Hotgirl cầm míc có gì mà ầm ĩ thế?

Thứ Sáu, 08/12/2017, 16:27
Ở xứ mình, chuyện người mẫu có chất giọng tầm tầm đi hát rồi nổi tiếng không hiếm. Một diễn viên bất thần tạt ngang sang ca nhạc cũng không hiếm. Chi Pu chán làm diễn viên đổi nghề làm ca sĩ có gì lạ mà người ta ầm ĩ hết cả lên thế? Phải chăng bởi cô là một nhân vật quá nổi tiếng trên mạng xã hội? Và vì cô phát ngôn còn non như tuổi 23 của mình?


Cứ cầm mic lên là thành ca sĩ?

Sau những MV đầu tiên được đầu tư kỹ lưỡng, thu hút một lượng view lớn trên kênh youtube, Chi Pu có lẽ đã nhầm tưởng về sự “chiến thắng”. Cô chắc đã nghĩ rằng, lượng người xem cho MV của mình vượt xa cả những tên tuổi ca sĩ trẻ hot hiện nay, nghĩa là tấm áo ca sĩ đã là đương nhiên với mình rồi. 

Nếu Chi Pu phân tích được trong số lượng người truy cập để xem cô hát đó có bao nhiêu người nghe cô vì hâm mộ nhan sắc của cô, bao nhiêu người tò mò muốn nghe cô hát như thế nào, và có bao nhiêu người đã nghe rồi cảm thấy hài lòng hay thất vọng về khả năng ca hát của cô, thì có thể Chi Pu sẽ không tự tin phát ngôn để hứng búa rìu dư luận như vậy. 

“Ở Việt Nam, cứ cầm mic lên là thành ca sĩ” thực sự là một phát ngôn ngạo mạn, không khiêm tốn, lộ rõ sự thiếu hiểu biết của cô gái 23 tuổi này. “Hotgirl” được chú ý nhất trên mạng xã hội đã tạo ra một cơn bão trên truyền thông theo hướng tiêu cực, từ phát ngôn này. 

Ngay sau phát ngôn đó, rất nhiều ca sĩ, nghệ sĩ đã lên tiếng “phản pháo” lại Chi Pu. Từ Văn Mai Hương đến Thái Thùy Linh đến đàn chị Mỹ Linh…và rất nhiều nghệ sĩ khác cho rằng Chi Pu đã quá xem thường công việc của một người ca sĩ. 

Để trở thành một người cầm mic, một ca sĩ đúng nghĩa, đẹp chưa bao giờ là đủ, vũ đạo chưa bao giờ là đủ. Nếu không có giọng hát trời cho đủ truyền cảm để hấp dẫn khán giả, thì những thứ còn lại dù đắp điếm bao nhiêu cũng khó mà giữ khán giả bền lâu được. Chi Pu chắc chắn tự biết về giọng hát của mình. Cô phải là người hiểu hơn ai hết khả năng của mình đến đâu trong âm nhạc. 

Cho dù cô có bỏ ra 3 năm học thanh nhạc trước khi cho ra mắt MV đầu tiên, như lời cô trả lời phỏng vấn, thì không có nghĩa sự học đó thay thế được chất giọng quá mờ nhạt, nhạc cảm thiếu tinh tế của cô. Nghe MV của Chi Pu, người ta thấy, trong con người của cô không có ngọn lửa âm nhạc. Tất cả là một sản phẩm của công nghệ, được tạo ra từ công nghệ thì đúng hơn.

Thực ra đời sống giải trí vốn đa sắc màu, việc Chi Pu đang làm một người mẫu, diễn viên nổi hứng đi hát cũng chẳng phải là chuyện quá xa lạ gì. Cô hát không hay, cô tự biết điều đó, nhưng cô vẫn sẽ có nhiều khán giả, vì cô có một lượng fan hâm mộ khổng lồ trên mạng xã hội, nhất là giới trẻ. 

Sẽ chẳng có ầm ĩ, hoặc nếu có, sẽ là ầm ĩ theo một cách khác, nếu Chi Pu không phát ngôn “dại dột” như vậy về nghề ca sĩ. Cô cứ âm thầm làm việc, tiếp tục tung ra các MV gây bão dư luận bằng lượng người xem khủng, chấp nhận mọi khen chê và lặng lẽ hoàn thiện mình thì biết đâu một ngày nào đó, danh xưng ca sĩ trở thành tấm áo vừa với cô.

Cấm Chi Pu hát hay là sự quá khích của dư luận

Trong làn sóng tẩy chay Chi Pu, ném gạch đá vào Chi Pu, thấy có những đám đông phấn khích đến mức đòi Cục Nghệ thuật biểu diễn cấm cô gái này không được biểu diễn ca nhạc. Đây là một tâm lý cực đoan không cần thiết. 

Dù Chi Pu có phát ngôn nông nổi, thiếu suy nghĩ về nghề ca sĩ, nhưng cấm cô ấy đi hát thì lại là chuyện khác. Không ai có quyền cấm một người hát dở đi hát. Cũng như không ai có quyền cấm một người viết dở viết văn. Tất cả đều là sự lựa chọn cá nhân của mỗi người, đó là quyền riêng tư không thể xâm phạm. 

Những ca sĩ đàn anh đàn chị khác có thể phật lòng về cách phát ngôn của Chi Pu, có thể góp ý với hotgirl xinh đẹp này về sự cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, còn việc đề xuất ý kiến nên cấm Chi Pu biểu diễn âm nhạc thì có gì đó hơi nực cười. Rất may là Cục Nghệ thuật biểu diễn đã đủ tỉnh táo để phân tích trường hợp của Chi Pu, và không có một quyết định nào gây tranh cãi quanh việc này. 

Đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn, ông Lê Minh Tuấn đã chia sẻ thẳng thắn với báo chí: “Những ý kiến nặng nề như vậy là thể hiện sự phản ứng của công chúng đối với người nghệ sĩ. Chắc chắn nếu cá nhân người biểu diễn không cải thiện tiết mục biểu diễn của mình cả về hình thức và chất lượng nội dung nghệ thuật thì khán giả sẽ không ủng hộ và đương nhiên người biểu diễn đó sẽ không có chỗ đứng trong lòng công chúng để tiếp tục sự nghiệp ca hát của mình. Việc đình chỉ biểu diễn thì các cơ quan quản lý phải căn cứ vào các quy định của pháp luật, cụ thể là NĐ 158/NĐ-CP, và trong trường hợp Chi Pu thì chưa đủ cơ sở để đình chỉ”.

Đời sống nghệ thuật là một sự sàng lọc tự nhiên theo cung và cầu. Người theo đuổi nghệ thuật sẽ không thể tiếp tục con đường của mình nếu họ không có sự ủng hộ của khán giả. Chinh phục khán giả chưa bao giờ là chuyện dễ, ngay cả với các nghệ sĩ theo xu hướng giải trí. 

Chi Pu mới khởi đầu con đường ca hát. Những MV đầu tiên của cô có thể bị chê tơi tả nhưng vẫn cập nhật con số người xem khủng, bởi vì cô có lợi thế là một hotgirl nổi tiếng trên mạng xã hội. Người ta xem cô vì tò mò xem khả năng ca hát của một cô gái đẹp thì như thế nào. 

Những MV đầu có thể thắng về số lượng view, và sẽ thật là sai lầm nếu Chi Pu nghĩ rằng mình đã trở thành ca sĩ. Nếu cô không tiếp tục cải thiện giọng hát, hình ảnh của mình thì con số khủng lượt người xem đó sẽ mất đi nhanh chóng. Bởi không ai kiên nhẫn xem mãi những màn biểu diễn âm nhạc nhạt nhẽo, vô bổ của một cô gái đẹp. 

Cũng như không ai có thể nghe mãi một giọng hát tồi, hụt hơi, chênh phô như Chi Pu thể hiện, nhất là lúc cô hát live. Làm khán giả chán, thì có nghĩa con đường trở thành ca sĩ của Chi Pu cũng trở nên ngàn dặm xa xôi, tấm áo ca sĩ trở nên quá rộng với cô.

Dư luận, đặc biệt là cư dân mạng thường rất nhạy cảm với cái mới. Một cái gì mới được đưa ra, sẽ lập tức hình thành nên những đám đông. Khen đã đành, nhưng chê thì cũng rợp trời gạch đá. Ở một giới hạn nào đó, việc khen chê của dư luận có tác dụng khiến cho người được khen hay bị chê tự điều chỉnh hành vi của mình, đó là sự tích cực. Nhưng khi dư luận trở nên thái quá, ví dụ như tẩy chay hay đòi cấm nghệ sĩ biểu diễn thì rõ ràng đang bộc lộ sự cực đoan quá trớn. 

Họ quên mất khả năng tự điều chỉnh của cuộc sống. Không có thứ nghệ thuật nào tồn tại được nếu nó không có khả năng hấp dẫn công chúng. Hơn thế nữa, việc vùi dập một người nghệ sĩ trẻ bằng những lời thóa mạ nặng nề là rất không nên, nó cho thấy sự a dua, bầy đàn của đám đông gõ bàn phím. Chi Pu có thể mắc sai lầm trong phát ngôn, có thể hát không hay hay chưa hay, nhưng cô không có lỗi khi mong muốn trở thành một ca sĩ.

Câu chuyện của Chi Pu cũng là một bài học cần thiết đối với những người trẻ mới bước chân vào con đường nghệ thuật. Dù lựa chọn của bạn ra sao, hãy khiêm tốn với sự lựa chọn đó. Hãy hành động để thuyết phục khán giả, hơn là phát ngôn thiếu chín chắn trên dư luận. 

Cuối cùng, không thể không chúc mừng Chi Pu với MV với nhất “Em sai rồi anh xin lỗi em đi” chỉ sau nửa ngày lên sóng đã chạm mốc 9.000 lượt người xem, vẫn giữ được sức hút không thua kém 2 MV trước đó. Nhưng lưu ý, số lượng dislike dành cho cô cũng xấp xỉ số lượng like. Như vậy, cô mới chỉ là nhân vật được chú ý chứ chưa thể dành được sự yêu thích.

Vấn đề của Chi Pu là phải cải thiện giọng hát, để một ngày nào đó, chỉ còn lượng like khủng dành cho cô mà không kèm theo dislike khủng không kém. Lúc đó, cô có thể sẽ là một hình mẫu ca sĩ giải trí mới, thay thế những đàn chị đi trước, như Hồ Ngọc Hà chẳng hạn.

Hội Quân
.
.
.