Đưa văn hóa thành những sản phẩm du lịch có ngôn ngữ toàn cầu

Thứ Sáu, 20/10/2017, 11:15
Rối nước, chèo, xẩm, thậm chí cả hầu đồng đang trở thành những sản phẩm du lịch thu hút khách trong và ngoài nước. Đó là cách bảo tồn và đưa văn hóa Việt đến gần hơn với công chúng.


Dù không nhiều, nhưng xu hướng biến văn hóa thành một sản phẩm du lịch đang được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, khá nhiều thử nghiệm thất bại. Nhưng đó là con đường sáng để bảo tồn những giá trị truyền thống của  ông cha trong dòng chảy hiện đại.

NSƯT Thu Huyền, Phó giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội cho rằng: “Bảo tồn phải đi bằng hai chân, vừa bảo tồn vừa phát triển, không thể tự đóng khung mình trong những giá trị xưa, dù nó là chuẩn mực, là kinh điển mà tác phẩm cần hơi thở của cuộc sống đương đại. Đó là một thách thức đối với những người làm nghệ thuật truyền thống”.

Sân khấu “Long Thành diễn xướng” tại Nhà hát Chèo Hà Nội.

Bảo tồn như thế nào, phát triển ra sao để vẫn giữ được bản sắc và có thể kéo khán giả đến rạp. Xu hướng biến văn hóa thành một sản phẩm du lịch đã được nhiều nhà hát ở Hà Nội lựa chọn. Nhưng không phải cuộc thử nghiệm nào cũng thành công. Nhà hát Chèo Hà Nội là một điển hình của sự năng động, nhanh nhạy.

Từ năm 1991-1992, ở 15 Nguyễn Đình Chiểu đã có Câu lạc bộ Sân khấu, giới thiệu với khán giả những trích đoạn chèo, khá đông khán giả và sau này, nhiều đoàn bắt chước mô hình đó. Đến bây giờ, hơn 25 năm, có lúc phải ngừng diễn một vài năm do vắng khán giả, nhưng bằng sự kiên trì của ban lãnh đạo cùng các nghệ sĩ, “Long Thành diễn xướng” đã tồn tại ổn định và có lượng khán giả (chủ yếu là khách du lịch) với việc trình diễn các trích đoạn chèo và rối nước.

Có một lịch diễn ổn định, ở một địa chỉ ổn định đã là giấc mơ của nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống trong cơn bão của mạng xã hội và truyền hình. “Long Thành diễn xướng” của Nhà hát Chèo Hà Nội là một điểm đến hấp dẫn trong tour du lịch của khách nước ngoài khi sang Việt Nam.

Nhà hát Múa rối Thăng Long từng được Tổ chức kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục “Nhà hát duy nhất châu Á đạt kỷ lục biểu diễn múa rối nước 365 ngày/năm”. Nhà hát Múa rối Thăng Long được biết tới như một địa chỉ văn hóa góp phần làm giàu thêm cho nghệ thuật rối nước dân gian – một di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Khán giả đến với nhà hát sẽ cảm nhận được không gian của múa rối dân gian truyền thống ngay từ nét kiến trúc và họa tiết độc đáo nơi cổng chào: những chú Tễu, cô tiên với kích thước lớn được đặt từng hàng phía trên cao; bức tranh đá mô phỏng sân khấu rối nước cùng hình ảnh mái đình, cờ hội, thuyền rồng và sóng nước uốn lượn…

Đó là một điển hình thành công của con đường biến văn hóa thành một sản phẩm du lịch, thu hút khách trong và ngoài nước đến Hà Nội. Đấy là cách bảo tồn văn hóa truyền thống trong dòng chảy đương đại.

 “Tứ Phủ” của đạo diễn Việt Tú vẫn có những suất diễn hằng tuần vào thứ 5 và thứ 7 tại Rạp Công Nhân. Tứ Phủ lấy chất liệu từ diễn xướng hầu đồng, dưới bàn tay tài hoa của Việt Tú đã xây dựng lên một không gian văn hóa đậm chất Việt.

Tứ phủ đang thu hút nhiều khách du lịch nước ngoài khi đến Hà Nội.

Đây là vở diễn đầu tiên của một công ty tư nhân góp phần giúp công chúng nhìn nhận rõ nét hơn về văn hóa hầu đồng truyền thống của dân tộc, đồng thời cho thấy giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu trong kho tàng tâm linh của người Việt.

Đạo diễn Việt Tú chia sẻ: “Với những sản phẩm này không ăn xổi được mà phải là sự đầu tư dài hạn. Bằng thời điểm này năm ngoái có 10-15 người là vui lắm rồi, còn bây giờ, 50-60 người còn buồn”.

Hiện nay, nhiều công ty lữ hành du lịch nước ngoài đã đặt hàng và coi Tứ Phủ là một sản phẩm du lịch đáng quan tâm khi đến Hà Nội. “Tứ Phủ” có thể nói là một điển hình thành công của xu hướng này, do chính một công ty tư nhân đầu tư và vận hành gần 2 năm qua.

Từ những thành công của Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long và Tứ Phủ, rõ ràng, ta thấy đó là con đường đi bền vững cho những giá trị văn hóa cổ truyền có cơ hội lan tỏa trong cộng đồng. Nhưng đó là một con đường chông gai khi xã hội hiện đại đang bị chi phối bởi quá nhiều mối bận tâm.

Nhà hát Múa rối Thăng Long là nhà hát duy nhất đỏ đèn thường xuyên.

Vậy, cốt lõi để tạo nên sự thành công đó là gì, bởi trên thực tế, nhiều thử nghiệm đã thất bại. Theo đạo diễn Việt Tú: “Phải làm văn hóa một cách văn hóa, văn hóa có thể mang tính địa phương nhưng ngôn ngữ phải toàn cầu. Ngôn ngữ toàn cầu đó có thể phá bỏ mọi rào cản để chạm tới cảm xúc người xem”.

Còn Tiến sĩ Dương Văn Sáu thì cho rằng: “Vấn đề quan trọng nhất của Văn hóa Du lịch chính là nắm bắt những giá trị vốn có của văn hóa, xếp đặt và tạo dựng những giá trị mới chuyển tải tới các đối tượng du khách bằng những phương cách khác nhau rồi từ đó tạo ra sự cân bằng giữa giá cả và giá trị mới được thiết lập. Tất cả các sản phẩm du lịch đều là sản phẩm văn hóa nhưng không phải sản phẩm văn hóa nào cũng trở thành sản phẩm du lịch”.

Đạo diễn Việt Tú: Cần đi lên từ chất liệu địa phương

Nếu chúng ta không định tính, định danh, định nghĩa được mình trên bản đồ thế giới thì không thể tồn tại được. Vì thế, bản sắc là yếu tố hàng đầu. Nhưng nếu chỉ có bản sắc thôi, chưa đủ, để có thể tạo sức hút đối với cộng đồng.

Tôi trọng tính cảm xúc, đôi khi không cần hiểu mà chỉ cần cảm, một tác phẩm phá bỏ mọi ranh giới về tuổi tác, ngôn ngữ. Tôi nhận ra rằng, muốn ra toàn cầu phải đi từ chất liệu địa phương và cách làm phải toàn cầu. Ở Việt Nam khá nhiều người làm và khá nhiều thất bại, tại sao nó hay mà không đến được với người xem, đó chính là rào cản ngôn ngữ và phải phá bỏ rào cản đó để ai cũng hiểu được.

Ở góc độ của tôi là người làm nghệ thuật thì những sản phẩm tôi làm như “Tứ Phủ”, “Thuở ấy xứ Đoài” là một tác phẩm văn hóa, còn với nhà đầu tư, đó là sản phẩm văn hóa thu hút khách du lịch nước ngoài về Việt Nam. Đó là con đường bền vững để phát triển du lịch và văn hóa Việt Nam, bởi chúng ta đang sở hữu một khối lượng lớn những giá trị văn hóa phi vật thể.

“Tứ Phủ” đang đi trên con đường như tôi mong muốn, có nhiều đoàn khách nước ngoài ở khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam xem và có lịch diễn đều đặn tại rạp Công Nhân, đó là một tín hiệu vui. Và chúng ta cần nhiều hơn nữa những sản phẩm văn hóa du lịch như thế để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Con đường này không dễ dàng, đòi hỏi người làm phải có tầm, có cách nhìn toàn cầu, hòa nhập với thế giới để không bị lạc hậu. Văn hóa Việt rất giàu có và phong phú, đó là một lợi thế và cũng là một thách thức trong việc biến nó thành những sản phẩm du lịch bền vững.

NSƯT Thu Huyền- Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội: Mang hơi thở của cuộc sống hôm nay

Con đường này quả thực khó khăn, nếu chúng tôi không năng động, nhanh nhạy, chúng tôi sẽ tự đào thải mình. Nhiều năm qua, Nhà hát Chèo Hà Nội loay hoay đi tìm con đường cho mình. Và chúng tôi nhận ra, mình phải dùng những thứ mình có, nghệ sĩ yêu chèo, tác phẩm để hâm nóng tình yêu của khán giả. Nếu đặt bài toán kinh doanh lên hàng đầu trên con đường tiếp cận khán giả, chúng ta sẽ dễ dãi, chạy theo thị hiếu và đánh mất bản sắc của mình.

Vì thế, con đường này không thể vội vàng. Cứ làm hay, nhưng cái hay ở đây là phải có hơi thở của đời sống hôm nay. Dung hòa giữa bảo tồn và phát triển là một bài toán đau đầu, nhưng chúng ta đã chọn con đường tiếp cận khán giả, chúng ta phải làm được điều đó. Chúng ta không thể trách khán giả được vì không thể bắt họ ăn mãi một món.

Tôi nghĩ, sân khấu nói chung và chèo nói riêng phải chủ động làm thế nào để thu hút sự quan tâm của khán giả. Bản thân chèo cũng phải luôn đổi mới để bắt kịp với hơi thở của cuộc sống đương đại. Không thể cứ diễn mãi những vở chèo kinh điển. Cái khán giả cần và cái bảo tồn trong sự phát triển đó chính là dòng chảy của nghệ thuật chèo trong đời sống hôm nay.

Nếu chạy theo thị hiếu khán giả cũng sẽ dễ làm chèo bị biến thái, không giữ được những hồn cốt của nó. Quan trọng là chúng ta phải định hướng thị hiếu cho khán giả, phải có những tác phẩm đích thực chạm tới trái tim của khán giả.

Hãy coi những tác phẩm đó là những sản phẩm du lịch, chúng ta làm du lịch bằng con đường văn hóa sẽ bền vững và đó cũng là một cách chúng ta đang góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa cổ truyền trong đời sống hôm nay, để cho dòng chảy đó không bao giờ ngừng lại.

Hạnh Nguyên
.
.
.