Cuộc chiến "Tam quốc" của V.League 2020

Thứ Hai, 09/11/2020, 10:17
Chưa có mùa giải nào mà V.League lại chứng kiến một cuộc đua tam mã hấp dẫn tranh ngôi vô địch như mùa giải này. Viettel, CLB Hà Nội, Sài Gòn FC đã tạo nên thế "chia 3 thiên hạ" khi mùa giải gần khép lại và cả 3 đều có những đặc điểm riêng rất thú vị...


Thất bại của Sài Gòn FC trước CLB Hà Nội tại Hàng Đẫy khiến cuộc đua vô địch chỉ còn 2 cái tên trong vòng cuối, nhưng thầy trò ông Vũ Tiến Thành vẫn xứng đáng được nhắc tên vì những nỗ lực vượt bậc.

Sự trở lại của Viettel

CLB Viettel đang chiếm thế thượng phong trong cuộc đua đến ngôi vô địch, và vị trí đó hoàn toàn xứng đáng với màn trình diễn của thầy trò HLV Trương Việt Hoàng. Dưới sự dẫn dắt của ông Hoàng, CLB Viettel thực sự đã làm gợi nhớ đến phần nào hình ảnh của đội bóng Thể Công lừng danh năm nào.

Thể Công từng là một thế lực của bóng đá Việt Nam, thậm chí nói không quá rằng đây chính là đội bóng được yêu thích nhất bởi đại diện cho Quân đội nhân dân Việt Nam. Đội bóng mặc áo lính đã 13 lần vô địch giải hạng A miền Bắc, sau này là 5 lần vô địch gia. 

Viettel với màu áo đỏ gợi nhớ Thể Công.

Ngày 25-9-2009, Bộ Quốc phòng chính thức ra quyết định xóa tên Thể Công, chấm dứt 55 năm tồn tại của đội bóng Quân đội. Hai tháng sau, Bộ Quốc phòng đã giao toàn quyền quản lý đội cho Tập đoàn Viettel - nhà tài trợ của CLB vào thời điểm đó. Đội bóng sau đó mang tên Viettel nhưng phiên hiệu này cũng chỉ tồn tại tới ngày 7-11-2009, sau khi Thanh Hóa hoàn tất việc mua lại suất dự V.League của Viettel.

Phải đến đúng 1 thập kỷ sau, năm 2019, Viettel mới trở lại V.League. Viettel trên lý thuyết là đội bóng thuộc biên chế và chịu sự quản lý của Quân đội nhưng đội bóng lại đang vận hành trong cơ chế hoạt động của một doanh nghiệp là Tập đoàn Viettel.

Dù vậy, sự xuất hiện của CLB Viettel vẫn làm gợi nhớ đến hình ảnh của Thể Công năm nào và vẫn mang ít nhiều "chất lính" trong cách tổ chức lẫn phong cách thi đấu trên sân. Điều đó được thể hiện rõ nhất qua thủ quân Bùi Tiến Dũng, người gia nhập lò đào tạo Viettel từ năm 15 tuổi và dần dần trưởng thành qua các cấp bậc để trở thành đội trưởng của CLB. Hình ảnh Bùi Tiến Dũng hiên ngang đưa tay lên chào theo đúng động tác của một người lính sau khi thực hiện thành công quả luân lưu ở trận tứ kết với U23 Iraq ở VCK U23 châu Á 2018 cho thấy "máu lính" vẫn luôn chảy trong huyết quản của cầu thủ này. 

Tại V.League 2020, khi người cũ Trương Việt Hoàng trở lại, CLB Viettel đã cho thấy hình ảnh của một đội bóng vươn lên bằng thứ kỷ luật thép của những người lính. 5 trận gần nhất, CLB Viettel thắng 4 trận với tỷ số 1-0, hòa 0-0 ở trận đấu "chung kết" với CLB Hà Nội. Một sự hiệu quả và lạnh lùng đáng sợ. Nếu CLB Viettel vô địch, đó sẽ là sự kết nối tuyệt vời với quá khứ hào hùng của "những người lính đá bóng".

CLB Hà Nội - đế chế thời hiện tại

CLB Hà Nội khẳng định họ vẫn đang là nhà đương kim vô địch bằng chiến thắng với tỷ số 4-2 trước đối thủ cạnh tranh CLB Sài Gòn để tiếp tuc nuôi hy vọng bảo vệ ngôi vương ở vòng đấu sau cùng. Dù đã trải qua những khó khăn thử thách lớn ở mùa giải này, vào giai đoạn quyết định, thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm cho thấy họ hiện vẫn đang là đội bóng có lực lượng mạnh nhất Việt Nam.

CLB Hà Nội có dấu ấn lớn của bầu Hiển. Ông làm bóng đá sau bầu Đức của HAGL hay bầu Thắng của Gạch Đồng Tâm Long An, nhưng nếu xét về thành tích thì vượt trội hơn hẳn. Thành công không tự nhiên mà đến, bầu Hiển đã cho thấy sự sáng suốt khi không vung tiền để "mua" lấy những danh hiệu trước mắt mà dùng nguồn lực tài chính để xây dựng lên một đội bóng có bản sắc riêng với lực lượng cầu thủ trẻ dồi dào, liên tục có những lớp tài năng kế cận. 

Sài Gòn FC có thể trở thành một thế lực mới.

Năm 2010, sau chức vô địch V-League lần đầu tiên, đích thân bầu Hiển tiến hành thâu tóm các cơ sở đào tạo bóng đá trẻ và xây dựng hệ thống đào tạo trẻ từ lứa U17 đến U19. Từ năm 2011, các đội bóng trẻ của Hà Nội vô địch U19 và U21 quốc gia mỗi giải 5 lần, ngoài ra có 3 lần vào chung kết. Sự kiên nhẫn đã đem lại quả ngọt với hàng loạt  cầu thủ tài năng, tuyển thủ quốc gia giúp CLB Hà Nội trở thành đội bóng có lực lượng cầu thủ nội xuất sắc nhất. Những cái tên như Thành Lương, Văn Quyết, Văn Hậu, Đình Trọng, Duy Mạnh, Văn Hậu, Hùng Dũng, Quang Hải… đều là những sản phẩm ưu tú được phát hiện và đào tạo trong hệ thống của CLB. 

Đoàn quân của bầu Hiển đã thống trị V.League bằng sự đồng đều và chất lượng cầu thủ vượt trội so với tất cả các đối thủ của họ, dù có vô địch ở vòng cuối hay không, sẽ không hề khiên cưỡng khi khẳng định rằng CLB Hà Nội vẫn xứng đáng là "bộ mặt" của bóng đá Việt Nam hiện tại, một mô hình mà tất cả các đội bóng cần hướng tới.

Bất ngờ Sài Gòn FC

Thua CLB Hà Nội ở trận đấu quyết định tại Hàng Đẫy, Sài Gòn FC không còn cơ hội đua tranh ngôi vô địch ở vòng cuối. Song với thầy trò HLV Vũ Tiến Thành, họ đã có một mùa giải đầy ấn tượng, đủ để làm tiền đề cho một tương lai nhiều tham vọng.

Sài Gòn FC có một tuổi đời non trẻ khi phải đến giữa mùa giải năm 2016, CLB bóng đá Hà Nội với chủ sở hữu là ông Nguyễn Giang Đông mới đổi tên và chuyển phạm vi hoạt động, trở thành CLB bóng đá Sài Gòn và đăng ký sân Thống Nhất làm sân nhà. Trong 4 mùa giải từ khi đổi tên thành Sài Gòn FC, đội bóng này đã thay 3 chủ tịch.   

CLB Hà Nội và Quang Hải là "gương mặt" đương đại của bóng đá Việt.

Sài Gòn FC chỉ bớt long đong khi được bán đứt cho hai tập đoàn lớn ở TP Hồ Chí Minh là Him Lam Group và Bến Thành Group trước V.League 2020. Tân Chủ tịch HĐQT của Sài Gòn FC là ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Capella Holdings và là Phó Chủ tịch, trường Đại học Văn Lang. Ban lãnh đạo mới của CLB chỉ có 3 tuần để vừa làm thủ tục tiếp nhận đội bóng vừa sang Nhật tham quan, học hỏi mô hình, kinh nghiệm từ đối tác. Tại đây họ đã có nhiều cuộc gặp gỡ quan trọng với những người làm bóng đá Nhật Bản, trong đó có ông ông Takao Konishi, Chủ tịch J.League, người điều hành FC Tokyo và đặt quan hệ hợp tác. Sài Gòn FC sẽ được xây dựng theo mô hình đối tác Nhật Bản 

Việc bổ nhiệm HLV Vũ Tiến Thành được xem là bước ngoặt quan trọng của Sài Gòn FC. Ông Thành được đánh giá rất cao về mặt chuyên môn nhưng đã lui về ở ẩn sau scandal hối lộ trọng tài khi làm Giám đốc điều hành CLB Ngân hàng Đông Á năm 2005. Tại Sài Gòn FC, ông Vũ Tiến Thành đồng thời làm hai vai trò Chủ tịch và HLV trưởng.

Dưới sự dẫn dắt của ông Vũ Tiến Thành, Sài Gòn FC đã có một mùa giải ấn tượng và dù không thể cạnh tranh ngôi vô địch ở vòng đấu cuối cùng, họ sẽ là thách thức lớn với tất cả các đối thủ ở tương lai.

Những người anh em… loằng ngoằng

Điều thú vị nhất trong cuộc đua tam mã năm nay là sự "dây mơ rễ má" của 3 đội bóng trụ lại sau cùng trong cuộc đua vô địch. 

Ngày 7-11-2009, theo thỏa thuận giữa lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và Tổng công ty Viettel, đội hình chính Viettel được chuyển giao cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa quản lý với tên gọi mới: Viettel-Thanh Hóa, sau đó đến cuối tháng 12 đổi tên thành Đội bóng đá Lam Sơn Thanh Hóa, và giao cho Câu lạc bộ bóng đá Thanh Hóa quản lý và điều hành. Viettel chính thức mất phiên hiệu ở V-League. 

Trong khi đó các cầu thủ trẻ của Viettel, chủ yếu là đội U19, được tổ chức thành Trung tâm bóng đá Viettel. Ngay trong năm đó, đội đã giành được chức vô địch giải hạng Ba, đến năm 2009 đội giành vị trí thứ 2 tại giải hạng Nhì và lên chơi ở giải hạng Nhất năm 2010. Sau mùa giải 2010, Trung tâm bóng đá Viettel được Công ty cổ phần Thể thao T&T mua lại rồi đổi tên thành CLB Hà Nội. 

Mùa giải 2012, CLB Hà Nội đứng thứ 2 giải hạng Nhất nhưng không được thăng hạng lên V.League vì có cùng ông bầu với Hà Nội T&T (là tiền thân của CLB Hà Nội của thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm hiện nay).

Năm 2013, CLB Hà Nội được chuyển giao và trực thuộc quyền sở hữu quản lý của Công ty cổ phần Phát triển bóng đá Hà Nội với ông chủ là Nguyễn Giang Đông. Ngày 31-3-2016, Công ty CP Phát triển bóng đá Hà Nội đổi tên thành Công ty CP Phát triển bóng đá Sài Gòn và sau đó, CLB Hà Nội cũng được đổi tên thành Sài Gòn FC.

Mối quan hệ lằng nhằng và phức tạp giữa 3 đội bóng cũng phản ánh một thời kỳ hỗn mang của bóng đá Việt Nam.

Đơn Ca
.
.
.