Hà Nội bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể khẩn cấp như thế nào?

Thứ Tư, 23/11/2016, 18:05

Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội vừa công bố báo cáo tổng kết đề án kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) trên toàn địa bàn Thủ đô. Từ trước đó, có 6 di sản thuộc 6 loại hình đã được các chuyên gia đề xuất nghiên cứu và thực hiện các biện pháp bảo vệ thí điểm nhằm rút ra các bài học kinh nghiệm cho công tác bảo vệ DSVHPVT Hà Nội. Vậy, trong thời gian qua, các di sản này đã được tiến hành bảo vệ như thế nào?


Các di sản thí điểm bảo vệ được lựa chọn dựa trên tiêu chí: đang có nguy cơ mai một cao; đang có nguy cơ bị biến đổi do tác động của vấn đề đô thị hóa hay của nền kinh tế thị trường. Đó là các di sản: Tiếng lóng Đa Chất; Di sản Hát Trống quân; Di sản Bơi chải và Hội đình Lưu Xá; Di sản Hát và Múa Ải Lao; Di sản Nghề Rèn Đa Sỹ và Tri thức chữa bệnh bằng thuốc nam của người Dao.

Di sản Tiếng lóng Đa Chất (Xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên - Loại hình Ngữ văn dân gian) là một trong những di sản xếp hàng đầu trong danh mục DSVHPVT cần bảo vệ khẩn cấp của Thủ đô. Trong quá trình thực hiện đề án, Ban tổ chức (BTC) đã tiến hành công tác điền dã thực tế để nghiên cứu, đánh giá hiện trạng của di sản bằng các biện pháp phỏng vấn, ghi âm, ghi hình về di sản trong bối cảnh thực tế.

Qua đó nghiên cứu xây dựng được một hệ thống từ vựng và cách cấu trúc ngữ pháp của Tiếng lóng. Thông qua đó, BTC đã tiến hành biên tập, xuất bản tài liệu dưới dạng sách nghiên cứu nêu bật được một số giá trị đặc biệt của tiếng lóng Đa Chất như: giá trị ngôn ngữ học, giá trị sáng tạo văn hóa và trao truyền văn hóa, giá trị tinh thần mà di sản này đã mang lại cho cộng đồng.

Về di sản Hát Trống quân (Xã Khánh Hà, huyện Thường Tín; xã Hát Môn huyện Phúc Thọ và xã Phúc Lâm, huyện Phú Xuyên - Loại hình Nghệ thuật trình diễn), BTC cũng tiến hành công tác điền dã, nghiên cứu sâu về lịch sử, đặc trưng riêng của Hát trống quân và quá trình khôi phục lại Hát trống quân;

Tổ chức khảo sát ghi âm, ghi hình các bài Hát trống quân, thu thập và lưu giữ lại các bài hát cổ xưa, các bài trình diễn do những nghệ nhân cao tuổi hiện còn nắm giữ; Mở các lớp truyền dạy Hát trống quân cho nhân dân tại huyện Thường Tín, Phúc Thọ; Xây dựng phim về phương pháp truyền dạy Hát trống quân nhằm hỗ trợ cộng đồng bảo tồn và trao truyền di sản.

DSVHPVT cần bảo vệ khẩn cấp luôn ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa đặc sắc.

Đối với di sản Bơi chải và Hội đình Lưu Xá (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ - Loại hình Lễ hội truyền thống), BTC đã tiến hành điền dã, nghiên cứu sâu về lịch sử, đặc trưng của Bơi chải và Hội đình Lưu Xá, phỏng vấn ghi âm, ghi hình nét văn hóa đặc sắc nổi bật ở hội đình Lưu Xá.

Bên cạnh đó, BTC cũng xuất bản tài liệu “Những câu hỏi và gợi ý trả lời về tập quán Bơi chải trong Hội đình Lưu Xá” nhằm mục đích giúp cho việc nâng cao nhận thức và giáo dục tri thức di sản văn hóa địa phương - Hội đình và tập quán Bơi chải ở Lưu Xá cho học sinh ở các trường học trên địa bàn. 

Xây dựng bộ phim video về nhận diện giá trị của di sản thi Bơi chải trong Hội đình Lưu Xá, phản ánh nhu cầu và là tiếng nói của cộng đồng bày tỏ nguyện vọng cần thiết phải phục hồi việc thi bơi chải trong hội đình Lưu Xá.

Về di sản Hát và Múa Ải Lao (phường Phúc Lợi, quận Long Biên – loại hình Tập quán xã hội), BTC tiến hành dựng phim video về giá trị của nghệ thuật Hát và múa Ải Lao; Xây dựng video về truyền dạy các bài hát và múa Ải Lao; Thiết kế bộ áp phích giới thiệu về di sản Hát và Múa Ải Lao.

Đặc biệt đã xuất bản bộ Tài liệu giáo dục với bộ câu hỏi và các gợi ý câu trả lời về di sản Hát và Múa Ải Lao và Hội Gióng - tài liệu là một sản phẩm để góp phần nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hát và múa Ải Lao trong cộng đồng, trong lễ hội làng, đặc biệt là phục vụ lễ hội Gióng - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đối với di sản Nghề Rèn Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông), BTC tiến hành nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, thực hiện trưng bày “Nghề rèn ở Đa Sỹ” và trưng bày “Chuyện người làm rèn làng Đa Sỹ” do chính những người trong cuộc chụp ảnh và tự kể chuyện. Dự án hỗ trợ cộng đồng phương pháp tự giới thiệu về nghề truyền thống của mình thông qua những câu chuyện từ chính những bức ảnh do họ chụp. Xây dựng bộ phim cộng đồng về di sản; Thiết kế bộ áp phích giới thiệu về nghề rèn Đa Sỹ.

Tri thức chữa bệnh bằng thuốc nam của người Dao (xã Ba Vì, huyện Ba Vì - Loại hình Tri thức dân gian) cũng được BTC tiến hành điền dã, nghiên cứu, phỏng vấn, ghi âm, xây dựng một hệ thống thông tin và tập hợp được 580 tên cây cỏ ở trên núi Ba Vì mà người Dao thường sử dụng làm thuốc. Xây dựng phim tư liệu “Tri thức làm thuốc nam của người Dao ở Ba Vì”.

Tổ chức một cuộc trưng bày về tri thức và kinh nghiệm làm thuốc nam của người Dao ở Ba Vì. Xuất bản tài liệu “Những câu hỏi và gợi ý trả lời về tri thức làm thuốc nam của người Dao ở Ba Vì” - là nguồn tài liệu góp phần giáo dục và nâng cao nhận thức cho học sinh ở các trường học hiểu về một di sản văn hóa của địa phương.

DSVHPVT cần bảo vệ khẩn cấp là những di sản có giá trị độc đáo, thể hiện sự sáng tạo, trao truyền liên tục từ đời này sang đời khác, có ý nghĩa sâu sắc đối với đời sống văn hoá hiện tại. Vì vậy, việc bảo vệ các di sản quí báu này là nhiệm vụ cấp bách để bảo tồn cho văn hóa Thủ đô những di sản mà không phải ở địa phương nào cũng có được.

Thảo Thảo
.
.
.