Xã hội hóa các dự án nghệ thuật cộng đồng: Không chỉ trông cậy vào Mạnh Thường Quân

Thứ Hai, 29/08/2016, 14:49
Không chờ đợi được đầu tư từ ngân sách nhà nước, nhiều dự án nghệ thuật, chương trình giới thiệu văn hóa truyền thống đã ra đời bằng hình thức xã hội hóa.

Đây là xu hướng tất yếu khi những người yêu văn hóa truyền thống mong muốn được thể hiện ý tưởng của mình, thay đổi cách tiếp cận những giá trị vốn được coi là xưa cũ. Đây cũng là một xu hướng mới trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống những năm gần đây.

Nhiều dự án tự hoạt động bằng nguồn vốn xã hội hóa

Ngày 1-9-2014, nhóm Đình Làng Việt bắt đầu hoạt động mở trên Facebook và nhanh chóng thu hút đông đảo những cá nhân yêu văn hóa truyền thống tham gia làm thành viên và chia sẻ thông tin về Đình làng Việt cùng những di sản quý đang có nguy cơ bị mai một.

Không dừng lại là một trang mạng xã hội “ảo”, những thành viên chủ chốt của Đình Làng Việt như: nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, Trần Trung Hiếu, Trần Hậu Yên Thế, Nguyễn Hoài Nam, Vũ Mai Thơ... đề ra chiến lược gắn với các hoạt động thường xuyên.

Cụ thể: Hàng tháng duy trì đi điền dã tham quan di tích tại Hà Nội và các tỉnh lân cận nhằm mục đích giúp các thành viên có cơ hội tiếp cận với di sản, có thời gian gặp gỡ, trao đổi thông tin, đặc biệt được cảm nhận không gian văn hóa của làng xã Bắc bộ và không gian xung quanh ngôi đình làng.

Đáng lưu ý, nhóm hoạt động trên tinh thần tự nguyện, tự chủ kinh phí và kêu gọi nguồn xã hội hóa, kêu gọi các đơn vị và cá nhân tham gia đóng góp. Thành quả đầu tiên của nhóm, vào tháng 8-2015, một triển lãm mang tên "Đình làng Việt- những điều còn, mất" đã được giới thiệu tới công chúng.

Sự kiện “Cùng vẽ mặt nạ, vui Tết Trung thu 2015” diễn ra thành công nhờ xã hội hóa.

Không chỉ đem lại một cái nhìn về những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể dưới mái đình làng truyền thống, thông qua triển lãm 4000 thành viên trong nhóm "Đình làng Việt" còn mong muốn thu hút sự chú ý của cộng đồng trong việc chung tay bảo vệ di tích đình làng nói riêng và di sản nói chung.

Cũng bằng hình thức xã hội hóa, triển lãm 12 dòng tranh dân gian Việt Nam tiêu biểu đã khai mạc vào ngày 19/8 vừa qua do Bảo tàng Hà Nội và một đơn vị tư nhân là Bảo tàng Gốm sứ phối hợp thực hiện, nhằm giới thiệu đến công chúng nét độc đáo của tranh dân gian Việt Nam.

Hơn 2 tháng chuẩn bị, Bảo tàng Hà Nội chịu trách nhiệm hỗ trợ địa điểm và một phần kinh phí, Bảo tàng Gốm sứ cung cấp tư liệu, hiện vật để hoàn thiện phần nội dung triển lãm.

Nhà sưu tập Trần Thị Hòa, chủ nhân của nhiều bộ sưu tập tranh dân gian đồng thời là Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ cho biết: "Bảo tàng tư nhân có mặt bằng không thể lợi thế như bảo tàng của nhà nước. Thứ hai nguồn cấp ngân sách của bảo tàng Nhà nước cũng dồi dào hơn. Hai bên đã tận dụng những lợi thế của nhau để cùng hợp tác và đưa ra một triển lãm được công chúng đón nhận".

Bước sang năm thứ 2, dự án "Cùng bé sáng tạo- Lễ hội mặt nạ chào Trung thu" do họa sĩ Trang Thanh Hiền (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) khởi xướng đã thu hút một số đơn vị tài trợ, góp phần khơi gợi cho các em thiếu nhi những cảm thụ nghệ thuật truyền thống theo nhiều hướng khác nhau.

Nếu như năm ngoái, chương trình chỉ giới hạn tại Hà Nội thì năm nay, trẻ em tại thành phố Hồ Chí Minh cũng có cơ hội được vẽ mặt nạ, tìm hiểu cách bồi mặt nạ truyền thống, cùng nhau sáng tạo bột màu trên quạt giấy.

Tính đến thời điểm này, ban tổ chức dự án đã được hỗ trợ địa điểm thực hiện chương trình tại Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội vào ngày 4-9 và Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh ngày 10-9.

Nhóm cũng kêu gọi sự ủng hộ của các đơn vị chuyên về văn hóa đọc như Nhà xuất bản Trẻ, Alpha Books để có được những phần quà ý nghĩa nhất tặng các bé tham dự chương trình. Đặc biệt, chương trình Lễ hội mặt nạ tại TP. Hồ Chí Minh nhận được nguồn tài trợ bằng tiền mặt của Tập đoàn Dragon Capital, tạo điều kiện cho các bé tham gia chương trình hoàn toàn miễn phí. Nhóm “Cùng bé sáng tạo” tham vọng sẽ tạo nên một sân chơi lôi kéo cả cộng đồng, bằng một cách nào đó, tham dự vào câu chuyện khơi nguồn sáng tạo này.

Thông qua hình thức xã hội hóa, những người đứng ra tổ chức hi vọng các em thiếu nhi không phân biệt vùng miền, giàu nghèo đều có cơ hội được tham gia trải nghiệm mỹ thuật dân gian này mà không phải đóng bất kỳ một khoản phí nào.

Họa sĩ Trang Thanh Hiền, chủ nhiệm dự án chia sẻ: Có nhiều hình thức để kêu gọi xã hội hóa, không chỉ là tài trợ tiền mặt mà còn là sự giúp đỡ của các nghệ sĩ và các tổ chức tình nguyện.

"Chúng tôi đã đề ra nhiều phương pháp khác nhau để kiếm tiền cho dự án, ví dụ như mời gọi các họa sĩ gửi tranh, tặng tranh cho chương trình. Chúng tôi đã rao bán và tiền thu được từ bán tranh đã được ủng hộ cho chương trình.

Bên cạnh đó chúng tôi còn kiếm tiền từ chính dự án bằng cách để các bạn sinh viên và kêu gọi các họa sĩ  tham gia vẽ mặt nạ, thu được thêm một chút lợi nhuận để góp tiền cho chương trình" - họa sĩ Trang Thanh Hiền nói.

Trong những năm gần đây, không ít các sự kiện nghệ thuật được tổ chức bằng hình thức xã hội hóa, góp phần quảng bá và gìn giữ các giá trị văn hóa trong cộng đồng.

Đối với các đơn vị nhà nước như Bảo tàng Hà Nội, Văn Miếu - Quốc Tử Giám hay Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh... thì việc ủng hộ địa điểm để tổ chức những sự kiện như thế này đem lại nhiều lợi thế, nhưng lớn nhất là thu hút sự chú ý của khách tham quan với từng chủ đề trưng bày, giới thiệu văn hóa truyền thống.

Còn đối với các đơn vị tài trợ là doanh nghiệp, họ có nhiều cơ hội để quảng bá hình ảnh bằng việc tham gia vào những chương trình mang tính cộng đồng, đem lại nhiều lợi ích cho xã hội. Nói một cách đơn giản thì việc tài trợ cho những dự án nghệ thuật cũng góp phần "làm sang" cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết: Từ việc tài trợ cho nhóm “Đình làng Việt” làm chương trình đón Trung thu cho trẻ em trên địa bàn thành phố, Bảo tàng sẽ hướng tới việc tổ chức các chương trình về Tết Việt, Tết của người Hà Nội... và nhiều chương trình khác nhằm đa dạng hóa hoạt động của Bảo tàng. Cũng theo ông Nguyễn Tiến Đà, việc kêu gọi xã hội hóa trong việc bảo tồn di sản mới diễn ra mạnh mẽ trong thời gian gần đây.

Tư duy về xã hội hóa cũng có nhiều thay đổi. "Trước đây, người ta nghe cụm từ “xã hội hóa” thường trông cậy vào các Mạnh Thường Quân, doanh nghiệp. Nhưng theo quan điểm của tôi, có những việc, tinh thần cũng cần xã hội hóa. Tinh thần đó là sự ủng hộ của công chúng" - Ông Đà nói.

Nhiều khó khăn khi đặt vấn đề

Tuy nhiên, theo họa sĩ Trang Thanh Hiền việc kêu gọi ủng hộ của các tổ chức cá nhân cho những dự án nghệ thuật không đơn giản ngay từ đầu bởi các dự án này cần có một thời gian gây dựng uy tín và hiệu quả xã hội.

Đơn cử như trường hợp của nhóm "Cùng bé sáng tạo", bởi đây là một nhóm cá nhân, tự xây dựng lên dự án nên việc đi xin tài trợ nhiều khi còn khó khăn.

Họ không phải là một công ty hay một tổ chức có con dấu-có tư cách pháp nhân trong khi việc xin tài trợ thường cần có sự minh chứng kia để đơn vị tài trợ có thể làm việc với cơ quan nhà nước... Chính vì thế nên chương trình của nhóm "Cùng bé sáng tạo" có một thiệt thòi là không thể xin được những kinh phí lớn.

"Nguồn tài trợ là năm ngoái và năm nay đều có nhưng phần lớn là tài trợ cá nhân từ các bạn bè tham gia với chương trình với cái tâm thiện nguyện" - họa sĩ Trang Thanh Hiền cho biết. 

Tuy còn nhiều khó khăn khi phải xây dựng niềm tin của công chúng bằng hiệu quả hoạt động nhưng các dự án nghệ thuật đã bước đầu đem đến một cách tiếp cận mới về văn hóa cho công chúng.

Cũng từ ý tưởng xã hội hóa mà hiện nay, không ít bạn trẻ yêu văn hóa dân tộc đã biết cách kêu gọi sự ủng hộ, mà gây quỹ cộng đồng đang là một xu hướng nổi bật, thu hút nhiều đối tượng tham gia, cùng tạo ra nguồn lực giúp những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật có điều kiện quảng bá tác phẩm của mình, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm: Xã hội hóa phải nhằm vào đúng đối tượng

Bây giờ chúng ta đang rất muốn nâng cao nhận thức, nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của nhân dân và xã hội hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Xã hội hóa hiện nay đang ở mức độ sơ khai và chưa nhằm vào đúng đối tượng cần phải có tư duy về vấn đề xã hội hóa văn hóa nghệ thuật. Chính vì thế còn manh mún, chưa ra tấm ra món. Nguồn tiền xã hội hóa như hiện nay với những đối tượng cần xã hội hóa còn ít quá.

Chúng ta đang cần xã hội hóa đối với những người có vị trí, có tiềm lực nhất định. Ví dụ như những doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn và kể cả các lãnh đạo. Ví dụ như bà Tổng thống Hàn Quốc đã từng tham gia chương trình biểu diễn thời trang mặc đồ truyền thống tại Keang Nam.

Bởi vì hình ảnh đó tác động đến xã hội rất lớn. Nếu như có một nhà lãnh đạo nào của chúng ta đến xem một vở diễn sân khấu, xem một bộ phim mới ra chẳng hạn thì ảnh hưởng của nó trong xã hội không đong đếm được.

Anh Cù Minh Khôi, họa sĩ tư vấn, nghiệm thu của dự án Hoa văn Đại Việt: Phải tạo ra những dự án có chất lượng

Chúng ta phải hiểu được rằng: Chúng ta làm được gì, cung cấp được gì cho người ủng hộ, để họ ủng hộ mình. Chính vì thế chúng ta phải làm được việc là dự án đấy có lợi ích nhất định đối với bộ phận nào đó trong xã hội để họ thấy được lợi ích thực tế nhất đối với họ. Thứ hai là chúng ta làm một dự án nào đấy bằng cái tâm, sự nhiệt tình đối với công việc thì mọi người sẽ hiểu và ủng hộ mình.

Phương Thúy
.
.
.