Cô gái "vàng" trấn giữ khung thành của ĐT bóng đá nữ Việt Nam

Thứ Năm, 26/12/2019, 17:53
26 tuổi, cô gái của đội bóng đá nữ Việt Nam thổ lộ mình chưa yêu và chưa từng được yêu. Tình yêu, với Kim Thanh và các đồng đội nữ của mình như một vì sao lấp lánh nhưng ở rất xa phía bầu trời. Ở họ, niềm đam mê bóng đá và hy sinh luôn song hành cùng nhau.

Ra đi để thoát nghèo

Kim Thanh khiêm tốn và có chút ngại ngùng khi nói chuyện với chúng tôi. Cô gãi đầu phân trần rằng, mình không biết thể hiện tâm sự cũng như cảm xúc qua lời nói. 

Nghiệp "quần đùi áo số" của Trần Thị Kim Thanh bắt đầu ở vai trò thủ môn. Trên đấu trường khu vực, tại SEA Games 29 (năm 2017) tổ chức tại Malaysia, Kim Thanh là thủ môn dự bị cho Kiều Trinh. 

Tuy không có cơ hội ra sân nhưng Kim Thanh đã tích lũy được rất nhiều bài học cũng như tố chất tuyệt vời từ đàn chị Kiều Trinh để hai năm sau, cô bứt phá ngoạn mục giành xuất bắt chính trong khung thành đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam khiến tất cả các đối thủ phải ngả mũ chào thua. Kim Thanh giờ đây đã không còn là "cái bóng" của Kiều Trinh nữa mà trở thành "người thế vai hoàn hảo".

Dù ngày hôm nay đã là "bàn tay vàng" của bóng đá nữ Việt Nam nhưng Kim Thanh lúc nào cũng hoài niệm về quá khứ chật vật khốn khó của bản thân cũng như khắc khoải về gia đình. Cha mẹ Kim Thanh sinh được 3 người con, Kim Thanh là con gái thứ hai, phía dưới có cậu út. Nhà ở miền quê đồng bưng kênh rạch (xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) nhưng cha mẹ Kim Thanh không có nhiều đất đai nên phải đi làm thuê, làm mướn kiếm sống. 

Từ năm lớp 4, Kim Thanh đã đi mò cua bắt ốc, lớn thêm một chút thì theo mẹ đi làm cỏ lúa, bẻ dừa, khiên vác, xúc xà bần... Đôi bàn tay cô bé chai sần, lắm hôm đến lớp mặt còn lấm lem bùn lúa, chân còn nhoè nhoẹt cát đất. Nhớ về những ngày thơ bé lam lũ ấy, Thanh nghẹn lại, mắt ngấn lệ.

Kim Thanh chưa bao giờ nghĩ cuộc đời của mình lại gắn với trái bóng.

Năm 14 tuổi, khi đang học lớp 9 trường THCS Lê Minh Xuân, có người về làng tìm em gái để đi học làm thủ môn và Thanh được thầy giáo chọn giới thiệu. Thanh đáp ứng tiêu chuẩn vì sở hữu thân hình dong dỏng, chân tay dài và có cá tính mạnh mẽ. 

Khi ấy, trái bóng với Thanh còn rất xa lạ, vị trí thủ môn em chưa bao giờ hình dung tới thì nói gì đến đam mê và năng khiếu. Nhưng, Kim Thanh quyết tâm đi, cha đồng ý còn mẹ phản đối. Mẹ không tưởng tượng ra trái bóng sẽ giúp gì cho tương lai một đứa con gái nhà quê. 

Theo cái nghề "đàn ông" như vậy thì sau này làm sao lấy chồng? Mẹ đã khóc rất nhiều nhưng cuối cùng, lý lẽ của mẹ đã không thắng được sự quyết tâm của con gái. Kim Thanh xách ba lô ra đi với ước mong cháy bỏng là thoát khỏi nghèo khổ, lên thành phố vừa chơi bóng lại vừa được học văn hóa và quan trọng nhất, mỗi ngày có 3 bữa cơm no.

Những bước chạy đầu tiên của Kim Thanh tại Câu lạc bộ bóng đá nữ TP. Hồ Chí Minh đầy lạ lẫm và mới mẻ. Bàn tay đầu tiên bắt trái bóng cũng luống cuống, run rẩy nhưng bù lại Kim Thanh được các huấn luyện viên cầm tay chỉ bảo tận tình. Các kỹ thuật về hình tay, cầm ôm cho đến cách ngã, bay để đón hướng bóng. 

Các bài tập đầy khổ cực, đòi hỏi sự kiên trì, bền chí của từng cầu thủ. Đôi chân non nớt của cô bé bước ra từ đồng lúa, ruộng ngô đã không ít lần tóe máu, trật khớp, giãn cơ bởi những ngày tập luyện nặng. Đêm nằm còn nghe tiếng "rên xiết" của xương khớp, đau nhói tận vào tim, không tài nào ngủ nổi. 

Đã đôi lần Kim Thanh nản chí, muốn bỏ cuộc. Nhớ nhà, Kim Thanh lặng lẽ khóc một mình. Thương cha mẹ dãi nắng dầm sương làm thuê trên những cánh đồng, Kim Thanh không muốn quay trở về để thêm gánh nặng cho gia đình.

Mưa dầm thấm lâu, khổ cực rồi cũng quen, các vết thương bệnh lý thể thao dần chai đi. Kim Thanh trở nên cứng cỏi, mạnh mẽ và dần bộc lộ được khả năng tuyệt vời với trái bóng.

Kim Thanh cùng Huỳnh Như (bên phải) và Chương Thị Kiều là những người bạn thân ở CLB bóng đá nữ TP. Hồ Chí Minh.

Cắn răng, nén đau bảo vệ khung thành

Ở SEA Games 30, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam bước vào trận chung kết với tâm thế của nhà vô địch AFF Cup (tháng 8-2019) nên họ không có bất cứ lo lắng hay áp lực nào. Riêng người trấn giữ khung thành Kim Thanh thì càng tự tin, vì suốt mùa AFF Cup, cô chỉ bị thua một bàn phản lưới nhà. 

Trong trận vòng loại SEA Games gặp Thái Lan, Kim Thanh đã lao ra chậm một nhịp sau cú treo bóng nên bị đối thủ đánh đầu gỡ hòa. Sau trận đó, Kim Thanh vô cùng day dứt. Mặc dù được ban huấn luyện động viên, an ủi nhưng Kim Thanh vẫn luôn cảm thấy buồn. Cô tự hứa với bản thân, sẽ rút ra bài học kinh nghiệm, không để xảy ra sai lầm nữa, sẽ chiến đấu bằng cái đầu tỉnh táo và trái tim nóng. 

Ở trận chung kết, Kim Thanh cho biết, cô bị đau cơ gân đùi từ trận giao hữu ở bên Nhật Bản. Cảm thấy nó không ảnh hưởng đến phong độ nên cô không báo bác sĩ. Tuy nhiên, bước vào trận vòng loại SEA Games do phải vận động nhiều nên cơ gân tái phát, cứ chạm vào trái bóng là đau nhức buốt. 

Những trận sau, gặp đối thủ yếu hơn nên Kim Thanh dùng tay ném là nhiều. Vào tới bán kết, chung kết nếu ném thì sợ đối thủ mạnh sẽ ập tới rất nhanh nên Kim Thanh phải đá. Mỗi lần đá là cô phải nén đau nhưng mỗi khi đối mặt với các tiền đạo Thái Lan to cao, khỏe mạnh đang khao khát ghi bàn thì Kim Thanh luôn cho thấy, đôi bàn tay của mình như một tấm bia sắt không thể đâm thủng.  

Ở hiệp hai trận chung kết, trong một pha bay người đẩy bóng, Kim Thanh bị ngã gập cổ chân, cộng thêm một cơn đau nữa. Sau đó, Kim Thanh phải nhờ trung vệ Chương Thị Kiều phát bóng giúp. Chương Thị Kiều trong trận chung kết cũng khiến hàng triệu trái tim phải cảm phục. 

Cô thi đấu với mảng vết thương bị xước thật to trên đùi, máu liên tục rỉ ra thấm đỏ vào bông băng. Mọi người xót xa, Kiều thì tuyên bố: "Đổ máu cũng không thể bỏ đồng đội", cũng giống như Kim Thanh, cắn răng chịu đau để giữ vững khung thành.  

Bộ ba hiện đang là những ngôi sao của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam.

120 phút của trận chung kết đã vắt kiệt sức lực của các cầu thủ. Tất cả chiến đấu vì màu cờ sắc áo, vì vinh quang của Tổ quốc. Kim Thanh cho biết, trước trận đấu, mọi người nhắc nhở nhau phải bằng mọi giá "lấy vàng". Cổ động viên Việt Nam nấu đồ ăn mang vào tận khách sạn để bồi bổ cho các cô gái. 

Những món ăn mang hương vị quê nhà, chứa đựng tình yêu thương và sự kỳ vọng dành cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam. Chính tinh thần ấy đã truyền sức mạnh cho mỗi đôi chân để họ thi đấu, các cô gái đã chạy bằng sức mạnh của ý chí chứ không phải sức mạnh thể lực nữa.  

Khi trọng tài thổi hồi còi kết thúc trận đấu cũng là lúc các nhà vô địch gục xuống, có người lả đi vì kiệt sức. Kim Thanh đập bàn tay lên ngực, nơi có lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc thét lên một tiếng đầy uy dũng. "Lá chắn thép" trấn giữ khung thành của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam hạnh phúc trào dâng nước mắt. Kim Thanh nghĩ về phần thưởng và mong muốn sửa sang lại ngôi nhà cho cha mẹ vì nó đã xuống cấp quá rồi.    

Khi đã trải qua tất cả những vui buồn, tủi hổ cùng trái bóng, đã khoác trên mình những hào quang của chiến thắng, Kim Thanh mới giật mình nhận thấy, định mệnh cuộc đời của mình chính là nghiệp "quần đùi áo số". Mẹ bây giờ đã vui trở lại, nhưng vẫn luôn lo lắng cho con đường tình duyên của con gái. 

Đã rất nhiều lần cha mẹ hỏi Kim Thanh: "Thế khi nào thì lấy chồng". Kim Thanh cười trừ, mà trong lòng trầm mặc, có chút buồn tủi, có chút lỗi lầm với cha mẹ. 26 tuổi, cô gái này chưa yêu đương và chưa từng được yêu. Tình yêu, với Kim Thanh và các đồng đội nữ của mình như một vì sao lấp lánh nhưng ở rất xa phía bầu trời. Ở họ, niềm đam mê bóng đá và hy sinh luôn song hành cùng nhau.

Ngọc Hoa
.
.
.