Cá tính Việt chính ở yếu tố dân tộc
Sinh sau nhưng luôn lạc quan
Nói về nền âm nhạc Việt Nam đầu tiên phải nhắc tới dòng ca khúc cách mạng. Đất nước mình từ hồi hai cuộc kháng chiến giành độc lập tự do, ca khúc đã góp phần to lớn động viên quân và dân ta đánh thắng kẻ thù. Nếu kể ra thì “Hành quân xa”, “Giải phóng Điện Biên” của Đỗ Nhuận, “Tiến bước dưới quân kỳ” của Doãn Nho rồi Hoàng Việt thì “Lên ngàn”, “Lá xanh”…
Giai đoạn đó chủ yếu là những ca khúc. Phải sau năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, ta mới có cơ hội xây dựng nền âm nhạc. Lúc đó dàn nhạc giao hưởng (GH) quốc gia được thành lập và có những nhạc sĩ bắt đầu viết tác phẩm khí nhạc.
GS.TS Nguyễn Văn Nam. |
Tất nhiên ban đầu còn đơn sơ nhưng cái gì cũng vậy, khởi sự thì non rồi cũng phải đến lúc trưởng thành. Nhạc giao hưởng ở ta giai đoạn đó, phải công bằng mà nói nếu so giữa lực lượng biểu diễn thì sáng tác yếu hơn. Dàn nhạc đã đánh được những tác phẩm kinh điển như Giao hưởng số 5 và Giao hưởng số 6 L.V. Betthoven, Giao hưởng số 6 của P.I. Tchaikovsky, Giao hưởng số 9 của A.Dvorak…
Qua một thời gian sau đó, nhà nước cử những sinh viên ra nước ngoài học, thế hệ đó trở về đã có những tác phẩm bài bản quy tắc hơn. Dẫu thế nhạc giao hưởng của ta so với thế giới vẫn là còn non trẻ lắm, sinh sau đẻ muộn mà. Nửa cuối thế kỷ XX mới có tác phẩm đầu tiên, đó là bản giao hưởng có tiêu đề “Quê hương” của NS. Hoàng Việt.
Mặc dầu vậy, cũng có những trường hợp sinh sau nhưng có điều kiện nên người ta phát triển rất nhanh. Ví dụ như nước Nga, khi nền âm nhạc phương Tây đã phát triển mạnh rồi thì Nga mới có M. Glinka, họ coi ông là cha đẻ của nhạc cổ điển Nga. Sau đó thì họ đã có những tên tuổi lẫy lừng thế giới như P.I. Tchaikovsky, D. Shostakovich, S. Prokofiev, I. Stravinsky…
Như thế có nghĩa thế kỷ XX Nga đã là một tên tuổi rất lớn trên các khán đài âm nhạc thế giới. Nói vậy để thấy là mình có niềm tin dù muộn nhưng nếu kiên trì học tập kinh nghiệm nước ngoài thế nào cũng đạt được những hiệu quả tốt đẹp.
Cá tính nằm trong chính bản sắc dân tộc
Trong âm nhạc giao hưởng, việc học tập tinh hoa thế giới vô cùng quan trọng, nhưng không được copy y chang. Thuận lợi là do xuất phát điểm muộn nên lúc bấy giờ những tư liệu về âm nhạc dân gian của ta vẫn như cây rừng hoang sơ, nguyên vẹn chưa có ai khai thác, còn ở Âu châu đã bị cầy bới mấy trăm năm rồi.
Bản thân mỗi nhạc sĩ phải đặt cho mình nhiệm vụ tìm hiểu học tập cho được những kinh nghiệm quý báu của các bậc thầy thế giới từ cổ điển như J.S. Bach hay Haydn, Mozart, Betthoven… đến lãng mạn rồi hiện đại, đương đại…
Tức là mình học người ta kỹ thuật, kiến thức tổng hợp để có khả năng hiểu biết, diễn đạt chuyên nghiệp. Nhưng nếu lại làm y như người ta thì ở đời không có bao giờ việc bắt chước nguyên dạng lại hay hơn người trước được. Học tập và vận dụng một cách linh hoạt, phù hợp mới là quan trọng.
Đối với một tác phẩm, nếu anh viết đơn giản quá thì đi ra thế giới người ta không có nể. Nhưng nếu vẽ rồng vẽ rắn mà mất đi bản chất của mình thì cũng bị coi thường. Cách duy nhất để anh thoát ra khỏi cái bóng của thế giới là phải khai thác cho được tài nguyên của “cánh rừng” hoang sơ dân ca dân nhạc truyền thống.
Cho nên khi viết một tác phẩm cần phải cố gắng để tài sức ngang nhau với những tác phẩm tiên tiến của thế giới, nhưng cái hồn phải là hồn của Việt Nam. Vì cái hồn của Việt Nam thì người ta không có được, như vậy là mình thuận hơn người ta rồi. Cần phải hướng tác phẩm tới hiệu quả sao cho khi nghe ta thấy gần gũi, thích thú và tự hào.
Tự hào là phải mang tính thời đại, gần gũi vì chất dân tộc lại rất chuyên nghiệp. Đó là việc đầu tiên của nhạc sĩ sáng tác. Việc thứ hai là phải làm sao khi nghe bạn (thế giới) thấy thích thú và nể phục. Nếu làm được hai việc này coi như tác phẩm thành công.
Cũng có trường hợp đặc biệt, tác phẩm khi biểu diễn lần đầu không được quần chúng hoan nghênh liền vì ngôn ngữ, phong cách và thẩm mỹ quần chúng có khi chưa theo kịp được người sáng tạo, nên người ta chưa tiếp thu được. Ví dụ khi tác phẩm “Mùa xuân vĩnh cửu” của Stravinsky công diễn tại Paris thì bị la ó, thậm chí có khán giả còn định đánh tác giả.
Một bà già lên tận sân khấu nói: “Này Stravinsky! Tao đã 60 tuổi hơn rồi mày đừng có đánh lừa tao” (cười). Lần đó Stravinsky chạy ra phía sau, nhảy qua cửa sổ phi nước đại và thoát khỏi cảnh đó (cười). Nhưng chỉ một năm sau nó đã được ca ngợi là tác phẩm xuất sắc của thời đại.
Do đó những em hiện nay đi theo con đường sáng tạo âm nhạc không lời thì việc đầu tiên phải kiên trì, nghe thật nhiều tác phẩm, nghiên cứu kỹ thuật trên thế giới đặt mình đừng có lạc hậu với thời đại nhưng cũng phải biết yêu những làn điệu dân ca dân vũ. Đó là chất liệu quý báu vô cùng, anh có kỹ thuật rồi anh biết cách khai thác thì không cần phải nhiều, chỉ một cái mô-tip nhỏ thôi cũng sẽ tạo thành một tác phẩm tốt.
Kinh nghiệm bản thân
Tôi may mắn được nhà nước cho đi học tại Nga, lại có một tấm lòng yêu âm nhạc dân gian. Từng có thời gian đi điền dã ghi chép âm nhạc khắp các địa phương. Thử tưởng tượng xem từ Bắc vô Nam thì những biến hình âm nhạc dân gian phong phú thế nào.
Chúng ta có Quan họ, Hát Xoan, Ca trù, rồi có những điệu lý, câu hò, có hát ru Nam bộ, hò vùng Đồng Tháp Mười, Cần Thơ, Vĩnh Long, mỗi điệu hò như vậy xúc động lắm... Trong khi hồi nhỏ gia đình tôi ở Tiền Giang, một trong những cái nôi của nhạc tài tử nên tôi được ảnh hưởng một cách tự nhiên, “ăn” vào trong máu. Nhưng cách khai thác vào tác phẩm phải linh hoạt.
Ví dụ, bản giao hưởng số 3 có tiêu đề là Concerto Symphone, tức là một bản concerto cho đàn violon cell với dàn nhạc của tôi được chọn biểu diễn trong Hội diễn âm nhạc thế giới mang tên “Mùa xuân Leningrad lần thứ 12” trong thời gian tôi tu nghiệp tại Nhạc viện Quốc gia St. Petersburg. Khi tác phẩm của tôi vừa trình diễn xong được hoan nghênh nhiệt liệt, khán giả đứng dậy và vỗ tay tới gần nửa tiếng đồng hồ.
Tác phẩm này tôi đề “Tặng những em bé mồ côi sau chiến tranh”. Vì trẻ mồ côi không cha không mẹ nên nếu ở thành phố, những em trai thường đi đánh giày, bán báo, còn em gái thì tối đi bán chè đậu xanh, đậu đen…
Tôi nhớ mãi câu rao của một cô gái đi bán chè dạo giữa đêm khuya, khi thành phố đã vắng thì vang lên tiếng rao (nhạc sĩ cất tiếng): “Đậu xanh… nấu đường…” Thế nên tôi đã khai thác nét đó làm chủ đề chính của cái bản giao hưởng số 3 gồm 4 chương.
Chương đầu là độc thoại cho đàn cello chỉ đánh lên giai điệu: “mì - la - đố - fà” (chính là tiếng rao). Chương 4 khai thác tiếng Ầu ơ ru con. Nói ra đây không phải để khoe khoang mà tôi muốn dẫn chứng cách tiếp thu âm nhạc dân gian vào tác phẩm. Và như thế nó dễ chinh phục người khác lắm.
Hiện tại, tôi đang viết Giao hưởng số 10 với tiêu đề là: “Những ngôi mộ không tên – kính tặng những người lính, những chiến sĩ vô danh đã chiến đấu dũng cảm hy sinh trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại vì độc lập tự do của Tổ quốc” Nó là bản giao hưởng đồng thời cũng là bản cầu siêu.
Tôi rất vui vì ở ngoài Bắc đã bảo sẽ diễn, trong Nam cũng thế. Bà xã tôi mới được đi lên Điện Biên về đã khóc, kể lại cảm xúc khi đi ra nghĩa trang thăm viếng trên 2.000 ngôi mộ không có tên. Nếu ở Quảng Bình còn nhiều hơn nữa. Tôi mới nghĩ những người nằm xuống đó để mình có được cuộc sống như mình hôm nay.
Trong khi, lúc họ ra đi họ có đòi cái gì đâu, không đòi hỏi trả tôi lương bao nhiêu, cho tôi cái chức gì. Những con người đó thật tuyệt vời, phải thắp nén hương lòng để mà kính dâng lên họ. Khi tôi viết xong 3 chương rồi lại “đẻ” ra chương 4, còn bây giờ thì phải 5 chương, nhưng từ giờ tới cuối năm phải xong.
Giới trẻ phải tìm cho được cái tôi từ dân tộc
Phải nói từ các bậc tiền bối như Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận… đến thế hệ sau như Huy Du, Nguyễn Nhung, Hoàng Hiệp cũng ra đi hết rồi. Tôi là tương đối sống dai (cười) nên bây giờ giới trẻ phải tiếp nối.
Để làm được nhiệm vụ đưa nền âm nhạc giao hưởng Việt Nam phát triển các em phải tự tạo cho mình được kiến thức tổng hợp, một tình yêu sâu sắc đối với những cái gì quý báu của quê hương để từ đó sáng tạo nên được những tác phẩm lớn, dài hơi và có được cái riêng so với bè bạn.
Thế hệ trẻ ngày nay có nhiều em, trong đó Giáng Son phụ nữ đó cũng làm được việc lắm, hay Phạm Minh Thành rồi thế hệ trước mà vẫn đang sung sức có Đặng Hữu Phúc, đặc biệt là Đỗ Hồng Quân… viết nhiều, có đóng góp nhiều cho nền âm nhạc.
Một tiết mục của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam do nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc chỉ huy. |
Còn nhiều em khác tôi hay nói vui là quỹ thời gian các bạn còn phong phú và nhiều lắm, do đó các bạn đừng có phung phí ráng xài tiết kiệm như kiểu tụi tôi hồi xưa để làm cho được nhiều cái tốt đẹp hơn. Cha hơn con thì không được, mà con hơn cha thì nhà mới có phúc.
Với học trò tôi không có gì bí mật, không giấu gì cả, có gì nói hết để cho các trò biết rồi sáng tạo và biến cái chung thành cái riêng, chứ cứ để trò yêu mình thì không thành cái của trò được, không thành nghệ thuật.
Nhưng cũng còn một thực tế ảnh hưởng đến sự phát triển âm nhạc giao hưởng là môi trường hoạt động cũng như đời sống kinh tế. Đến ngày nay, dòng nhạc chính thống cũng được nhắc tới, tuy nhiên những nhạc sĩ chuyên nghiệp còn nghèo lắm, thậm chí có người rất nghèo. Họ chỉ giàu nhất là cảm xúc của âm nhạc quê hương, giàu nữa là kiến thức tổng hợp.
Tôi nghĩ dù khó khăn nhưng hiện nay vẫn có những người luôn động viên, có những người gắn bó tâm huyết thì chắc chắn âm nhạc giao hưởng sẽ phát triển. Nguồn phong phú giai điệu tiết tấu âm nhạc dân gian sẽ được họ sử dụng một cách xứng đáng. Tôi luôn tôn trọng và ủng hộ bạn trẻ.