Catalan đòi ly khai khỏi Tây Ban Nha:

Điều gì sẽ xảy ra với Barca?

Thứ Sáu, 06/10/2017, 15:11
Chủ nghĩa dân túy đã tạo ra một động cơ “hợp lý” để Catalan tuyên bố ly khai. Tuy nhiên, ngay sau khi Catalan trở thành một thể chế nhà nước độc lập hoàn toàn, một thực thể khác trong lòng cộng đồng khu tự trị, là Barca, đang đối mặt với tương lai bất ổn.

Barca đã phải trải qua mùa hè đáng quên. Họ để mất Neymar, nhận về một cục tiền và rồi bị biến thành nô lệ của những bao tải tiền đó. Trong mắt đối tác trên bàn đàm phán, Barca là một gã khờ để ép giá.

Nhưng cơn ác mộng thật sự bây giờ mới bắt đầu diễn ra. Ngày 1-10, một cuộc trưng cầu dân ý phi dân chủ diễn ra. Catalan muốn hoạt động độc lập như một nhà nước có chính quyền. Nghĩa là, Catalan sẽ tách biệt hoàn toàn với Tây Ban Nha.
Nếu Catalan tuyên bố độc lập, nhiều khả năng Messi và các đồng đội sẽ phải ké cửa một giải đấu ngoài La Liga.

Đó là kết quả của chiến dịch kéo dài 18 tháng được bảo trợ bởi các Đảng phái ủng hộ ly khai, khởi nguồn từ tháng 6/2015. Barca, bỗng nhiên rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Họ sẽ phải rời khỏi La Liga theo hiến pháp Tây Ban Nha, nhưng như thế cũng có nghĩa là ném khối tài sản được định giá 1,2 tỷ euro.

Đi không được, ở chẳng xong

Trong trường hợp Catalan tuyên bố chủ quyền, Barca sẽ không được phép tham gia La Liga hay bất kỳ giải đấu nào thuộc hệ thống bóng đá nhà nghề xứ đấu bò. Bởi ngay khi Catalan tách khỏi thể chế nhà nước quân chủ lập hiến, Barca sẽ bị phạt vì đã vi phạm điều 6, khoản 4 Bộ luật 1835/1991.

Không chỉ Barca, mà tất cả các đội bóng chịu sự quản chế về mặt địa lý của Catalan sẽ biến mất khỏi bản đồ bóng đá Tây Ban Nha, bao gồm Espanyol, Girona, Sabadell, Nastic và Llagostera.

Bộ luật đã nói rõ, Chính phủ khuyến khích tích hợp các hoạt động thể thao ở 18 khu vực tự trị vào hệ thống quản lý của Tổng cục Thể dục thể thao Tây Ban Nha, với điều kiện chính trị ổn định. Tuy nhiên, vào thời điểm quốc gia Catalan thành lập, Liên đoàn Thể thao Catalan sẽ ngừng đại diện cho quyền tự chủ của Tây Ban Nha.

Điều 99 của Luật Thể thao ETF cũng quy định rõ ràng, tất cả các CLB bóng đá chuyên nghiệp muốn tham gia vào các giải đấu chính thức phải ký một biên bản cam kết với LĐBĐ Tây Ban Nha (RFEF) rằng sẽ miễn nhiễm với mọi quy định đặc thù của vùng tự trị. Luật chơi là do Chính phủ, Liên đoàn Tây Ban Nha quy định.

Javier Tebas, trưởng BTC La Liga cũng bày tỏ quan điểm Barca sẽ rất khó tham gia La Liga nếu Catalan tuyên bố độc lập. Chỉ có một điều khoản bổ sung duy nhất cho phép các hợp tác xã thể thao ngoài lãnh thổ Tây Ban Nha dự hệ thống giải đấu CLB Tây Ban Nha là đại diện của Andorra.

Bất kỳ thay đổi nào trong bộ luật muốn thông qua đều phải trình lên Nghị viện. Thông điệp này được Tebas soạn thành văn bản, đánh điện sang văn phòng của Gerard Esteva, Chủ tịch Liên đoàn Thể thao Catalan và phòng Chủ nhiệm Ủy ban Olympic Catalan.

Trận đấu giữa Barca và Las Palmas đã diễn ra mà không có khán giả vì cuộc trưng cầu dân ý đòi ly khai của Catalan.

Không những thế, Barca sẽ bị khai trừ khỏi các tổ chức bóng đá châu Âu. Nếu muốn dự Champions League, Barca phải đợi Catalan xin phép FIFA và UEFA thừa nhận là thành viên chính thức. Sau đó, giải VĐQG Catalan cần phải có giấy phép hoạt động.

Nhưng Barca đang là một thương hiệu toàn cầu, được săn đón bởi những nhãn hàng nổi tiếng. Giá trị thương mại của đội được định giá hơn 1 tỷ euro. Rời La Liga cũng có nghĩa là Barca kết thúc sứ mệnh của một đội bóng được yêu mến bậc nhất. 

Dù vậy, Barca cũng nhận thức rõ rệt vai trò lịch sử của mình. Họ là sản phẩm của cộng đồng người Catalan, là một quân cờ chiến lược trên chính trường của Catalan. Đi hay ở? – đó chắc chắn là câu hỏi khiến Bartomeu đau đầu.

Đã có ít nhất hai nhân vật cao cấp trong Ban lãnh đạo Barca từ chức để phản đối các quyết định được cho là “thiếu quyết đoán” của Bartomeu: Carles Vilarrubi – PCT quản lý pháp chế và Giám đốc Jordi Mones. Những người này tỏ ra bất bình khi Bartomeu không hoãn trận đấu Barca và Las Palmas. Thay vào đó, ngài Chủ tịch chỉ không cho khán giả vào sân và vẫn tổ chức trận đấu như lịch dự kiến.

Quyết định chơi bóng trên sân không khán giả được Bartomeu đưa ra chỉ khoảng 15 phút trước giờ bóng lăn. Không phải là ông không muốn hoãn trận đấu này lại, nhưng điều đó là không thể. Một quyết định đột ngột và thiếu sáng suốt có thể khiến Barca mất 6 điểm trên BXH và tệ hại hơn cả, là án phạt cấm tham gia các hoạt động thể thao trong nửa năm.

“Đó là thái độ thiếu tôn trọng người Catalan”, Vilarrubi chia sẻ trên tờ La Vanguardia.

Chuyện gì đã xảy ra?

Với tính địa – chính trị phức tạp, lãnh thổ Tây Ban Nha bị chia cắt thành nhiều vùng tự trị. Nhưng không một khu vực nào khiến Chính phủ Hoàng gia nhức đầu như Catalan. Thành phố này có hệ thống ngân hàng phát triển và nền kinh tế đa dạng không thua kém gì một quốc gia.

Ngoài ra, Catalan còn có Barca. Từ lúc ra đời, Barca đã luôn là đối trọng của Real. Trong thời kỳ nhà nước độc tài, tướng Primo de Rivera buộc Catalan phải từ bỏ ngôn ngữ bản địa để dùng tiếng Tây Ban Nha chính thống, buộc Barca không được sử dụng tên riêng bằng tiếng Catalan và cử quân đội Nhà nước giết chết Chủ tịch đầu tiên của Barca. Đến khi Franco cầm quyền, chính quyền mới cũng cấm CĐV Barca hô khẩu hiệu “Visca Catalan” (tạm dịch “Sống mãi Catalan) trên các khán đài.

Những xung đột về quan điểm giữa Catalan và Madrid, về cơ bản đã tồn tại xuyên suốt chiều dài lịch sử. Và những chính trị gia ủng hộ ly khai luôn nung nấu ý định sẽ giành lại chủ quyền cho Catalan ngay khi có cơ hội.

Sự tự tin đó được xây dựng trên nền tảng của một nền tài chính minh bạch với các chỉ số khỏe mạnh trên sàn giao dịch. Catalan tự hào có thể điều hành một quốc gia nhờ nền tảng cơ bản được xây dựng từ lâu. Họ đang là khu vực trù phú và phát triển bậc nhất Tây Ban Nha, khi chiếm 19% GDP cả nước. Họ cũng sở hữu cảng Barcelona, một trong những cảng biển quan trọng và tấp nập bậc nhất châu Âu.

Barca - sản phẩm của cộng đồng khu tự trị Catalan.

Nói cách khác, Catalan sẵn sàng cho một cuộc sống mà không nhận được sự bảo trợ của Liên minh châu Âu.

Lấy một ví dụ: Barca. Không phải ngẫu nhiên mà ở Catalan, người ta coi Barca là biểu tượng dân tộc. Barca không đơn thuần là món ăn tinh thần của Catalan, mà còn là hình ảnh tượng trưng tiêu biểu đại diện cho nền kinh tế Catalan. Một nghiên cứu được phối hợp giữa tạp chí Forbes và tập đoàn Hookit năm ngoái chỉ ra, có hơn 145 triệu tài khoản mạng xã hội theo dõi Barca, biến họ thành CLB thể thao có sức ảnh hưởng lớn nhất toàn cầu. Chi tiết hơn, số lượt theo dõi của tất cả các đội bóng đá kiểu Mỹ ở giải NFL cộng vào vẫn còn kém thống kê của Barca, đủ để thấy đội bóng này được yêu mến đến nhường nào.

Chính phủ Tây Ban Nha bác bỏ ý nghĩa của cuộc trưng cầu dân ý, nhưng điều người hâm mộ bóng đá trên thế giới thực sự quan tâm là số phận các đội bóng ở Catalan, tiêu biểu là Barca sẽ ra sao? Họ sẽ tiếp tục thi đấu ở Tây Ban Nha hay đâu đó ở châu Âu?

Những tiền lệ ở châu Âu

Bóng đá châu Âu đã từng chứng kiến nhiều tiền lệ về việc sát nhập, tích hợp đội bóng vào các giải đấu khác liên đoàn.

Ở Premier League hiện tại đang có một CLB của xứ Wales tham gia tranh tài, là Swansea City. Xa hơn, Cardiff City, một đội bóng khác cũng của xứ Wales đã chơi ở giải Ngoại hạng Anh vào mùa giải 2013/14.

Do xứ Wales thuộc Vương quốc Anh nên các thỏa thuận bằng văn bản được nhanh chóng thông qua vì không có sự bất đồng về ngôn ngữ giữa hai liên đoàn. Cả Cardiff và Swansea đều phải bắt đầu cuộc chơi từ con số 0 khi thuyên chuyển sang hệ thống bóng đá chuyên nghiệp do FA quản lý chung. Họ đi lên từ giải hạng nhì, tranh tài nhằm mục đích lọt vào nhóm đội đủ điều kiện thăng hạng trước khi góp mặt ở Premier League.

Năm ngoái, Celtic và Rangers, hai CLB lâu đời của Scotland đã trình đơn xin phép chuyển qua Premier League để cải thiện thu nhập nhờ gói bản quyền truyền hình béo bở. Tuy nhiên, điều kiện phía đại diện thành Glasgow đưa ra là họ phải được dự Premier League ngay từ năm đầu tiên mà không cần đi lên từ các giải đấu cấp thấp. Do đó, Richard Scudamore – GĐĐH Premier League đã thẳng thừng từ chối lời đề nghị này.

Barca cũng có thể tham khảo câu chuyện của Monaco phòng trường hợp Catalan độc lập hoàn toàn với Tây Ban Nha. Monaco là một công quốc, nằm trên đường biên giới phân chia lãnh thổ Pháp – Italia.

Đội bóng Monaco được thành lập năm 1924. Về lý thuyết, họ sẽ không thể tham gia thi đấu ở bất kỳ hệ thống nào ngoại trừ chính lãnh thổ của mình. Nhưng một thỏa thuận được thống nhất với LĐBĐ Pháp, giúp Monaco trở thành một phần lịch sử của Ligue 1. Mùa giải 1932/33, ở phiên bản nhà nghề đầu tiên của giải VĐQG Pháp, Monaco đã góp mặt.

Một vài ý tưởng được đưa ra với Barca, chẳng hạn như chuyển qua Premier League. Nhưng dù có chọn giải đấu nào làm bãi đáp đi chăng nữa, thì Barca vẫn sẽ phải phụ thuộc vào việc LĐBĐ Catalan có đảm bảo được hành lang pháp lý với UEFA và FIFA hay không.

Đơn Ca
.
.
.