EURO 2016 Có một nơi Jamie Vardy gọi là "nhà"
- Chân dung Tam sư: Mèo lại hoàn mèo
- Roy Hodgson và kế hoạch bí mật phục hưng Tam Sư
- HLV Tam sư nhận chỉ trích vì để Harry Kane đá phạt
Sống lại những kỷ niệm
The Anvil là quán rượu nhỏ nằm rìa nội đô thành phố Sheffield. Gọi là quán rượu cho oai, chứ đây thực ra cũng chỉ là khoảng đất trống trên bãi gửi xe được chủ quán cơi nới và sửa sang lại.
Thức ăn không được phục vụ, chỉ bán vài đồ uống rẻ tiền và mấy chai bia hơi loại nhẹ của Đức. Phần lớn người ra người vào The Anvil là dân lao động ít tiền, tìm niềm vui bên ly rượu đầy cồn để cố quên đi nỗi lo cơm áo hằng ngày.
Vardy ghi bàn giúp Anh cân bằng tỷ số trong trận đấu gặp xứ Wales ở vòng bảng EURO 2016. |
Vardy từng trải qua những ngày như thế. Fred, người pha chế đã 20 năm ở The Anvil kể rằng ông thường xuyên thấy Vardy giơ nắm đấm với một… cậu bé (bất kỳ) rồi chạy thục mạng.
Bị bóng đá chuyên nghiệp khước từ, Vardy buộc phải vào làm ở một nhà máy công nghiệp lấy tiền trang trải cuộc sống. Trên nền gạch bê tông bao quanh The Anvil, Vardy và những anh bạn nhậu quý hóa thành lập một đội bóng, mải miết luyện tập trong cơn say.
Đó cũng là nơi chắp cánh ước mơ bóng đá cho Vardy, dù là chắp cánh theo một cách chẳng giống ai. Vardy thường xuyên say xỉn, xuất hiện trong bộ dạng lem nhem và bẩn thỉu.
“Cuộc đời nó có thể cứ mãi lầm than như chúng tôi, những kẻ phụ hàng ngoài chợ. Nhưng nó có chí hơn, và nó sở hữu tài năng đặc biệt. Ngày mới quay lại nghiệp bóng đá, Vardy bảo nếu CLB chuyên nghiệp không nhận nó thì CLB nghiệp dư sẽ nhận, rồi chỉ vài năm sau bóng đá thế giới sẽ ngước nhìn nó với ánh mắt khác”, ông chú Chris – chiến hữu lâu năm của Vardy nhớ lại.
Tả thế để chúng ta thấy được phần nào quang cảnh, thời đại của Vardy, nhìn ra những nhân tố cấu thành nên tiền đạo vừa ghi bàn vào lưới xứ Wales, đưa Anh trở về từ cõi chết tại EURO 2016.
Cú ra chân của Vardy nhanh như động tác vụt đi của anh khi bị đuổi đánh vì dám gây gổ. Chiếc cổ áo của Vardy luôn dựng đứng thay vì gập gọn bởi anh muốn cho đám văn phòng, những ông sếp công sở bụng phệ cùng cái áo cổ cồn chẳng thể khinh thường anh.
Bản sao của The Anvil
Trong nhóm thân cận ở Sheffield, Vardy tin nhất là Fred. Ông năm nay đã 79 tuổi, có hai thập niên đứng quầy ở The Anvil. Nói Fred là chủ quán cũng được, mà bảo ông là người cận vệ già của thành phố Sheffield cũng chẳng sai.
Cha mẹ Fred là những người tiên phong kinh doanh quán rượu, thường được biết tới với cái tên “Pub” thân thuộc mà bạn có thể dễ dàng bắt gặp không chỉ ở Anh, mà ngay trên những con phố cổ tại Hà Nội. Họ là chủ sở hữu Elephant Inn, một trong hai quán rượu lớn nhất khu quảng trường Fitzalan thập niên 30 thế kỷ trước.
The Anvil - quán rượu chứng kiến khoảng thời gian quan trọng trong cuộc đời Vardy. |
Năm 1940, hạm đội tàu chiến Đức chở bom mìn tìm về Anh quốc, nơi sở hữu những quần đảo rộng lớn nhưng không có bóng người để kiểm tra sức công phá của loại vũ khí hủy diệt này.
Nhưng lỗi định vị làm chiếc tàu chuyển lệch làn đường, hạm đội trưởng lại cứ nhầm Sheffield là nơi cần đến bèn ra lệnh ném bom vào trung tâm thành phố Sheffield.
Những cơn mưa bom không ngừng ném xuống bầu trời Sheffield yên bình. Tiếng còi báo động hú inh ỏi trên khắp các đường phố. Mẹ Fred cho ông vào một cái cũi, ôm khư khư chạy tìm chỗ trốn.
Tuy nhiên, lớp khói dày đặc như muốn làm bà mẹ trẻ chết sặc. Thật may, ông chủ của The Marples, quán rượu địch thủ của Elephant Inn từ đâu chui ra, nhanh chóng đưa hai mẹ con thoát khỏi trận địa.
Mẹ con Fred và hàng trăm người khác trốn trong hầm trú xây tại vườn nhà người chủ The Marples. Tất cả cùng im lặng, nín thở và chờ đợi.
Rồi thì những tiếng kêu thất thanh cũng biến mất. Mẹ Fred từ từ bước lên mặt đất và đi về đằng kia xem tình hình hai quán rượu thế nào. Cả hai đều chỉ còn là đống đổ nát, nhưng điều ấy chẳng có nghĩa lý gì nếu mọi người bên trong bình an vô sự. Elephant Inn thì không sao, nhưng 70 người trong The Marples đã qua đời vì một sai lầm không đáng có.
Fred ngày ấy mới 3 tuổi, nhưng cảnh tượng hoang tàn đầy bi ai đã hằn sâu trong tâm trí cậu bé ấy. Ông về nhà với niềm tin rằng một ngày nào đó, mình sẽ nhập ngũ. Và Fred gia nhập hàng ngũ quân nhân.
Sau ngày chiến tranh, ông đào ngũ, về làm công nhân ở bến tàu rồi chuyển qua xí nghiệp luyện thép, tiếp theo là người đưa thư. Nhưng nhiều năm bôn ba, Fred nhận ra mình không thể rời xa những quán rượu, một nét đẹp trong văn hóa người Sheffield.
The Anvil ra đời, với ước mơ của những người lao động, những người cần sống cuộc sống của chính họ sau những gì đã trải qua trong quá khứ. Trên bức tường ở The Anvil, Fred cho vẽ tranh cổ động cùng câu biểu ngữ: “Sheffield cứu người Anh”.
Fred luôn tâm niệm nếu năm đó, hoa tiêu trên chiếc tàu chở lính Đức nhầm thành London, Manchester – hai xưởng công nghiệp lớn nhất xứ sương mù thì sao? Liệu hai thành phố ấy có hưng thịnh như ngày nay không?
Chắc chắn là không rồi. Vì thế, người Sheffield ngang tàng mang trong lòng sự tự ti và sự mặc cảm nhất định. Họ uống rượu, tìm đến quán pub như thói quen khó bỏ. Nếu Vardy không uống rượu, không quậy phá, âu mới là chuyện lạ.
Vardy có vẻ trông hơi dữ dằn, thường lên Twitter đá xoáy giới cổ cồn, sẵn sàng miệt thị một người châu Á trong sòng bài và gây lộn trong hộp đêm để bảo vệ bạn. Song thế mới là Vardy, mới là người Sheffield, là đứa con của đất mẹ The Anvil.
Lúc này Vardy là niềm hy vọng số 1 trên hàng công của Tam Sư trong phần còn lại của EURO 2016. |
Cách đây không lâu, Vardy đã tiết lộ trên tờ The Sun: Nếu cho anh một lựa chọn, anh sẽ chọn mở quán rượu, lấy tên là The “V”anvil để tri ân những số phận giống anh.
Bóng đá cũng vui, nhưng niềm vui ấy không mấy khi trọn vẹn, mà chẳng dài lâu. Chỉ 2 hay 3 năm nữa thôi, Vardy sẽ già hơn, chậm đi, rồi Leicester đá chập chờn, tuyển Anh không còn cần anh nữa.
Cái tên Vardy sẽ chìm vào quên lãng. Suy cho cùng, Vardy sẽ chỉ là anh hùng vang bóng – cái kết không thể khác và được báo trước với đời cầu thủ.
The Anvil là câu chuyện khác. Fred và Vardy quen nhau gần 18 năm. Anh và Chris hằng tuần vẫn cùng nhau đi xem những bộ phim chiếu rạp đình đám nhất. Tụi trẻ cơ nhỡ mồ côi cha mẹ được Vardy xin vào làm tạp vụ ở The Anvil cứ chiều thứ bảy là mở tiệc nướng, mời chú Vardy tới ăn bữa cơm thân mật.
Khi đã nhận 80.000 bảng/tuần, lái chiếc Bentley đặc chất hoàng gia của di sản văn hóa điện Buckingham, Vardy vẫn muốn quay về “khu ổ chuột” trong mắt giới lắm tiền Anh.
Vì với tất cả chúng ta, luôn có một nơi được gọi là “nhà”. Với Vardy, là The Anvil.
Mùi vị của thép và bánh mỳ Hằng đêm, khi đặt lưng xuống giường, Vardy lại nhớ về quang cảnh ở lò luyện thép. Anh nhớ như in cái cảm giác oằn lưng nhấc cao chiếc búa và nện một cái thật mạnh, anh cũng chẳng bao giờ quên nổi hình ảnh cặp vợ chồng công nhân nghèo khổ vì không có tiền đi khách sạn mà phải “mây mưa” ngay góc khuất khu xí nghiệp. Những tháng ngày ấy dù thiếu thốn vật chất nhưng cuộc sống tinh thần thoải mái, tự do tự tại. Vardy không muốn cứ hết giờ tập là chuẩn bị phỏng vấn, phải nghĩ nát óc nên nói gì cho nhà báo, mà lại là nói làm sao cho dư luận không giận, không ghét mình. “Đúng nghề làm dâu trăm họ”, Vardy chia sẻ trên Independent. Làm anh công nhân rèn lò, Vardy thích uống là uống, mệt lại nghỉ, khỏe rồi lại uống, nửa đêm đốt lửa trại giữa bãi đất bỏ trống để lấy ánh sáng đá bóng. Trong lần gần nhất về thăm The Anvil, Vardy đã thuật lại những suy nghĩ ấy với Fred và Chris. Cứ mỗi lần nói xong, Vardy lại nâng cốc, cạn sạch ly Magnet – loại rượu rẻ tiền chẳng tương xứng với tầm vóc ngôi sao. Cứ uống xong 2 ly, anh lại ngoạm thật to miếng bánh mỳ sandwich kẹp thịt, phô mai mua từ siêu thị và cà chua mua ở chợ châu Á. Đó là khẩu phần ăn trong suốt những năm Vardy lao động chân tay, là thứ đồ tuy rẻ tiền nhưng lại có ý nghĩa rất lớn trong cuộc đời Vardy. Trong một bài phỏng vấn trên tờ GQ trước thềm EURO 2016, Vardy tiết lộ anh đã chủ động đề nghị đầu bếp ĐT Anh chuẩn bị rượu Magnet và bánh mỳ sandwich. Tuy nhiên, HLV Hodgson thẳng thừng từ chối, yêu cầu Vardy đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho chiến dịch EURO. Nếu Vardy dám “qua mặt” Hodgson, tiền đạo của Leicester sẽ bị loại khỏi đội hình Tam Sư và về nước ngay lập tức. Hodgson e ngại Vardy sẽ lại xuất hiện trong cảnh say bí tỷ như bộ dạng của anh hồi mới chuyển tới Leicester. Dù vậy, nếu bạn hỏi Vardy phép mầu nào đưa anh từ đám bùn lầy lên thảm đỏ cho giới quần đùi ở xứ sương mù, anh sẽ trả lời như từng đối thoại với GQ: “Là thép, là rượu và là bánh mỳ”. |