Chiếc vé World Cup của U19 hi vọng của bóng đá Việt Nam

Thứ Năm, 27/10/2016, 09:02
Bóng đá 11 người Việt Nam giành vé dự World Cup. Đó không còn là một giấc mơ viển vông, xa vời. Mà đó đã là một câu chuyện có thật. Khi các chàng trai đội tuyển U19 đánh bại Bahrain ở vòng tứ kết U19 Châu Á qua đó giành một vé đến FIFA U20 World Cup tại Hàn Quốc vào mùa hè sang năm…


Chiến tích của thày trò HLV Hoàng Anh Tuấn thực sự là một cột mốc lịch sử của bóng đá Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn là thành công của đội tuyển U19 đã mở ra một tương lai tươi sáng của bóng đá nước nhà.

Từ chuyện hội ngộ của anh em họ Bùi…

Trong thành phần đội tuyển Việt Nam dự VCK U19 Châu Á lần này có một cặp đôi đặt biệt. Đấy là 2 chàng trai họ Bùi: Bùi Tiến Dũng và Bùi Tiến Dụng. Họ là 2 anh em ruột. Trong khi người anh Bùi Tiến Dụng thi đấu ở vị trí thủ môn thì Bùi Tiến Dũng là một tiền vệ phòng ngự. Cả 2 cầu thủ này đều giữ một vai trò rất quan trọng trong đội hình của HLV Hoàng Anh Tuấn. Họ luôn được ông thầy họ Hoàng bố trí đá chính trong màu áo U19 Việt Nam.

Bùi Tiến Dũng là anh, sinh trước Bùi Tiến Dụng 1 năm. Nhưng có một điều thú vị là trước khi hội quân ở đội tuyển U19, 2 anh em không có cơ hội được sát cánh trong cùng màu áo. Bởi Bùi Tiến Dũng thuộc biên chế của FLC Thanh Hóa, trong khi Bùi Tiến Dụng lại trưởng thành từ lò đào tạo PVF đóng quân tít ở TP Hồ Chí Minh.

Rõ ràng, đây là một điều tương đối lạ lẫm ở môi trường bóng đá Việt Nam. Trong quá khứ, chúng ta cũng từng có không ít những cặp anh em cùng chơi bóng đỉnh cao. Ví dụ như anh em nhà Văn Sỹ Hùng, Văn Sỹ Sơn, Văn Sỹ Thủy hay anh em Sỹ Long & Hồng Sơn, rồi anh em Đặng Phương Nam, Đặng Thanh Phương… Nhưng điểm chung của các cặp anh em này là đều trưởng thành từ cùng 1 môi trường, cùng gắn bó với 1 CLB, không giống như trường hợp của anh em Tiến Dũng và Tiến Dụng hiện nay.

Niềm vui của các cầu thủ U19 Việt Nam khi giành vé dự FIFA U20 World Cup.

Chi tiết ấy nói lên điều gì? Nó cho thấy là công tác đào tạo trẻ hiện nay đã có một bước phát triển sâu rộng đáng ghi nhận. Dù cùng sinh trưởng trên đất Thanh Hóa, nhưng anh em họ Bùi đã có những cơ hội khác nhau để theo đuổi sự nghiệp. Nó khác hẳn trước đây, các cầu thủ gần như chỉ có một con đường duy nhất: đầu quân cho đội trẻ của địa phương (trong trường hợp địa phương có bóng đá chuyên nghiệp).

Nếu không thì các em sẽ buộc phải tìm đến tỉnh, thành phố láng giềng. Nhưng hiện nay với sự ra đời của nhiều mô hình đào tạo trẻ tuyển sinh trong cả nước, các cầu thủ trẻ vừa có điều kiện tốt hơn, lại vừa có nhiều sự lựa chọn hơn để trở thành 1 cầu thủ chuyên nghiệp. Mà điển hình là trường hợp của anh em Tiến Dũng và Tiến Dụng.

….cho đến bộ mặt của U19 Việt Nam

Việc công tác đào tạo trẻ có sự phát triển mạnh mẽ như vậy chính là nền tảng cốt lõi tạo ra thành công của đội tuyển U19 Việt Nam. Hãy nhìn vào thành phần của U19 Việt Nam tham dự giải đấu này, nó là sự kết hợp của đủ các mô hình bóng đá. Đông đảo nhất là các cầu thủ đến từ lò PVF: 5 người.

Tiếp đến là Viettel và Hoàng Anh Gia Lai 3 cầu thủ. Các "đại gia" của sân chơi V-League như Hà Nội T&T, FLC Thanh Hóa và Becamex Bình Dương đều đóng góp 2 gương mặt. Các đội Công an Nhân dân, QNK Quảng Nam, Hà Nội, Bình Định và Huế có 1 cầu thủ lên tuyển.

PVF có tên đầy đủ là Quỹ đầu tư và Phát triển tài năng bóng đá Việt Nam. Nó là con đẻ của tập đoàn Vingroup khi được sáng lập và đóng góp vốn bởi 3 thành viên thuộc tập đoàn Vingroup là: Quỹ Thiện Tâm (đóng góp 80%); Công ty CP Đầu tư và Thương mại PFV (10%) và Công ty TNHH MTV Vinpearl (10%). PVF là mô hình đào tạo trẻ mang tính chuyên biệt nhất ở Việt Nam. Quỹ này chỉ tập trung vào đào tạo các cầu thủ trẻ, chứ không có đội bóng ở các giải chuyên nghiệp. Có thể nói PVF chính là một sản phẩm tiêu biểu của công tác huy động nguồn lực xã hội vào phát triển bóng đá trẻ.

Trong khi đó, Viettel được biết đến như những người kế thừa của CLB có truyền thống lâu đời nhất Việt Nam: Thể Công. Sau khi chuyển giao hồn, xác Thể Công cho Thanh Hóa, Viettel đã và đang làm lại từ con số 0, với việc tập trung vào công tác đào tạo trẻ vốn là niềm tự hào của bóng đá quân đội trong quá khứ.

Còn những Hà Nội T&T, FLC Thanh Hóa, Becamex Bình Dương, QNK Quảng Nam, CLB bóng đá Hà Nội lại là đại diện cho mô hình bóng đá chuyên nghiệp. Ở đó, các đội bóng bắt buộc phải tự nuôi dưỡng những lứa U của riêng mình. Đó là hướng đi đảm bảo sự phát triển bền vững.

Công an Nhân dân, Bình Định hay Huế thì ít nhiều vẫn chịu sự bao cấp, duy trì hoạt động chủ yếu nhờ ngân sách của nhà nước, địa phương. Nhưng ngay cả các đội đang chơi ở giải Hạng Nhất và Hạng Nhì này vẫn đảm bảo đào tạo được những cầu thủ có chất lượng. Trần Thành, người đã tỏa sáng với bàn thắng vàng vào lưới Bahrain chính là cầu thủ của CLB bóng đá Huế - đội bóng chỉ đứng thứ 7 tại giải Hạng Nhất mùa trước.

Thành phần đa dạng, từ đủ loại nguồn lực, không bị phụ thuộc vào một CLB hay lò đạo tạo nào, khác hẳn với cách đây 2 năm (U19 Việt Nam chủ yếu là nòng cốt của Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG) chính là lời khẳng định cho bước tiến dài của bóng đá trẻ Việt Nam.

Trần Thành, cầu thủ ghi bàn thắng "vàng" cho U19 Việt Nam hiện đang chơi cho đội hạng Nhất Huế.

Giờ đây, không chỉ có các CLB chuyên nghiệp mới làm bóng đá trẻ. Ngược lại, ngay cả các hạng đấu thấp, các CLB ít truyền thống, rồi kể cả mô hình bóng đá phi chuyên nghiệp cũng chú trọng tham gia cuộc chơi này. Đó chính là tín hiệu đáng mừng nhất để người ta có thể hi vọng vào một bước tiến vượt bậc của bóng đá Việt Nam trong tương lai.

Và quả thật nhờ sự huy động được nhân tài khắp cả nước, không hề quá lời khi nói rằng đội tuyển U19 của HLV Hoàng Anh Tuấn là đội bóng tiệm cận sát nhất với tầm vóc Châu lục mà chúng ta từng có. Từ thể hình, thể lực cho đến kỹ thuật chơi bóng, tư duy chiến thuật, ý thức kỷ luật và phong thái hành xử chuyên nghiệp.

Trong chiến thắng, đừng lãng quên VFF

Trong những năm gần đây, vai trò của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) với bóng đá Việt Nam vẫn là tương đối mờ nhạt. Tuy nhiên, không thể không nhắc đến công lao của VFF trong chiến công để đời của thày trò HLV Hoàng Anh Tuấn. VFF đã dành cho đội tuyển U19 Việt Nam sự chuẩn bị rất tốt ở giải đấu lần này.

Dễ thấy, điểm khác biệt nhất của U19 Việt Nam so với các đội tuyển bóng đá nam của Việt Nam khác chính là nằm ở thể lực và sức bền. Trên chặng đường vào bán kết, các cầu thủ trẻ của ta đã đua tranh thể lực sòng phẳng, tranh chấp tay đôi ngang ngửa, không hề thua kém bất kì đối thủ nào. Nên nhớ rằng, các cửa ải mà U19 Việt Nam phải đối mặt đều rất khó nhằn, vốn nổi tiếng là áp đảo về thể lực và thể trạng so với chúng ta. Đấy là những CHDCND Triều Tiên nổi tiếng là bền bỉ. Đấy là những đội bóng Tây Á như UAE, Iraq hay Bahrain sở hữu thể hình và tố chất sức khỏe bẩm sinh hơn hẳn khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Ấy vậy mà, các học trò của HLV Hoàng Anh Tuấn đã luôn thi đấu dẻo dai và mạnh mẽ đến đáng kinh ngạc. Không hề có bất kì tình huống nào các cầu thủ Việt Nam bị chuột rút, ngay cả ở cuối trận chúng ta cũng không tỏ ra hụt hơi so với đội bạn. Thậm chí, vẫn đủ sức giành chiến thắng trong những pha đua tốc độ hay đấu tay đôi.

Có thể nói, việc duy trì được thể lực tốt đến khó tin như vậy chính là cơ sở giúp đội tuyển Việt Nam chơi thành công, đảm bảo khả năng thi đấu chặt chẽ, kín kẽ đến tận phút cuối cùng của trận đấu (kể cả trong thế thiếu người như trận gặp UAE).

Thành quả ấy, tất nhiên đến từ việc các cầu thủ trẻ của chúng ta từ lâu đã có một chế độ dinh dưỡng tốt và khoa học hơn các thế hệ trước. Nhưng cũng không thể phủ nhận vai trò vô cùng quan trọng của chuyên gia thể lực người Đức, Martin Forkel. Chính cựu tuyển thủ U21 Đức - người đến từ nền bóng đá khoa học và giàu thể lực nhất Châu Âu là người đã giúp các cầu thủ U19 Việt Nam vụt lớn Phù Đổng.

Các bài tập rèn thể lực được ông thầy người Đức áp dụng cho đội tuyển U19 Việt Nam suốt từ tháng 8 đến giờ đã mang lại quả ngọt. Chẳng phải tự nhiên, mà ngay từ những buổi đầu cộng tác, HLV Hoàng Anh Tuấn đã dành cho cộng sự người Đức này những lời có cánh: "Tôi rất hài lòng với hình thức tập luyện của ông ấy, đổi mới và rất hiện đại".

HLV Forkel thực sự là món quà vô giá mà VFF dành tặng cho các đội tuyển bóng đá Việt Nam, trong đó có đội U19 quốc gia. Lần này, VFF đã có một chiến lược đúng đắn khi tin tưởng các ông thầy nội (HLV Hoàng Anh Tuấn ở đội U19, HLV Hữu Thắng ở ĐTQG) - những người hiểu rõ nhất những cầu thủ nội, đồng thời tìm cho họ những cộng sự chất lượng, để khắc phục những khiếm khuyết mang tính cố hữu của bóng đá Việt Nam.

Ở khía cạnh nào đó, thành công của đội tuyển U19 Việt Nam không chỉ giá trị về mặt thành tích, mà điều ý nghĩa không kém là nó mở ra một mô hình để đi đến thành công cho bóng đá Việt Nam. Đó là sự kết hợp giữa yếu tố công (VFF) và tư (các mô hình đào tạo trẻ đa dạng hiện nay). Đó là sự kết hợp giữa nội lực và ngoại lực.

Một trận đấu, thậm chí một giải đấu rực rỡ dĩ nhiên không đủ nâng tầm cả một nền bóng đá (nhất là khi lại là cấp độ trẻ). Nhưng rõ ràng, những gì đang diễn ra ở đội tuyển U19 mang lại cho chúng ta niềm tin rất lớn ở tương lai. Ít nhất chúng ta đã biết con đường cần phải đi là như thế nào. Tuy nhiên, dù sao đó cũng là chuyện của tương lai. Còn bây giờ hãy cứ vui đi đã, bởi World Cup không còn là giấc mơ.

U19 Việt Nam còn khỏe hơn ĐT Việt Nam

U19 Việt Nam sở hữu một nền tảng thể lực rất tốt. Khi mới bắt tay làm việc với đội tuyển U.19, ông Martin Forkel đã tổ chức một buổi kiểm tra thể lực các học trò tại sân Nha Trang. Tại buổi kiểm tra hôm 31/7 ấy, U.19 Việt Nam có 6 cầu thủ đạt cấp độ 13 và 4 cầu thủ đạt cấp độ 12. 

Cần biết rằng, đội tuyển Việt Nam cũng từng phải thực hiện một buổi kiểm tra tương tự cùng với ông thầy Forkel. Kết quả là chỉ có duy nhất Võ Huy Toàn đạt cấp độ 13, có một vài cầu thủ như Văn Toàn, Văn Thắng, Đình Tùng đạt cấp độ 12, còn những cầu thủ khác chỉ đạt cấp độ 11. 

Từ "vốn tự có" cộng thêm những bài tập thể lực, tập phục hồi, thậm chí là cả chế độ dinh dưỡng riêng do chuyên gia người Đức đề ra đã giúp đội tuyển U19 Việt Nam thành một đội bóng có thể lực và sức mạnh tốt nhất mà bóng đá Việt Nam từng có, không hề thua kém so với các đối thủ cùng Châu lục.

Tất Đức
.
.
.