Đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 30: "Bệnh thành tích" chỉ còn là quá khứ

Thứ Sáu, 22/11/2019, 14:03
Mang theo 856 vận động viên (VĐV) và tham gia 43/56 môn thi đấu, đoàn thể thao Việt Nam chỉ xếp thứ 6 về số lượng VĐV nhưng lại đặt ra chỉ tiêu lọt vào tốp 3 với nhiệm vụ đem về khoảng 65-70 HCV.


Đặc biệt những môn thi đấu Olympic được đầu tư một cách mạnh mẽ và chuẩn bị kỹ càng để có được thành tích cao nhât, điều đó cho thấy sự thay đổi về chiến lược của thể thao Việt Nam khi căn bệnh thành tích từng bị xem là "thâm căn cố đế" đang dần dần lui vào dĩ vãng.

Ánh Viên là niềm hy vọng số 1

Số lượng VĐV của Việt Nam chỉ đứng thứ 6 ở SEA Games lần này, khá khiêm tốn so với chủ nhà Philippines với khoảng 2.000 VĐV, Thái Lan và Indonesia khoảng 1.500 VĐV, Malaysia và Singapore khoảng 1.200 VĐV.

Philippines đã loại bỏ khá nhiều nội dung sở trường của thể thao Việt Nam trong các môn thi đấu chính thức tại Olympic. Nhưng với sự đầu tư bài bản từ nhiềm năm nay, các môn cơ bản như điền kinh, bơi lội, thể dục dụng cụ, các môn võ thuật (Taekwondo, Karatedo, Judo, Quyền Anh, Pencak Silat…), đấu kiếm, bắn súng, cờ vua, xe đạp đều được kỳ vọng sẽ đem HCV về cho đoàn thể thao Việt Nam.

Ánh Viên - niềm hy vọng số 1 trên đường đua xanh.

Điền kinh và bơi lội tiếp tục được nhận định sẽ là "mỏ vàng". Đội tuyển điền kinh được giao chỉ tiêu đem về khoảng 15 HCV, nhiều nhất trong các môn thi đấu, còn kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên là VĐV được giao chỉ tiêu nặng nhất với nhiệm vụ đem về ít nhất 7-8 HCV.

Mục tiêu của môn bơi tại SEA Games 30 là giành từ 11 đến 14 HCV, trong đó Ánh Viên sẽ là chủ lực. "Kình ngư" sinh năm 1996 phải gánh vác trách nhiệm giành từ một nửa đến 2/3 số HCV của đội tuyển bơi lội Việt Nam. Sau kì ASIAD 2018 không thành công, nhiều ý kiến cho rằng Ánh Viên cần được giải tỏa khỏi những áp lực luôn bủa vây cô gái trẻ này. Nhưng rõ ràng vai trò của Ánh Viên vẫn rất quan trọng.

Vượt qua nỗi thất vọng ASIAD, Ánh Viên đã thi đấu thành công tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2018, giành 12 HCV cho đoàn Quân đội. Đẳng cấp vượt trội của "kình ngư" này ở đấu trường trong nước cho thấy vẫn chưa ai có thể san sẻ với cô trách nhiệm "dẫn đầu" đội bơi lội Việt Nam.

Tại đấu trường châu lục, Ánh Viên có thể vẫn chưa lên tới đẳng cấp hàng đầu nhưng tại khu vực Đông Nam Á, cô gái sinh năm 1996 là một đối thủ cực kỳ đáng gờm trên đường đua xanh. Với chương trình luyện tập chuyên sâu cùng các chuyên gia nước ngoài, Ánh Viên được hy vọng sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trách nhiệm giành số HCV còn lại sẽ chủ yếu dồn vào các gương mặt nam như Nguyễn Huy Hoàng ở nội dung bơi tự do cự ly 1.500m và 400m; Trần Hưng Nguyên, Nguyễn Hữu Kim Sơn ở nội dung bơi 400m hỗn hợp. Ngoài ra, một gương mặt nữ trẻ cũng được chú ý là Lê Thị Mỹ Thảo ở nội dung 200m bơi bướm.

Nguyễn Huy Hoàng là gương mặt được chú ý ngang ngửa với Ánh Viên khi là VĐV đầu tiên của Việt Nam có vé dự Olympic Tokyo 2020. Đáng tiếc là tại SEA Games 30 sẽ không có nội dung 800m tự do mà anh từng giành Huy chương Đồng ở ASIAD 18, nếu không Huy Hoàng coi như đã bỏ túi một chiếc HCV.

Để chuẩn bị cho SEA Games 30, các VĐV bơi lội đã được Hiệp hội Thể thao dưới nước tạo điều kiện tập huấn rải rác trong suốt năm 2019. Nguyễn Huy Hoàng, Trần Hưng Nguyên, Nguyễn Hữu Kim Sơn được tập huấn tại Trung Quốc còn Lê Thị Mỹ Thảo tập huấn tại Nhật Bản.

Đội điền kinh gặp nhiều khó khăn

Trong đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 30, đội điền kinh tham gia với lực lượng đông nhất gồm 60 thành viên, trong đó có 46 VĐV, đặt mục tiêu giành từ 13-15 HCV.

Ở các cự ly chạy ngắn, Lê Tú Chinh vẫn là hy vọng vàng trên đường đua 100m và 200m. Tại SEA Games 29, Tú Chinh là ngôi sao sáng nhất khi xuất sắc giành đủ bộ 3 HCV các cự ly 100m, 200m và tiếp sức 4x100m nữ (giành kỷ lục SEA Games).

Lê Tú Chinh gặp nhiều thử thách để giữ vững ngôi vị "nữ hoàng tốc độ".

Cự ly chạy trung bình 400m và 400m tiếp sức vẫn có sự góp mặt của hai anh em Quách Công Lịch và Quách Thị Lan dù cả hai đều không có phong độ cao nhất vì chấn thương. Ở nội dung đi bộ, hai chị em Nguyễn Thanh Phúc, Nguyễn Thành Ngưng là những gương mặt nổi bật.

Đáng chú ý, đoàn điền kinh đã phải giảm chỉ tiêu từ 19 HCV ban đầu xuống còn 13-15 HCV vì chấn thương của nhiều trụ cột. Sự vắng mặt đáng tiếc nhất thuộc về Bùi Thị Thu Thảo, nhà vô địch SEA Games và ASIAD nội dung nhảy xa nữ. May mắn cho đội tuyển điền kinh khi cựu vô địch SEA Games và châu Á Nguyễn Thị Huyền kịp trở lại sau thời gian nghỉ sinh con và hoàn toàn có thể tranh chấp huy chương. Tại giải VĐQG 2019, bà mẹ một con thể hiện phong độ ấn tượng bằng chiến thắng vượt trội ở đường đua 400m và 400m rào.

Trong danh sách cuối cùng của đội tuyển điền kinh có tới 6 gương mặt mới so với đăng ký sơ bộ ban đầu với Ban Tổ chức SEA Games 30. Đỗ Thị Quyên mất phong độ nên không thể tham dự SEA Games 30 và thay thế cô trong đội hình tiếp sức 4x100m nữ từng phá kỷ lục SEA Games 29 cách đây 2 năm cùng với Lê Tú Chinh, Lê Thị Mộng Tuyền và Trần Thị Yến Hoa sẽ là VĐV trẻ Hà Thị Thu của TP.HCM. Trần Nhật Hoàng được gọi bổ sung cho nhóm chạy cự ly ngắn, còn Vũ Thị Mộng Mơ thay thế Bùi Thị Thu Thảo ở nội dung nhảy xa.

Ngoài việc các trụ cột suy giảm phong độ và dính chấn thương, điền kinh cũng gặp khó khăn khi các đối thủ chính như Thái Lan, Malaysia, Indonesia và chủ nhà Philippines đều đã tiến bộ rất nhiều trong vài năm gần đây, ngoài ra họ còn tăng cường nhiều VĐV nhập tịch để đua tranh huy chương. Đặc biệt ở các nội dung cự ly ngắn, đội chủ nhà Philippines có 2 VĐV nhập tịch từ Mỹ có đẳng cấp rất cao.

Đối mặt với nhiều khó khăn nhưng đội điền kinh được hy vọng sẽ tạo nên kỳ tích nhờ vào tinh thần thi đấu rất kiên cường của các VĐV. Tại SEA Games 29, điền kinh Việt Nam chỉ đặt chỉ tiêu 10 bộ HCV nhưng khi kết thúc đại hội, đội điền kinh xuất sắc cán đích ở vị trí số 1, lần đầu tiên qua mặt kình địch Thái Lan ở sân chơi khu vực với tổng cộng 17 HCV, một kỷ lục trong các kỳ dự SEA Games.

Cũng giống như môn bơi, các VĐV điền kinh Việt Nam còn phải hướng đến mục tiêu cao hơn là góp mặt tại Olympic Tokyo 2020, lý do bởi thành tích tại SEA Games cũng được tính cho vòng loại Olympic. Theo HLV Vũ Ngọc Lợi, đây là một kế hoạch dài hạn của các tổ điền kinh và đội tuyển.

Môn điền kinh SEA Games 30 sẽ diễn ra tại New Clark City từ 6-10/12/2019.

Chủ nhà Philippines cắt bỏ nhiều sở trường của thể thao Việt Nam

Ở môn Wushu, 2 nội dung mà Dương Thúy Vi có thế giành HCV là kiếm thuật, thương thuật cũng bị cắt bỏ. Với môn võ pencak silat, 2 hạng cân 75 và 95kg cũng bị loại khiến Việt Nam bị mất cơ hội giành 2 HCV khi hai võ sĩ Trần Đình Nam và Nguyễn Văn Trí từng giành HCV ASIAD 2018 ở 2 hạng cân này. Vovinam, môn võ có thể giành 4 HCV bị loại khỏi nội dung thi đấu.

Trong khi đó, đội tuyển cờ vua Việt Nam được đánh giá là ứng viên vô địch nặng ký cho cả 4 nội dung cờ nhanh, cờ chớp nam và nữ tại đại hội. Cờ vua mới trở lại SEA Games sau 6 năm vắng bóng. Đáng chú ý, các kỳ thủ Việt Nam từng giành trọn bộ 8 HCV tại SEA Games 23 hồi năm 2005 cũng tổ chức ở Philippines. Niềm hy vọng trong môn này đương nhiên là Lê Quang Liêm, kỳ thủ số 1 của Việt Nam đang xếp hạng thứ 32 thế giới và đứng đầu Đông Nam Á, ứng cử viên nặng ký nhất của 2 tấm HCV cờ nhanh và chớp tại SEA Games 30.

Theo đúng "quy luật SEA Games" là 2 ngôi vị dẫn đầu sẽ thuộc về nước chủ nhà và đoàn Thái Lan, vị trí thứ 3 nhiều khả năng sẽ là cuộc cạnh tranh giữ Việt Nam, Malaysia và Singapore. SEA Games 29 năm 2017, đoàn thể thao Việt Nam giành được 58 HCV, xếp thứ 3 sau chủ nhà Malaysia và Thái Lan.

SEA Games có 56 môn thể thao với 529 bộ huy chương. Đây là kỷ lục về số môn thi đấu chính thức tại một kỳ SEA Games trong 60 năm lịch sử của Đại hội thể thao Đông Nam Á (kỷ lục cũ là 43 môn tại SEA Games 24 năm 2007 tại Thái Lan).

Hai môn Olympic cơ bản là điền kinh (45 bộ huy chương) và bơi (44), cũng là 2 "mỏ vàng" lớn nhất, với tổng cộng 93 nội dung, tương đương 17,58% tổng số HCV của Đại hội.

Đơn Ca
.
.
.