Cầu thủ giải nghệ ở tuổi 26 và nỗi đau của bóng đá Việt Nam
Mùa giải 2015, sau khi khiến Anh Khoa gãy chân, Quế Ngọc Hải đã bị treo giò 6 tháng và phạt 834 triệu đồng. Tuy nhiên số trận bị "treo" của QNH thực tế chỉ là 4 trận, vì thời điểm cầu thủ này nhận án phạt là khi V.League nghỉ, chuẩn bị cho mùa giải mới.
Từ lời kêu gọi của Phó Chủ tịch truyền thông VFF Nguyễn Xuân Gụ, Quế Ngọc Hải cũng được ông bầu, Phó Chủ tịch tài chính VFF Đoàn Nguyên Đức hỗ trợ một nửa tiền phạt. Sau vụ này, Quế Ngọc Hải tỏ ra rất hối hận, thậm chí còn có lúc phát biểu: "Tôi mong các cầu thủ giữ đôi chân cho đồng nghiệp của mình". Bây giờ, khi hay tin Anh Khoa chính thức đầu hàng bệnh tật, phải đau đớn giã từ sự nghiệp ở tuổi 26, không biết Quế Ngọc Hải đang có suy nghĩ gì?
Chắc chắn Quế Ngọc Hải (bìa phải) rất hối hận với hành động của mình. |
Thật ra ai cũng hiểu, trong một cuộc chơi mang tính đối kháng cao như bóng đá, những va chạm, chấn thương là điều không sao tránh khỏi. Mới nhất, sân cỏ thế giới vừa chứng kiến chấn thương ghê người của tiền đạo Fernando Torres của CLB Atletico Madird (Tây Ban Nha). HLV trưởng CLB Atletico Madird - ông Simeone nói rằng khi Torres ngã xuống, nằm bất động sau một pha không chiến thì ông nghe rõ một tiếng "rắc", và tự hỏi đấy có phải là âm thanh phát ra từ cái cổ của cậu học trò?
Trên sân lúc ấy, không riêng gì các cầu thủ Atletico, mà ngay cả các cầu thủ đối phương -Deportivo cũng tức thì... tái mặt. Có người thậm chí đã khóc rưng rức. Khóc trước một tai nạn - một chấn thương mà họ sợ rằng với nó Torres sẽ không còn là Torres nữa. Một khi đã chấp nhận dấn thân vào nghề cầu thủ, người ta phải chấp nhận những chấn thương như thế, nếu nó chẳng may ập đến với mình.
Nói về chuyện Torres và chuyện những chấn thương trên sân cỏ châu Âu để thấy nó là một vấn đề chung, chứ không phải là vấn đề riêng của những giải đấu yếu kém kiểu như V.League. Nhưng ngay trong cái chung đó người ta vẫn nhận ra những cái riêng, những sự khác biệt, và đấy đều là những... khác biệt rợn người.
Nếu ở châu Âu, những pha bóng bạo lực, mang tính triệt hạ diễn ra với tần số thấp thì ở V.League nhiều năm nay nó thậm chí đã trở thành một căn bệnh kinh niên. Mùa giải nào cũng bạo lực, mùa giải nào cũng "rút kinh nghiệm" nhưng rồi mọi thứ vẫn chẳng thay đổi là bao.
Một phần vì bạo lực đã "ăn" vào máu của một bộ phận không nhỏ các cầu thủ, các HLV, đến nỗi khi gây ra chấn thương kinh hoàng cho người khác, có thể ngoài miệng họ vẫn tỏ ra ăn năn hối lỗi, nhưng thực bụng, khi trò chuyện với nhau theo kiểu trà dư tửu hậu họ lại không nghĩ thế. Cũng có trường hợp thực bụng muốn sửa, nhưng cái thứ bệnh đã "ăn" vào máu - "ăn" từ khi còn là một cầu thủ trẻ, đá các lứa U thì không dễ gì ngày một ngày hai mà sửa được.
Ví dụ rõ nhất là trường hợp của Quế Ngọc Hải, sau khi vào bóng ác hiểm, làm gãy chân Anh Khoa, chỉ hơn nửa năm sau đó, khi khoác áo Đội tuyển Việt Nam đá giao hữu với một CLB của Nhật Bản, Quế Ngọc Hải cũng tái diện lại đúng pha vào bóng ác hiểm ấy. Nhìn rộng hơn, những pha bỏ bóng đá người, lao cả gầm giày vào ống quyển đối phương được giới chuyên môn nhìn nhận như một pha bóng "truyền thống" của các cầu thủ Sông Lam xưa nay.
Từ thời Hữu Thắng đến Huy Hoàng và Quế Ngọc Hải, những pha bóng như thế cứ lặp đi lặp lại. Và bây giờ, khi cầu thủ Sông Lam khoác áo các CLB khác, rồi lên khoác áo Đội tuyển Quốc gia, những pha bóng như thế vẫn khiến người hâm mộ chân chính thi thoảng phải... nhói tim.
Ánh mắt phẫn nộ của người cha Sau khi phạm lỗi nặng với Anh Khoa, bị dư luận xã hội lên án gay gắt, Quế Ngọc Hải cùng một lãnh đạo CLB Sông Lam Nghệ An đã chủ động vào Đà Nẵng, tới nhà nạn nhân thăm hỏi và xin lỗi. Lúc đầu, cha Anh Khoa không chấp nhận lời xin lỗi này, vì theo ông: "Đá bóng mà triệt chân, triệt đường sống của nhau như thế là tàn ác". Những người có mặt trong cuộc gặp gỡ này cho hay ánh mắt của cha Anh Khoa lúc đó đầy tức giận. Tuy nhiên, trước sự hối hận và lời xin lỗi chân thành của Quế Ngọc Hải và CLB Sông Lam, gia đình Anh Khoa cuối cùng cũng chấp nhận lời xin lỗi này. Cùng với sự chấp nhận đó, họ đã tìm đủ mọi cách chữa trị cho Anh Khoa, nhưng theo một lãnh đạo CLB Đà Nẵng thì: "Ngay sau khi sang Singapore phẫu thuật, Anh Khoa đã được thông báo là gần như không còn cơ hội trở lại sân cỏ nữa...". (Tuấn Thành) |
Nhưng đấy chỉ là một mặt của vấn đề, ở mặt còn lại, phải nói rằng chính Ban Tổ chức V.League trong nhiều trường hợp cũng có những biểu hiện bênh vực, bao che cho bạo lực. Rõ nhất là khi Hoàng Vũ Samson (CLB Hà Nội) nhảy lên cao đạp gầm giày vào đùi của cầu thủ trẻ Châu Ngọc Quang (Hoàng Anh Gia Lai) ở vòng 3 V.League năm nay, thế mà Ban tổ chức giải câu kết với Ban trọng tài lại kết luận rằng: "Đấy không phải bạo lực", và rằng "gầm giày của Hoàng Vũ Samson chỉ trượt lên đùi Châu Ngọc Quang".
Xin hỏi, trong tình huống này, nếu Châu Ngọc Quang cũng bị chấn thương nặng giống Anh Khoa - nạn nhân của Quế Ngọc Hải, thì những nhà làm giải có dám kết luận một cách vô trách nhiệm, bấp chấp dư luận và công lý như thế hay không?
Thật ra thì cũng có những trường hợp VPF, VFF nhanh chóng ra án kỷ luật cầu thủ sau những pha bóng bạo lực, nhưng khi đối tượng bạo lực thuộc những đội bóng có "số má", thậm chí bị nghi ngờ là có những quan hệ mật thiết với lãnh đạo Liên đoàn thì họ lại tìm đủ mọi cách để bao che.
Dù đã rất cố gắng, nhưng cuối cùng Anh Khoa đã phải chính thức đầu hàng chấn thương. |
Bây giờ thì Anh Khoa giải nghệ rồi đấy! Một cầu thủ trẻ chỉ vừa chập chững đá mùa V.League đầu tiên đã tan nát cả một sự nghiệp, cả một cuộc đời, cả một giấc mơ. Trách Quế Ngọc Hải - người trực tiếp tạo ra sự tan nát này chỉ là một phần, phần sâu xa nằm ở cái mầm mống bạo lực vốn được nuôi dưỡng ở không ít lò đào tạo cầu thủ, không ít CLB, và trong những trường hợp nào đó thậm chí còn được chính đơn vị tổ chức giải "bảo kê".
Và vì thế, điều đáng sợ nhất bây giờ là cứ với cái thực trạng này, không loại trừ khả năng trong tương lai, V.League sẽ còn có thêm nhiều Anh Khoa nữa?
Vết "sẹo" và án "tử" Anh Khoa buồn bã cho biết sau những nỗ lực tập luyện trở lại nhưng anh không thể hoạt động và xoay trở như những cầu thủ bình thường được nên buộc phải chia tay và tìm nghề khác để sinh sống. Việc Anh Khoa nói lời chia tay là một mất mát rất lớn cho chính cầu thủ này và cả bóng đá Việt Nam với vết "sẹo" bạo lực hủy hoại đời cầu thủ. Lại cũng có một vết "sẹo" liên quan đến giã từ sân cỏ dù bản chất khác rất xa vết "sẹo" bạo lực. Đó là cựu tuyển thủ quốc gia Huỳnh Quang Thanh và thủ môn Minh Nhựt đều của đội Long An. Cả hai bị xem là "tội đồ" chính trong hành vi phản cảm của đội Long An trên sân Thống Nhất chiều 19-2 với án phạt treo giò hai năm. Ở tuổi ngoài 30 của hai cầu thủ trên, việc nhận án phạt hai năm cấm thi đấu cũng đồng nghĩa với "án tử" đời cầu thủ mà cả hai đều nghĩ đến việc giải nghệ rồi học, tìm cho mình một nghề khác để sống. Chia sẻ về vấn đề trên, cựu cầu thủ Thể Công lại cũng từng là Ủy viên Ban Chấp hành VFF, Tổng Biên tập Báo Bóng Đá Vũ Mạnh Hải nói: "… Quang Thanh và Minh Nhựt có lỗi không? Có! Họ cũng cần có bản án dành cho hành động sai. Nhưng bản án của họ theo tôi là bản án dành cho "LỖI" chứ không phải bản án dành cho "TỘI". Sự bột phát của họ có tác động lớn từ cấp chỉ huy Long An. Nếu không có phản ứng hăng hái của nguyên Chủ tịch CLB Võ Thành Nhiệm và lãnh đạo đội bóng, có cho tiền họ cũng không dám làm gì ngoài việc ngoan ngoãn thi đấu. Họ nhận mệnh lệnh "dừng chơi" được phát đi từ lãnh đạo, từ cấp chỉ huy và họ là người trực tiếp thực hiện. Xử họ theo kiểu tìm kẻ yếu thế và yếu miệng nhất để đánh mạnh nhằm xoa đi những phận "TỘI" từ công tác điều hành, từ những "quyền lợi nhóm" làm ảnh hưởng đến cuộc chơi lớn và là những mồi lửa cho các CLB yếu thế phản kháng vì bị o ép, như thế là bất công…". (Nguyễn Nguyên - Báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh) |