Kỷ niệm 30 năm ngày mất của Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ: Tình yêu ở lại

Thứ Bảy, 25/08/2018, 15:10
Đã 30 năm kể từ vụ tai nạn thảm khốc đã cướp đi 3 con người của một gia đình nghệ sĩ tài năng: nhà thơ Xuân Quỳnh, nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và bé Quỳnh Thơ (26-8-1988 - 26-8-2018). Sự lùi xa của thời gian càng khiến cho các giá trị mà họ để lại cho cuộc đời được khẳng định. 


Công chúng vẫn luôn dành cho hai người nghệ sĩ những tình cảm đặc biệt. Tác phẩm của họ vẫn có một sức sống mãnh liệt, thắp lên nguồn cảm hứng về tình yêu và cuộc sống. 

Một chuỗi hoạt động kỷ niệm 2 nghệ sĩ tài năng đã và đang được tổ chức nhân 30 năm ngày mất của họ, như hội thảo về tác phẩm của Lưu Quang Vũ, nhiều nhà hát sáng đèn biểu diễn lại các vở kịch của Lưu Quang Vũ, và đặc biệt là đêm thơ, nhạc, kịch: "Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh: Tình yêu ở lại" sẽ được diễn ra vào đêm 26/8 tới đây.

Cố thi sĩ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ.

Kỷ niệm 30 năm ngày mất của Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ  cũng chính là cơ hội để nhìn lại, chiêm nghiệm lại những gì còn - mất mà hai nhà nghệ sĩ tài hoa của nền văn học nghệ thuật Việt Nam gửi lại. Họ là những người khi còn sống đã viết nên những chương rất đẹp về tình yêu, về sáng tạo. 

Dĩ nhiên, cuộc đời và công chúng sẽ luôn còn nhắc nhớ về họ, về câu chuyện tình nhiều cung bậc của họ. Tình yêu là thứ vĩnh viễn còn lại, sau cả cái chết, đó là thông điệp mà gia đình, bạn bè, đồng nghiệp tham gia tổ chức chương trình lần này muốn chuyển tới công chúng, khi nhắc về hai cái tên Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ. 

Nhưng không phải chỉ có tình yêu, họ còn có nghệ thuật, văn chương. Và giống như tình yêu, chỉ giá trị thật là còn lại, Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ đã để lại những tác phẩm còn mãi với thời gian.

30 năm qua, có rất nhiều cuộc hội thảo về thơ Xuân Quỳnh, cũng không hiếm những cuộc hội thảo về thơ và kịch của Lưu Quang Vũ. Các nhà xuất bản vẫn thường xuyên tái bản tác phẩm của họ. Những người cùng thời với họ, những người thuộc thế hệ sau họ và cả những người tuổi trẻ hôm nay vẫn luôn đọc thơ của họ. 

Những "Thuyền và biển", "Sóng", "Hoa cỏ may", "Tự hát" (Xuân Quỳnh), những "Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi", "Tiếng Việt", "Bầy ong trong đêm sâu", "Mây trắng của đời tôi", "Và anh tồn tại" (Lưu Quang Vũ)... đã cho thấy bề sâu, rộng của trái tim, tâm hồn hai con người tài hoa bạc mệnh. Họ đã gửi lại nhiều thông điệp mà 30 năm sau người ta vẫn còn phải "giải mã".

Riêng kịch của Lưu Quang Vũ là một câu chuyện dài. 30 năm chính là khoảng thời gian thử thách sức sống của những vở diễn mà anh đã viết. Thử làm một phép toán, 30 năm ấy có hàng trăm, hàng ngàn vở kịch được dàn dựng và biểu diễn trong đời sống sân khấu nước nhà. 

Nhưng nếu đặt một câu hỏi, có tên tuổi nào thay thế Lưu Quang Vũ, có vở kịch nào xuất sắc sánh ngang với những vở diễn của Lưu Quang Vũ, thì ngay cả những người am hiểu nhất về sân khấu cũng không dễ trả lời. Lưu Quang Vũ vẫn hiển hiện như một cái tên không thể thay thế. Vào những ngày lễ tết, những dịp quan trọng, người ta vẫn dựng lại kịch Lưu Quang Vũ, khán giả vẫn đắm đuối xem kịch Lưu Quang Vũ, bởi những thông điệp mà tác giả mang đến vẫn luôn còn đó tính thời sự sâu sắc trong thời đại chúng ta sống hôm nay.

Nhìn lại quá khứ, mới thấu hết lao động nghệ thuật không mệt mỏi của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Cũng là thấu hết khối năng lượng nghệ thuật khổng lồ mà cuộc sống đã trao tặng cho một người cầm bút. Từ năm 1980 đến năm 1988, có tới hơn 50 vở kịch của Lưu Quang Vũ được các đoàn nghệ thuật dàn dựng. 8 năm từng ấy vở diễn, đủ để chúng ta thán phục tài năng  và sức sáng tạo của một người nghệ sĩ. 

Dĩ nhiên, trong số 50 vở diễn ấy không phải vở nào cũng là xuất sắc, không phải vở nào cũng bất biến trong thời gian. Nhưng có thể nói, rất nhiều trong số đó vẫn được nhắc lại trong hôm nay. Số vở diễn và số đoàn dàn dựng vở cho chúng ta thấy về sự "ăn khách" của một cái tên.

Lưu Quang Vũ đã viết theo đơn "đặt hàng" rất nhiều. Những người nghệ sĩ sân khấu cùng thời với Lưu Quang Vũ kể lại, thời đó, chỉ cần dựng vở của Lưu Quang Vũ là chắc chắn sẽ đông khán giả. Các trưởng đoàn nghệ thuật khắp nơi đổ về, "ăn dầm nằm dề" để đợi tác phẩm của Lưu Quang Vũ. 

Một cảnh trong vở “Nguồn sáng trong đời” của Lưu Quang Vũ vừa được Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng lại nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ.

Những đơn đặt hàng tới tấp khiến cho Lưu Quang Vũ dù viết ngày viết đêm vẫn không ít lần thất hứa vì không viết kịp. Rồi đến giai đoạn người ta không đặt hàng nữa, mà chỉ mong được dàn dựng bất cứ vở nào Lưu Quang Vũ viết ra. 

Những năm cuối cùng của đời mình, Lưu Quang Vũ thực sự thăng hoa. Anh chỉ viết và viết. Tên tuổi Lưu Quang Vũ chói sáng trong đời sống sân khấu cả nước. Những người thân trong gia đình Lưu Quang Vũ hôm nay nhắc lại, vẫn ngậm ngùi thương anh, những năm tháng ấy, khi cuộc sống bớt khó khăn, bắt đầu có tiền, có thu nhập nhờ các đoàn liên tục dựng vở của mình, thì anh lại chưa có thời gian để hưởng thụ cuộc sống. Anh viết, vì đơn đặt hàng, vì cả nể bạn bè, và cả vì thương các đoàn không có vở để dựng. Anh không chuẩn bị cho chuyến đi cuối cùng của mình, vì đâu có ngờ rằng nó lại đến quá sớm như vậy.

Nhà phê bình Ngô Thảo: Ký ức về ngày cuối cùng của Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ

Tôi còn nhớ, buổi chiều cuối tháng 8-1988. Đó là một ngày thứ 2. Sân  51 Trần Hưng Đạo, nơi có trụ sở nhiều hội văn học nghệ thuât nháo nhác khi nghe tin cả gia đình Lưu Quang Vũ bị tai nạn. Tôi cùng nhà viết kịch Xuân Trình cùng một số cán bộ Hội Nghệ sĩ Sân khấu vội vàng lao về cầu Lai Vu, Hải Dương, nơi xảy ra tai nạn. Bấy giờ, Lưu Quang Vũ đã được đưa về Bệnh viện Hải Dương cấp cứu, nhưng không kịp. 

Chúng tôi cùng mấy anh em trong gia đình ngồi trên chiếc xe bị tai nạn đưa chị Xuân Quỳnh và cháu Lưu Quỳnh Thơ về nhà xác bệnh viện, nơi Lưu Quang Vũ đã nằm ở đó. Nhờ nhân viên bệnh viện tắm rửa, thay áo quần cho cả ba người, trước khi đưa về Hà Nội. Đó là một đêm Hà Nội không ngủ. Trước cửa Bệnh viện Việt- Đức hàng trăm nghệ sĩ các đơn vị sân khấu và bạn bè thân quen đã đứng chờ, gào khóc khi xe về đến. Dạo đó, nhà xác Bệnh viện Việt - Đức chưa có phòng lạnh. Không thể để đó trong vài ba ngày chờ tổ chức tang lễ. 

Nhờ sự can thiệp kịp thời của GS-TS Đình Quang, người thầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ sân khấu, bấy giờ đang là Thứ trưởng Bộ Văn hóa mà cả ba được gửi vào nhà xác Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Những ngày Lưu Quang Vũ vừa mất, các thành phố lớn cả nước tràn ngập panô giới thiệu các vở diễn của Lưu Quang Vũ. Từ bấy đến nay, cứ dịp 5 năm, lại có một đợt các đoàn dựng, diễn lại các tiết mục của Lưu Quang Vũ. 

Mà quan trọng là, nhiều thời điểm, sân khấu hiu hắt khán giả, thì tới dịp đó, dù diễn ngày hay đêm, sân khấu cũng chen chúc người xem. Chính những minh triết chìm được cấy sâu trong nhiều kịch bản về những đề tài khác nhau đó đã góp phần làm cho tác phẩm của Lưu Quang Vũ có sức sống bền lâu. Và mỗi lần đọc lại, xem lại, chúng ta lại phát hiện ra những vỉa quặng tinh thần mà tác giả gửi gắm qua từng tác phẩm.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Thơ Lưu Quang Vũ dâng hiến và lãng mạn

Lưu Quang Vũ là một nhà thơ rất nhỏ nhẹ, dịu dàng. Nói chuyện với Vũ thú vị lắm và tôi luôn có cảm giác ở Vũ sự khát khao dâng hiến và một nỗi niềm đau đáu nghĩ về Tổ quốc, nghĩ về đất nước. Khi tập thơ "Hương cây - Bếp lửa" được phát hành thì chúng tôi ngồi với nhau nói chuyện về thơ và tôi thích một bài thơ trong tập thơ đó và lấy ý để làm thành bài hát "Lời chào mùa hạ". 

"Lời chào mùa hạ" khi mới ra đời cách đây hơn 30 năm được dàn dựng và phát liên tục trên sóng phát thanh và truyền hình. Có một thời gian dài, Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội đã dùng phần âm nhạc phối cho dàn kèn đồng của Đoàn Quân nhạc chơi để làm nhạc hiệu. Sau vài thập niên dường như bị quên lãng thì nay "Lời chào mùa hạ" được phối khí, làm mới và trở lại với công chúng đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày mất của Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ. Về thơ, tôi thấy thơ Vũ lúc nào cũng đẹp, luôn thể hiện sự tươi mới, trong sáng và lãng mạn cho dù sống trong hoàn cảnh thời kỳ trước những năm 1970 gian khó.

Ngày ấy, chúng tôi thường tụ tập đọc thơ, nghe nhạc, hát với nhau. Thế hệ chúng tôi lúc bấy giờ đầy lý tưởng, khát vọng cống hiến và nghĩ về đất nước với những điều lớn lao. Những năm chiến tranh vất vả, nhưng chúng tôi luôn háo hức, khao khát đóng góp với cuộc đời bằng tâm lực của mình. Thơ Lưu Quang Vũ là một điển hình rõ ràng như thế: dâng hiến, lãng mạn. Trong nghèo khó nhưng lúc nào cũng mơ mộng với một cuộc sống đẹp, không bao giờ nghĩ về cá nhân con người mình, không thấy đói khổ, mà tràn trề năng lượng sống khát vọng".

TS. văn học Lưu Khánh Thơ, em gái nhà viết kịch Lưu Quang Vũ: Kịch của anh Vũ gửi gắm những tâm tư về lẽ sống

Chọn cho mình con đường viết kịch, Lưu Quang Vũ đã tìm ra lối đi ngắn nhất để đến với công chúng khán giả, để có dịp được bộc lộ những gì mình đang ấp ủ. Mỗi một vở kịch là một mặt cắt của hiện thực.

Ở đó hiện lên những số phận, những cảnh đời khác nhau. Có niềm vui, nỗi buồn, có khổ đau, hạnh phúc. Ngòi bút của anh khi đau đớn xót xa, lúc thâm trầm sâu lắng, khi mạnh mẽ đanh thép, lúc nghiệt ngã chua cay hoặc cao giọng phê phán. Anh gửi gắm trong đó những tâm tư, tình cảm, khát vọng, những trăn trở về tình yêu, hạnh phúc, những suy tư về lẽ sống, lẽ làm người, cả những dự cảm về sự sống và cái chết… Anh viết một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, không to tát hay khiên cưỡng. 

Kịch của anh là tiếng nói của những người thường gặp: một ông giám đốc, một chị công nhân, một bác sĩ, có cả kẻ lang thang, người say rượu, người bán hàng rong… Muôn mặt đời thường đều có thể đi vào tác phẩm và trở thành những điển hình nghệ thuật truyền tải những thông điệp về cuộc sống. Nét nổi bật trong nhiều vở kịch là sự vui hóm trong tính cách của các nhân vật mà người ta có thể bắt gặp ở nhiều nơi và có khi gặp ngay trong chính bản thân mình.

Hội Vũ
.
.
.