Leonardo Jardim - Kẻ đưa Monaco "trở về từ cõi chết"

Chủ Nhật, 05/03/2017, 17:53
Ở Anh, M.U và Ibrahimovic đang là tâm điểm của sự chú ý. Cuộc đua vô địch La Liga cũng hấp dẫn không kém khi Real bất ngờ sảy chân trước Valencia. Tại Italia, Roma đang cho thấy quyết tâm lật đổ “chính quyền” Turin. Sang Đức, Bayern và thứ bóng đá hủy diệt giúp nâng tầm Bundesliga thành giải đấu được ưa chuộng nhất tại thị trường Trung Quốc.

Nhưng nếu phải chọn ra một sự kiện nổi bật của mùa giải 2016-2017, Monaco mới là cái tên cần được nhắc đến. Trong hoàn cảnh của một giải đấu có chất lượng chuyên môn không cao (Ligue 1 đã rớt xuống hạng 6 theo BXH hệ thống giải của UEFA), ách thống trị của PSG và nguồn lợi nhuận bản quyền truyền hình bị phân chia thiếu công bằng, Monaco đang làm nên những điều phi thường.

Sau khi trở thành sân sau của tỷ phú Rybolovlev và bị “lợi dụng” nhằm mục đích rửa tiền cho ông chủ người Nga, Monaco lập tức bị cắt các nguồn viện trợ và tiềm lực tài chính chỉ đảm bảo ở mức “duy trì một đội bóng trung bình khá”.
HLV Leonardo Jardim.

Họ phải dựa vào những ngôi sao hết thời như Mourinho và Falcao, đôn cầu thủ trẻ và gọi về những cầu thủ cho mượn. Tuổi đời trung bình của Monaco là 24,2 và thâm niên khoác áo ĐTQG của cả đội là… 113 lần, tức trung bình chưa đến 5 lần/một thành viên.

Nhưng Monaco không đi vào vết xe đổ của Malaga. Bây giờ, họ đang đứng đầu bảng Ligue 1, hơn PSG 3 điểm. Đấy cũng là CLB ghi bàn tốt nhất ở 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu (78 bàn), và hiệu số bàn thắng-bại là vô cùng ấn tượng: +53.

Vậy bí kíp của Monaco là gì? Leonardo Jardim - HLV trưởng của đội – sẽ cho chúng ta câu trả lời thỏa đáng.

Trên con đường của Mourinho

Tháng 12-2011, Dmitry Rybolovlev gia nhập đại hội cổ đông Monaco và trở thành người đứng đầu CLB nhờ số vốn lớn nhất. Sau khi đội lên hạng vào mùa 2013-2014, Monaco tỏ rõ tham vọng lật đổ PSG và chen chân ra sân khấu châu lục bằng 3 hợp đồng bom tấn là Radamel Falcao, James Rodriguez và Joao Moutinho.

Năm đó, Monaco về nhì. Phải nói đấy là thành công ngoài mong đợi của một đội vừa chân ướt chân ráo lên chơi ở Ligue 1. Nhưng Rybolovlev nghĩ khác. Hoặc là thời gian “trú ẩn” sau những cáo buộc trốn thuế của vị tỷ phú tại công quốc đã khép lại.

Nhân danh cuộc cách mạng từ gốc rễ “đào tạo trẻ”. Rybolovlev thiết chặt hầu bao và đẩy đi những ngôi sao lớn nhất. Ông chọn Leonardo Jardim ngồi vào ghế thuyền trưởng, vị HLV mới 42 tuổi – đúng “tiêu chí” trẻ.

Jardim, HLV người Venezuela nhưng sinh ra ở Bồ Đào Nha – chưa bao giờ là một cầu thủ chuyên nghiệp. Nhưng giống như tiền bối Mourinho, những hiểu biết hạn chế về thế giới cầu thủ không cản bước Jardim tiến tới nghiệp huấn luyện.

Ông bắt đầu sự nghiệp năm 27 tuổi trong vai trò trợ lý A.D. Camacha, đội bóng ở vùng Madeira. Hai năm sau, Jardim chính thức tiếp quản công việc và làm việc tại đây thêm 5 năm trước khi chuyển tới Chaves. Trong mùa giải duy nhất ở Chaves, Jardim cùng đội giành quyền lên hạng.

Ngay cả đại gia Man City cũng phải rất vất vả mới giành chiến thắng nghẹt thở 5-3 trước Monaco.

Beira-Mar, Braga và Olympiakos là những điểm đến tiếp theo của Jardim. Nhưng phải là Sporting - cái nôi của rất nhiều cầu thủ Bồ Đào Nha vĩ đại như Ronaldo hay Luis Figo – đưa tên tuổi của Jardim đi xa hơn. 

Mùa 2012-2013, Sporting lần đầu tiên kết thúc mùa giải ở một vị trí ngoài tốp 6 (hạng 7). Jardim được mời về với trọng trách khôi phục danh tiếng CLB và đưa Sporting quay lại cuộc đua vô địch.

Chỉ trong một mùa giải, phép màu đã xuất hiện. Ngay cả khi tiền đạo chủ lực Ricky van Wolfswinkel chuyển tới Norwich, Sporting vẫn thể hiện sức mạnh tấn công đáng sợ khi ghi nhiều hơn mùa trước tới 18 bàn, cán đích ở vị trí nhì bảng (sau Benfica).

Giao điểm của Jardim và Mourinho, là họ tự tay nhặt từng chi tiết máy thích hợp và lắp thành dây chuyền hơn là nhập về một cỗ máy trông bên ngoài bóng bẩy nhưng động cơ có vấn đề. Trong chiến tích năm ấy, người có công lớn nhất là Fredy Montero – bản hợp đồng theo dạng cho mượn từ… Seattle Sounders, CLB thuộc giải MLS.

Bậc thầy đào tạo

Dự án khởi nghiệp của Jardim có nhiều nét tương đồng với Mourinho. Họ là dân ngoại đạo, không biết đá bóng nhưng sở hữu khả năng dụng nhân đặc biệt.

Nhưng nếu Mourinho chỉ quen làm việc ở những môi trường cao cấp thì sở thích của Jardim là phát triển những tài năng trẻ thành ngôi sao thế giới rồi sau đó sử dụng cho mục đích chung của đội bóng.

Dưới sự hướng dẫn của Jardim, 7 sản phẩm của học viện Sporting gồm Rui Patrício, Cédric, Adrien Silva, William Carvalho, André Martins, Wilson Eduardo và Carlos Mane lần lượt nhận giấy triệu tập quốc gia và đóng những vai trò quan trọng khác nhau.

William Carvalho là một câu chuyện kinh điển về phương pháp huấn luyện của Jardim. Trước ngày Jardim tới, Carvalho tới Club Brugge (Bỉ) thực tập trong 18 tháng. Khi trở về, tiền vệ trụ này được đánh giá rất cao ở khả năng đọc tình huống và xử lý các tình huống bóng sống.

Monaco đang có một mùa giải thành công ngoài mong đợi

Dù vậy, Jardim cho rằng nền tảng của các kỹ thuật phòng ngự là phán đoán các tình huống bóng chết vì đối phương có nhiều thời gian suy nghĩ và hơn cả là đã tập đi tập lại các ngón đòn cố định trên sân tập.

Hai tháng đầu tiên tiếp quản Carvalho, Jardim gửi cậu xuống đội trẻ tập làm quen với giáo án bóng chết, coi như là “học lại từ đầu” như những “học viên” khác trong lớp của thầy giáo Jardim.

Triết lý của Jardim là xây dựng hệ thống triết lý và giáo dục xuyên suốt từ đội trẻ tới đội một, gần tương tự như di sản mà Johan Cruyff để lại cho Barca. Tư tưởng ấy giúp Jardim lọt vào mắt xanh của Rybolovlev, người tuyên bố trong buổi họp báo ra mắt tân HLV trưởng của Monaco “Cậu ấy đồng quan điểm với tôi dự án đào tạo trẻ sắp tới vô cùng tiềm năng”.

Ngày nhận việc, Jardim không có gì ngoài đôi bàn tay trắng. Rodriguez tới Real còn Falcao sang M.U theo dạng cho mượn. Ông cũng không có quyền can thiệp vào bảng lương cầu thủ và tham gia hội đồng chuyển nhượng như người tiền nhiệm Ranieri.

Có ý kiến bảo Jardim thiếu tham vọng. Nhưng quả thực, Jardim đủ trưởng thành để nhận thức khó khăn và thách thức từ giây phút ông đồng ý về Monaco. Và một lần nữa, ưu điểm lớn nhất của Jardim đã phát huy triệt để công năng, là đào tạo trẻ.

Monaco giai đoạn đầu trải qua cơn khủng hoảng bàn thắng.

Ví dụ điển hình là họ chỉ ghi được 4 bàn sau 6 lượt trận vòng bảng Champions League. CĐV kêu gào trên khán đài sân Louis đệ nhị vì không quen với hình ảnh thô ráp sau những ngày xem bộ đôi người Colombia kia biểu diễn kỹ nghệ.

Jardim phải nhanh chóng đẩy giới hạn của các tài năng trẻ. Để ông có thể bán họ với giá đủ cao giúp tái tạo chất lượng đội hình. Lần lượt Carrasco, Martial, Kurzawa, Kondogbia và Abdennour trở thành những sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu gắn mác Monaco và xuất đi khắp châu Âu.

Trong thời gian dung dưỡng những ngôi sao ấy, Jardim trung thành với trường phái phòng ngự thực dụng. Ông chia sẻ trên tờ Oust France là “Nuôi mộng lớn thì phải hoàn thành dự định ngắn hạn”.

Bán cầu thủ - tiền về - mua cầu thủ, Jardim đã biến vòng tuần hoàn ấy thành công thức chiến thắng. Ông tự mở ra nguồn sống cho CLB, lấy số tiền ấy đầu tư vào những gương mặt mới mà theo ông là phù hợp nhất với lối chơi của CLB.

Sau hai năm chấp nhận chơi chiếu dưới, Monaco mùa này đổi về sơ đồ 4-2-2-2 giàu sức tấn công. Tiêu chí tuyển chọn cầu thủ của ông là nhanh – trẻ - khỏe. Sidibe bên cánh phải, Mendy phía đối diện, Fabinho – bản chất là một hậu vệ biên ưa tấn công - đôn lên đá tiền vệ phòng ngự.

Trung bình mỗi trận mùa này, Monaco ghi 3,1 bàn, tức là cao hơn cả cỗ máy tấn công Bayern. Nhưng hiệu quả phòng ngự của đội cũng tăng lên theo tỷ lệ thuận, bình quân 0,7 bàn thua một trận.

Monaco đã có lúc đứng trên bờ vực thẳm. Nhưng rồi sự xuất hiện của Jardim đảo ngược toàn bộ tình thế. Giờ thì họ đang tiến từng bước vững chắc tới ngôi vương Ligue 1 và biết đâu đấy, ở trận lượt về 1/8 Champions League gặp Man City, Jardim sẽ lại mang tới một phép màu khác, như những phép màu trong suốt hành trình đã qua của mùa giải.

Kế hoạch bí ẩn

Theo thông tin của tạp chí France Football, Jardim đã dùng thủ thuật để đẩy Arsenal vào mê cung khi hai đội gặp nhau ở vòng loại đầu tiên Champions League cách đây hai mùa giải.

Ngày 25-2-2015, Jardim chia sẻ với báo giới tiền đạo Dimitar Berbatov có khả năng không thể ra sân vì ngộ độc thực phẩm, trong khi Moutinho vi phạm kỷ luật nội bộ nên không được sắp xếp đá chính.

Những thông tin này làm HLV Wenger suy nghĩ xem nên hay không điều chỉnh lại hệ thống chiến thuật bởi thông thường, trong hoàn cảnh như thế, Monaco sẽ tung rất nhiều cầu thủ có thiên hướng phòng ngự vào sân.

Ngày hôm đó, Wenger xếp Gibbs đá chính bởi hậu vệ trái người Anh nhanh hơn Monreal, dễ thực hiện những bài chồng biên tạt cánh. Nhưng Wenger đâu biết ông đã rơi vào cái bẫy mà đối phương bày sẵn.

Berbatov và cả Moutinho đều đá chính từ đầu, trong khi Dirar – chuyên gia đá phản công được sắp đá chính thay Bernando Silva. Hậu quả là 2/3 bàn thua Arsenal phải nhận đều tới từ lỗi mất vị trí của Gibbs.

Một vấn đề khác, là Monaco không đá tử thủ. Trái lại, họ luôn là đội kiểm soát bóng nhiều hơn và chủ động tấn công trong 15 phút đầu trận. Pha lập công của Berbatov nâng tỷ số lên 2-0 diễn ra ở phút thứ 53.

Đơn Ca
.
.
.