HLV Mai Đức Chung: "Xe ca" hay "Xe chữa cháy" đều tốt!
- Tuyển nữ Việt Nam vươn lên vị trí thứ 32 thế giới
- Đội tuyển nữ Việt Nam "tri ân" thày trò ông Park
- Lập kỳ tích, tuyển nữ Việt Nam nhận mưa tiền thưởng
Người đàn ông gần 70 tuổi vẫn đội mưa ra sân tập luyện với các học trò coi mọi thứ đều nhẹ nhàng, cả vinh quang lẫn thất bại, bởi có lẽ không ai ngoài ông Chung có một niềm đam mê bóng đá thuần khiết như thế.
Bóng đá là định mệnh
Ông Mai Đức Chung quê gốc Hưng Yên, là con thứ 2 trong gia đình 6 chị em. Cha ông đưa cả gia đình lên Hà Nội và ông Chung sinh ra ở làng hoa Ngọc Hà. Đam mê bóng đá đến với ông Chung từ sớm, nhưng hạt giống nào cũng phải có một mảnh đất để ươm mầm.
Định mệnh "bắt" ông Chung phải theo nghiệp quần đùi áo số. Mẹ ông làm việc trong SVĐ Hàng Đẫy và nhờ thế, ông luôn có được tấm vé vào sân để xem bóng đá miễn phí. Cần nói thêm rằng người dân miền Bắc lúc đó mê bóng đá như điếu đổ. Có người sẵn sàng đổi cả một chiếc xe đạp, của quý thời ấy, để lấy một tấm vé vào sân.
Những trận đấu ở Hàng Đẫy, đặc biệt là của đội tuyển miền Bắc Việt Nam với các đối thủ thuộc khối XHCN như Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Mông Cổ,… đã nuôi dưỡng tình yêu bóng đá trong ông Chung từ sớm.
Đến năm 1964, ông Chung thi vào lớp dự bị văn hóa của ĐH Thể dục - Thể thao Từ Sơn. Đúng vào những năm đế quốc Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc, ông Chung cùng các bạn mình phải đi sơ tán và trải qua tất cả những khó khăn gian khổ của thời đoạn lịch sử ấy để ăn học thành tài. Ít người biết rằng trước khi toàn tâm toàn ý theo nghiệp bóng đá, ông Chung từng học qua cả Thể dục dụng cụ vì "còi quá"!
Năm 1972, Mai Đức Chung tốt nghiệp đại học. Danh thủ Bùi Nghẽn của đội Xe ca Hà Nội lên tận làng Thượng Lang, huyện Việt Yên, Hà Bắc; nơi trường ĐH Thể dục Thể thao Từ Sơn đang sơ tán, để mời ông Chung về đầu quân. Cảm cái tình của bậc tiền bối, ông Chung gật đầu dù nhận được lời mời từ nhiều đội bóng khác. Cái tên Chung "xe ca" cũng bắt nguồn từ đây.
Trở thành cầu thủ, Mai Đức Chung được nhớ đến với sự tận tụy của mình. Dù sở trường chơi tiền đạo, cầu thủ Mai Đức Chung sẵn sàng thi đấu ở mọi vị trí miễn là được HLV yêu cầu. Như chính lời ông kể, chỉ có vị trí thủ môn là ông chưa từng thử qua. Tính cách ấy được ông Chung giữ cho đến khi chuyển sang nghiệp cầm quân.
Sau khi đội xe ca Hà Nội giải tán, Đội bóng đá của Bộ Ngoại giao và Đội Công an Hà Nội cùng lúc xin ông về nhưng ông lại đầu quân cho Tổng cục Đường sắt. Đây cũng là nơi mà ông Chung gặp ông Lê Thụy Hải.
Hai người trở thành bộ đôi trụ cột của đội bóng Đường sắt và chơi rất thân với nhau. Sau này họ đều trở thành những nhà cầm quân xuất sắc bậc nhất của bóng đá Việt Nam nhưng lại có cá tính hoàn toàn trái ngược. Ông Hải sắc sảo và "đanh đá", còn ông Chung hiền lành và ít nói. Trái tính vậy nhưng mỗi lần nói về nhau, họ đều dành những lời trân trọng nhất cho "bạn già" của mình.
Năm 1984, ông Chung giã từ sự nghiệp cầu thủ vì chấn thương để chuyển sang nghiệp HLV.
Người Việt trầm lặng
Trong ký ức của ông Chung, những năm tháng khó khăn nhưng tràn đầy niềm đam mê thuần khiết với bóng đá vẫn còn hằn sâu. Thời còn thi đấu, có lần đội bóng của ông đang di chuyển đến sân Hàng Đẫy để thi đấu thì bị hỏng xe giữa đường, cả đội phải xuống bắt… xích lô để đi tiếp. Trận ấy đội của ông thắng, và những người lái xe xích lô sung sướng đến mức không lấy tiền của các cầu thủ.
Tình cảm lớn lao của người hâm mộ là động lực để thế hệ của ông Chung vượt qua những khó khăn mang tính thời cuộc. Các cầu thủ khi đó ngoài đi đá bóng còn phải làm công nhân, chiều chiều vẫn đi trồng rau để cải thiện bữa ăn.
Ngày ông còn thi đấu không có những đôi giày xịn, các cầu thủ phải tự đi đóng giày. Chất lượng những đôi giày lẫn sân bãi đều không tốt, có khi đinh giày đâm thủng cả đế làm đôi chân cầu thủ chảy máu đầm đìa. Mọi khó khăn ấy đều không thể ngăn cản được tình yêu bóng đá và mỗi cầu thủ thời ông Chung đã ra sân đều sẵn sàng "đá chết bỏ".
Người đàn ông luôn luôn dành hết tâm huyết cho bóng đá Việt Nam. |
Sau này, đời sống đã khấm khá hơn, ông Chung giữ cho mình một lối sống khiêm nhường, giản dị. Vợ ông Chung, bà Ngọc Uyển, là giáo viên từng dạy cấp một trường Cát Linh. Cho đến khi bà nghỉ hưu, ông Chung vẫn hàng ngày đưa đón bà nếu không phải tập trung đội tuyển.
HLV của ĐT nữ Việt Nam từng tâm sự: "Tôi chỉ có đúng bữa sáng với vợ gọi là giây phút thư giãn. Vợ tôi được cái rất tâm lý, không muốn can thiệp vào công việc và cũng là đam mê của chồng. Bà ấy còn động viên tôi nữa. Mệt thì mệt thật nhưng nghĩ mình còn sức khỏe, lại có vợ lo hậu phương, con cái cũng trưởng thành nên cũng muốn đóng góp cho xã hội sau khi đã nghỉ hưu".
Hai con trai của ông Chung đều từng theo nghiệp của bố nhưng không thành công. Người con cả từng là cầu thủ trẻ của Đường sắt song phải giải nghệ sớm vì chấn thương dây chằng, nay là kiến trúc sư. Người con thứ hai, Mai Quang Hưng, sau khi trải qua các CLB như Công an Hà Nội, Hòa Phát, đã giải nghệ, theo học các lớp HLV và làm ở Ban Bóng đá phong trào thuộc VFF một thời gian. Sau đó anh Hưng cũng nghỉ vì không muốn mang tiếng dựa hơi cha.
Trong suốt sự nghiệp của mình, ông Chung nổi tiếng là không làm mất lòng một ai, nhưng cũng gặp những sự ồn ào đáng tiếc. Tháng 7-2014, khi ông Chung dẫn dắt CLB Thanh Hóa, đội của ông thất bại 0-2 trên sân Đồng Tâm Long An. Theo tố cáo của một vài VĐV đội chủ nhà, HLV Mai Đức Chung đã không giữ được bình tĩnh nên đã lao từ ôtô xuống hành hung một CĐV.
Nhưng sau đó, trong buổi làm việc với PVF và VFF, sự việc đã được làm sáng tỏ. Một vài CĐV đội chủ nhà trong tình trạng say rượu đã đi theo xe của đội Thanh Hóa để lăng mạ, chửi bới cầu thủ. Ông Chung đã phản ứng lại vài câu, nhưng lại bị vu cho tội hành hung CĐV.
Sự việc đáng tiếc đó không thể làm lu mờ đi vinh quang mà HLV Mai Đức Chung đã đem về cho Tổ quốc. Với chiến lược gia năm nay đã gần 70 tuổi, ông sẽ vẫn còn có thể đóng góp rất nhiều cho bóng đá Việt Nam với tài năng, đam mê và nhiệt huyết của mình.
HLV Mai Đức Chung - người "chữa cháy" HLV Mai Đức Chung là một trường hợp hy hữu trong lịch sử bóng đá thế giới khi chuyển từ ĐT nữ sang ĐT nam dẫn dắt tạm quyền chỉ trong 1 trận đấu. Đó là thời điểm HLV Hữu Thắng từ chức sau SEA Games 29. VFF rơi vào tình thế rất khó khi không ai muốn ngồi vào chiếc ghế nóng chỉ trong 1 trận đấu với Campuchia rồi lập tức rời vị trí. Cuối cùng thì ông Mai Đức Chung là người gánh lấy trách nhiệm. "Trong lúc dầu sôi lửa bỏng này, chẳng ai nhận thì tôi nhận thôi. Thắng tôi nhận, thua tôi chịu trách nhiệm, đánh đổi bằng danh tiếng, tôi cũng chấp nhận. Cả đời tôi sống thế rồi, sá gì chỉ một trận đấu này" - ông Chung chia sẻ. Ông bạn thân Lê Thụy Hải thì nói ông Chung "dại", bởi ở cái vị thế tạm quyền ấy, "được thì cũng chả ai khen, mà thua thì người ta chửi, chỉ làm cái bung xung cho liên đoàn thôi". Để chuẩn bị cho trận đấu đó, ông đã triệu tập thủ thành Phí Minh Long, người đã mắc sai lầm nghiêm trọng trong trận đấu với Thái Lan ở SEA Games 29. Quyết định đó gây ra tranh cãi lớn trong nội bộ VFF và hai thành viên Ban chấp hành VFF phản bác thẳng mặt ông trước sự hiện diện của báo giới. Ông Lê Thụy Hải lại phải đăng đàn để bảo vệ người bạn của mình. Nói về quyết định triệu tập Phí Minh Long, ông Chung chia sẻ: "Đành rằng cháu nó sai sót nhưng trong bóng đá ai chẳng có cái sai. Chúng ta cũng là cha là mẹ nên tha thứ, tạo điều kiện cho cháu. Nếu giờ chúng ta cứ vì một sai lầm nào đó mà triệt đường thì khổ cho cháu". Chính cách hành xử đầy tình người, tính nhân văn ấy làm ông Chung luôn được các cầu thủ yêu mến. Tiền đạo Anh Đức, người đã từ giã đội tuyển trước đó, lập tức xách giày đến tập trung chỉ sau một cuộc gọi của "bố Chung". Anh Đức chính là người đã ghi bàn thắng quyết định giúp ĐT Việt Nam giành cúp AFF Cup 2018. Vì thế, nói rằng những thành công của HLV Park Hang-seo có đóng góp không nhỏ của ông Chung cũng không có gì quá. |