Gian nan bản quyền nhạc số
Nghe nhạc chùa, nghe nhạc miễn phí vẫn là tâm lý chung của nhiều người, gây khó khăn cho công tác bản quyền và cũng là tâm tư của nhiều nghệ sĩ. Câu chuyện này liệu có thay đổi trong tương lai gần và những thay đổi đó sẽ phải bắt đầu từ đâu?
Những tín hiệu đầu tiên
Giờ đây, việc nghe, việc đọc của nhiều người có lẽ phụ thuộc phần lớn vào chiếc điện thoại hay một thiết bị công nghệ số. Thói quen mua CD thưởng thức âm nhạc mất dần, khi mà người ta quá dễ dàng để nghe một ca khúc, một bản nhạc từ các trang cung cấp trên mạng internet.
Khởi đầu, những trang nghe nhạc trực tuyến ra đời là để đưa mọi sản phẩm âm nhạc lên cho người nghe theo phương thức miễn phí hoàn toàn. Lợi nhuận của họ tính toán sẽ dựa trên số lượng người truy cập lớn và có nhãn hàng mua quảng cáo trên trang cung cấp.
Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian dài, câu chuyện bản quyền âm nhạc trực tuyến đã được các nhà quản lý và nghệ sĩ quan tâm nhiều hơn. Trong xu thế nghe nhạc trực tuyến, chưa cần đến các nhà quản lý vào cuộc, các nghệ sĩ phải tự tìm cách bảo vệ mình bằng các chiến lược riêng trong phát hành sản phẩm.
Trong khi một số nghệ sĩ còn đơn giản, dễ dàng bỏ qua việc một trang nhạc nào đó đưa sản phẩm của mình lên miễn phí cho người nghe, không trả tiền tác quyền thì phần đa các nghệ sĩ tên tuổi đã "siết" lại việc phát hành sản phẩm.
Chẳng hạn, cuối năm ngoái, ca sĩ Hồng Nhung phát hành CD "Phố à phố ơi", chị "bỏ qua" việc phát hành trên các trang trực tuyến trong nước vì e ngại vấn đề bản quyền, thay vào đó là phát hành trên hệ thống nghe nhạc iTunes cùng với 36 trang âm nhạc quốc tế.
Trên các trang trực tuyến đó, nếu khán giả muốn nghe nhạc của Hồng Nhung, phải trả tiền để download sản phẩm về máy. Ca sĩ Đức Tuấn khi phát hành album mới cũng nhất quyết không đưa sản phẩm của mình lên các trang âm nhạc trực tuyến miễn phí. Anh chỉ phát hành trên các hệ thống của nước ngoài như Apple Music, iTunes và Spotify.
Tình hình hiện nay cũng có gì đó giống như thời điểm đầu tiên khi Việt Nam ký công ước quốc tế về vấn đề bản quyền. Trước đó, sự vi phạm bản quyền trong mọi lĩnh vực có thể nói là vô tội vạ. Phải rất vất vả và mất nhiều năm tháng để câu chuyện bản quyền, đặc biệt là bản quyền âm nhạc đi vào tạm thời quy củ.
Nghe nhạc online hay còn gọi là nghe nhạc trực tuyến xuất hiện dăm năm trở lại đây và đang trở thành một xu hướng tất yếu thống soái đời sống âm nhạc. Nhạc sĩ Phú Quang, một người làm âm nhạc rất cập nhật các xu hướng mới.
Ông đồng ý với việc nghe nhạc thì phải trả tiền, nhưng cũng băn khoăn ít nhiều về việc các nhà cung cấp làm thế nào phải minh bạch số lượt truy cập để trả đúng, trả đủ tác quyền cho nghệ sĩ.
Nhiều nhạc sĩ cũng như ca sĩ hiện nay đã nhận thức tầm quan trọng vấn đề bản quyền, không dễ dãi xuề xòa bỏ qua như trước đây. Nhưng họ lại gặp khó ở chỗ không biết sáng tác của mình được ai sử dụng vào mục đích kinh doanh online, lượt tải cụ thể như thế nào.
Các yếu tố khách quan như cổng thanh toán, hình thức thanh toán, thỏa thuận pháp lý, giám sát lượt nghe/tải,... vẫn còn là những câu hỏi lớn về sự minh bạch.
Nhacso.net là kênh nghe nhạc online minh bạch chuyện bản quyền được nghệ sĩ ưu tiên gửi gắm tác phẩm. |
Hiểu được tâm lý đó, các nhà phát hành âm nhạc trực tuyến đã có những động thái đáng khích lệ để nghệ sĩ có thể yên tâm trao gửi những đứa con tinh thần của mình.
Mới đây, công ty FPT và Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc đã tổ chức lễ ký kết xây dựng hệ thống âm nhạc bản quyền trực tuyến Việt Nam với trang chủ đặt tại www.nhacso.net.
Đây là hệ thống âm nhạc trực tuyến có bản quyền đầu tiên tại Việt Nam và cũng là hệ thống nhạc trên mạng lớn nhất hiện nay - với hơn 10.000 bài hát Việt gồm cả nhạc và lời. Đây là một thái độ ứng xử văn hóa đáng mừng, mở ra kỷ nguyên tác quyền âm nhạc số nhiều tín hiệu tốt lành.
Tới đây, khách hàng có thể mua nhạc qua nhacso.net theo dạng MP3 và WMA bằng thẻ trả trước. Theo đó, các nhạc phẩm được khách hàng download bao nhiêu lần sẽ được hệ thống mạng trực tuyến báo về Trung tâm bản quyền tác giả để tính phí. Khi hệ thống hoạt động thì mức phí cũng rất rẻ: chỉ khoảng 1.000 - 2.000 đồng/lần download để có thể cạnh tranh được với CD lậu.
Hiện nay, ngoài nhacso.net, khán giả có thể nghe nhạc trực tuyến trên các trang uy tín như ZingMP3, Sky Music. Sky Music đang giữ 60.850 bản ghi có đầy đủ các quyền và hơn 2.000 hợp đồng ký kết với nghệ sĩ, đối tác khác.
Với sự hỗ trợ của công nghệ và số liệu minh bạch, công tác đảm bảo quyền lợi cho các bên sản xuất, phát hành lẫn sử dụng âm nhạc đang được các nhà phát hành từng bước cải thiện. Chuyện nghe nhạc phải trả tiền cũng sẽ quen dần với công chúng.
Ca sĩ Hồng Nhung phát hành CD mới trên các trang mạng nước ngoài thay vì trong nước bởi lo ngại vấn đề bản quyền. |
Điều các nghệ sĩ trông đợi
Phần lớn các nghệ sĩ đều đang trông đợi vào sự lành mạnh trên thị trường phát hành nhạc trực tuyến, thông qua những nhà phát hành uy tín. Thực tế trong nhiều năm qua, quyền lợi của người sản xuất ra âm nhạc đã bị bỏ qua.
Một khi các hệ thống kinh doanh bản quyền đem lại quyền lợi cho nghệ sĩ ngày càng phát triển, chắc chắn sẽ kéo theo sự thay đổi trong thói quen nghe nhạc của công chúng.
Việc phát hành sản phẩm trên hệ thống có thu phí từ người nghe sẽ giúp mỗi người nghệ sĩ biết rõ khán giả nào thật sự yêu quý mình, bỏ tiền để nghe giọng hát của mình. Từ đó, họ sẽ có thêm động lực để sáng tạo ra các sản phẩm mới phục vụ công chúng.
Việt Nam là một thị trường tiềm năng khi có số lượng lớn người sử dụng internet. Kinh doanh nhạc trực tuyến đang là một hướng đi mà nhiều nhà cung cấp hướng tới, hứa hẹn tiềm năng lâu dài. Dù chúng ta đang có những đơn vị đi đầu trong vấn đề bản quyền, nhưng số lượng các trang cung cấp nhạc trực tuyến vi phạm bản quyền vẫn còn không ít.
Sự nhập nhằng trong kinh doanh nhạc số vẫn là vấn đề đau đầu các nhà quản lý, các đơn vị có liên quan. Với các nghệ sĩ, lo lắng nhất hiện nay là, họ bị "ăn cắp bản quyền" ngay sau khi phát hành một sản phẩm mới như CD hay MV.
Ngay khi các sản phẩm vừa được tung ra thị trường, chưa bán được đến tay người nghe thì nhiều trang web nghe nhạc miễn phí đã tải lên toàn bộ các bài hát, gây thất thoát lớn cho những người sản xuất âm nhạc. Đơn cử mới đây, album tuyển tập 71 ca khúc trữ tình Cẩm Ly - Quốc Đại vừa được phát hành buổi sáng thì buổi chiều đã bị các trang mạng âm nhạc sử dụng toàn bộ để kinh doanh mà không hề xin phép.
Khi chủ nhân gửi công văn yêu cầu các trang này gỡ bỏ thì chỉ nhận lại sự lấp lửng, phớt lờ. "Chúng tôi không biết kêu ai, mà kêu được đi nữa, đến lúc mấy trang này gỡ bỏ thì chúng tôi đã thiệt đơn thiệt kép rồi"- ca sĩ Cẩm Ly bức xúc.
Không ai muốn làm ra sản phẩm để rồi mất trắng trong chốc lát như vậy. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho thị trường đĩa nhạc những năm gần đây trầm lắng. Phần nhiều các nghệ sĩ đều rất cảnh giác, rón rén khi quyết định làm CD. Họ lo ngại vấn đề xâm phạm bản quyền nghe nhạc trực tuyến chưa mình bạch, còn nhiều hỗn loạn.
Tại buổi tọa đàm: "Nhạc số Việt Nam - thực trạng và giải pháp" được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh cuối tháng 8 vừa qua nhiều người không khỏi giật mình trước thông tin được Ban tổ chức cung cấp.
Sản lượng băng đĩa của Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam bị sụt giảm hơn 80% trong 5 năm gần đây, hơn 150 trang web dùng nhạc hoàn toàn vi phạm bản quyền.
Tại buổi tọa đàm, ông Vũ Mạnh Chu- Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay: "Việc trả tiền sử dụng âm nhạc trên Internet và trong các dịch vụ viễn thông là nghĩa vụ pháp lý của những người khai thác và sử dụng.
Nó góp phần đầu tư tài chính cho việc sáng tạo của tác giả, các nhà soạn nhạc, các nhà sản xuất bản ghi âm, người biểu diễn. Nó cũng là ứng xử của những người thưởng thức nghệ thuật văn minh".
Trả tiền khi nghe nhạc trực tuyến cần phải trở thành một thói quen văn minh với công chúng. |
Dù vậy, việc xóa sổ các trang web cung cấp nhạc miễn phí gặp muôn vàn khó khăn, nhất là với những trang có máy chủ đặt ở nước ngoài. Chuyện bản quyền nhạc số đến đây không chỉ dừng lại ở cá nhân các nghệ sĩ hay các đơn vị kinh doanh, mà còn là quyết tâm của lãnh đạo ngành văn hóa, ngành bưu chính viễn thông.
Làm sao tạo ra một môi trường âm nhạc trực tuyến lành mạnh để Việt Nam có một nền công nghiệp âm nhạc sẵn sàng hòa nhập với thế giới trong kỷ nguyên mới.