Bóng đá Việt Nam đang xây “kim tự tháp ngược”

Thứ Bảy, 25/02/2017, 09:48
Là một cựu cầu thủ, một người từng nhiều năm làm việc ở Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), chuyên gia Vũ Mạnh Hải hiểu từng “chân tơ kẽ tóc” của nền bóng đá này. Trước hàng loạt những sự cố vừa qua của bóng đá Việt Nam, ông Hải đã có những chia sẻ gan ruột với phóng viên Báo CAND.

PV: Thưa ông, sự cố các cầu thủ CLB Long An tự "ma - nơ - canh" hoá bản thân để các cầu thủ CLB TP Hồ Chí Minh thoả sức ghi bàn đã xuất hiện tràn lan trên các trang báo thể thao quốc tế uy tín. Ông nghĩ gì về điều này.

Ông Vũ Mạnh Hải: Tôi nghĩ đây là hình ảnh đáng xấu hổ của bóng đá Việt Nam, là sự phản ứng rất thiếu văn hóa của đội bóng và cầu thủ Long An. Hành động của họ rất đáng lên án và phê phán.

Song tôi nghĩ, từ khi ra đời đến nay Long An luôn là một đội bóng “tử tế” do ông bầu rất có uy tín và yêu bóng đá Võ Quốc Thắng tâm huyết xây dựng. Các HLV và cầu thủ của đội Long An ít khi phạm những lỗi lầm để bị kỷ luật. Do đó phản ứng tệ hại, dại dột, thiếu kiềm chế ở trận đấu trên sân Thống Nhất ngày 19-2 vừa qua chắc chắn có lý do. 

Và như chúng ta đã biết, trọng tài Nguyễn Trọng Thư là nguyên nhân khiến họ bị ức chế khi anh này liên tiếp xử lý tình huống thiếu thuyết phục, khiến người ta nghi ngờ là "bắt ép" đội khách Long An. Đây cũng là “giọt nước tràn ly”, là hệ quả tất yếu của hàng loạt sai lầm của các trọng tài ở những vòng đấu trước và những mùa giải trước, khiến các đội bóng đang gặp khó khăn về thành tích như Long An cảm thấy bị đối xử bất công. Và một khi công lý không được những người “cầm cân nảy mực” thực hiện thì họ tự đi tìm công lý như thế đấy!

Ông Vũ Mạnh Hải.

- Tôi thì nghĩ, bên cạnh sự "ma - nơ - canh" hoá của các cầu thủ Long An, còn hai nhân vật cấp cao có mặt trên sân Thống Nhất hôm ấy là Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng và Trưởng ban tổ chức giải Nguyễn Minh Ngọc. Giá mà lúc ấy, ông Thắng hoặc ông Ngọc có những chỉ đạo, nhắc nhở, thậm chí răn đe kịp thời thì có lẽ cầu thủ Long An đã không dám đứng bất động như vậy. Ông có nghĩ thế không?

- Đúng vậy, hôm ấy cả hai “tư lệnh” của V-league có mặt trên khán đài, trực tiếp tai nghe, mắt thấy đầy đủ sự việc từ đầu đến cuối nhưng cả hai đều bất động, đều trở thành những ma nơ canh. Tôi thật sự không hiểu nổi thế là thế nào.

Tôi có thể thông cảm phần nào với ông Võ Quốc Thắng bởi có thể ông ấy lúng túng trong xử lý vì đội bóng do em ruột ông ấy (Võ Thành Nhiệm) làm chủ tịch và với tư cách Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF thì sợ người ta nghĩ thiếu khách quan khi can thiệp trực tiếp, đó là suy nghĩ chưa thấu đáo của ông ấy. 

Nhưng với Trưởng ban tổ chức V-League Nguyễn Minh Ngọc thì sự “ma nơ canh” của “tư lệnh” V-League thể hiện sự yếu kém, thiếu trách nhiệm và đặc biệt không đủ bản lĩnh để làm Trưởng ban tổ chức. 

“Tư lệnh chiến dịch” ngồi đấy với đầy đủ quyền lực, phương tiện làm việc, với các Giám sát ngay sát bên cạnh, với điện thoại trên tay, có đầy đủ thời gian suy xét, ngăn chặn sự đổ vỡ của chỉ một trận đấu mà để vở kịch đáng xấu hổ xảy ra, vậy thì có còn xứng đáng là Trưởng ban tổ chức một giải đấu với gần 30 trận không ?

- Trước đây, Trưởng giải Dương Nghiệp Khôi từng mất ghế sau một sự cố sân Vinh; Trưởng giải Trần Duy Ly cũng từng bị khiển trách sau một sự cố trên sân Thanh Hoá. Còn bây giờ, sau sự cố trên sân Thống Nhất, Trưởng giải Nguyễn Minh Ngọc vẫn vô can, ít nhất cho đến lúc này. Quan điểm của ông thế nào?

- Cách đây không lâu, khi VFF bổ nhiệm ông Ngọc làm Trưởng ban tổ chức V-League, tôi đã thấy ngạc nhiên và cho rằng như thế là rất vội vàng vì tôi biết ông ấy lâu rồi. Ông ấy còn trẻ, tuy có thời gian tham gia một số việc lặt vặt trong bóng đá nhưng không nhiều, có thể nói chưa đủ thời gian và kinh nghiệm, vì thế để xảy ra trận đấu phản cảm vừa rồi, trách nhiệm của Trưởng ban tổ chức V-League Nguyễn Minh Ngọc có mặt tại chỗ là rất lớn, nếu không nói là số 1. 

Sự bổ nhiệm vội vàng có tính chất cảm tính của ai đó trong VFF đã cho thấy hậu quả tai hại. Tôi nghĩ, ông Nguyễn Minh Ngọc phải bị quy trách nhiệm cao nhất vì đã để xảy ra trận đấu đáng xấu hổ ấy.

- Cầu thủ Long An phản ứng như thế là sai và đáng bị xử lý, nhưng nói đi phải  nói lại, công tác trọng tài và công tác tổ chức giải qua 6 vòng đấu đã để lộ ra quá nhiều bất cập. Đơn cử như vụ Hoàng Vũ Samson từng được tuyên trắng án nhưng sau, do áp lực của dư luận mà phải xử chiếu lệ, “treo” 2 trận. Vậy gốc rễ vấn đề nằm ở đâu?

- Công tác trọng tài hiện đang là nỗi bức xúc không chỉ của dư luận giới chuyên môn, người hâm mộ mà còn là của các đội bóng. Mới chỉ qua 6 vòng đấu mà vòng nào cũng có chuyện, có kiện cáo, có sai sót, điều đó thể hiện đây là khâu yếu nhất trong hệ thống tổ chức giải đấu. 

Nguyên nhân chính là do sự thiếu minh bạch, công tâm và khách quan của Hội đồng trọng tài mà vụ Hoàng Vũ Samson là ví dụ nổi bật nhất. Nhưng điều nguy hiểm hơn là người ta đã mất niềm tin vào sự điều hành, chỉ đạo của VFF và VPF trong vấn đề này. 

Sự bảo thủ trì trệ của Hội đồng Trọng tài khi kiên quyết bảo vệ cái xấu (vụ Samson), sự bênh vực vô lối của VFF với sự kiện ấy, sự bất nhất trong các quyết định kỷ luật của VFF, sự thay đổi khi bị dư luận phản ứng như giảm án Oma (FLC Thanh Hóa), buộc phải treo giò Samson 2 trận… cho thấy VFF và VPF không đủ năng lực chủ động giải quyết các vấn đề 

- Là một cựu cầu thủ, một người từng có nhiều năm làm việc ở VFF, ông nghĩ gì về VFF hiện tại? Liệu phải làm gì để có thể hy vọng V-League nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung thoát khỏi tình cảnh hiện tại?

- Tôi nghĩ cần phải xây dựng lại ngôi nhà VFF với mô hình đúng, đảm bảo tính minh bạch, khách quan của một tổ chức xã hội nghề nghiệp. Hình như chúng ta đang đi sai đường rồi vì cho đến năm nay, đã 17 năm bóng đá Việt Nam lên chuyên nghiệp nhưng ở Việt Nam có CLB nào chuyên nghiệp thực sự chưa? 

Bằng chứng rõ nhất: Hai đội được vào thi đấu các Giải AFC (Hà Nội FC và Than Quảng Ninh) nhưng chẳng có đội nào đủ tiêu chuẩn đá sân nhà. Có đội bóng nào tự nuôi được mình chưa? Còn hệ thống thi đấu nữa chứ.

Bóng đá Việt Nam đang xây “kim tự tháp ngược” với xu thế bóng đá thế giới, bởi thông thường các hạng từ thấp đến cao số đội bóng tăng dần, đằng này V-League là giải đấu cao nhất với 14 đội, trong khi đó giải hạng Nhất lại có 7 đội. Tôi chẳng thấy ở đâu lại như thế. 

Và còn điều này nữa nói mãi, nói nhiều… vẫn thế: Một ông chủ liên quan tài chính tài trợ cho 3, 4 đội bóng. Có sao đâu. Tôi hy vọng Chính phủ quan tâm chỉ đạo sát sao, bóng đá Việt Nam mới có hy vọng thoát khỏi tình trạng hiện tại.

- Nếu có thể giới thiệu một người vào VFF, một người mà dư luận, người hâm mộ có thể hy vọng thì ông có thể "bói" được ai không?

- Có đấy, nhưng nói sớm là có khi hỏng việc đấy.

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Anh (thực hiện)
.
.
.