Đừng để di sản văn hóa nhân loại trở thành công cụ mê tín dị đoan
- 5 nhân vật đoạt giải Nobel kêu gọi bảo vệ di sản văn hóa
- Hà Nội bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể khẩn cấp như thế nào?
Như vậy chúng ta đã có thêm di sản văn hóa thứ 11 được thế giới vinh danh. Đây không chỉ là niềm vui, là vinh dự, mà còn là một nỗi niềm của rất nhiều người dân, của những nhà làm văn hóa nước nhà, khi mà nghi lễ đạo Mẫu – hầu đồng chứa đựng giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc ấy đã và từng có lúc bị biến tướng.
Biến tướng thành trò mê tín dị đoan
Sau một thời gian tưởng như có nguy cơ thất truyền, mai một như một số môn nghệ thuật dân gian khác, hầu đồng – nghi thức tín ngưỡng trong đạo Mẫu, còn gọi là loại hành diễn xướng dân gian độc đáo được rất nhiều người quan tâm.
“Hầu đồng” phát triển khắp nơi, thậm chí nó đang có xu hướng trở thành phong trào, người người đi “hầu đồng”, nhà nhà đi “hầu đồng”, xin thần thánh đủ thứ.
“Hầu đồng” là môn nghệ thuật rất kén người thưởng thức. |
“Hầu đồng” vốn là món ăn tinh thần rất xa lạ, không phải ai cũng được “thánh nhập”, chính vì thế loại hình này cũng rất kén người thưởng thức. Chẳng ngẫu nhiên mà cách đây không lâu, một vị cán bộ bị tung hình ảnh và bị quy là “hầu đồng”.
Rõ ràng dư luận còn khá kỳ thị và cho rằng đó là một hành động mê tín dị đoan. Nhưng rõ ràng danh giới của nét đẹp văn hóa và mê tín dị đoan là rất mong manh, bởi không ít người đã lợi dụng vào những trò buôn thần bán thánh.
Đơn giản “hầu đồng” là nghi lễ nhập hồn của các vị Thánh Tứ Phủ vào thân xác ông đồng, bà cốt. Về bản chất nó là nghi thức giao tiếp với thần linh, người cõi âm thông qua các "cô đồng", "bà cốt” hoặc "cậu đồng". Khi các vị Thánh đã nhập đồng thì đồng chính là Thánh hiển linh để phán truyền, ban phúc cho các tín dân.
Không chỉ ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà ở nhiều tỉnh lân cận, hàng trăm phủ thờ có tổ chức “hầu đồng” mọc lên như nấm sau mưa, biến không gian nghi thức này trở thành những hoạt động mê tín hỗn độn, bát nháo.
Không thể chấp nhận được việc ai cũng trở thành người “thánh nhập”. Để có được một cung văn theo “hầu đồng” phải có ít nhất 5 năm tôi luyện, rèn giũa thanh sắc, giữ gìn đạo đức.
Thế nhưng ngày nay, chỉ cần học 2 tuần với vài giá đồng là họ có thể xuất hiện đầy diêm dúa, lừa đảo người nhẹ dạ cả tin. Đại đa số những người tham gia “hầu đồng” đều phải cúng lễ vật rất đắt tiền, tiền mặt phải chuẩn bị để rải mỗi khi thực hiện cầu tài, cầu duyên.
Trên các trang mạng xã hội hiện nay đăng tải rất nhiều đoạn phim do người dân ghi lại những tệ nạn biến phủ đồng thành nơi thực hiện những trò lừa bịp. Nổi tiếng một thời gian là đoạn clip một cô gái “hầu đồng”, tự xưng là Cửu Thiên Huyền Nữ, cô này nhảy lên ban thờ Cô chín tại đền Sòng – Thanh Hóa.
Thậm chí còn có cả clip một thanh niên như thể vừa chơi “đá”, nhập đồng với nhiều tư thế hết sức phản cảm. Những màn “hầu đồng” phản cảm ấy, những người này đều vòi tiền “thân chủ” của mình.
Không muốn nói ra nhưng thực tế có rất nhiều người đến “hầu đồng” mà phải vay nặng lãi, cầm cố nhà cửa, bán xe cộ để cúng. Họ phải làm theo đúng yêu cầu, rải thật nhiều tiền để nhận được nhiều tài lộc, thành tình duyên.
Có nhiều người đã tán gia bại sản vì dính phải những “kịch bản” của các phủ thờ. Nguy hiểm hơn nữa là những kẻ cố tình biến “hầu đồng” thành trò mê tín, lừa đảo kiếm tiền lại cho lên mạng xã hội như một dịch vụ.
Chúng quảng bá khắp nơi, dựng lên những cảnh “biểu diễn” “hầu đồng”, các thánh nhập hồn về giải đáp mọi thắc mắc, yêu cầu thân chủ. Thậm chí có những giá đồng được quảng cáo là có thể chữa khỏi bệnh hiểm nghèo, câm điếc ngay tức khắc. Và, rất nhiều câu hỏi được đặt ra tại sao vẫn còn rất rất nhiều người mê muội vẫn đang tin theo?
Hình ảnh ông đồng, bà cốt thường là những người đứng tuổi. Thế nhưng hiện nay “hầu đồng” đang có xu hướng trẻ hóa. Đã không ít bạn trẻ 9X cũng theo “nghiệp” “hầu đồng”. Chúng tôi có hỏi một số bạn trẻ thì được họ trả lời rằng, đó là cái duyên, khi Thánh “chấm” thì tất yếu phải ra hầu.
Bạn Ngô Thị Hà, sinh viên năm thứ 2 Đại học T.L mới 20 tuổi nhưng đã có thâm niên nhiều năm với “nghiệp” “hầu đồng”. Hà cho biết: “Ban đầu em cũng chỉ theo bà bác họ đi xem “hầu đồng”.
Đúng vào lần thứ 3, khi đang ngồi dự vấn hầu, em bỗng dưng thấy người khó chịu sau đó ngất lịm đi không biết gì nữa. Lúc mở mắt ra thì thấy rất đông người túm tụm xung quanh, còn chắp tay "con lạy cô…".
Họ bảo là em đã được Thánh "chọn", có căn tứ phủ, phải nhanh chóng thu xếp trình các ngài". Có những bạn trẻ theo “hầu đồng” vì căn duyên là có thật nhưng cũng không ít theo “hầu đồng” chỉ để “đú”, thể hiện đẳng cấp thậm chí còn là cách để gây sự chú ý với người mình theo đuổi.
Bạn Minh (22 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Trong nhóm chơi của em tất cả có 5 người thì nay đã có 4 người theo “hầu đồng”. Lý do là bởi 3 người bạn còn lại sau vài lần theo hầu đã rất thích thú với bộ áo váy xênh xang và những màn múa mềm mại.
Dường như cả ba người đều không hiểu ý nghĩa của những điệu múa trong “hầu đồng” nhưng ai nấy đều cùng chung một cảm giác hiếu kỳ. Cách gập ngón giữa, cách thu ngón cái, rồi bật ngón út, vặn tay chèo (trong động tác chèo đò của giá Chào Thác Bờ), rồi cả điệu múa song kiếm trong giá Quan lớn Đệ tam…
Thế là họ nảy sinh muốn học cho kỳ được. Họ cho rằng đó là cách chơi lạ lẫm, hiếm có. Vì thế họ tự đứng ra "mượn" đền, thuê "đồng thầy", thuê đội hát văn… và bắt đầu "thú chơi" “hầu đồng”.
Giữ gìn giá trị văn hóa cần siết chặt quản lý
Đã có rất nhiều cuộc hội thảo bàn về “hầu đồng”, đã có không ít những ý kiến khác nhau. Nhưng tất cả những ý kiến của các các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, “hầu đồng” nhất định phải được bảo tồn, không thể để khi thế giới vinh danh lại bị mai một, biến tướng giá trị vốn có.
Tránh tình trạng trở thành di sản hư danh vì thiếu sự quản lý, kiểm tra và ngăn chặn kịp thời. Nói về vấn đề này Nhà nghiên cứu nghệ thuật, NSND Đình Bằng Phi cho hay: “Giữ gìn và phát triển “hầu đồng” không có gì để bàn cãi nhưng sau này, “hầu đồng” được bung ra nở rộ đến chóng mặt thì nét đẹp văn hóa của dân tộc ít nhiều bị biến tướng. Bên cạnh “hầu đồng” thật có quá nhiều trò “hầu đồng” giả, buôn thần bán thánh ngay trong khung cảnh thiêng liêng chốn đền phủ khiến ai quan tâm đến nghi thức này đều thấy đau lòng”.
Rõ ràng vấn đề nào cũng có hai mặt. Khi “hầu đồng” bị biến tướng thì sẽ nghiêng về sự thực dụng. “36 giá đồng là 36 câu chuyện mang tính nhân văn của các vị thánh mẫu, tiên cô và các vị tướng trung thần, các vị quan thanh liêm… “hầu đồng” trong xã hội Việt Nam thời phong kiến đã xác lập bất di bất dịch mục đích, giá trị tinh thần là ca ngợi công ơn của các vị thánh, Mẫu, các vị tướng quân đã có nhiều công lao xây dựng và bảo vệ đất nước.
Nghi lễ này rất nhân văn, con người giao hòa với thần linh để gửi niềm tin vào thế giới siêu thực mà họ khao khát vươn tới để sống lạc quan, yêu đời, làm việc thiện. Vì vậy, không thể để nghi thức tín ngưỡng tốt đẹp này bị lợi dụng, bị bóp méo thành những trò mê tín để trục lợi” - GS-TS Trần Quang Hải nhấn mạnh.
Rõ ràng xét về nghệ thuật “hầu đồng”, các cung văn trong thế giới siêu thực của các giá đồng với những niêm luật, nghệ thuật. Họ thực sự là nghệ sĩ “bay” cùng những nét văn hóa mà ngàn đời nay ông cha gọt rũa và giữ gìn. Chính vì thế trong xã hội hiện đại này, việc gạt bỏ đi nhưng gì khiến di sản này bị đánh giá là biến tướng. Cần phải có sự siết chặt quản lý của ngành văn hóa.
GS- TS Ngô Đức Thịnh – người đã dành cả đời nghiên cứu về sự độc đáo của “hầu đồng” cho rằng: “Di sản này đã được trao truyền lại từ thế kỷ XVI thông qua việc thực hành, truyền dạy của thủ nhang, đồng đền và con nhang, đệ tử… Nó tương thích với các quy định về nhân quyền quốc tế và không có giới hạn về thực hành. Nhưng qua sự biến tướng gần đây cho thấy sự thực hành đã đi lệch hướng, không còn là biểu tượng của lòng từ bi và độ lượng. Nếu cứ vòi tiền, vòi của người tham gia hầu đồng, di sản sẽ bị mất đi nét đẹp sáng tạo. Hầu đồng phải góp phần làm giàu vốn văn hóa và trở thành một thành phần quan trọng của lễ hội, nơi mà yếu tố nghệ thuật như trang phục, vũ đạo và âm nhạc đóng vai trò quan trọng. Ở đó, không thể là sự diêm dúa, khoe của”. |