn NSND Thuý Mùi chia sẻ: "Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ IV là cuộc so tài đầy kịch tính và hấp dẫn. Một số vở diễn được dàn dựng mới đây đã tạo được hiệu ứng tốt trong giới làm nghề và khán giả, bên cạnh đó, có những đơn vị nghệ thuật dựng lại các vở đã từng công diễn nhưng với góc nhìn mới và mang đậm hơi thở của thời đại. 

Liên hoan lần này không chỉ là nơi giao lưu về nghề nghiệp giữa các nghệ sĩ; sự trao đổi, học hỏi cách làm sân khấu thời kỳ mới giữa các đơn vị nghệ thuật mà còn là nơi thi thố tài năng nhằm phát hiện và tiếp lửa đam mê cho những nghệ sĩ trẻ để họ tiếp tục cống hiến tài năng và nhiệt huyết của mình cho khán giả, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành sân khấu Việt Nam".

Có lẽ khá lâu rồi, sân khấu Hà Nội lại được khóc cười với một vở diễn ấn tượng như vậy, “Bạch đàn liễu” của đạo diễn Trần Lực và sân khấu Lucteam. Đây là tác phẩm của nhà viết kịch Xuân Trình, ông viết năm 1965 và mới chỉ dàn dựng một lần. 

Kịch lấy bối cảnh làng quê Bắc bộ năm 1968, xoay quanh chuyện tình của Độ - Liễu bắt đầu từ cây bạch đàn và kết thúc khi gốc cây bị đốn ngã, qua đó gửi gắm thông điệp về thực trạng cán bộ lạm dụng chức quyền, tham nhũng khiến người dân khổ sở.

Cảnh trong vở “Bạch đàn liễu” giành giải vàng.

Hơn 50 năm sau, câu chuyện của “Bạch đàn liễu” được đạo diễn Trần Lực khai thác lại ở một góc độ mới và vẫn còn nguyên tính thời sự. Đó là câu chuyện chống tham nhũng và vấn đề dân chủ ở nông thôn, sự áp bức của những vị quan xã, quan huyện lên người dân. Trần Lực đã mang đến cho khán giả một vở diễn mang đậm chất dân gian Việt Nam nhưng không kém phần hiện đại. 

NSND Thúy Mùi nhận xét: "Đã qua hơn 50 năm nhưng tác phẩm vẫn đúng với thời đại. Cách dàn dựng của Trần Lực và sân khấu Lucteam mang đến sự mới lạ, hấp dẫn, khiến khán giả vừa cười, vừa suy ngẫm".

Rõ ràng, sân khấu đã không đứng ngoài cuộc mà lăn xả vào hiện thực và phản ánh hiện thực một cách sắc nét. Đó cũng chính là thông điệp trong các vở của nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ. Liên hoan lần này, Nhà hát Kịch Việt Nam, đạo diễn, NSƯT Tạ Minh Tuấn đã dàn dựng lại vở “Người tốt nhà số 5” của ông. 

Dù đây không phải là tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, nhưng thông điệp ông để lại trong tác phẩm chưa bao giờ cũ, làm người tốt có dễ không? Không hề dễ khi mà trong xã hội, cái ác đang lên ngôi và chèn ép những giá trị. Ngoài hai tác phẩm đạt giải A, còn có “Tình sử Thăng Long” của Nhà hát Chèo Hà Nội dành giải B…

Cảnh trong vở “Người tốt nhà số 5” giành giải Vàng.

2. Tuy nhiên, nhìn vào danh mục các tác phẩm được giải tại Liên hoan sân khấu năm nay, cho thấy một vấn đề nổi cộm, đó là thiếu vắng những kịch bản mới, phản ánh hiện thực xã hội đương đại. Đó là một vấn đề của sân khấu nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung.

NSND Hoàng Dũng chia sẻ: “Chúng ta vui mừng vì sân khấu có những tiếng nói trẻ trung, tươi mới nhưng nhũng người làm sân khấu vẫn chờ đợi những kich bản mới, hấp dẫn, phản ánh tiếng nó của thời đại hôm nay”. Không thể phủ nhận những giá trị của “Bạch đàn liễu” hay “Người tốt nhà số 5”, và những vấn đề mà các tác giả đặt ra trong đó. Nhưng công chúng cũng rất cần những tác phẩm mới, phán ánh hiện thực xã hội hôm nay. 

Trong khi, sân khấu là phương tiện hữu hiệu và trực diện để người nghệ sĩ có thể nói tiếng nói của thời đại. Đây cũng chính là một khoảng trống lớn của sân khấu Việt Nam trong nhiều năm qua. Vì không có kịch bản mới đủ hay và hấp dẫn nên hầu hết các nhà hát đều dàn dựng lại các kịch bản cũ.

Vở tình sử “Thăng Long” giành giải Bạc.

Sân khấu muốn hấp dẫn khán giả phải có kịch bản hay. Đó là điều cốt lõi. Sức hút của “Bạch đàn liễu”, “Người tốt nhà số 5” cho thấy sân khấu chưa bao giờ hết hấp dẫn khán giả. Điều quan trọng là chúng ta thiếu vắng những tác phẩm đủ sức nặng để kéo khán giả đến rạp. 

NSND Trương Nhuận khi còn sống cũng rất trăn trở với điều này khi ông trò chuyện cùng tôi về sức hút của các tác phẩm của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Ông cho rằng, sân khấu bên cạnh việc dàn dựng các tác phẩm kinh điển, cần có những tiếng nói mới của thời đại. 

Bao giờ chúng ta mới có một nhà viết kịch Xuân Trình, Lưu Quang Vũ thứ hai, dám xông pha vào đời sống, vào những địa hạt nhạy cảm của đời sống để nói được tiếng nói của thời đại? Đó là một câu hỏi nhiều năm qua vẫn còn bỏ ngõ của sân khấu nói riêng và của  văn học nghệ thuật nói chung.

Lan Tường
.
.
.