Chấn thương đứt dây chằng đầu gối: Ác mộng của giới cầu thủ

Thứ Bảy, 05/10/2019, 11:34
Chấn thương dây chằng đầu gối thực sự là nỗi ám ảnh đối với các cầu thủ, bởi không chỉ thời gian hồi phục lâu mà nhiều trường hợp đã không bao giờ lấy lại được phong độ và đẳng cấp họ từng có trước đó. Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, ở những nền khoa học y tế tiên tiến bậc nhất, vẫn có những sự nghiệp lụi tàn bởi một sợi dây chằng mong manh.


Không bao giờ trở lại

Trong lứa cầu thủ xuất sắc của lò đào tạo trẻ của West Ham gồm những cái tên lừng lẫy như Frank Lampard, Rio Ferdinand, Michael Carrick, Jermaine Defoe… không ai được đánh giá cao như Joe Cole. Chàng tiền vệ nhỏ con sinh năm 1981 được xem là một trong những tài năng hiếm có của bóng đá Anh bởi sở hữu một nền tảng kỹ thuật tuyệt vời cùng khả năng bùng nổ không gì ngăn cản được.

Steven Gerrard, huyền thoại của Liverpool từng nhận xét: "Joe Cole là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất mà tôi từng chứng kiến. Bây giờ các bạn có thể tung hô Messi, nhưng Joe Cole còn có thể làm tốt hơn cả Messi". Ở tuổi 21, Cole đã ra sân 150 lần cho West Ham và 10 lần khoác áo đội tuyển Anh.

Joe Cole và Hargreaves, những cầu thủ phải rút ngắn sự nghiệp đỉnh cao vì chấn thương dây chằng.

Nhưng sự nghiệp đỉnh cao của Joe Cole đã lụi tàn nhanh chóng sau chấn thương dây chằng đầu gối anh gặp phải năm 2009.

Từ chỗ là một cầu thủ trụ cột của Chelsea, tiền vệ tài hoa này dần dần chìm vào quên lãng bởi không thể phục hồi phong độ đỉnh cao ngày nào. Rời Chelsea năm 2010, Cole chuyển đến Liverpool nhưng không có được vị trí trong đội hình chính. Những chuỗi ngày sau đó của Cole giống như ngọn nến lay lắt cho đến khi anh giải nghệ năm 2018.

Cùng tuổi với Joe Cole, Owen Hargreaves cũng được xem là một ngôi sao sáng của bóng đá Anh khi được dự chung kết Champions League cùng Bayern Munich từ năm 20 tuổi.

Được đánh giá là một trong những tiền vệ đánh chặn tốt nhất châu Âu trong thế hệ của mình, tuy nhiên sự nghiệp của Hargreaves cũng liên tục bị gián đoạn bởi những chấn thương, trong đó nặng nhất là đứt dây chằng xương bánh chè. Cú đúp vô địch Premier League và Champions League cùng M.U mùa 2007/08 là lần cuối cùng người ta còn được thấy tiền vệ này chơi bóng với đúng đẳng cấp của mình.

Ngược về thời gian, khoảng năm 2000, Ronaldo "béo" là cái tên có thể làm nhiều người nuối tiếc nhất. Tháng 11-1999, "Người ngoài hành tinh" rách dây chằng trong trận Inter gặp Lecce. Cuối mùa giải đó, anh tái xuất trong trận đấu với Lazio tháng 4-2000 khi chưa hoàn toàn hồi phục.

Ronaldo gục xuống sân sau một pha đảo chân động tác giả quen thuộc, và lần này dây chằng của anh đứt rời hoàn toàn. Tiền đạo lừng danh phải nghỉ đến gần 2 năm để hồi phục. Dù đã tỏa sáng rực rỡ để đem về chức vô địch World Cup thứ 5 cho Brazil năm 2002, sự nghiệp của "Ro béo" có lẽ còn nhiều vinh quang hơn nữa nếu không bị đứt đoạn bởi chấn thương ám ảnh anh trong suốt phần còn lại của sự nghiệp.

Nếu bạn cần một cái tên đương đại thì không ai "xứng đáng" hơn Marco Reus, tiền vệ tài hoa của Dortmund. Reus đứt dây chằng trong trận đấu chung kết Cúp Quốc gia Đức năm 2017 với Eintracht Frankfurt, một cú sốc lớn đối với tài năng sáng giá bậc nhất của Die Mannschaft lúc đó. Reus, một người vốn đã mẫn cảm với các chấn thương, phải ngồi ngoài tới 8 tháng và không thể có được thể trạng tốt nhất trong những năm sau đó.

Rất nhiều trường hợp danh thủ khác không bao giờ lấy lại được đẳng cấp và phong độ như trước khi gặp vấn đề về dây chằng. Kaka, Shevchenko, Falcao, Essien… và nhiều cái tên gợi lên niềm tiếc nuối bởi sự nghiệp đỉnh cao của họ lẽ ra phải kéo dài lâu hơn rất nhiều. Cảm giác bóng, khả năng xoay sở, bứt tốc và quan trọng nhất là nỗi sợ hãi ám ảnh về việc bị tái phát khiến cho họ chỉ còn là một phiên bản thấp hơn so với chính bản thân.

Chuyện không ai muốn

Trước Lương Xuân Trường, Vũ Văn Thanh cũng dính chấn thương đứt dây chằng đầu gối khi đang ở những ngày rất đẹp của sự nghiệp. Cầu thủ chạy cánh của Hoàng Anh Gia Lai được mệnh danh là "người không phổi" bởi nền tảng thể lực sung mãn và khả năng công thủ toàn diện dù được xếp đá biên phải hay biên trái. Nếu Văn Thanh không gặp vấn đề, đội tuyển Việt Nam sẽ có cặp chạy biên trong mơ Văn Thanh - Văn Hậu.

Văn Đức, Đình Trọng phải nghỉ dài hạn vì chấn thương tương tự Xuân Trường.

Thể trạng tốt giúp Văn Thanh trở lại sớm hơn dự kiến, nhưng phong độ thì chưa thể phục hồi ngay. HLV Park Hang-seo thừa nhận so với thời điểm ở giải U23 châu Á Thường Châu, cầu thủ của Hoàng Anh Gia Lai hiện tại chỉ đạt 70% khả năng. Văn Thanh thậm chí bị xếp thấp hơn Hồng Duy, Trọng Hoàng trong thứ tự ưu tiên các cầu thủ xuất phát ở vị trí bám biên của sơ đồ 3-4-3 mà thầy Park ưa thích.

Bóng đá Việt Nam trong năm 2019 đang gặp hạn khi ngoài Xuân Trường, Phan Văn Đức và Đình Trọng cũng phải nghỉ dài hạn. Văn Đức gặp chấn thương dây chằng từ vòng 2 V.League 2019 nhưng không điều trị triệt để và đến buổi tập trước vòng 14, dây chằng chéo đầu gối trước của anh bị đứt. Kết quả chụp chiếu cho biết Văn Đức sẽ phải nghỉ thi đấu đến hết năm 2019. Không chỉ Sông Lam Nghệ An gặp tổn thất mà đội tuyển Việt Nam cũng mất đi một cầu thủ rất giỏi tạo đột biến trên hàng công.

Cùng hoàn cảnh với nhau, chẳng thế mà khi biết tin Trường "híp" gặp chấn thương giống như mình, Văn Đức chia sẻ: "Đời cầu thủ sợ nhất là vấn đề về dây chằng".

Xuân Trường ở hàng tiền vệ, Văn Đức ở hàng công thì hàng thủ có "đại diện" là Đình Trọng. Hậu vệ của CLB Hà Nội dính chấn thương khi cố gắng đổi hướng để truy cản Chevy Walsh cuối hiệp 1 trận hòa 0-0 với Hoàng Anh Gia Lai ở V.League hôm 31-5.

Ngay lúc đó, Đình Trọng đã dự cảm được mức độ nghiêm trọng của chấn thương khi bật khóc  lúc nằm cáng rời sân. Kết quả chụp chiếu đầu gối chân trái của hậu vệ này cho thấy anh bị đứt dây chằng chéo trước và phải nghỉ thi đấu khoảng 8 tháng.

Với các cầu thủ Việt Nam bị dạng chấn thương này, sẽ có 2 lựa chọn: sang Singapore hoặc Hàn Quốc để phẫu thuật. Văn Đức và Đình Trọng đều sang Hàn Quốc và có thể sắp tới Xuân Trường cũng vậy. Tuy nhiên phẫu thuật nối dây chằng thành công chỉ là bước đầu tiên trong quá hình hồi phục. Các cầu thủ sẽ phải rất kiên nhẫn trong những tháng dưỡng thương, đặc biệt là thời gian đầu phải hạn chế di chuyển và vận động mạnh.

Trong các tháng sau đó, họ phải tuân theo giáo án cực kỳ khắc nghiệt để lấy lại thể trạng và cảm giác ở chân bị chấn thương. Công Vinh từng chia sẻ anh đã mất nhiều tháng để bơi và chạy trên máy hỗ trợ trước khi bước ra sân cỏ để tập luyện lại những động tác cơ bản như một cầu thủ trẻ mới vào nghề.

Cuối cùng, việc tái xuất và vào sân thi đấu phải được tính toán một cách kỹ càng để hạn chế rủi ro tái phát. Chấn thương dây chằng là dạng chấn thương dễ tái phát bậc nhất và chỉ cần một chút nóng vội, sự nghiệp "quần đùi áo số" có thể chấm dứt ngay lập tức. Số phận may mắn hay khắc nghiệt, đôi khi không nằm ở ý chí con người!

Chấn thương dây chằng nguy hiểm thế nào?

Có tất cả 4 dây chằng xung quanh khớp gối.

Hai dây chằng chéo trước và sau nằm ở vị trí bắt chéo với nhau, khi xương gối chuyển động xoay vào bên trong, chúng sẽ căng ra và cuốn vào nhau, giữ cho trục khớp ổn định, không bị tách rời.

Dây chằng chéo trước (ACL)  có nhiệm vụ cố định khớp gối vững theo trục trước - sau, giữ cho xương chày không bị trượt ra phía trước so với xương đùi. Đứt dây chằng chéo trước không ảnh hưởng nhiều đến chuyển động của khớp gối theo trục gấp - duỗi. Tuy nhiên, khớp gối sẽ rất lỏng lẻo trong vận động xoay và xoắn vặn: nhất là khi xoay người mà bàn chân đặt cố định dưới đất - đây là động tác quen thuộc với các cầu thủ khi họ muốn chuyển hướng mà trường hợp chấn thương của Đình Trọng là một ví dụ.

Dây chằng chéo sau (PCL) là một dây chằng tương đối khỏe, dày hơn  dây chằng chéo trước. Dây chằng chéo sau gồm hai bó sợi chạy dọc từ trước ra sau, đứt dây chằng chéo sau ảnh hưởng đến khả năng co duỗi của chân, không chỉ làm ảnh hưởng đến vận động viên mà còn gây ra khó khăn ngay cả trong sinh hoạt hàng ngày.

Dây chằng trung gian (MCL) là dây chằng nằm ở bên trong đầu gối. Dây chằng bên (LCL) là dây chằng nằm bên ngoài đầu gối tạo thành một góc hẹp ở phía sau. Chấn thương dây chằng bên là chấn thương dây chằng đầu gối phổ biến nhất.

Trong trường hợp bị đứt dây chằng mà không phát hiện hoặc điều trị kịp thời có thể dẫn đến một số tổn thương nghiêm trọng hơn, như là thoái hóa khớp. Nếu để thoái hóa khớp thì việc phẫu thuật thay khớp gối sẽ trở nên phức tạp và tốn kém nhiều chi phí hơn so với điều trị đứt dây chằng.

Tái tạo dây chằng bị chấn thương là một phẫu thuật phức tạp. Bác sĩ phẫu thuật sẽ phải lấy gân từ các bộ phận khác để thay thế vào dây chằng bị rách.

Đơn Ca
.
.
.